___
Thấy đã sắp đến trưa, tôi cùng Từ Thông Chiêu chuẩn bị đến nhà ăn của nhân viên dùng bữa.
Thang máy mở ra, bên trong có một số người đàn ông cao lớn đang đứng, tất cả đều mặc vest đen, hai tay sau lưng và chân dang rộng, trong khi chỉ có một người đứng ở phía ngoài cùng bên trái, mặc áo khoác đen, đội mũ lưỡi trai màu xanh lam và một chiếc khẩu trang trắng, chỉ để lộ một ít tóc đen và vành tai mịn màng. Tư thế của người đó thong dong thư thả, như đang ở trong một khu vườn nhỏ ngắm trăng, nhưng lúc này đang cúi đầu nghịch điện thoại di động.
Có lẽ là một minh tinh nào đó.
Tôi cùng Từ Thông Chiêu đứng ở một bên, canteen ở tầng 3, nhưng thang máy lại đang sáng đèn ở nút đến tầng ngầm thứ hai.
Tôi bước tới và nhấn nút thang máy, chiếc áo lông vũ của minh tinh kia nằm ở mép nút thang máy, nhưng người đó thậm chí còn không có ý di chuyển khi tôi bước tới.
Mãi cho đến khi tôi lùi lại hai bước, người đó mới rời mắt khỏi chiếc điện thoại, vành nón che khuất gần nửa khuôn mặt, tôi không biết người đó có đang nhìn tôi không, nhưng khi thang máy lên đến tầng ba, khi tôi chuẩn bị ra khỏi thang máy thì đã bị ngăn lại.
Người đó cởi khẩu trang, lộ ra đường nét khuôn mặt thanh tú cổ điển, đuôi mắt cong lên, giống như một hồ ly tinh phong tình vạn phần.
Tuy chỉ là hồ ly đực.
Hồ ly mỉm cười, vừa mang nét xấu xa vừa mang vẻ quyến rũ.
"Thầy Đặng?"
Giọng nói của cậu như tơ lụa, vừa như cơn mưa bụi ở Giang Nam tháng ba, vừa mông lung vừa êm ả.
Mỗi một âm thanh đều như tiếng suối xa uốn quanh chín khúc mười tám ngõ, êm tai vô cùng.
Tôi lập tức nhớ đến buổi tối ngày ấy, hai người bọn họ cùng đứng dưới tàng cây hút thuốc, giống như hai nhân vật đan thanh được khắc hoạ trong một bức tranh với mưa bụi mờ ảo. Đã mấy năm trôi qua rồi, khuôn mặt ấy vẫn thanh tú mỹ lệ như cũ, lúc nhìn người khác ánh mắt cũng mang theo ba phần ngạo mạn cùng bốn phần không đứng đắn, đồng thời chỉ cần cái liếc mắt cũng đủ nhìn ra những suy tính trong lòng người.
Đôi mắt cậu ta thoáng qua một chút sự ngạc nhiên, khuôn mặt được khắc hoạ bằng những nét bút tinh xảo kia bỗng mỉm cười.
Lúc cậu cười rộ lên khuôn mặt như trẻ ra vài phần, mang theo một khí chất thông minh không thể xem thường. Tựa như lần đầu tiên gặp cậu ta, dáng vẻ cậu ngồi trên ghế sô pha mà chơi xấu người khác, lại khiến người xem dễ dàng mềm lòng. Nhưng về sau, tôi biết được rằng, cũng với nụ cười đó cậu ta cũng có thể kéo người khác xuống địa ngục.
Tôi sợ cậu ta.
Tuy tính tình Phó Dư Dã lạnh lùng, kiêu ngạo lại bá đạo, nhưng đó chỉ là một nỗi ưu phiền không thể nói ra khi trên tay cầm một thanh bảo kiếm sắc bén nặng nề. Mà Lâm Lễ, cậu ta chính là ám khí tẩm độc dược, vừa tinh xảo, lại khiến người ta mất dần ý thức một cách chậm rãi.
Cậu ta cũng gọi tôi là thầy, nhưng lại chưa từng để tôi vào mắt, không ai lại muốn khom lưng trước một hạt cát trên nền đất cả. Tựa như cậu ta đã nhìn đủ loại người cùng nhau đến lấy lòng cậu, chẳng qua tôi cũng có chút biết điều, biết cậu ta sẽ lịch sự chào tôi, cũng chỉ vì Phó Dư Dã đối xử với tôi rất tốt, mà quan hệ giữa cậu và Phó Dư Dã cũng tốt, cho nên cũng khách sáo đôi phần với tôi.
Số lần gặp mặt Lâm Lễ cũng nhiều lên, là sau khi đã ở cùng Phó Dư Dã, khi đó tôi mới biết quan hệ giữa hai người bọn họ thân thiết cỡ nào, nửa đêm cùng nhau lên núi đua xe, cùng nhau đi bắn súng, cùng nhau làm mấy chuyện phong lưu linh tinh rắc rối, tôi nghe dì bảo mẫu của Phó Dư Dã nói, Đạo Nhi là bạn cùng tuổi thân nhất của Tiểu Dã.
Tôi hỏi "Đạo Nhi" là ai, dì nói với tôi đó là Lâm Lễ.
Trong tên Lâm Lễ có chữ "Tự" (*), nhưng cái tên này gọi lên cũng có chút không hợp, gọi một thiếu niên như ông cụ thì cũng có chút kỳ, cho nên người lớn trong nhà đều gọi cậu ta là Đạo Nhi.
Cậu ta sinh ra trong một gia đình thư hương (**) chân chính, là đời thứ tư, có thể bắt nguồn từ cử nhân Hán Lâm vào cuối thời nhà Thanh, sau đó là Chính quốc Nam Kinh, tiếp xúc đều là với các nhân vật quý tộc nổi tiếng. Sau đó Trung Quốc mới được thành lập, chính trị, kinh doanh, học thuật đều có tên họ. Dì nói vài cái tên, tôi đã từng nghe qua hai cái, một người là sử gia nổi tiếng thời cận đại, một người là nhà thư pháp.
Mà ông của Phó Dư Dã và ông của Lâm Lễ đã từng cùng du học ở Đức, ông của bọn họ cùng chung một thế hệ, quen biết nhau khi đi đánh giặc. Mà về sau lại có các loại quan hệ gia tộc phức tạp cho nên bọn họ đã chơi cùng nhau từ nhỏ.
Nếu so sánh thì Phó Dư Dã mang nét Tây hơn nhiều, vẻ ngoài với nét lai giữa Trung Quốc và phương Tây nhìn cũng không tệ, nhưng vẫn có một loại khí chất tích tụ qua nhiều thế hệ thấm nhuần trong xương tuỷ của cậu ấy. Vì vậy dù Phó Dư Dã đã ra nước ngoài du học khá lâu, nhưng khi trở về vẫn bị em của ông nội, chính là giảng viên dạy môn văn học của tôi, bắt buộc phải học tiếng Trung.
Lúc này có hai người muốn đi vào trong thang máy, vệ sĩ trong thang máy nhanh nhạy đứng ở cửa thang máy, giống như vệ sĩ gia tộc bảo vệ thiếu gia ngày xưa.
Từ Thông Chiêu đã kinh ngạc đến không nói thành lời.
Cô ấy nhìn Lâm Lễ rồi lại nhìn tôi.
Trong miệng như ngậm phải một vạn dấu chấm hỏi, nhưng vẫn an tĩnh không nói câu nào.
Lâm Lễ nói với Từ Thông Chiêu: "Cô không ngại đi thang máy khác chứ?"
Từ Thông Chiêu: "Không không không, không ngại."
Sau đó nhanh chân bước ra khỏi thang máy, vệ sĩ đứng ở cửa mở đường cho cô qua rồi lại đứng về vị trí cũ.
Mà tôi như bị bao vây trong thang máy không thể nào nhúc nhích, bởi vì thời gian dài cứ đứng im, thang máy phát ra thanh âm tích tích tích.
Lâm Lễ nói: "Thầy Đặng, lên trên ngồi đi."
Cậu ta hẳn đã sớm nhìn thấy thẻ nhân viên trên ngực tôi, như vẫn gọi tôi là "Thầy Đặng."
Chú thích
(*) Lâm Lễ: 林蠡, có bộ "Tự" 字
(**) thư hương: nhà dòng dõi nho học