Dịch: TruyenHD
Tiểu hoà thượng đang ngồi trong chánh điện tập trung nghe lời kinh kệ của sư phụ, y khép mắt ngồi thiền, tay chuyên chú lần chuỗi hạt.
Đột nhiên, bên mũi thoang thoảng một làn hương son phấn dìu dịu, có người đang nhẹ kéo tăng bào của y. Y mở mắt ra, quay sang nhìn tiểu cô nương nọ.
Nhìn thấy chiếc bồ đoàn trống không bên cạnh tiểu hoà thượng, Dư Tiểu Ngư bất giác cong cong khoé miệng, sau đó nàng liền lưu loát ngồi lên bên trên.
Hòa thượng trụ trì hé mắt nhìn sang tiểu cô nương, nhưng nàng không mảy may luống cuống, còn nhanh trí học theo bộ dáng đoan chính của tiểu hoà thượng mà bái lão nhân gia người một bái. Lão trụ trì nhẹ nhàng gật đầu, như chào mừng nàng đến nghe kinh.
Chánh điện vô cùng an tĩnh, chỉ có đâu đó tiếng gõ mõ “lốc cốc” cùng tiếng tụng kinh khàn khàn của lão trụ trì đan xen, nhạt nhẽo đến mức khiến cho đầu Dư Tiểu Ngư ngày càng nặng trĩu.
Một lúc sau, nàng bị người khác gọi cho tỉnh dậy.
Dư Tiểu Ngư dụi mắt ngơ ngác nhìn khắp bốn phía, chánh điện hầu như trống trơn, chỉ có duy nhất một tiểu hoà thượng đang lặng lẽ đứng trước mặt nàng, vì nàng mà chắn đi những tia sáng mặt trời chói chang chiếu nghiêng vào Đại Hùng Bảo điện.
“Thí chủ, thời giờ không còn sớm nữa.” Y chắp tay cúi đầu, vái chào nàng.
Bài kinh này đã giảng suốt một buổi sáng rồi.
Nhìn ba cây hương lớn đã cháy gần hết trong lư hương, Dư Tiểu Ngư sờ sờ bụng, hỏi tiểu hoà thượng:
“Thẩm Trọng Uyên, đồ chay ở đây có ngon không?”
“Tất nhiên là không thể sánh bằng trù nghệ của thí chủ.”
Cái tên tiểu hoà thượng này còn là một hoà thượng dẻo miệng.
Nàng định đứng dậy nhưng chợt nhận ra hai chân mình nặng như đeo chì, bèn ra lệnh cho tiểu hoà thượng:
“Thẩm Trọng Uyên, đưa tay cho ta.”
Nàng nắm lấy bàn tay y, chật vật đứng lên. Lòng bàn tay nàng áp vào lòng bàn tay y, ở giữa được ngăn bởi một lớp tăng bào mỏng mảnh, song hai người vẫn có thể cảm nhận được hơi ấm từ bàn tay của người đối diện.
Một ấm, một lạnh.
Tiểu hoà thượng lại chắp tay niệm Phật, vội vàng hướng Phật Tổ sám hối.
Dư Tiểu Ngư đã quá quen thuộc với bộ dáng nhàm chán này của y, liền bịt tai nhấc chân bước ra ngoài.
—o0o—
Tại trai đường, một hàng hoà thượng đang ngồi gặm màn thầu. Ở cuối dãy bàn dài, có một tiểu cô nương cũng đang ngồi gặm màn thầu, chăm chú ăn tới mê say thích chí. Tiểu hoà thượng đẩy đĩa rau luộc ở trước mặt sang cho nàng, sợ mình tiếp đãi không chu đáo.
(Trai đường = nơi dùng cơm của Tăng Ni)
“Tiểu thí chủ dùng cơm có quen không?” Lão trụ trì bước đến, ánh mắt từ bi hiền hoà.
Lão nạp này cùng với phụ thân nàng là bằng hữu cũ.
Dư Tiểu Ngư chắp tay vái lạy lão nhân gia, cất cao giọng cảm tạ: “Đa tạ Tuệ Hoà sư phụ đã khoản đãi.”
“A Di Đà Phật”, Tuệ Hoà sư phụ cũng chắp tay, gật đầu nói:
“Nếu Dư thí chủ đã ăn uống thỏa thuê, thì xin mời sớm quay về, miễn cho gia phụ ở nhà lo lắng.”
Dứt lời, sư phụ liền căn dặn tiểu hoà thượng tiễn nàng trở về.
—o0o—
Đối diện với ánh mặt trời ban trưa gay gắt, hai người băng qua cây cầu đá bắc ngang con suối, cũng là nơi bọn họ gặp nhau lần đầu.
Dư Tiểu Ngư chắp tay sau lưng đi phía trước, còn tiểu hoà thượng chậm rãi đi theo phía sau, cứ thế cả hai cách nhau một trượng.
(1 trượng = 10 thước = 4,7 mét)
“Thẩm Trọng Uyên, ta có ăn thịt người sao?” Dư Tiểu Ngư đột ngột dừng lại đợi y, ngữ khí đầy bất mãn.
“A Di Đà Phật.”
“Ngươi lại đây!”
Tiểu hoà thượng vâng lời tiến lên vài bước, cuối cùng Dư Tiểu Ngư cũng hài lòng, bèn xoay người tiếp tục đi, tiện tay ngắt vài nhánh đào hoa dọc theo hai bên bờ suối nhỏ.
Đằng sau lại vang lên tiếng niệm Phật, khiến nàng tức giận ném thẳng cánh đào ra phía sau, dường như đang thay trời hành đạo.
“Thí chủ, mỗi một bông hoa, mỗi một phiến lá đều có tình.”
Tiểu hoà thượng nhìn tiểu cô nương giận dỗi rẽ hướng rồi ngồi phịch xuống bên bờ suối, y bèn cất lời tử tế nhằm khuyên nhủ nàng.
Dư Tiểu Ngư giận đùng đùng quay đầu lại, dùng lời thơ phản bác y:
“Hoa nở vào xuân nên sớm bẻ.
Đừng đợi mai sau bẻ nhánh tàn.” [1]
Bởi vì đang là giữa trưa, ven dòng suối có rất ít bóng râm, mà ánh mặt trời lại như thiêu như đốt, vì vậy tiểu hoà thượng bèn nhấc tay áo lên để che nắng cho nàng.
Dư Tiểu Ngư cảm nhận được trên đỉnh đầu có bóng người che chắn, trên gương mặt liền nở rộ một nụ cười thật tươi, nàng dứt khoát ngồi chống cằm, phóng tầm mắt nhìn khắp sơn cảnh ở phía xa xa bên kia con suối.
Cảnh sắc hôm nay dường như xanh biếc đến lạ, bầu trời hôm nay sao trong xanh đến lạ, mà tiếng chim hót hôm nay cũng vui tai đến lạ.
“Ngươi không tò mò vì sao sư phụ ngươi lại quen biết phụ thân ta hay sao?”
“Phi lễ vật ngôn.” [2] (Không hợp lễ thì không cần nói)
“Phụ thân ta là người xướng ca, còn Tuệ Hoà sư phụ thì gảy đàn cho người.”
“Nhã tức thị tục, tục tức thị nhã.”
(Điều thanh nhã cũng là lẽ thô tục, mà lẽ thô tục cũng là điều thanh nhã)
Dư Tiểu Ngư nghe không hiểu câu kệ của y. Nàng chỉ thấy mất hứng, vươn vai đứng dậy, rốt cục cũng muốn về nhà.
—o0o—
Tiễn nàng về đến tận cửa, tiểu hoà thượng thở phào nhẹ nhõm, y chắp tay niệm Phật, từ biệt nàng.
Dư Tiểu Ngư tựa người vào khung cửa chào tạm biệt tiểu hoà thượng, nàng lại nói y hệt như ngày hôm qua:
“Thẩm Trọng Uyên, ngày mai ta lại đến tìm ngươi!”
—o0o—
Chú thích:
[1] Trích bài thơ “Kim Lũ Y” (Áo tơ vàng)của nhà thơ Đỗ Thu Nương:
“Khuyến quân mạc tích kim lũ y,
Khuyến quân tích thủ thiếu niên thì;
Hoa khai kham chiết trực tu chiết
Mạc đãi vô hoa không chiết chi.”
Bản dịch thơ của Hoàng Nguyên Chương:
“Xin chàng đừng tiếc áo tơ vàng
Hãy tiếc ngày xanh chịu dở dang
Hoa nở vào xuân nên sớm bẻ
Đừng đợi mai sau bẻ nhánh tàn.”
[2] Khi học trò Nhan Uyên hỏi về đức nhân, Khổng Tử đã trả lời rằng:
“Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động.”
Nghĩa là: Không nhìn điều sai, không nghe điều bậy, không nói điều trái, không làm điều quấy.