Những Vụ Án Trên Thế Giới

Chương 256: Hai sinh viên xuất sắc Ꮆiết người để thử tài cảnh sát (p2)

Vụ án bế tắc

Robert E. Crowe, một thám tử nổi tiếng với nhiều năm kinh nghiệm được chỉ định là người phụ trách vụ án này. Ông bắt đầu điều tra từ bức thư của kẻ bắt cóc. Những người có chuyên môn cho biết văn bản này được soạn bởi một người đánh máy nghiệp dư nhưng lại có trình độ học vấn bởi lời văn trong bức thư khá sắc sảo, chặt chẽ. Chi tiết này khiến các nhà điều tra đặc biệt chú ý bởi sự thông minh của hung thủ chính là một trong những yếu tố nguy hiểm.

Từ đây, cảnh sát tập trung điều tra 3 giáo viên ở ngôi trường nơi Bobby Franks theo học, những người được cho là không ưa cậu bé này bởi tính cách nghịch ngợm, ương bướng. Họ được đưa tới sở cảnh sát để thẩm vấn trong khi căn hộ của họ cũng bị lục soát. Tuy nhiên sau đó, cảnh sát phải nhanh chóng trả tự do cho cả 3 vì không có gì đáng nghi vấn.

Các tờ báo thi nhau đăng tải hình ảnh cặp kính bí ẩn và cảnh sát cũng liên lạc với tất cả công ty kinh doanh mặt hàng này trong khu vực. Trong khi đó, Richard Loeb (19 tuổi) là hàng xóm với gia đình Franks đã đề xuất nên tập trung đi tìm nhà thuốc mà kẻ bắt cóc muốn ông Jacob Franks tới.

Đề xuất này cũng là một ý tưởng hợp lý. Sau một thời gian tìm kiếm, cảnh sát đã tìm thấy nhà thuốc Van de Bogert & Ross. Nhân viên bán hàng xác nhận rằng có 2 cuộc gọi trong ngày 22/5 hỏi ông Franks. Lần thứ nhất, người bán thuốc nói rằng không có người đàn ông nào trong cửa hàng theo như mô tả những hung thủ vẫn gọi điện lại sau đó ít phút. Việc tìm ra hiệu thuốc đã không thể giúp tìm được thủ phạm.

Cũng vào thời điểm này, người lái xe taxi đã nhớ ra rằng có hai thanh niên ăn mặc bảnh bao đến yêu cầu anh tới nhà của Jacob Franks. Tuy nhiên, người này không thể nhớ nổi khuôn mặt của họ vì thời gian tiếp xúc quá ngắn.

Vụ án dường như rơi vào bế tắc.

Chiếc kính với thiết kế đặc biệt

Thanh tra Robert E. Crowe lục lại toàn bộ hồ sơ vụ án và chú ý đến ngay cặp kính tìm thấy tại hiện trường. Nó là cặp kính dành cho những người chuyên làm công tác nghiên cứu, mắt kính tròn to, dày và khớp nối của gọng kính rất đặc biệt, hiếm gặp ở những loại kính thông thường.

Trong khi đó, một nhóm cảnh sát đi hỏi thăm quản lý khu vực vui chơi quanh hồ Wolf. Sau khi hỏi rất nhiều người, đội điều tra có được thông tin đáng chú ý rằng nơi này có một vị khách thường xuyên tên là Nathan Leopold, 19 tuổi, tới đây để nghiên cứu về các loài chim. Ngay lập tức Leopold được triệu tập về văn phòng cảnh sát để điều tra. Tuy nhiên, những thông tin mà Leopold cung cấp trong quá trình quan sát chim ở hồ đều không có gì đáng nghi vấn.

Đúng 8 ngày sau, cảnh sát đã phát hiện ra chi tiết quan trọng. Chiếc kính tìm được ở hiện trường được bán ra với số lượng rất ít, chỉ có 3 chiếc trong khu vực Chicago. Thật trùng hợp khi một trong những người sở hữu chiếc kính đó không ai khác chính là anh chàng nghiên cứu các loại chim, Nathan Leopold.

Ngày 29/5/2004, Nathan Leopold được cảnh sát gửi thư mời vào phòng kín của khách sạn LaSalle để lấy lời khai. Sở dĩ, Leopold được đối xử đặc cách như vậy vì cậu cũng là con trai của một gia đình khá danh tiếng ở vùng. Thanh tra Robert E. Crowe sợ rằng, nếu chọn nhầm mục tiêu, ông sẽ phải trả một cái giá chính trị không nhỏ.

Cuộc thẩm vấn kín đáo

Tại phòng kín của khách sạn LaSalle, khi cảnh sát hỏi về cặp kính, Nathan Leopold cho biết vào ngày thứ 7, vài ngày trước khi Bobby Franks bị bắt cóc, Nathan như thường lệ tới khu vực hồ Wolf cùng hai người bạn và bị vấp ngã, có thể lúc đó chiếc kính đã rơi ra khỏi túi ngực.

Nghe vậy, một trong những cảnh sát đã đặt kính vào túi ngực Nathan và đề nghị cậu thực hiện lại cú ngã. Tuy nhiên, dù đã thử rất nhiều lần với nhiều tư thế ngã, chiếc kính vẫn không hề bị rơi ra ngoài.

Khi được hỏi rằng bản thân đã làm gì trong ngày xảy ra án mạng, ban đầu Nathan trả lời vòng vo nhưng sau đó lại khẳng định đã dành phần lớn thời gian lang thang cùng người bạn thân Richard Loeb. Buổi tối ngày Bobby bị bắt cóc, Nathan và Richard đã đón 2 cô gái và lái xe đi chơi đến khi trở về nhà.

Trước tất cả những câu hỏi của điều tra viên, Nathan Leopold tuy ra vẻ bình thản nhưng cảnh sát vẫn có thể nhận thấy chàng trai này đang trả lời một cách nhanh chóng như thể đang cố lướt qua tất cả. Dường như để đưa ra bằng chứng ngoại phạm, anh ta nói uống quá nhiều rượu nặng nên chỉ nhớ mơ hồ và không rõ chi tiết những việc mình làm trong buổi tối hôm đó.

Theo đánh giá của cơ quan điều tra, Nathan đang cố tình giấu giếm điều gì đó. Ngay sau khi nghi can này được gọi tới phòng hỏi cung để gặp cơ quan điều tra, người bạn Richard Loeb cũng được mời đến nói chuyện. Người này không phải ai xa lạ, chính là hàng xóm của gia đình Franks cũng là người trước đó đã đề xuất nên tập trung đi tìm nhà thuốc mà kẻ bắt cóc muốn ông Jacob Franks tới.

Những lời khai đầy uẩn khúc

Để tìm ra lời khai 2 người có nhất quán hay không, cơ quan điều tra tiến hành so sánh và tìm ra nhiều điểm khá khớp ở lời khai của 2 người. Richard cho biết mình đi với Nathan từ buổi chiều và đến tối muộn thì ai về nhà nấy. Phiên chất vấn kéo dài cả buổi chiều mà không có nhiều thông tin đáng nghi nào được tiết lộ từ Richard.

Sự bình tĩnh và chi tiết trong các lời khai giống nhau khiến cảnh sát ban đầu thậm chí đã tin vào câu chuyện của họ. Khi được thả ra, cả hai có buổi trò chuyện thẳng thắn với báo chí. Nathan chia sẻ quan điểm của mình khi được phóng viên hỏi: “Tôi không trách cảnh sát đã bắt giữ để hỏi cung chúng tôi. Đấy là công việc của họ”.

Nói về việc cái kính xuất hiện gần hiện trường tìm thấy xác Bobby, Nathan cho hay: “Tôi đã ở gần khu vực cống nước trong hai ngày thứ 7 và chủ nhật. Có một điều chắc chắn là tôi xuất hiện ở đây trước khi Bobby bị gϊếŧ và cặp kính của tôi có thể bị rơi khi tôi khom người nhìn cống nước”.

Tuy nhiên, về phía thám tử Robert E. Crowe, ông vẫn cảm thấy có gì đó uẩn khúc ở đây. Ông đã tới tìm hiểu thông tin từ phía những người bạn học của Leopold thì biết rằng chàng trai này thường viết các bài luận của cậu trên máy đánh chữ hiệu Hammond. So sánh chúng với các dòng chữ viết trên bức thư tống tiền, Crowe nhận thấy chúng thuộc cùng một loại máy đánh chữ và ngay cả cách sử dụng từ ngữ và một số ký hiệu cũng có nhiều điểm trùng hợp.

Cánh sát tiếp tục tiến hành thẩm vấn tài xế của gia đình Nathan. Trong ngày xảy ra án mạng, viên tài xế đã lái xe cả ngày và chỉ để xe trong gara vào tối muộn, khi ông về nhà. Trong khi đó, Nathan và Richard lại khai rằng họ đã sử dụng xe của Nathan để lái lòng vòng cả buổi chiều vào tối trong ngày Bobby mất tích.

Từ đây, cảnh sát bắt đầu có hướng điều tra rõ ràng.