Thập Niên 80: Chị Đây Sống Lại Trước Khi Đổi Hôn

Chương 101

Ngày hôm sau, tờ mờ sáng, cô quay lại bến xe, trên lưng khoác chiếc cặp, đi dán một tờ giấy có kích thước bằng lòng bàn tay ở lối ra vào của nhà ga, trên giấy viết: Hãng TV Vĩnh Yên chuyên bán các loại linh kiện thiết bị gia dụng lâu đời, giá cả ưu đãi, một con ốc vít chỉ mất 5 mao tiền, địa chỉ…

Hoàn toàn giống với lời quảng cáo đăng trên tờ "Khê Hóa Nhật Báo".

Diệp Mạn đặc biệt chú trọng đến ốc vít, bởi vì đây là bộ phận cơ bản nhất của bộ linh kiện, lần trước cô viết thư cho các nhà máy, bên kia tính phí hai đồng, mà đề nghị hiện tại của cô đã rẻ hơn 3/4 so với giá trực tiếp của bên kia, nếu những hộ kinh doanh cá thể giống cô nhìn thấy báo giá này, chắc chắn họ sẽ quan tâm, ai làm buôn bán có thể từ chối được sự hấp dẫn của giá thấp đâu.”

Bến xe đông đúc người và xe cộ, dù người đến người đi có quan tâm hay không, nhân tiện dán vài tờ quảng cáo cũng không tốn công lắm.

Tuy nhiên, phương pháp giăng lưới bắt khách hàng như thế này, thì hiệu quả rất thấp, muốn tìm được khách hàng mục tiêu phù hợp trong thời gian ngắn thì phải áp dụng phương pháp chính xác hơn.

Diệp Mạn không biết những cửa hàng sửa chữa đồ gia dụng ở thành phố Phụng Hà này nằm ở chỗ nào, cũng không thể tra trên bản đồ, nếu cứ chạy xung quanh cả thành phố để tìm kiếm, vậy thì hiệu quả sẽ rất thấp.

Cách tốt nhất là đi nằm vùng ở gần các nhà sản xuất lớn. Bởi vì có nhiều người thiếu linh kiện bảo dưỡng như cô, có khả năng sẽ đến xưởng mua, ngay từ đầu nên mục tiêu của Diệp Mạn chính là nhóm người này. Các nhà sản xuất bán buôn không coi trọng những người làm kinh doanh nhỏ như họ, lại không biết nhu cầu của những người này sẽ lớn như thế nào với sự phổ biến của các thiết bị gia dụng. Cô thừa dịp các nhà sản xuất bán buôn còn chưa chú ý đến điều này, trước mắt kiếm chác được một chút, nếu không, chờ bọn họ phản ứng lại, công việc kinh doanh của cô với tư cách là một người trung gian cũng sẽ không dễ dàng làm được.

Diệp Mạn mua một tấm bản đồ, chuyển hai lần xe theo chỉ dẫn trên bản đồ, đến xưởng máy giặt ở thành phố Phụng Hà. Diệp Mạn không vào nhà máy để làm trò cười, cô chỉ đi loanh quanh trong khu phố gần đấy, sau đó có thời gian thì dán một mẩu quảng cáo nhỏ ở nơi dễ thấy trên đường, rồi dán hàng chục cái lên khắp nẻo đường.

Tạ ơn trời vì lúc này không có quản lý đô thị, cũng không có luật và quy định nào liên quan, nếu không cô đã được mời đi uống trà phạt tiền rồi.

Sau khi dán quảng cáo, Diệp Mạn lại chú ý tới những cửa hàng gần đó, cuối cùng bước vào một cửa hàng nhỏ bên đường.

Cửa hàng này diện tích chưa đến mười mét vuông nhưng có vị trí rất tốt, nằm bên phải xưởng máy giặt, có thể nói đây chính là nơi duy nhất đi vào xưởng giặt là. Cửa hàng nhỏ chủ yếu bán nước ngọt, bánh quy, bánh mì, thuốc lá và các mặt hàng linh tinh khác, khách hàng chủ yếu là công nhân viên chức của xưởng máy giặt và những người đến đây làm việc.

Người bán hàng là một cô gái khoảng hai mươi tuổi, nhìn thấy Diệp Mạn, cô ta lập tức tươi cười chào hỏi: “Chào chị, chị muốn mua gì ạ?”

“Cho tôi một gói bánh quy.” Diệp Mạn tùy ý chỉ vào một gói bánh quy, nhân cơ hội thối tiền thừa nói chuyện phiếm với chủ cửa hàng: “Cô gái, tôi muốn hỏi cô một chuyện, ví dụ, nếu máy giặt xảy ra vấn đề, yêu cầu một số linh kiện thay thế, nhà máy có bán không?”

Cô gái đưa cho Diệp Mạn tiền thừa, nhìn cô một cái: “Không bán, xưởng máy giặt là nhà máy lớn, mấy cái linh kiện riêng lẻ không có bán.”

Quả nhiên, kết quả này giống hệt với khi cô viết thư cho các nhà máy bán buôn. Diệp Mạn lại hỏi: “Vậy thường ngày nếu muốn mua linh kiện thì phải làm sao bây giờ?”

Cô gái ngáp một cái nói: “Có thể làm gì được chứ? Nếu như tìm được người quen, dựa vào mối quan hệ thì còn có thể làm được, nếu không tìm được vậy thì quên đi.”

Diệp Mạn biết xưởng máy giặt thật sự không để ý đến chuyện này, nên có thể bọn họ cũng không quá quan tâm đến việc nếu cô bán linh kiện dưới mí mắt họ, nói không chừng họ còn rất vui vì những hộ kinh doanh cá thể không đến đây làm phiền họ nữa ý chứ.

Vì vậy, Diệp Mạn trực tiếp giải thích mục đích: “Cô gái, tôi muốn nhờ cô một việc, đừng lo lắng, không phải để cho cô trợ giúp vô ích, sau khi hoàn thành việc, tôi sẽ cho cô một khoản phí hoa hồng, mỗi đơn hàng trích cho cô 10 đồng phí, cô nghĩ sao?”

Cô gái trẻ cảnh giác nhìn cô: “Làm gì vậy? Chúng tôi chỉ có một cửa hàng tạp hóa nhỏ, e rằng không giúp được gì cho cô đâu.”