Thập Niên 80: Chị Đây Sống Lại Trước Khi Đổi Hôn

Chương 67

Bây giờ không giống sau này, muốn mua cái gì có thể đến các khu công nghiệp tương ứng để mua sắm trực tiếp, hoặc thậm chí có thể mua mọi thứ hoàn toàn trực tuyến.

Bây giờ, bạn phải tìm từng cái một, phí công sức thì chưa nói, mấu chốt là bạn có thể không mua được đầy đủ tất cả. Ví dụ như tivi có rất nhiều linh phụ kiện, những thứ này không có nhiều kĩ thuật gì cao thâm nhưng lại có rất ít hãng sản xuất và còn phân tán rải rác, phải tìm hiểu nghe ngóng kỹ từng bộ phận một, hao công tốn sức, hao sức lực vật chất còn chưa chắc đã tìm mua thành công.

Vào lúc này, ưu thế của quản lý Triệu đã bắt đầu được bộc lộ rõ. Ông đã làm việc trong nhà máy sản xuất TV Hồng Tinh hơn mười năm, rất quen thuộc với các loại linh phụ kiện, lại có mối quan hệ sâu rộng trong nhà máy, mua một ít công cụ bỏ đi với ít linh kiện là chuyện dễ như trở bàn tay. Đây là lý do tại sao Diệp Mạn cố hết sức để lôi kéo quản lý Triệu. Quản lý Triệu cũng không ngờ rằng mình còn chưa đi làm, Diệp Mạn đã giao nhiệm vụ cho ông rồi, cũng may ông đối với chuyện này rất quen thuộc: "Được, cháu cần gì thì cứ lập một danh sách, ngày mai chú đến nhà máy hỏi xem sao.”

Trong một chiếc TV có hàng trăm đến hàng nghìn linh kiện, làm sao Diệp Mạn biết được cái này chứ? Cô nói: "Cái này chú cứ tự xem xét rồi quyết định. Cần mua ba bốn bộ công cụ sửa chữa, còn có những phụ kiện cũ, nếu đi dò hỏi từng cái thì quá phiền phức. Hay là cứ hỏi mua theo kí đi. Bộ phận bảo trì của chúng ta mới bắt đầu hoạt động, nguồn quỹ tương đối eo hẹp, chú nên mua các linh kiện bình thường có tần suất sử dụng nhiều hơn.” Quản lý Triệu đồng ý. Hai người vừa nói vừa đi về phía cửa hàng.

Diệp Mạn sau khi tan sở một lúc, dừng lại ở trên phố, không phải là đi loanh quanh lung tung, mà là thăm dò tìm kiếm những cửa hàng phù hợp. Sau khi cân nhắc và so sánh tất cả các bên, Diệp Mạn chọn vị trí của cửa hàng trên đường Đông Hưng, cách xưởng sản xuất TV Hồng Tinh chưa đầy một km. Con phố này là một trong những con đường chủ chốt nhất ở quận Trường Vĩnh, con đường này thông với mọi hướng, gần đó còn có một số sân viện của nhà ngang của các đơn vị lớn gần đó. Điều này có nghĩa là gần đó có một thị trường rộng lớn. Cửa hàng rộng hơn 20m2, có sàn bê tông, mái ngói đen, tường xây gạch, trát một lớp bột trét (sơn lót) màu xám, tổng thể là một màu xám xịt.

Quản lý Triệu nhìn nhìn căn nhà, hỏi: “Giá thuê cửa hàng này là bao nhiêu?”

“15 tệ một tháng.” Diệp Mạn nói.

Quản lý Triệu gật đầu: “Vậy cũng được đấy, cũng không tính là quá đắt.”

“Bởi vì cháu đã trả một lần toàn bộ tiền thuê của một năm.” Diệp Mạn mỉm cười. Nếu không, làm sao chủ nhà có thể cho cô một giá ưu đãi như thế được cơ chứ.

Quản lý Triệu quay phắt lại, kinh ngạc nhìn cô: "Tam Ni, cháu lấy đâu ra nhiều tiền như vậy? Sau này còn có tiền mua dụng cụ và phụ tùng thì sao? Hay là cứ mua chịu của nhà máy vậy?"

Loại chuyện cho nợ này cũng chả phải chuyện hiếm thấy gì, không chỉ là cá nhân và công xưởng, giữa các đơn vị với nhau cũng thường xảy ra chuyện này, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng tài chính hỗn loạn của các doanh nghiệp nhà nước trong thời kỳ này.

Diệp Mạn lắc đầu: "Không, chúng ta không nợ ai hết, cũng không mua chịu ở ngoài. Quản lý Triệu , chú không cần lo lắng về tiền bạc, cháu sẽ phụ trách hết. Trước hết chúng ta sẽ bàn chuyện tiền lương và đãi ngộ của chú đi. Mức lương cơ bản mỗi tháng là ba mươi nhân dân tệ. Những cái khác thì tính như tiền hoa hồng, với mỗi thiết bị được sửa chữa, chú có thể rút một khoản phí bảo trì là mười đồng. Ví dụ trong tháng này chú có tổng phí sửa chữa là một nghìn nhân dân tệ, vậy chú có thể trích ra tiền hoa hồng là một trăm nhân dân tệ từ nó, cộng với mức lương cơ bản là ba mươi nhân dân tệ, mức lương tổng cộng thực lĩnh là một trăm ba mươi nhân dân tệ. Chú thấy sao? "

Điều này đã được Diệp Mạn quyết định sau nhiều lần cân nhắc. Quản lý Triệu đâu giống với cô, trên có mẹ già, dưới có con thơ, trong nhà đều trông mong vào tiền lương chú mang về để phụ giúp gia đình, lương cơ bản có thể cho chú một sự bảo đảm cơ bản nhất, tiền thưởng có thể động viên quản lý Triệu làm việc tích cực hơn. Làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít.

Theo cách này, quyền sở hữu của cửa hàng cũng rất rõ ràng, thuộc về đầu tư cá nhân của riêng cô, cô là bà chủ và tự chịu trách nhiệm về lãi lỗ, quản lý Triệu là nhân viên, nhận lương cơ bản, hoa hồng và tiền thưởng. Quyền lợi và trách nhiệm rõ ràng, để tránh cho về sau lúc cửa hàng ăn nên làm ra lại xuất hiện bất đồng.

Quản lý Triệu nghe đến lương cơ bản thì hết sức ngạc nhiên, lương mỗi tháng của Diệp Mạn là bao nhiêu ông biết hết sức rõ ràng, đoán chừng sau khi trả tiền thuê nhà và mua nguyên liệu thì trong tay cũng không còn bao tiền, ông vội xua tay nói: "Không cần đâu, chúng ta cứ đợi cửa hàng khai trương có thể kiếm ra tiền rồi hẵng nói đến việc này sau.”

Diệp Mạn không đồng ý, tình nghĩa thuộc về tình nghĩa, kinh doanh thuộc về kinh doanh, cần phải nói rõ ràng ngay từ đầu mới có thể hợp tác lâu dài.