Thập Niên 80: Chị Đây Sống Lại Trước Khi Đổi Hôn

Chương 18: Tuyên bố chính thức 3

Vừa tiến đến gần, một tiếng bốp vang lên, một cái tát như trời đánh giáng xuống làm mặt cô ta sưng cả lên.

"Cút, đều là việc tốt con làm đấy, con nói rằng nhất định sẽ không xảy ra chuyện gì, kết quả thì sao, mặt mũi của nhà họ Cốc chúng ta bị con làm mất sạch cả rồi, còn hại anh trai con biến thành bộ dạng này nữa!" Mẹ Cốc tức giận mắng một câu, không thèm nhìn cô ta, đỡ con trai đi vào trong.

Cốc Tiểu Mẫn vừa đau lòng vừa mất mặt, cô che mặt, nước mắt tuôn rơi, sững sờ vài giây, sau đó cô ta đột ngột chạy một mạch ra khỏi nhà.

***

Diệp Mạn không biết rằng mình đã để lại một đống hỗn độn cho nhà họ Cốc dọn dẹp.

Cuộc hôn nhân này là nỗi đau khổ ở kiếp trước của cô, hai mươi năm đến Thâm Quyến, cô luôn cố gắng hết sức không nhớ đến mọi chi tiết trong cuộc hôn nhân này nữa, vì vậy cô đã sớm quên mất rằng ban đầu nhà họ Cốc cố gắng sắp đặt cuộc hôn nhân, coi cô giống như một chiến lợi phẩm để mọi người vây quanh bình luận.

Sau khi cô rời khỏi nhà họ Diệp trở về căn phòng nhỏ mà cô thuê, l*иg ga giường, dọn dẹp đồ dùng sinh hoạt thường ngày mới mua mấy ngày trước, sau này nơi đây chính là ngôi nhà mới của cô, ngôi nhà chỉ thuộc về cô, một ngôi nhà có thể che mưa tránh nắng cho cô, một ngôi nhà để cô quay về khi không có nơi nào để đi, không có nơi nương tựa.

Chỉ cần nghĩ về từ đó thôi là cô đã cảm thấy vô cùng yên tâm.

Dọn dẹp nhà xong đã hơn ba giờ rồi, Diệp Mạn ra ngoài mua hai lạng thịt, một bình rượu mà quản lý Triệu thích, mua một chút bánh ngọt và đồ ăn vặt, sau đó đến nhà họ Triệu.

Buổi trưa dì Triệu nghe quản lý Triệu nói về chuyện của Diệp Mạn, bà trở nên rất thương cô sau khi nghe kể qua những gì mà cô đã gặp phải, vì vậy bà đã chuẩn bị một bữa tối thịnh soạn để an ủi cô gái nhỏ bị người ta xem như món hàng rao bán, vì vậy nên bà đã xin tan làm sớm.

Bà vừa thắt xong tạp dề thì nghe thấy tiếng gõ cửa, vừa mở cửa thấy Diệp Mạn đang đứng ở cửa tay xách nách mang: "Đứa trẻ này sao lại mua nhiều đồ thế, phí tiền thật đấy, mau vào đi."

"Chút đồ thôi mà, không đáng giá bao tiền đâu. Lần này làm phiền quản lý Triệu và dì Triệu rồi ạ." Diệp Mạn nói từ tận đáy lòng, hai vợ chồng dì đều là những người nhiệt tình.

Dì Triệu xua tay: "Chuyện nhỏ ý mà, cháu khách sáo như vậy làm gì chứ. Cháu ngồi trước đi, ở đây có trà và hạt dưa, cháu cứ tự nhiên như ở nhà nhé, dì nấu cơm đã, chút nữa ông Triệu sẽ về thôi."

Diệp Mạn đứng lên nói: "Dì ơi, để cháu nhặt rau cho, hai người làm nhanh hơn, trước đây ở nhà cháu cũng làm mà."

Dì Triệu nghĩ để cô ngồi một mình ngoài phòng khách sẽ rất nhàm chán, nên bà vui vẻ đồng ý.

Quản lý Triệu về nhà nghe thấy tiếng cười nói vui vẻ trong phòng bếp, ông vươn cổ ra liếc nhìn: "Ôi, Tam Ni đến rồi à!"

"Ở nhà máy cũng chẳng có việc gì hết, ông không biết đường về sớm một chút à, còn để vị khách như Tam Ni vào giúp tôi nấu cơm." Dì Triệu nghe thấy tiếng thì ló đầu ra khỏi phòng bếp, oán trách chồng một câu.

Quản lý Triệu cười ha ha nói: "Đều là lỗi của tôi, còn bao nhiêu việc cần làm nữa, để tôi làm cho, hai người nghỉ ngơi đi."

"Làm xong hết rồi, không cần ông đâu, ông mau gọi mấy đứa nhỏ về ăn cơm đi." Dì Triệu xua tay.

Tối hôm đó, bữa cơm nhà họ Triệu rất thịnh soạn, có rau có thịt có cá, hơn nữa còn rất nhiều thứ khác, bốn đứa con nhà họ Triệu ăn no nê, đứa con nhỏ nhất của nhà họ Triệu mới sáu tuổi hồn nhiên nói: "Chị Tam Ni, sau này mỗi ngày chị đều đến nhà em đi, chị đến nhà em có nhiều thịt lắm!"

Dì Triệu dở khóc dở cười, gắp một miếng thịt vào bát của cô: "Mau ăn đi, hôm nay mà không ăn hết thì đừng nghĩ đến ngày mai đấy nhé."

Ăn xong cơm, đợi bọn trẻ học bài và ra ngoài chơi, dì Triệu rót một bình trà, ba người trong phòng khách lúc này mới có thời gian ngồi xuống trò chuyện.

Bàn tay đầy vết chai của dì Triệu vỗ nhẹ lên mu bàn tay của Diệp Mạn: "Tam Ni à, chuyện của cháu dì đều biết cả rồi, may mà cháu là một đứa trẻ có tính toán trước, không ngốc nghếch nghe lời cha mẹ cháu, con gái gả đi giống như đầu thai lần thứ hai vậy, kết hôn với người mình không yêu, cả đời này sẽ rất vất vả."

Đúng vậy, những bài học xương máu và đầy nước mắt của cô ở kiếp trước đã chứng minh sâu sắc điều này. Diệp Mạn gật đầu: "Dì nói đúng ạ."

"Dì nhiều lời một chút nhé, tiếp theo cháu dự định như thế nào?" Dì Triệu dịu dàng hỏi.

Diệp Mạn không hiểu nhìn bà: "Ý của dì là..."

"Dì hỏi về công việc của cháu đấy." Quản lý Triệu đặt cốc trà xuống nói: "Tam Ni, mỗi năm số người làm việc chính thức ở nhà máy của bọn chú chỉ có vài người, có bao nhiêu người đang để mắt đến, cháu chú ý chút nhé, ngày mai nộp đơn đến nhà máy đi, sau đó chú cũng sẽ tìm giám đốc nói giúp cháu về chuyện này."