Có Giọt Mưa Xuân Sà Vào Lòng Sông

Quyển 2 - Chương 59

Thịnh Đường dùng giấy ăn lau miệng, cánh mũi hơi hỉnh lên, đám người đang ăn cơm biết điều buông đũa xuống ngay, họ ngẩng đầu nhìn ông ta, hiểu rõ tiếp theo đây sẽ là một tràng ho sặc sụa.

Ông ta như chực ho ra máu, chất nhầy cuồn cuộn trong ngực và bụng, tràn vào phổi, rồi lại xộc lên cổ họng, tiếng động chẳng những khó nghe mà còn ảnh hưởng tới cả khẩu vị, ai nấy đều thấy buồn nôn, hay thậm chí là đau buốt cả người.

Cảnh Ninh khẽ cau mày, chầm chậm đưa tay xoa ngực, cô buồn nôn, nhưng vẫn phải kìm nén. Cô không nhìn Thịnh Đường chăm chú bằng ánh mắt quan tâm nửa thật nửa giả như những người khác, mà chỉ quay đầu liếc ra ngoài cửa sổ. Trời còn chưa tối hẳn, màu ráng chiều vẫn đọng lại, có chú chim khách lông xám tro đang nhảy nhót ngoài bệ cửa sổ, đôi cánh ánh lên thứ ánh sáng thoắt mờ thoắt rạng còn dư lại của nắng chiều.

Thịnh Đường nhìn cô chằm chằm, ông ta hắng giọng, nói: “Chọn ngày gặp người nhà họ Từ đi.”

Cô quay đầu lại, còn chưa hiểu ý cha mình. Thịnh Đường nhấp một ngụm hồng trà, khàn giọng: “Nhà họ Phan bao đời trong sạch, nhất định phải xử lý chuyện này thật gọn gàng, không được để lại vết nhơ.”

Bao đời trong sạch. Nghe bốn chữ này, Ngân Xuyên không khỏi thầm cười lạnh.

“Vết thương của Từ Đức Anh đã khá hơn chưa?” Cảnh Huyên dè dặt hỏi.

Ngân Xuyên đưa mắt nhìn Cảnh Ninh, nói: “Vẫn chưa xuất viện, nhưng không còn vấn đề gì rồi.”

Khóe môi Cảnh Ninh khẽ cong lên, cô cười lạnh: “Vậy giờ mọi người có thể đòi lại công bằng cho con, coi như ông trời có mắt.”

Nghe vậy, bà Vân thót tim, vội vã đưa mắt ra hiệu cho con.

Gân xanh tức khắc nổi đầy trán Thịnh Đường. Thấy cảnh này, Cảnh Ninh lại tỏ vẻ tò mò hết sức khôi hài. Phan Thịnh Đường thấy cô thản nhiên như không, chẳng có chút đau khổ tự trách, ông ta lại đâm nổi trận lôi đình, ngoài ra còn có nỗi căm hờn vô danh dậy lên. Thật là quái đản, giờ đây dường như ông ta đã hoàn toàn quên mất mình từng yêu thương cô con gái này tới mức nào, quên mất sự đáng yêu, xinh đẹp của cô từng khiến mình kiêu ngạo biết bao. Từ đầu tới chân cô gái trước mặt ông ta được phủ kín nỗi nhục nhã của Phan Thịnh Đường. Mỗi lần tâm trạng thất thường, ông ta đều có thể dễ dàng chuyển dời cơn giận lên cô.

Thịnh Đường trỏ Cảnh Ninh, lạnh lùng thốt: “Về sau cái nhà này không còn chỗ cho mày nữa, mày mau cút đi!”

Cảnh Ninh đứng dậy, không buồn phản bác. Ngân Xuyên kéo cô lại, trầm giọng: “Ăn xong đã rồi đi.”

“Mày dám bảo vệ thứ nghiệt chướng này ư?”

“Em ấy là người thân của con.” Ngân Xuyên đứng dậy, nhìn thẳng Thịnh Đường bằng ánh mắt lạnh lẽo, “Con không đồng ý để cha đuổi em ấy đi.”

Cảnh Huyên cũng đứng dậy: “Cha, con cũng không đồng ý.”

Thịnh Đường giận quá hóa cười, ông ta nhìn bà Vân: “Chúng nó phản cả rồi, còn bà thì sao?”

Bà Vân đứng ngồi không yên, đưa mắt nhìn ngang nhìn dọc, chẳng dám ho he lên tiếng.

Cảnh Ninh chầm chậm gục đầu xuống, ánh lệ loang loáng nơi đáy mắt.

Đây không phải lần đầu tiên cô bị đẩy vào tình cảnh này. Cha ghét cô tới cực độ, ông đã lên cơn giận dữ rất nhiều lần rồi. Cô nhìn thấy vẻ khuất phục không cam lòng và tình thương mềm yếu trên gương mặt mẹ, cô cũng đoán được sự lo lắng của mẹ lúc này. Thật ra cô hiểu anh cả luôn yêu thương che chở mình hoàn toàn khác biệt so với những người còn lại trong gia đình. Anh có sự nghiệp của riêng anh, và rồi anh cũng sẽ có một gia đình riêng, chưa chắc cuộc sống sau này của anh đã dính dáng tới cô. Còn anh hai, còn mẹ thì sao? Bọn họ gần như phải hoàn toàn phụ thuộc vào người cha đang trở nên xa lạ quá đỗi, kể cả mặt vật chất lẫn cuộc sống hàng ngày. Giả sử sự thất thường của cô khiến nhà họ Phan sụp đổ, chia năm xẻ bảy, cùng lắm cô chỉ cần buông xuôi, từ giã cuộc đời này, nhưng còn mẹ và anh hai thì sao? Nếu chết đi rồi, cô thậm chí còn chẳng có tư cách được họ thương nhớ.

Nhưng giả dụ cô có thể chết thật, thì chết cũng đã chết rồi, còn cần để tâm tới những chuyện này làm gì?

Tính tình cha càng lúc càng nóng nảy. Càng già, cha càng khó khống chế những chuyện hay những người xung quanh mình. Vậy là ông ta cứ thế mặc sức trút sạch cơn giận của mình với thế giới. Cảnh Ninh không rõ rốt cuộc ngày thường ông điều hành việc kinh doanh ra sao, nhưng cô và tất cả mọi người trong nhà đều hiểu rõ tính tình ông ta. Thịnh Đường kiên định thực tế như bánh lái con thuyền, ông ta suy tính mọi chuyện rất đỗi rõ ràng, lúc nào cũng mong kiểm soát tất thảy, kiểm soát tình cảm, tiền bạc, lợi ích, hoặc sĩ diện. Bộ dạng hiện giờ của Thịnh Đường chứng minh trái tim vững như bàn thạch và đế quốc tiền tài của ông ta đã sụp đổ nát tan.

Cảnh Ninh chẳng nghe rõ cha đang mắng chửi những gì. Cô đắm mình trong một thứ cảm giác ngơ ngác quái lạ, chỉ nghe tiếng gió thổi bên ngoài, chỉ tưởng tượng cảnh những phiến lá bạch quả dần ngả vàng, lá rơi chất thành một tấm thảm, khi bước lên, lại có tiếng nát vụn vang vọng rõ mồn một.

Sau đó cô sực tỉnh, cô hiểu giờ đây mình không có tư cách chết, cũng không có tư cách bần thần ngơ ngác. Cô khẽ hắng giọng, cố gắng nén những giọt nước mắt rất có thể sẽ ứa ra sau khi cất những câu nói tiếp theo, cô tỏ vẻ nhún nhường và yếu ớt tột cùng: “Cha, con là cốt nhục của cha mà, con là con gái cha, từ nhỏ tới lớn cha luôn thương con, yêu con. Dù con có sai lầm trăm nghìn lần, nhưng chẳng lẽ cha không chịu tha thứ cho con dù chỉ một chút thôi sao? Cha không muốn cho con một cơ hội sửa sai ư?”

Thịnh Đường cau mày nhìn cô, trầm lặng hồi lâu, ông ta chợt thở dài, đau khổ nói: “Sửa sai sao? Nếu con còn nhớ tới ân huệ cái nhà này ban cho con, thì hãy nghe lời gả sang nhà họ Từ đi, đừng có không biết phải trái như vậy nữa. Nhà họ Từ bao đời trâm anh, có thể coi như một gia tộc danh tiếng, con làm dâu nhà đó cũng không phải thiệt thòi gì. Rồi sau này xem con cống hiến cho nhà họ Phan được bao nhiêu, ta mới bàn tới chuyện có tha thứ cho con không.”

Gương mặt Cảnh Ninh nhăn lại, tựa cười tựa khóc, Thịnh Đường trông mà chỉ thấy phiền lòng, bèn ném khăn ăn xuống bàn rồi bỏ đi.

“Ông ta điên rồi.”

Câu nói này hiện lên trong đầu tất cả những kẻ còn lưu lại bàn ăn.

Cảnh Huyên tức giận: “Em gái con là người, không phải thứ đồ vật được mang ra để đổi chác. Hôm nay hy sinh con bé, ngày mai sẽ tới chúng ta. Chúng ta không được nghe lời cha.”

Nghe vậy, cuối cùng Cảnh Ninh cũng không nén nổi lòng mình, nước mắt cô trào ra. Bà Vân nắm lấy tay con, bất lực buông tiếng thở dài.

“Để anh nghĩ cách.” Ngân Xuyên nói, “Ninh Ninh, em đừng sợ, có anh ở đây.”

Cảnh Ninh gạt lệ: “Em không cưới Từ Đức Anh.”

“Không cưới thì không cưới.” Ngân Xuyên nói.

“Em muốn rời khỏi Hán Khẩu.”

“Em muốn đi đâu thì cứ đi.”

Cảnh Ninh mím môi, nở nụ cười.

Tim Ngân Xuyên như rung lên. Đây là lần đầu tiên anh nhìn thấy một nụ cười như vậy trên gương mặt cô. Đau thương, vô vọng, thê lương, bi ai, sao mà giống người mẹ đã khuất của anh tới vậy.

Một thời gian sau, không biết có phải nhờ những lời van xin của Ngân Xuyên với Thịnh Đường không, hay do Thịnh Đường đang bận bịu công chuyện chẳng có thời gian để ý, mà cuối cùng buổi gặp mặt với nhà họ Từ cũng bị gạt đi. Trường học khai giảng, vì phòng ốc còn đang được tu sửa, Cảnh Ninh và Lưu Trình Viễn bèn trú tạm tại một căn nhà tại Đông Hồ của nhà họ Lưu. Không bao lâu sau, Phương Kỳ Kỳ ham vui cũng chuyển sang. Có vẻ hai người bạn cũng biết Cảnh Ninh và Tử Chiêu xích mích, nhưng lại không dám gặng hỏi nguyên nhân. Đương nhiên Cảnh Ninh cũng không nhắc tới dù chỉ một lời. Thỉnh thoảng Cảnh Huyên lại ngồi thuyền băng qua sông, mang đồ ăn và đồ chơi cho em gái, Cảnh Ninh hỏi tới anh cả, Cảnh Huyên đáp: “Anh ấy phải đối phó với cha. Cha bận thì sẽ không gây chuyện quấy rầy em.”

Những hôm không có lịch học, Ngân Xuyên sẽ nhờ Tố Hoài qua sông đón Cảnh Ninh về Hán Khẩu. Biết cô không muốn ở nhà, hễ rảnh là Ngân Xuyên lại đưa Cảnh Ninh đi khắp nơi.

“Em đã thấy ổn hơn chưa?” Anh luôn ân cần hỏi cô.

Những lúc ấy cô sẽ đáp: “Ổn hơn một chút rồi.” Hoặc là mỉm cười với anh, nhưng hầu hết thời gian, cô sẽ chỉ đắp lên lớp mặt nạ lạnh tanh, vờ như không nghe thấy gì.

Sự thanh thản và bình yên trong tâm hồn đến từ nỗ lực lãng quên và chết lặng. Có một buổi hoàng hôn, Cảnh Ninh đi xe kéo từ trường học tới bến phà một mình. Cô mừng rỡ phát hiện sự trống rỗng và nỗi đau nhoi nhói trong lòng đã biến mất. Bến tàu có quan hệ mật thiết với nhà họ Mạnh. Trước kia, thời khắc ngồi trên tàu băng qua sông là giây phút cô đau khổ như muốn chết nhất. Nhưng giờ cô không đau đớn, cũng không nhớ tới người nọ nữa.

Thời gian quả là một thứ quá đỗi đáng sợ.

Nhưng sau này cô biết phải làm sao đây. Đời người còn rất dài, tương lai mờ mịt phía trước khiến cô hoang mang rối bời.

Trở thành giáo viên? Thành nhà nghiên cứu? Đến Phương Kỳ Kỳ cũng đã nghĩ tới chuyện về sau dù có kết hôn cũng sẽ không lỡ dở học hành.

Trình Viễn bảo: “Sau khi kết hôn, phụ nữ sẽ không thể làm được rất nhiều chuyện mình muốn làm. Tớ muốn giữ lại những thứ thuộc về mình, dù có thành vợ, thành mẹ người ta, tớ cũng sẽ không vứt bỏ nó.”

“Tại sao?” Cảnh Ninh hỏi.

“Vì tớ muốn nhắc nhở bản thân, dù tớ là phụ nữ, nhưng vai diễn tớ sắm trong đời mình sẽ không chỉ là một người vợ hay người mẹ.”

Cảnh Ninh gật đầu, cô phát hiện ra một sự thật tàn nhẫn: Cô đã đánh mất chính mình, cô không biết điều gì mới là thuộc về bản thân. Sau khi mối tình với Tử Chiêu chết yểu, những sở thích, hứng thú trước kia đã chẳng còn khiến cô vui được nữa. Thậm chí cô bắt đầu ghét bỏ âm nhạc, ghét bỏ cây đàn dương cầm mình từng yêu tha thiết.

Trách ai bây giờ? Chẳng lẽ lại trách người tựa đã bốc hơi khỏi thế gian kia sao?

Mỗi lần nhớ tới cậu, cô lại càng như đánh mất chính mình.

Bờ sông buổi xế chiều được rải lớp hào quang đẹp tuyệt, mỗi một con thuyền rẽ sóng băng qua, quầng màu rạng rỡ ấy sẽ lại đổi sắc, chẳng bao giờ trùng lặp. Cảnh Ninh tưởng tượng Mạnh Tử Chiêu đang ở trên một con thuyền nào đó, cậu cũng đang nhớ tới cô, vậy là nỗi đau đớn và nhớ nhung da diết cuồn cuộn kéo tới, khiến cô không sao thở nổi. Vẻ mặt bướng bỉnh, những cái vuốt ve nóng bỏng, hơi thở và cánh môi ấm áp; những lời lẽ yêu thương của cậu, nỗi giận dữ và đau đớn của cậu tác oai tác quái trong hồi ức cô, vừa đau khổ, vừa ngọt ngào.

“Hãy để con được gặp anh ấy.” Cảnh Ninh chắp tay, cúi gằm đầu, cô nhắm mắt cầu nguyện, thành kính như khi xưa bà vυ' người Pháp dắt cô đi xem tượng Đức mẹ Maria tại ký túc xá trường học. Cô thật sự không còn cách nào khác, chỉ đành cầu nguyện Thượng Đế mà cô vẫn chẳng mấy tin tưởng, cầu nguyện một sức mạnh thần bí như có khả năng thao túng vận mệnh của mọi tạo vật.

“Con cầu xin người, hãy để con được gặp anh ấy, con thật sự không nỡ, con không nỡ, cầu xin người…”

Gió sông khẽ thổi bay mái tóc dài của cô, lan can con đê bám hơi nước, thấm lên tay áo, nhưng Cảnh Ninh không thấy lạnh. Tiếng động cơ ngoài xa vọng lại, một con tàu chở hàng nhỏ lướt tới từ phía Hán Khẩu, từa tựa như con tàu Tử Chiêu từng ngồi cùng cô vào mùa hạ.

“Liệu anh ấy có trên đó không?”

Cảnh Ninh kiễng chân, mắt cô mở to, muốn nhìn cho rõ trên boong thuyền có người không, nhưng cô chỉ lờ mờ thấy những rương gỗ được xếp thành từng hàng cao tới cả mét. Trông chiếc cờ be bé màu xanh lam thắt trên mũi thuyền làm ký hiệu, cô nhận ra đây chính là con thuyền chở hàng Tinh Nguyệt của Tử Chiêu, tim cô đập rộn lên, chẳng lẽ cuối cùng Thượng Đế cũng nghe thấy lời cầu khẩn của cô rồi sao?

Con thuyền nhỏ không có ý định cập bến, chỉ dừng lại giữa sông trong thoáng chốc, rồi quay đầu trở về Hán Khẩu. Đầu Cảnh Ninh quay cuồng, máu huyết cuộn trào, cô ra sức vẫy tay, hét to: “Mạnh Tử Chiêu! Mạnh Tử Chiêu! Anh ra đây! Anh lái thuyền lại đây cho em!”

Con thuyền còn lúc càng xa, tàu chở hàng cỡ lớn bắt đầu tiến lại, che mất bóng con thuyền nhỏ. Không biết do con thuyền nhỏ đi quá nhanh hay tàu lớn có kích cỡ quá đồ sộ, mà khi cuối cùng mặt sông cũng đã được trả về với sự trống trải, chỉ còn khói sóng khi dậy lên, lúc lặng xuống, trời đã ngả đen, những cái bóng đen mờ của đám thuyền bè ngoài bến đã hòa vào thành một mảng hỗn độn.

Cảnh Ninh sốt ruột tới độ bật khóc thật to. Từ nhỏ tính cô đã bừa bãi tùy tiện, được yêu chiều hết mực, muốn gì có nấy, chưa từng gặp phải chuyện gì không đúng ý mình. Nhưng giờ cô mới phát hiện, mọi điều tốt đẹp mình sở hữu thời niên thiếu đều như viên kẹo ngọt được nếm trước khi uống thuốc. Ngọt ngào phía trước, đắng ngắt đằng sau. Không ngờ bài học lớn nhất sau khi trưởng thành chính là “cầu mà không được”.