Chủ nhật, bãi đất trống ngoài xưởng sản xuất thuốc lá đã rộn ràng tấp nập từ sớm. Các nghệ sĩ dân gian dựng chỗ biểu diễn, sạp bán đồ ăn vặt bắt đầu buôn bán, trời quang gió mát, liễu rủ phất phơ, thứ hương thơm ấm áp ẩm ướt phiêu đãng trong không gian, đây là mùi hương đặc trưng của một thành phố kề sông cận biển, ngập tràn nhựa sống hừng hực của cây cỏ, hòa trộn cũng mùi thơm của đám đồ ăn vặt, nào bánh hành, nào bánh vòng, len lỏi ngập tràn phố phường và cả lòng người.
Tất cả những thứ này đều khiến Cảnh Ninh cảm thấy vui vẻ, mà dường như có người lại chẳng hề vui như cô.
“Chọn xong chưa?” Cậu bé đứng sau lưng Cảnh Ninh bứt rứt ngó trái liếc phải.
Cảnh Ninh ngồi xổm dưới đất, cô đang lựa mấy món đồ chơi trong chiếc giỏ trúc của sạp hàng rong: hồ lô gỗ, lược gỗ, dây chuyền chỉ đỏ, ví tiền bằng vải bông, chọn xong rồi, cô bé đặt chúng lên chiếc khăn tay vải hoa trên đầu gối, vầng trán trắng nõn lấm tấm mồ hôi, Cảnh Ninh cúi đầu, rèm mi dài được ánh mặt trời nhuộm thành sắc ráng chiều, cô nói: “Sắp xong rồi, sắp xong rồi”.
Mạnh Tử Chiêu rất sốt ruột: “Mệt rứa.”
Cảnh Ninh nở nụ cười láu cá: “Mùa này làm gì có dứa mà ăn!”
Cô cười giọng địa phương của cậu đây mà. Mạnh Tử Chiêu giận dữ, nhưng cậu chỉ cười lạnh, rồi lại chợt vươn tay định búng mũi cô, Cảnh Ninh há mồm: “Cắn này!”
Cậu cuống quýt rụt tay lại, Cảnh Ninh bật cười ha hả, tiếp tục chọn chọn lựa lựa đám đồ trong giỏ trúc. Mạnh Tử Chiêu xáp lại: “Hừ, hôm nay cậu bẫy tôi, tôi sẽ ghi thù đấy.”
Cảnh Ninh chẳng lên tiếng, tóc cô không thắt thành đuôi sam sau gáy như ở trường mà được xõa ra, thắt nơ phía trên mái, những lọn tóc mượt mà dày dặn, đuôi tóc quăn nhẹ, tắm trong nắng mà ánh lên những tia sáng mềm mại. Cuối cùng cậu cũng vươn tay cốc thật nhanh lên trán cô, rất nhẹ, cô cũng không phản ứng lại, cậu lại cốc thêm cái nữa, Cảnh Ninh bèn lựa một món tượng gỗ nhỏ nhét vào tay cậu: “Cảm ơn cậu, tặng cậu cái này, đợi tôi thêm lát được không? Nghe lời nhé.”
Cậu nói không sai đi đâu được, cô đang bẫy cậu.
Cô nhận lời mời của mẹ cậu, tới nhà cậu chơi, vừa khéo mượn cơ hội này để thoát khỏi sự ràng buộc của cha mẹ và anh trai, cô hệt như chú chim nhỏ sổ l*иg, thậm chí Cảnh Ninh còn thấy tên kẻ thù ở trường trông cũng vừa mắt hơn nhiều.
Biệt thự nhà họ Mạnh là một tòa nhà kiểu Tây hai tầng nho nhỏ nằm gần Tuân Lễ Môn, phòng ốc nửa cũ nửa mới, đây là kiểu biệt thự Tây cỡ nhỏ bình thường tới độ không thể bình thường hơn được nữa tại đất Hán Khẩu, nhưng sau khi tiến vào cổng, vừa đi được mấy bước, Cảnh Ninh đã cảm nhận được sự khác lạ. Căn nhà được xây dựng theo kiểu rất phổ thông, nhưng vườn hoa lại nối liền với khu vườn của căn nhà bên cạnh, thậm chí còn chẳng có tường bao, ngoài vườn có đình đài lầu các, suối nước quanh co, còn có cả sân khấu, gác lửng và hành lang, đưa mắt nhìn sang hướng bắc, thấy có một chiếc hồ nhân tạo lăn tăn gợn sóng, giữa hồ có ngọn núi giả cùng cây cối rất tinh xảo khéo léo, rậm rạp tốt tươi, như một ốc đảo nhỏ, xét riêng vườn hoa này thôi, nếu so ra với nhà họ Phan, nơi đây lộng lẫy tráng lệ chỉ có hơn chứ không có kém.
Trước đây Cảnh Ninh cũng từng có dịp đi ngang qua căn nhà kế bên rồi, cha bảo cô đó là “Lưu Viên” tiếng tăm lẫy lừng tại Hán Khẩu, người sống ở đó chính là Địa vương Hán Khẩu, ông chủ Lưu này từng đứng trước mặt Lê Nguyên Hồng(*) dõng dạc nói: “Đô đốc dựng nên Dân Quốc, còn tôi thì kiến lập Hán Khẩu.” Quá nửa đất thổ cư của Hán Khẩu đều từng nằm trong tay người này. Vậy thì tại sao vườn hoa nhà họ Mạnh lại nối liền với vườn hoa của ông chủ Lưu?
(*) Lê Nguyên Hồng: quân phiệt và chính khách quan trọng trong thời Thanh mạt và đầu thời Trung Hoa Dân Quốc, từng hai lần giữ chức vụ Đại Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc.
Cảnh Ninh vô cùng ngạc nhiên.
Trong nhà, đồ đạc bày biện trang trí giản dị nhưng không kém phần tao nhã, bà Mạnh cười tiến lại đón hai đứa, Cảnh Ninh chào hỏi bà, Mạnh Tử Chiêu lừ đừ lết tới, thấy Cảnh Ninh, cậu ta chỉ lạnh lùng thốt: “Ờ, đến rồi à?”
Bà Mạnh lườm cậu: “Giả vờ giả vịt cái gì? Mẹ vạch mặt cho bây giờ?” Tử Chiêu ho khan, miễn cưỡng bước lại bên mẹ mình, bà Mạnh lại bảo: “Phép lịch sự của con đâu rồi? Mau chào bạn tử tế đi.”
Dường như Mạnh Tử Chiêu rất sợ mẹ mình, cậu mím môi, chỉ đành nói: “Chào cậu, Phan Cảnh Ninh, chào mừng cậu tới chơi nhà tôi.”
“Thế mới ngoan chứ!” Bà Mạnh cười.
Gương mặt thanh tú Mạnh Tử Chiêu cứ thoắt trắng thoắt đỏ: “Mẹ, Chiêm Chiêm vừa tìm mẹ đấy.”
“Lan Nhi đâu rồi? Không phải còn có Lan Nhi trông thằng bé sao?”
“Không biết đi đâu mất rồi, ban nãy Chiêm Chiêm bò từ giường xuống đấy.”
“Sao con không nói sớm!”
Bà Mạnh vội vã bước lên tầng, miệng vẫn không quên dặn dò con trai phải thiết đãi cô Phan thật tử tế.
“Ngồi đi.” Mạnh Tử Chiêu cố tỏ vẻ già dặn, giơ tay chỉ sô pha.
Cảnh Ninh cũng chẳng khách khí, cô ngồi xuống hỏi: “Sao vườn hoa nhà cậu lại nối với Lưu Viên thế?”
Mạnh Tử Chiêu đẩy mâm trái cây tới trước mặt cô: “Mấy năm nay ông Lưu đầu cơ đất, đang mắc nợ, năm ngoái ông ấy gán nhà và vườn hoa cho gia đình chúng tôi. Dạo gần đây em trai tôi ho nhiều, căn nhà bên bờ sông ẩm quá nên mới chuyển sang đây.”
Cảnh Ninh ngẩng đầu nhìn cậu, thấy dường như Mạnh Tử Chiêu không có ý đùa, cô lại đâm chẳng biết tiếp lời ra sao, bèn hỏi: “Kỳ Kỳ và Trình Viễn đâu, sao tôi nghe bảo mấy bạn ấy cũng tới mà?”
Mạnh Tử Chiêu lười nhác vắt một tay lên tay vịn xô pha, nhìn cô bé như cười như không: “Cậu cứ tới hỏi chúng nó là biết, mà nói chung, người ta không tới, cậu thì lại tới, còn tới sớm thế này nữa chứ.”
Cảnh Ninh không thèm chấp Mạnh Tử Chiêu, lúc này cô cũng đã có dự tính riêng rồi, chẳng buồn quan tâm tới cậu ta nữa. Cô bé nhìn bức ảnh l*иg khung treo trên tường. Ảnh chụp một ông già gầy gò mặc quan phục, bên cạnh là một dàn người khoác đồ Tây, tóc tết đuôi sam. Trong lúc Cảnh Ninh ngắm nghía, bà Mạnh đã bế Chiêm Chiêm xuống nhà, bà cười bảo: “Đứng giữa là đại học sĩ nội các Lý Hồng Chương, người thứ tư bên trái là ngài Thịnh Tuyên Hoài, Thịnh Tuyên Hoài đã cùng ông Lý Hồng Chương thực hiện phong trào Dương vụ (*)…”
(*) Dương vụ: Một trường phái, phong trào do quan lại cấp tiền thời nhà Thanh phát động, chủ trương liên kết với tư bản nước ngoài.
Bà Mạnh còn chưa dứt lời, Cảnh Ninh đã cười bảo: “Cô ơi, vậy người thứ sáu bên tay phải có phải ông nội của Tử Chiêu, vua thuyền Hán Khẩu lừng danh không ạ?”
Bà Mạnh cười: “Cảnh Ninh tinh mắt quá! Ảnh cũ thế này rồi mà cháu vẫn nhìn ra.”
“Mắt của Tử Chiêu rất giống mắt cụ Mạnh, vừa có tinh thần, vừa có khí phách, sáng rực rỡ!”
Bà Mạnh rất ưa lời nịnh hót này, bà ôm lấy vai Cảnh Ninh, nhiệt tình nói: “Cháu đúng là cô bé khéo miệng, cô chỉ muốn được đứa con gái như cháu thôi.” Chiêm Chiêm nằm trong lòng bà khúc khích cười, vươn tay ra nắm lấy ống tay áo Cảnh Ninh, Cảnh Ninh để mặc cho cậu nhóc siết, cô chạm vào gương mặt nhỏ xíu của Chiêm Chiêm, cười nói: “Cô ơi, cháu cũng muốn có một đứa em trai đáng yêu như Chiêm Chiêm.”
“Được được, nếu cháu làm con gái nuôi của cô thì Chiêm Chiêm sẽ là em trai cháu.”
Mạnh Tử Chiêu ho liền mấy cái thật to ngắt lời mẹ mình, bà Mạnh tủm tỉm cười liếc cậu, rồi lại quay sang nhìn Cảnh Ninh, Cảnh Ninh phát giác ra điều gì, gương mặt chợt đỏ bừng, cô cười: “Cô ơi, vườn hoa nhà cô đẹp quá, cháu có thể ra xem được không ạ?”
Bà Mạnh bèn điều Mạnh Tử Chiêu dắt Cảnh Ninh đi, rồi lại dặn đám người làm bưng trái cây và bánh ngọt theo, phần mình thì không làm phiền lũ trẻ nữa, bà mỉm cười nhìn hai đứa bé bước ra vườn hoa. Chú quản gia họ Trần đứng chờ bên cạnh từ đầu chí cuối, thấy vậy bèn cười: “Bà chủ, lo chuyện này ngay từ bây giờ có phải hơi sớm không? Mấy đứa vẫn còn nhỏ mà.”
Bà Mạnh sửa lại cổ áo cho Chiêm Chiêm, mỉm cười nói: “Giờ ở Hán Khẩu nhà họ Phan như mặt trời ban trưa, nhà họ Mạnh chúng ta lại sống dựa vào ngành vận tải đường biển, nếu hai nhà hợp lại thành một thật thì chẳng phải là chuyện tuyệt vời vẹn cả đôi đường sao? Chú Trần này, chắc chú không biết rồi, lũ nhóc càng nhỏ, tính toán trước lại càng tốt, tôi thấy chúng nó cũng quý nhau lắm. Chỉ cần lũ trẻ vui, người lớn cũng được mừng lây, cứ bảo người Quảng Đông xa cách khó giao thiệp, nhưng thật ra cũng dễ gần đấy chứ. Phải không?”
“Bà chủ nói phải.” Chú Trần cười.
Vườn hoa có đẹp nữa thì cũng chẳng níu được lòng dạ Cảnh Ninh, cô bé đứng bên hồ một lúc rồi hỏi: “Người ta gán cái vườn hoa này cho nhà cậu thật hả?”
Tử Chiêu ngẩn ngơ: “Tôi lừa cậu làm gì? Đừng nói là vườn hoa mà cả lầu diễn hí với phòng trà đều thuộc về nhà tôi cả.”
“Vậy chúng ta có thể đi qua lối mấy tòa nhà đó chứ?”
“Đương nhiên rồi, cổng hai nhà thông nhau, nhưng gia đình chúng tôi muốn tỏ ý tôn trọng ông Lưu nên bình thường không ra vào cửa nhà ông.”
“Nếu tôi muốn qua đó xem thì có phiền không?”
“Cậu muốn xem thì cứ xem đi. Tôi có phải người hầu của cậu đâu.”
“Thế cậu đứng đây chờ tôi, tôi qua ngó rồi lát sẽ về.” Cảnh Ninh chỉ chờ câu này của Tử Chiêu.
Cô nhân cơ hội bỏ lại Tử Chiêu phía sau, chạy thẳng tới xưởng sản xuất thuốc lá Nam Dương gần cổng Lưu Viên. Hồi trước, những lúc đẹp trời, Cảnh Sâm thường dắt cô và Cảnh Huyên tới khu chợ phiên ở đó xem xiếc, ăn quà vặt, mấy hôm trước trốn học ngồi nhà đáng ra cô cũng có thể đi chơi, nhưng thời tiết xấu quá, sức khỏe cô lại không được tốt nên đành nhịn. Cảnh Ninh vòng vèo qua mấy chỗ rẽ, hỏi đường hai người thợ làm vườn, cuối cùng cũng tìm tới cổng chính Lưu Viên. Người gác cổng Lưu Viên bắt gặp cô bé xinh xắn lạ mặt này, nghĩ đây là thân thích nhà họ Mạnh, còn nhiệt tình chào hỏi cô. Cảnh Ninh mừng rỡ, đang định bước khỏi cửa đã nghe người gác cổng nói: “Cậu Mạnh, cậu định đi đâu vậy?”
Cảnh Ninh thầm thốt một câu “Không hay rồi”, cô bé chẳng buồn quay đầu, cứ thế vắt chân chạy mất, nghe phía sau có tiếng bước chân dồn dập, cánh tay cô bị ai đó kéo lại.
“Cậu dám gài tôi hả? Cậu mà chạy mất tôi biết ăn nói thế nào với mẹ?” Trán Mạnh Tử Chiêu rịn đầy mồ hôi, chắc là đã đuổi theo cô một lúc rồi.
Cảnh Ninh bèn thuận đà níu lấy tay cậu: “Tôi chỉ muốn ra ngoài mua ít đồ thôi mà, sắp đến sinh nhật Phương Kỳ Kỳ, tôi phải tặng quà cho cậu ấy. Cậu đi với tôi đi, mua xong tôi sẽ theo cậu về.”
Cô chủ động ghé lại gần, cậu lại đâm ngượng. Cảnh Ninh biết thừa tính tình Tử Chiêu rồi. Quả như cô đoán, cậu khẽ rút tay lại, ngoẹo đầu nói: “Lại còn mua đồ hàng rong tặng bạn nữa, đúng là bủn xỉn.”
Cảnh Ninh chẳng hề xấu hổ, cô sải bước tiến phăm phăm về phía trước, vừa đi vừa nói: “Cái lược năm ngoái Phương Kỳ Kỳ tặng tôi cũng mua ở đó, còn lừa tôi là đồ tốt nữa, hừ, bỏ một đồng là mua được bốn cái liền. Kiểu gì năm nay cũng tăng giá rồi, dù giờ tôi mua mang tặng lại thì cũng lỗ vốn!”
Mạnh Tử Chiêu kinh ngạc trợn tròn mắt.
Cảnh Ninh nói tiếp ngay: “Tôi phải mua nhiều một chút, rồi về trường bán với giá rẻ hơn ngoài cửa hàng to 30%, thế là huề vốn. Tôi đã tìm sẵn cả khách, có nhiều người muốn mua lắm! Cậu có thể xem xem có món nào bán được cho đám bạn du thủ du thực của cậu không.”
Mạnh Tử Chiêu sợ điếng người: “Phan Cảnh Ninh, tôi phục cậu thật đấy.”
“Phục rồi hả? Để tôi nói cho cậu nghe thêm một bí mật.”
“Gì vậy?”
Cảnh Ninh đắc ý: “Từ hồi bốn tuổi tôi đã biết kiếm tiền rồi.”
Cô khoác lác kể rằng từ hồi còn nhỏ, người nhà đã dạy ba anh em cô lao động kiếm tiền, mùa hè ở Hán Khẩu ẩm ướt nhiều mưa, dưới bậc thang, rồi trên bờ tường có rất nhiều ốc sên, cha cô ra giá thu mua mỗi con ốc sên một xu, thế là cô và hai anh mình cùng hồ hởi đi bắt ốc sên, bỏ chúng vào bình đưa cho chú quản gia Hà, rồi chú Hà sẽ gửi lại cha, đổi lấy tiền cho chúng, anh hai bắt được nhiều nhất, anh cả bắt được ít nhất, cô xếp thứ hai.
“Sinh gớm(*)!” Mạnh Tử Chiêu bật lên tiếng cảm thán đậm giọng Vũ Hán, cậu vỗ ngực cau mày tỏ vẻ ghét bỏ, nhưng cặp mắt Cảnh Ninh lại cong lên, cô nở nụ cười thật nhẹ, thấy cô cười ngọt ngào là vậy, cậu cũng bất giác cười theo.
(*) Sinh gớm: Tiếng địa phương, có nghĩa là ghê gớm.
Cảnh Ninh cúi đầu chọn đồ chơi, cô nhớ lại những chuyện cũ thời thơ ấu của mình mà lòng tràn ngập trong cảm giác ấm áp.
Thật ra bí mật thực sự chính là Cảnh Sâm, anh trai của cô.
Người bắt được nhiều ốc sên nhất chính là anh, anh đưa cô rất nhiều ốc sên, rồi lại chia một phần cho Cảnh Huyên, số còn lại anh không giao cho chú Hà mà bán cho một hiệu thuốc Đông y, số tiền anh kiếm được được lớn hơn nhiều so với tiền của cả cô lẫn anh hai cộng vào. Đây là bí mật giữa cô và anh cả, vì mỗi lần anh cả kiếm được tiền, anh sẽ lén dắt cô đi chơi, mua cho cô đồ ăn vặt rất ngon, còn có cả món hạt dẻ mà cô thích nhất. Anh cả đuổi người giúp việc đi, dắt cô rời Tô giới, vừa đi anh vừa kể chuyện cho cô, kể xong ba câu chuyện là tới hàng thuốc. Sau đó, cô nhìn anh cả cò kè trả giá với mấy ông chủ hàng thuốc, anh khéo ăn khéo nói, gương mặt tràn đầy nhựa sống, khiến cô nhìn không cũng sùng bái nể phục, thậm chí cô còn nghĩ sau này lớn lên, có khi anh cả sẽ trở thành một thương nhân đáng gờm hơn cả cha họ.
Trên đường về nhà, cô hỏi: “Anh ơi, anh có cõng em không?”
“Ha ha, anh kiếm được tiền rồi, chúng mình ngồi xe kéo về nhà nhé, có được không?”
Bọn họ ngồi trên xe kéo, vui vẻ băng qua làn nắng vàng trong suốt, trên đường đi, anh cô thoải mái phóng khoáng tới lạ, anh hát cô nghe điệu ca dân gian Quảng Đông, kể chuyện cười cho cô, khiến cô cười khanh khách mãi, lúc đi ngang qua đường Trường Xuân, người anh nói tiếng Hồ Bắc hẵng còn trúc trắc của cô chợt đứng thẳng dậy, anh rướn mình kêu lên với người đàn ông mặc quần áo Nhật Bản tay đang dắt một chút chó sư tử: “Ăng (ăn) chó của ông!”
Người đàn ông Nhật Bản ngơ ngác nhìn anh, chú chó nhỏ tức giận sủa ầm lên, anh cô cười ha hả. Cô thấy vui, cũng ghé lại thét: “Ăn chó của ông!”
Hai đứa bé làm loạn cả lên, phu xe cũng phải bật cười: “Hai đứa bé này, mau ngồi yên đi, đúng là nghịch quá thể!”
Cô cười tới độ thở hổn hển, gương mặt bé xinh đỏ bừng, anh ôm chặt cô vào lòng, vuốt lông mày cô: “Bé Hạt Dẻ, có vui không?”
“Vui!”
Anh bóc một miếng hạt dẻ bón cho cô, cặp mắt sáng long lanh của anh khẽ chớp.
“Em không được kể với ai đâu đấy, đây là bí mật của bọn mình.”
“Vâng!”
Rồi dần dần, anh cô trưởng thành, ít nhiều anh đã thay đổi, những bí mật chung giữa hai người cũng càng lúc càng ít đi, nhưng cô sẽ nhớ mãi không bao giờ quên hương vị ngọt ngào ấm áp của miếng hạt dẻ anh đút cho cô, rồi cả cái ôm ấm sực, hay tiếng cười vang vui vẻ ngày ấy.