Lưỡng Thế Hoa

Chương 11: Trước khi trời tối (End quyển 7)

Khi trở lại Kiến Nghiệp đã là lúc hoàng hôn. Chân trời phía tây còn dư quang màu tím nhạt, nhưng màn trời phía đông đã trở thành màu lam đậm.

Đứng trên ngọn núi ở ngoại thành, nhìn xuống, đường phố đang từng chút lên đèn. Mới đầu chỉ lốm đốm vài điểm sáng, sau đó từng mảng từng mảng sáng lên. Tôi cơ hồ có thể cảm nhận được, tại nơi thành thị rộng lớn dần dần nhộn nhịp kia, ngàn vạn gia đình đang châm đèn như thế nào, ca múa đang dần nổi lên ra sao. Mọi người từ trong nhà ùa ra đường, đến tửu lâu, đến những nơi phồn hoa nhất. Bọn họ khóc, bọn họ cười, bọn họ vui đùa. Bọn họ làm cho trong không khí ở thành thị tung bay hương rượu.

Nhưng toàn bộ thành thị đã chìm vào bóng đêm.

Xích Ô, tháng năm năm thứ tư, Tôn Đăng qua đời.

Tin hắn mất gộp chung với lá thư cuối cùng hắn viết cho Tôn Quyền, cùng đưa đến Kiến Nghiệp. Tôn Quyền mở thư hắn ra, đọc được một nửa, liền bật khóc, cứ thế ngã phục xuống đất.

Tôi nâng hắn dậy, lau nước mắt cho hắn, nói những lời an ủi hắn. Nhưng vô dụng, nước mắt ngược lại càng thêm mãnh liệt chảy ra. Bộ dáng tê tâm liệt phế đau thương này, tôi chỉ được thấy một lần, đó là rất lâu rất lâu trước đây, tại thời điểm Tôn Sách chết.

Nhưng lần đó, tuy nguy cơ tứ phía, nhưng luôn có thể nhìn thấy hy vọng trước mắt; hắn của hiện tại, cái gì cũng có, nhưng cái chết của Tôn Đăng lại khiến con đường phía trước trông thật ảm đạm tối tăm đến thế.

Lần đó, tôi có thể an ủi hắn, là vì tôi biết phía trước sáng ngời; lúc này đây, an ủi của tôi thoạt nhìn lại vô lực như vậy.

Bởi vì ngay cả bản thân tôi còn không thể tự an ủi chính mình.

Tôi hận bản thân mình. Tại sao tôi không sinh ra là nữ tử ở thời đại này, tại sao tôi lại biết nhiều như vậy.

Tại sao tôi sẽ biết sau đó sẽ là hai cung tranh đấu, có tuổi già của Tôn Quyền vây khốn, có phong ba mưa gió của nơi này tế phẩm chàng.

Tại sao tôi phải biết hết tất cả.

Tại sao Tôn Đăng phải nghĩa vô phản cố (làm việc nghĩa không chùn bước) mà lìa đời như thế.

Tại sao tôi không thể vì chàng thay đổi màn bi kịch đang diễn ra.

Người tôi yêu nhất.

Nghe cung nhân ở bên cạnh trước khi Tôn Đăng lâm chung nói: “Nô tỳ chưa từng thấy qua ánh mắt như vậy.”

Đôi mắt xinh đẹp như nai con ở trước khi lâm chung sẽ trông như thế nào, lần đầu tiên tôi nhìn thấy ánh mắt kia, lại tại lúc nào nhỉ.

Hình như là tại một ngày đã rất lâu về trước, lâu đến mức dường như không thuộc về sinh mệnh này nữa, hắn trốn sau người mẫu thân, sợ hãi nhìn tôi.

Mẫu thân hắn nói cho tôi biết, vì đứa bé này từ nhỏ lớn lên trong sự ghẻ lạnh, nên mới sợ người lạ.

Sau đó tôi dẫn hắn về nhà, cho hắn ở lại trong phòng tôi. Suốt ba ngày, tôi lấy đồ ăn cho hắn, hắn không ăn; nói chuyện với hắn, hắn không để ý tới tôi.

Sau đó hắn chạy ra khỏi phòng tôi, chạy loạn trong trạch viện. Hắn xông vào phòng Từ phu nhân, Từ phu nhân mở hai tay ra ôm hắn.

Sau khi lên làm vương thái tử không lâu, Ngụy đế sai người đưa thư đến Ngô, yêu cầu Tôn Quyền đưa con trai đến làm con tin. Hắn rơi nước mắt nói: “Nếu phụ thân khó xử, thì đưa con đến Ngụy đi…”

Lúc động đất, hắn một mình chạy tới Ngô. Tôi tìm được hắn, đưa hắn trở về. Ở trên thuyền, hắn nói với tôi về chuyện xà yêu, hắn còn nói: “Yêu lẽ ra là chuyện rất tốt. Vì sao có thể dễ dàng có được người mình yêu, mà phải quên đi?”

Tại một năm xưng đế kia, hắn hỏi tôi: “Hoàng hậu của thiên hạ này, lại ở nơi nào?”

Nhưng dù sao hắn cũng đã trưởng thành. Có thể hắn không thể là một đứa con trai ngoan, nhưng không thể nghi ngờ hắn là một Thái tử tốt. Ở Vũ Xương, hắn cùng Lục Tốn đồng tâm hiệp lực, trị sự nghiêm cẩn. Loạn Lữ Nhất, hắn liên tiếp dâng tấu thư, hoàn toàn không để ý vì đó mà dẫn tới lời gièm pha của Lữ Nhất.

Mãi đến trước khi lâm chung, hắn dâng tấu thư cho Tôn Quyền, từng chữ cũng vẫn tự xưng là thần, an bài chuyện quốc gia sau khi mình chết. Không giống như bức thư của đứa con trước khi lâm chung viết cho phụ thân, ngược lại càng giống như một tờ tấu chương can gián cặn kẽ vậy.

Tôi tự hỏi, lúc hắn rời đi, liệu trên đời này còn có hay không thứ gì mà hắn lưu luyến.

Lời nói của cung nhân kia vẫn còn văng vẳng trong lòng tôi.

Nàng nói nàng chưa bao giờ từng thấy ánh mắt như thế.

Nàng còn nói, ánh mắt Tôn Đăng khi lâm chung, thay vì nói là đang muốn sống, không bằng nói giống như là đang muốn chết mới đúng hơn.

Có lẽ là cảm thấy người rời đi còn nhiều hơn so với lưu lại, có lẽ muốn góp vui cùng, mà tháng bảy năm đó, Gia Cát Cẩn cũng qua đời.

Lễ tang của hắn thập phần khiêm tốn, chỉ thông báo cho vài bằng hữu tốt nhất. Khi đoàn xe gồm mấy chục người yên lặng đi qua ngã tư đường ở thành Kiến Nghiệp, rất ít người biết người nằm trong quan tài kia chính là Đông Ngô đại tướng quân Tả đô hộ, hay hoặc là, vị ca ca của Gia Cát Lượng đã trở thành truyền kỳ của một thời đại.

Kết giao với hắn không thường xuyên lắm, nhưng tôi biết, thật ra hắn rất ghét người khác nhìn hắn như vậy. Hắn rất ghét khi người khác nhắc tới hắn, sẽ nói: “À, là ca ca của Thục tướng Gia Cát Lượng ấy à.”

Hắn nguyện người khác chỉ nhớ rõ hắn là Gia Cát Cẩn hơn.

Cho dù cái tên này chỉ được một nhóm người nhớ rõ, mà bị đa phần người khác quên đi.

Không ai biết hắn vì sao lại nghĩ như vậy, đến tôi cũng không hiểu rõ cớ sao bấy năm nay hắn vẫn trung thành và tận tâm ở lại Ngô. Tựa như bồ công anh trong gió vậy, bị thổi đến nơi nào, thì dừng lại nơi đó. Mạnh mẽ mọc rễ, vươn thẳng cành lộc non, sau đó khai hoa tán diệp.

Vì bản thân, vì Tôn Quyền, hay là vì thiên hạ này?

Nhưng chữ “Thiên hạ” này, tại thời đại ‘mặt trời sắp lặn’ này, hiển lộ được bao nhiêu, mơ mơ hồ hồ. Chỉ có “Tam Quốc”, chỉ có “Tấn”, chỉ có loạn thế, rồi lại loạn thế.

Chúng ta vất vả như thế, vội vàng mà đến lại vội vàng mà đi như thế, rốt cuộc là vì cái gì?

*

Tháng tám, Tôn Quyền quyết định xây một tòa thành mới ở bên bờ sông Tương Thủy.

Hắn đặt tên có tòa thành đó là “Chu”.

Hắn ra lệnh cho Lục Tốn đi xử lý việc này, lại dẫn theo tôi đi xem xây công sự. Tôi hiểu được tâm tình của hắn, Tôn Đăng qua đời khiến hắn đắm chìm trong buồn thương lâu dài, hiện tại hắn muốn tìm chút chuyện để giải sầu.

Cùng ăn cùng ở với những binh lính xây công sự được một đoạn thời gian, hắn bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, quyết định trở về Kiến Nghiệp.

Tôi tìm cớ ở lại. Trước khi rời đi, Tôn Quyền dùng ánh mắt ảm đạm nhìn tôi hồi lâu, đoạn nói: “Nàng phải trở về đó.”

Tôi gật đầu, tôi chưa từng vi phạm vượt quá hứa hẹn với hắn.

Sau đó xe ngựa của hắn lăn bánh xa dần, biến mất ở đường chân trời.

Tôi quay đầu, Lục Tốn không biết khi nào đã đi đến phía sau tôi. Nhìn vào mắt tôi, chàng nhẹ giọng nói: “Hà cớ gì nàng phải ở lại đây chịu khổ chứ?”

“Ta muốn ở cùng chàng một đoạn thời gian.” Tôi nhẹ giọng nói.

“Có khi nào mà không thể bồi chứ?” chàng khẽ cười nói, “Thời gian còn dài mà.”

Dài? Tôi không khỏi bi thương nghĩ, thời gian cũng không còn nhiều nữa.

Nhưng mặc dù ở lại bồi chàng xây công sự, thời gian ở chung, lại không được nhiều lắm.

Chàng rất bận. Mỗi ngày bận rộn việc điều hành binh lính, bận rộn việc chỉ huy khuân vác đá, bận việc giám công, bận rộn viết thư báo cáo tiến độ cho Tôn Quyền. Có đôi khi khó khăn lắm mới thấy sau một ngày bận rộn, chàng trở về doanh trại, lúc tôi đi vào lều của chàng, đã thấy chàng còn mặc nguyên quần áo mà nằm ngủ vùi trên giường.

Lúc đó, điều duy nhất tôi có thể làm, là giúp chàng cởi giày, rồi cầm tấm chăn nhẹ nhàng phủ lên người chàng.

Chàng không thích tôi đi theo đến công trường. Nơi đó luôn náo loạn rầm trời, đám binh lính phơi bày lưng trần mồ hôi nhễ nhại. Đó là một thế giới hỗn loạn, cùng thế giới tao nhã, thong dong, cao quý hoàn toàn không quan hệ.

Tôi chỉ có thể làm chút chuyện vì chàng trong phạm vi cho phép. Thỉnh thoảng tôi hái vài bó hoa dại bên ngoài đến cắm vào bình trong phòng chàng, đôi lúc tôi gạt chút than trong lò sưởi, hầm canh đặt trên bàn chàng. Cũng có vài bận, thấy quần áo đầy bùn đất trong phòng chàng, tôi liền lặng lẽ ôm đến bờ sông, giặt sạch rồi đem trở lại cho chàng.

Những điều tôi có thể làm, chỉ có từng ấy việc mà thôi.

Có đôi khi thậm chí tôi còn nghĩ, nếu mình là một nam tử thì tốt rồi. Nếu tôi là một nam tử, có thể tự nhiên cùng chàng gánh vác tất cả khổ nhọc. Tôi có thể cùng chàng đi bất kỳ địa phương nào, thậm chí giống Phan Tuấn cùng chàng bôi nước hành giục lệ mà diễn kịch. Chàng muốn chia sẻ, tôi sẽ san sẻ cùng chàng; chàng muốn gánh vác, tôi sẽ chống đỡ cùng chàng.

Nhiều năm như vậy, đây là lần đầu tiên tôi ảo não vì chuyện mình là nữ tử.

*

Thành xây xong thật sự rất đẹp.

Tường thành màu xám đậm tản mát ra một loại hương vị vạn năm sừng sững trang nghiêm, nhà cửa trong thành trộn lẫn những nét điển hình của phương nam một cách thú vị, những còn đường được rải đá xanh phẳng lì như gương.

Ngày xây xong thành, chàng tới tìm tôi. Tôi đi ra khỏi lều, thấy chàng ăn mặc sạch sẽ xinh đẹp, uy phong lẫm liệt ngồi trên lưng ngựa.

“Đi thôi,” chàng nói, “Đã nhiều ngày không hảo hảo cùng nàng. Hôm nay ở cùng nàng một ngày.”

Tôi bật cười, đi vào cũng thay đổi một bộ quần áo xinh đẹp, dắt ngựa đi ra ngoài.

Tôi cưỡi ngựa theo sau chàng, một đường rời khỏi thành thị, rời khỏi đám đông, một đường thẳng hướng đến nơi người ở thưa thớt mà đi. Cảnh vật xung quanh dần dần trống trải, gió sông phả vào mặt khiến người khoan khoái. Trước một gò núi, chàng dừng lại, nhảy xuống ngựa.

“Làm sao vậy?” Tôi kỳ quái hỏi.

“Cảnh đẹp, đột nhiên muốn ngắm một chút, mới có thể cảm nhận được vẻ đẹp nhϊếp hồn đoạt phách này một cách trọn vẹn được.” Chàng nói, “Nàng xuống đi, chúng ta không cần cưỡi ngựa.”

Tôi mang theo vài phần nghi hoặc xuống ngựa, nhìn chàng cột ngựa tại một gốc cây. Sau đó đi tới, dùng một tấm khăn lụa bịt mắt tôi lại.

“Lại còn bày trò này,” tôi cười nói, “Lần này có phải tính đem ta đi bán không?”

“Đúng vậy, nàng tính thế nào đây?” trong giọng nói chàng cũng mang theo nồng đậm ý cười.

“Kiếm tiền giùm chàng.” Tôi cười, mang theo lòng đầy ngọt ngào ôm lấy cánh tay chàng đi về trước.

Giờ phút này, tôi đột nhiên lại thấy thật may mắn mình là một nữ tử.

Tôi cảm giác được hơi ấm cánh tay khi khoác tay chàng, cảm giác được ánh mặt trời ấm áp đang chiếu lên người, cảm giác được cơn gió mát lành, cảm giác được mùi hương thoang thoảng của hoa cỏ trong gió.

Dừng lại ở một nơi, sau đó chàng nắm tay tôi, nói: “Đến đây.”

Tôi thuận theo cúi thấp thắt lưng, để chàng dắt tôi đến một nơi nào đó. Sau đó, đột nhiên, tôi cảm thấy được hơi lạnh của nước, dường như có con cá đang thích thú trôi tuột qua kẽ tay tôi, nước vừa mát vừa hiền hòa, khiến tôi nghĩ tới một loại tơ lụa đẹp đẽ quý giá.

Chàng đột nhiên mở tấm khăn che mắt tôi ra, tất cả mọi thứ thu vào trong tầm mắt.

Tại một khắc này, tôi nghĩ, thì ra phong cảnh cũng có lúc động lòng người đến vậy.

Trước mắt là dòng sông chậm rãi chảy xuôi, sau dòng sông là núi, là mây, là bầu trời xanh thẳm với ánh tà dương màu vàng. Đang là mùa thu, rừng phong trên núi nhuộm đỏ từng mảnh từng mảnh, ánh sáng mặt trời chiếu lên, khiến nó hiện lên một màu sắc rực rỡ.

Mà nước sông ở nơi đây, trong suốt như thế, dịu dàng như thế, ánh mặt trời chiếu lên mặt nước cũng phải vỡ òa ra, cả dòng sông lấp lánh lóe lên sắc vàng. Tay chàng nắm tay tôi ngâm trong nước, khẽ khàng chuyển động, từng vòng tròn gợn sóng liền chậm rãi lan rộng ra ngoài. Tiếp đó có cỏ lau, cỏ lau chậm rãi phiêu đãng ở trên đỉnh đầu chúng tôi, giống như cánh của những con thủy điểu (chim nước). Tiếp đó còn có đầt bồi, trên đất bồi có một đám hạc trắng dừng chân, đang nhàn nhã rỉa lông.

“Lần đầu tiên đến đây, ta đã muốn dẫn nàng tới rồi.” Chàng ôn nhu nhìn tôi nói, “Ta là một người nhàm chán, không biết làm gì khác cho nàng vui vẻ, chỉ biết đưa nàng đi ngắm cảnh.”

“Vậy là đủ rồi,” tôi cảm động nói, “Ta rất thích.”

“Có đôi khi ngẫm lại, thời gian ở cùng nàng, không phải lúc đang đánh giặc, cũng là lúc bàn bạc đến những chuyện buồn tẻ. Hy vọng tương lai lúc nàng nhớ đến ta, sẽ nhớ tới, ta cũng từng có lúc dẫn nàng đi ngắm cảnh.”

“Không muốn.” Tôi bật thốt.

Chàng có chút kinh ngạc nhìn tôi: “Vì sao lại không muốn?”

“Ta không muốn nhớ tới chàng. Ta chỉ muốn nhìn thấy chàng.”

“Khờ quá,” chàng cười rộ lên, “Nếu ta chết trước nàng thì sao.”

“Không được.” Nước mắt trào lên hốc mắt, tôi lại cố chấp kiên trì.

Chàng không biết rằng, tôi đến đến thế giới này chính là vì chàng, nếu chàng mất đi, tôi còn lý do gì ở lại thế giới này nữa.

Thậm chí ngay cả dũng khí cùng chàng đi đến cuối cùng tôi cũng không có. Khi cái ngày kia đang từng năm từng năm tới gần, tôi muốn trốn đi trước đó biết dường nào.

Một khắc kia, tôi đột nhiên có một loại mong muốn muốn nói ra hết thảy, tôi muốn đem tất cả bí mật của tôi, từ đầu chí cuối nói cho chàng, tôi muốn chàng biết được lòng tôi.

Nhưng trong lúc đang do dự, một con hạc đập cánh, đáp xuống trước mặt chúng tôi.

Nó quấy nhiễu suy nghĩ của tôi. Khi sinh linh xinh đẹp này ngẩng đầu do dự đánh giá chúng tôi, ánh mắt tôi đã hoàn toàn bị nó hấp dẫn.

Tính trẻ con tự nhiên sinh ra, du͙© vọиɠ muốn nói ra cũng đã bay lên chín tầng mây. Tôi từng bước bước gần về phía nó, nó liền do dự lui lại từng bước, tôi tiến tới một bước, nó lui một bước. Nhưng vẫn không bay đi, chỉ đứng tại chỗ cách tôi vài bước, nhìn tôi.

“Nàng không được đâu,” Lục Tốn cười rộ lên, “Xem ta này.”

Chàng chậm rãi đi qua đó, con hạc kia chỉ đứng đó ngoẹo đầu nhìn chàng, không lùi, cũng không đi. Chàng bước đến trước mặt con hạc, chậm rãi ngồi xổm xuống, vươn tay vuốt lông nó.

“Sao nó lại không sợ chàng?” Tôi kinh ngạc hỏi.

“Từ nhỏ ta đã thích nuôi hạc trong nhà,” chàng nhàn nhạt đáp, “Rất nhiều năm, nên có lẽ trên người nhiễm mùi của chúng, cho nên chúng không sợ ta.”

Nói tới đây, chàng lại cúi đầu, yêu thương vuốt ve cổ con hạc kia, nhẹ nhàng nói: “Nói không chừng chính là một trong những con mà ta đã thả khi rời nhà đi thì sao.”

“Thả đi?” Tôi lấy làm lạ hỏi, “Sao phải thả đi?”

Chàng không lập tức trả lời tôi, chỉ quay đầu lại nhìn tôi, nửa ngày mới nói: “Bởi vì muốn ra làm quan, muốn đánh trận, muốn đi làm rất nhiều chuyện, cho nên khi rời nhà, thả hết chúng nó đi.”

Tôi đột nhiên có chút đau lòng. Trong những từ ngữ nghe như vân đạm phong thanh kia, ẩn giấu biết bao nhiêu chuyện xưa cũ nặng nề?

“Trước lúc đi ta còn suy nghĩ, chờ một ngày nào đó già đi, vẫn có thể về nhà nuôi chúng nó…” chàng ngập ngừng rồi lại tiếp tục nói, “Bốn năm trước xuất chinh trở về, phát hiện bản thân đã già đi. Huống hồ cũng không có chiến sự lớn gì, bèn muốn lui khỏi chiến trường. Vốn dự định cáo lão hồi hương, nhưng lúc gặp bệ hạ… Vẫn thay đổi ý định… Không biết khi nào thì mới có thể sống tiếp cuộc sống thuở thiếu thời…”

Chàng nhàn nhạt nói, ánh trời chiều vàng rực phủ lên mặt chàng.

“Bá Ngôn,” bất chợt, tôi không nhịn được nói, “Ngô sẽ không thống nhất được thiên hạ.”

Chàng ngẩn người, sau nói: “Ta biết.”

“Thậm chí, nó sẽ không kéo dài được lâu lắm.”

“Ta cũng biết.”

“Nếu thế,” tôi hỏi chàng, “Chàng, các chàng, làm hết thảy chuyện này, chung quy là vì cái gì?”

Chàng trầm mặc, buông lỏng tay ra, để con hạc kia giương đôi cánh như cánh diều bay lên trời. Sau đó chàng đi đến dừng lại bên bờ sông, im lặng nhìn ánh chiều tà rũ ánh ráng đỏ xuống ngọn núi xa xa và dòng sông trôi qua cuồn cuộn.

“Sơn chi vi sơn, giang chi vi giang*, lại là vì cái gì?” chàng hỏi tôi.

Cuối cùng một vệt tà dương cũng cuốn mất theo làn gió đêm.

(* sơn chi vi sơn, giang chi vi giang: tạm dịch: sự tồn tại của sông núi)