Thẻ bài – đúng như tên gọi của nó đây là thể loại trò chơi điện tử mà nội dung chủ yếu chỉ xoay quanh những lá bài đủ mọi hình ảnh, kiểu dáng, chức năng vân vân... do đơn vị chế tác dày công thiết kế nên. Đồng thời tùy thuộc vào từng trò chơi cụ thể mà người chơi sẽ được tiếp xúc với vô vàn quy tắc, nội dung thi đấu khác nhau, hết thảy phụ thuộc vào ý chí chủ quan của kẻ định ra luật chơi. Rất khó để người ta có thể bắt gặp hai trò chơi thẻ bài hoàn toàn giống hệt nhau, trừ phi kẻ sau cố tình sao chép toàn bộ nội dung của người đi trước.
Thiên biến vạn hóa là vậy, song tất cả những trò chơi dạng này đều có chung một đặc điểm, đó là lấy tư duy, trí tuệ của người chơi làm thước đo chuẩn mực hòng phân định kẻ thắng người thua trong các trận so tài, thao tác hành động chỉ là yếu tố mang tính phụ trợ. Hay nói cách khác, quần thể người chơi “mắt mờ tay chậm” hoàn toàn có thể chinh chiến một cách vô tư trong các trò chơi thẻ bài, miễn sao người đó đủ thông minh để nắm vững luật chơi cũng như công dụng của những lá bài là được.
Và theo lý thuyết nêu phía trên, một kẻ “chơi game trên giấy giỏi hơn trên máy” như Dương Khoa ắt hẳn sẽ vô cùng thích thú với thể loại trò chơi không đặt nặng yêu cầu phản xạ này. Thế nhưng câu chuyện đời thực nó không hề đơn giản như vậy. Trong suốt quãng đời ngắn ngủi khi xưa tuy bản thân đã từng tiếp xúc qua một số trò chơi thẻ bài nổi tiếng trên thị trường, song theo năm tháng qua đi thái độ của hắn dành cho những trò chơi này lại là nửa yêu nửa ghét đan xen vào với nhau.
Yêu thì đương nhiên rồi, đối với những trò chơi không cần phải lo nghĩ thao tác sao cho nhanh nhạy chuẩn chỉ Dương Khoa biểu thị hắn rất chi là hoan nghênh. Còn ghét thì bởi vì, để giành chiến thắng trong bất kỳ trò chơi thẻ bài nào ngoài trí tuệ trên cơ đối phương ra người chơi còn cần đến sự góp mặt của một thứ vô cùng quan trọng – đó là may mắn.
Chỉ cần là trò chơi thẻ bài thì sẽ luôn tồn tại xác suất – thứ có thể xuất hiện dưới bất kỳ hình thức nào, từ hành động rút bài mỗi lượt cho đến mở khoá những lá bài mới. Theo đó vận may và vận rủi cũng sẽ thường xuyên làm bạn cùng với người chơi, mang đến cho họ những giây phút sảng khoái sung sướиɠ hay những khoảnh khắc buồn bực tức giận chỉ muốn quên đi thật nhanh. Mà Dương Khoa hắn thì lại có quá nhiều kỷ niệm buồn liên quan đến xui xẻo không thể lường trước trong những trò chơi thẻ bài từng trải nghiệm rồi.
Bài mở đầu trên tay xấu quá không đánh được, bốc bài cả chục lượt mà vẫn không có được lá mình cần, rồi mở lá bài mới trong cửa hàng cả trăm cả nghìn lần nhưng vẫn toàn ra rác,… tất cả những điều ấy đều làm tăng thêm ác cảm trong lòng Dương Khoa đối với các trò chơi thể loại thẻ bài, cứ việc trong số ấy có những đại diện thật sự xuất sắc, đáng để người chơi gắn bó lâu dài. Và cũng chính vì lẽ ấy nên mới có lời buột miệng chửi bới ngay khi nhìn thấy những lá bài đầy màu sắc hiện lên vừa mới rồi, giống như một phản xạ có điều kiện của Dương Khoa.
Quay trở lại với trò chơi “Slay the Spire” vừa mở khóa, ngay sau khi xác định được thể loại của nó Dương Khoa đã phải mất tới cả phút chỉ để bình tĩnh trở lại xem xét cảnh tượng trước mắt. Hiện tại trên màn hình Btop trò chơi đã tiến vào giai đoạn chiến đấu, với nhân vật chiến binh của hắn đang giơ kiếm đứng đối đầu hai con quái vật mang hình thù từa tựa như hai con sâu lớn. Đồng thời hướng dẫn chơi trò chơi cũng hiện lên để cho những người chơi mới biết mình cần phải làm gì tiếp theo.
“… Thì ra cách thức chiến đấu của trò chơi là sử dụng những lá bài trên tay. Nếu vậy thì cũng có thể coi trò chơi này là một trò chơi chiến đấu nhập vai, chỉ khác là không có vung chuột đập phím một cách điên loạn thôi.” Nắm được sơ bộ cách chơi, Dương Khoa tắt phần hướng dẫn chơi đi rồi bắt đầu nghiên cứu những thẻ bài trên tay cùng tính toán thực hiện lượt tấn công của mình. Theo quy tắc của trò chơi thì mỗi khi chiến đấu bắt đầu người chơi sẽ là kẻ tấn công trước tiên, đồng thời người chơi có thể làm ra nhiều hành động trong cùng một lượt nhưng sẽ bị giới hạn bởi năng lượng tiêu tốn cho từng lá bài tương ứng và số lá bài có ở trên tay. Trong khi đó kẻ địch là bên đi sau, chỉ làm ra một hành động duy nhất khi đến lượt và nó sẽ luôn hiển thị trên đầu để báo hiệu cho người chơi biết trước hòng tìm cách ứng đối.
“Mỗi lá bài tốn một năng lượng, trong khi giới hạn nhân vật là ba năng lượng. Tức là bây giờ mình chỉ có thể chơi ba lá bài.” Nắm được quy tắc cơ bản xong Dương Khoa lập tức chuyển sang cân nhắc nên ra bài như thế nào cho hợp lý: “Trên tay có năm lá bài, ba lá tấn công mỗi lá gây 6 sát thương cùng hai lá bài thủ mỗi lá tăng 5 giáp…. Đối phương có hai con sâu với hai đòn tấn công chuẩn bị tung ra, tổng sát thương là 11 máu.... Không đủ bài thủ để đỡ đòn rồi, kiểu gì cũng sẽ mất máu. Thôi thì cứ đánh chết hẳn một con trước đi vậy. Có 80 máu khởi điểm cơ mà, vô tư.”
Lẩm nhẩm tính toán xong xuôi, Dương Khoa bắt đầu cầm chuột lên thực hiện thao tác. Ba lá bài tấn công trên tay nhanh chóng được hắn ném vào con sâu đứng phía trước. Cứ việc con quái vật cũng có cho mình kỹ năng đặc biệt là tạo giáp khi trúng phải đòn công kích đầu tiên, thế nhưng lớp giáp cộng thêm này vẫn là không đủ để chống đỡ ba đòn công kích liên tục tới từ nhân vật chiến binh. Ba con số 6 biểu thị sát thương gây ra hiện lên lần lượt trên đầu con sâu, cùng với đó thanh máu của nó cũng nhanh chóng tiêu hao hết sạch.
Theo hình ảnh của con quái vật tan biến đi mất, Dương Khoa đưa chuột lướt qua lướt lại hai lá bài phòng thủ lẻ loi trên tay vài lượt rồi liếc nhìn sang ô năng lượng với con số 0 tròn trĩnh trước khi từ tốn nhấn kết thúc lượt đi. Đến lượt của mình, con quái vật còn lại lao lên công kích người chơi ý hệt như dự định hiển thị trên đầu của nó. Tuy nhân vật mất máu song không hề hấn gì, như đã nói ở trên chút sát thương ấy chẳng là gì so với lượng máu khởi điểm cao ngất của nhân vật chiến binh. Đó là còn chưa kể đến nhân vật này còn mang theo một món trang bị đặc trưng khởi điểm là “Burning Blood” (Dòng máu sục sôi) – một trang bị có khả năng hồi lại một chút máu cho nhân vật mỗi khi kết thúc chiến đấu.
“Có cái trang bị này thì đúng là khỏi lo “bán máu”. Các cụ dạy khi phân vân về nhân vật thì cứ lựa chọn chiến binh cấm sai tý nào.” Tìm hiểu xong thông tin của món trang bị lạ mắt cũng là lúc lượt đi thứ hai diễn ra. Tại lượt này Dương Khoa cũng bắt gặp một lá bài tấn công cao cấp hơn hẳn những là bài tấn công trước đó, có điều nó lại yêu cầu tới hai năng lượng để có thể sử dụng. Đồng thời sát thương của nó cộng thêm sát thương tới từ lá bài tấn công còn lại trên tay là không đủ để kết liễu con quái vật vừa “đánh yêu” hắn một nhát, cứ việc lá bài tấn công cao cấp ấy mang theo hiệu ứng gia tăng tổn thương khá hay ho.
Song không hề gì, ở lượt đi của mình thì lần này con quái vật lại gia tăng sức mạnh của bản thân thay vì cố gắng gây ra nhiều sát thương nhất có thể trước khi về với cát bụi. Và sang đến lượt thứ ba Dương Khoa rất dễ dàng kết liễu thành công con quái vật, qua đó thu về chiến lợi phẩm sau trận thắng đầu tiên.
“Một tý tiền còm, một bình thuốc... rút ba lá bài? Vãi cả uống thuốc bốc bài! Còn gì đây? Chọn một lá bài để đưa vào bộ bài?... À há, thì ra đây là cách để bộ bài của mình khỏe hơn.” Nhìn thấy ba lựa chọn trò chơi đưa ra sau khi nhấn vào ô phần thưởng, Dương Khoa suy nghĩ một lúc rồi chọn lấy lá bài vừa có khả năng công kích vừa có khả năng bốc thêm lá bài từ bộ bài lên tay. Trong những trò chơi thẻ bài dạng này thì yếu tố bốc bài vô cùng quan trọng, nhiều khi việc trên tay nhiều thêm một hai lựa chọn hoàn toàn có thể làm thay đổi cục diện của cả trận đấu nên đương nhiên hắn sẽ ưu tiên nó hơn hết thảy những yếu tố khác.
“Xong rồi, giờ thì đi tiếp nào.” Thu thập phần thưởng xong xuôi, tấm bản đồ của trò chơi lại hiện lên trước mắt Dương Khoa với biểu tượng quái vật nằm ở con đường chính giữa bị khoanh tròn biểu thị nhân vật đã đi qua nơi đây. Mang theo vẻ hào hứng vì chinh phục thành công cột mốc đầu tiên, Dương Khoa không chút phân vân nhấn chuột vào biểu tượng quái vật tiếp theo.
…
Càng đi sâu vào chơi trò chơi “Slay the Spire” Dương Khoa càng cảm thấy hứng thú với nó vô cùng.
Qua những trải nghiệm ban đầu, đến thời điểm hiện tại thì hắn đã có thể xác nhận trò chơi trước mắt này là một trò chơi đơn thuần túy. Tất cả những trận so tài, những cuộc đấu trí trong trò chơi không hề có sự góp mặt của bất kỳ bên nào khác ngoài người chơi và trí tuệ nhân tạo AI. Song không vì thế mà trò chơi tỏ ra nhàm chán đơn điệu. Tương phản mỗi trận đấu trong trò chơi, dù là đánh nhau với quái vật bình thường thôi cũng đã căng thẳng và khiến cho con người ta phải nhức đầu suy tính từng đường đi nước bước cụ thể rồi, chứ đừng nói đến những con quái vật tinh anh khó nhằn và con trùm to tướng nằm phía cuối bản đồ.
Chưa kể “Slay the Spire” không chỉ đơn thuần là về những trận chiến đấu không ngừng nghỉ, trên tấm bản đồ tràn ngập đường ngang ngõ ngách có rất nhiều sự lựa chọn khác dành cho nhân vật chính của chúng ta. Người chơi có thể ghé thăm cửa hàng của một tên gian thương để sắm sửa những món đồ thiết yếu cho bản thân, hoặc là tạt vào điểm dừng chân để nghỉ ngơi hồi máu hay nâng cấp bộ bài trong tay, hoặc cũng có thể thử vận may với những sự kiện ngẫu nhiên không thể nào biết trước. Điều này khiến cho mỗi cuộc hành trình của người chơi là duy nhất, phối hợp với bầu không khí bí ẩn lạ lẫm vốn có trò chơi hoàn toàn có đủ khả năng hấp dẫn người chơi chinh chiến hàng giờ liền không chán. Hay ít nhất là theo cảm quan ban đầu của Dương Khoa nó là như vậy.
Bất quá vì trước đây chưa từng chơi qua trò chơi, không có nhiều kinh nghiệm chinh chiến cộng thêm ngày hôm nay bản thân đã quá mệt mỏi về cả thể xác lẫn tinh thần, cho nên Dương Khoa đã mắc rất nhiều lỗi đáng tiếc trong suốt lần chơi thử đầu tiên. Và với một trò chơi có phần khắc nghiệt trong việc trừng phạt lỗi lầm của người chơi như “Slay the Spire” thì hiển nhiên điều đó tương đương với việc hành trình của nhân vật sẽ sớm kết thúc, bất kể người chơi có muốn hay không.
“Má đùa, lúc cần thủ thì *** ra bài thủ ạ! Cay!” Mắt thấy con quái vật tinh anh chuẩn bị tung ra đòn tấn công gây tới 30 sát thương, trong khi cả người và mấy lá bài phòng thủ trên tay cộng lại không chống đỡ được đến 20 sát thương Dương Khoa đành bất lực bấm kết thúc lượt sớm. Trong bộ bài hắn có một hai lá phòng thủ khá khỏe mà đến lúc cần thì chẳng bốc lên được, đúng là đen đủi quá đi mà.
Ngắm nhìn con quái tinh anh chỉ còn khoảng 10% máu đập chết tươi nhân vật chiến binh, Dương Khoa chép miệng tiếc rẻ một cái rồi quay sang chiếc laptop đặt cạnh bên ghi chép lại những ấn tượng đầu tiên của bản thân về “Slay the Spire”. Hình âm rất tuyệt vời với phong cách u ám riêng biệt, không dễ tìm thấy ở bất cứ trò chơi nào cùng thể loại. Lối chơi kết hợp thẻ bài và chinh chiến theo kiểu roguelike (nôm na là một thể loại trò chơi hội tụ ba yếu tố: theo lượt, nhiều yếu tố ngẫu nhiên và chết là hết) vô cùng mới lạ và hấp dẫn. Đó là ưu điểm ban đầu, về phần nhược điểm... thôi cứ ghi tạm là độ khó và tính ngẫu nhiên hơi cao đi. Chắc cũng có thể là do mình chưa quen nên mới có cảm nhận như vậy.
“Cần tốn 50 điểm danh vọng để bắt đầu lại. Tiến hành?”
“Thôi, để lúc khác chơi tiếp. Trò này cần phải để hôm nào khỏe khoắn mới có thể tìm tòi khám phá kỹ lưỡng được. Cơm không ăn thì gạo còn đó, mất đi đâu mà sợ.” Quả quyết dời lại quá trình mở khóa “Slay the Spire” thay vì tiếp tục cố đấm ăn xôi, Dương Khoa bấm thoát khỏi trò chơi rồi quay lại nhìn thông số danh vọng mới cập nhật trên màn hình. Vẫn còn tới hơn 27000 điểm, dư dả chán!
Hay là thử đánh bạc thêm một lần nữa nhỉ?
Dù sao thì cái trò “Slay the Spire” này trông có vẻ kén người chơi, tung ra thị trường chưa chắc dân tình đã hưởng ứng mạnh mẽ như mấy trò chơi trước đó của Ninja Studio. Vậy thì chẳng bằng nhân lúc này tiếp tục quy đổi một hai trò chơi nữa từ hệ thống Btop, coi như có thêm sự lựa chọn cho tương lai.
“... Nghe có vẻ vô lý nhưng lại khá thuyết phục đấy chứ. Thôi thì... đã mất công lê lết đến công ty rồi thì chơi cho tới bến luôn.... Lần này đổi hẳn 12000 điểm đi, cộng với 8000 quả vừa rồi cho nó tròn.” Chủ ý đã định, Dương Khoa nhanh chóng gõ năm con số vào ô quy đổi, sau đó giữ nguyên lựa chọn hệ máy PC hắn lẩm nhẩm cầu nguyện chư thần phù hộ độ trì một lúc rồi nhấn nút Enter.
“Đinh!”
“Mở ra trò chơi: GunBound”