Là Em Níu Lấy Tay Tôi

Chương 4: Buồn nhỉ?

Một ngày nóng nực. Một ngày lạnh giá. Một sáng nắng chói chang. Một chiều mưa tầm tã. Hay một đêm giông bão nghiêng ngả. Dường như thời tiết nào cũng có thể dễ dàng gợi lên nỗi buồn trong sâu thẳm tâm hồn tôi. Những năm này tôi càng ngày càng suy nghĩ nhiều, đôi khi còn nhớ về những ngày xưa cũ, những ngày tháng còn ngây thơ ngỗ nghịch, khoảng thời gian tôi còn là đứa con út bé bỏng dễ thương trong lòng mẹ, là đứa em gái nhỏ lon ton nối gót chị đi qua khắp các lối mòn hẹp trong cánh rừng bạch đàn còn vương mùi đất ẩm và hương hoa dại. Tôi nhớ lắm cái ngày xưa ấy, khi mà tôi còn được hưởng thụ tình yêu thương của mẹ, khi mà mẹ còn bảo vệ tôi trước đòn roi của ba, khi mà tôi vẫn chưa trở thành thứ rác rưởi ô uế thừa thãi trong chính gia đình mình. Cũng không rõ từ bao giờ, tôi bỗng dưng không còn muốn lớn lên nữa. Có lẽ là từ khi tôi bắt đầu nhận ra tình cảm của mẹ. Hoặc là từ khi trong nhà có nhiều thêm một đứa con trai.

**

Ba mẹ đi làm từ sáng. Buổi trưa chỉ có mấy chị em ở nhà.

Huyền dựng xe đạp, trán lấm tấm mồ hôi. Quân chạy từ trong nhà ra, nói rõ to:

- Em chào chị Huyền!

Huyền gật đầu cười với em trai một cái, tháo dép rồi bước vào nhà, ngó thấy bóng dáng người trong phòng ba mẹ hơi ngạc nhiên, liền nâng giọng:

- Em chào chị.

- Ờ, chào mày. Sao nay về muộn thế?

Huyền Trâm ngồi trước màn hình máy tính nói vọng ra. Huyền đặt balo trên ghế, cười cười trả lời:

- Em có tí việc cô giao. Sao trưa nay lại về thế?

- Thích thì về chứ sao! Sang phòng mình lấy cho tao quyển Cambell[1].

- Ok.

Huyền và chị gái ở chung một phòng, cũng không phải rộng rãi gì cho cam nhưng so với phòng ba mẹ ở thì có nhỉnh hơn một chút. Giữa hai phòng là phòng khách nhỏ, khi đi ngang qua bàn tiếp khách, Huyền thấy em trai đang chơi với mấy thứ đồ chơi lắp ghép bằng nhựa đủ màu sắc. Thằng bé dường như cảm nhận được chị gái đang nhìn mình liền ngẩng đầu lên, đôi mắt to tròn chớp chớp, sau đó cười nhe răng.

- Chị Huyền!

- Chơi nhanh lên xong rửa tay chân để ăn cơm nhá.

- Òm, Quân biết òi.

- Ngoan.

Huyền cười cười xoa đầu nó, sau đó mới đi lấy sách cho chị gái. Đặt cuốn sách nặng trịch xuống trước mặt chị, cô chần chừ một lát, mở miệng hỏi:

- Trưa nay chị muốn ăn gì?

- Thích ăn gì thì nấu.

- Em ăn cái gì chả được, chị thích ăn cái gì?

- Dồi ôi nấu gì thì nấu, hỏi lắm!

Trâm phẩy tay xùy xùy, tỏ vẻ mất kiên nhẫn. Huyền hơi mím môi, sau đó không nói gì đi ra khỏi phòng. Lí do chị Trâm về ngay buổi trưa thế này không khó đoán, chỉ có thể là quên đồ ở nhà nên mới quay về. Nếu như vậy thì hẳn tâm trạng chị không vui vẻ gì, thay vì hỏi thì thà tự quyết định còn tốt hơn.

Mất gần hai mươi phút chuẩn bị một bữa trưa đơn giản với canh rau mồng tơi và thịt băm xào trứng, Huyền xơi cơm vào ba bát sứ, đặt đĩa thịt cùng bát loa đựng canh lên bàn ăn rồi hướng lên nhà trên[2] gọi lớn:

- Chị ơi, Quân ơi, xuống ăn cơm!

Được vài giây thì Quân xuất hiện ở cửa bếp, ngửi thấy hương vị món mình yêu thích liền nhanh nhẹn ngồi lên ghế, trực tiếp xúc thức ăn bắt đầu bữa cơm. Huyền thấy thế liền nghiêm giọng:

- Quân! Đã mời ai ăn cơm chưa?

- À chết, quên mất! Em mời hai chị ăn cơm!

- Chị Trâm có ở đây không?

- Không.

- Thế thì chị Trâm nghe được không?

- Không.

- Mời lại.

- Em mời chị Huyền ăn cơm. Chị Trâm ơi xuống ăn cơm!!!

Huyền hài lòng nhìn em trai chóp chép trong miệng, ngồi đợi một lát sau chị gái mới ngồi vào bàn ăn. Có lẽ là bài tập cần gấp, Trinh ăn xong trực tiếp bỏ bát đũa nguyên ở đó, để lại một câu "xếp dọn rửa bát hộ tao" rồi vội vàng lên nhà tiếp tục phần việc đang dang dở. Huyền dọn dẹp bát đũa sạch sẽ, đóng cửa bếp, sau đó lên phòng.

Cơn mưa ngày hôm qua vừa mới rút đi, không khí nhiễm hơi ẩm mát mẻ theo cơn gió nhẹ lách qua những thanh cửa sổ bằng gỗ bạc thếch, thổi tấm rèm vải cũ khẽ lay động thành từng nét lượn sóng mềm mại. Phía bên ngoài ô cửa sổ đang mở là một thân cây cao lớn đã khô một nửa, nửa còn lại xơ xác trơ trụi, tầm gửi vàng úa, những chiếc lá héo tàn còn sót lại cũng chỉ đợi vài cơn gió nữa ngang qua kéo chúng lìa cành.

Huyền trân trân nhìn vào tổ chim đã tan tác giữa hai cành cây lớn không còn nhựa sống, trong phút chốc thoáng ngẩn người.

Cây bưởi này vừa mới tháng trước còn sum sê cành lá, chim chóc ríu rít, ánh mặt trời rọi qua tán cây như tạo thành muôn vàn viên ngọc bích lấp lánh giữa không gian vời vợi. Nó tọa lạc ở nơi này đã hơn hai mươi năm, từ khi căn phòng này vẫn còn là nhà kho chật hẹp đầy bụi bẩn, từ lúc ba mẹ cô còn chưa kết hôn, sừng sững che mưa chắn gió suốt bấy nhiêu năm, là nhà của bao thế hệ sinh vật nhỏ bé, rốt cuộc cũng đến thời điểm sức tàn lực kiệt. Một đời này nó đã trải qua hơn hai mươi cái tết trung thu, sức sống dai dẳng bền bỉ ấy, vậy mà chỉ trong vòng nửa tháng đã bay đi đâu mất. Những gì còn lại cũng chỉ là những kỉ niệm xa vời và đám lá vàng rụng đầy gốc cây.

Cây bưởi ngày đó đã già thật rồi.

Bà ngoại từng nói với cô, tán cây này sẽ ngày càng tỏa rộng, quả chín sẽ ngày càng ngọt ngào, nhưng rồi bất chợt sẽ đến một ngày nào đó, không báo trước, nó lẳng lặng trả lại nhựa sống cho thiên nhiên. Cuộc đời cũng vô thường như vậy, không ai biết trước ngày mai sẽ có gì xảy đến.

"Thế nên Huyền à, đừng lo lắng hôm nay sẽ ra sao, sinh mệnh của con chính là một món quà vô giá, cũng chỉ có con mới có thể khiến nó trở nên có giá trị. Đừng để đến khi không còn bước đi được nữa mới cảm thấy nuối tiếc."

Nhưng nếu ví cuộc sống như một cơn lốc, thì cô chỉ là nhành cỏ dại yếu ớt. Một cơn gió nhẹ cũng đủ quật ngã cô.

Cái cây mà bà nói ngày ấy, chết mất rồi.

Huyền đi tới tủ quần áo, luồn tay xuống dưới tầng tầng lớp lớp vải dày, sau đó lấy ra một cuốn vở nhỏ kẻ ô li màu xanh lá cây. Ngồi vào bàn học và giở đến trang trắng gần nhất, Huyền bắt đầu đặt bút, những nét mực uốn lượn trên giấy.

"11/08/2017.

Ngân nói mình giả tạo phát ớn. Cái này hình như mình biết rồi. Buồn nhỉ? Chẳng ai biết, rằng một đứa rác rưởi như mình đã khóc một mình ở xó xỉnh nào đó.

Cây bưởi sau nhà, chết rồi..."

...

Mấy hôm nay Hoàng Nhật Huyền rất kì quái. Nhưng kì ở chỗ nào thì...

Phương Ngân suy đi tính lại, không sao nghĩ được rốt cuộc là sai ở chỗ nào. Chẳng lẽ là chuyện hôm trước à?

Không, nếu nghe được thì cậu ta phải xông lên và cắt đứt quan hệ với cô luôn vào lúc đó rồi chứ? Hoàng Nhật Huyền vốn chẳng phải kẻ hiền lành, bị kích động chắc chắn sẽ không ngồi yên chịu trận đâu.

Cuối cùng, Ngân quyết định thăm dò thử một phen.

- Nè nè, đến nhà tao chơi không?

Huyền ngạc nhiên quay qua nhìn bạn, ánh mắt hơi sáng lên.

- Nhà mày á? Bao giờ cơ?

Ngân an tâm thở phào, quả nhiên là con bé này vẫn chưa biết gì cả.

- Chiều thứ bảy tuần này, đến nhà tao làm bánh.

- Bánh kem á?

- Ừ, để tao rủ thêm mấy đứa nữa.

Huyền mặc dù đã biết thừa trong lòng Ngân nghĩ về mình như thế nào, nhưng cô vẫn không nhịn được mà tiếp tục hi vọng rằng rồi người bạn này sẽ thay đổi cái nhìn về cô. Lời mời này giống như một đốm sáng mỏng manh lúc ẩn lúc hiện mà Huyền cố gắng vươn tay muốn nắm chặt lấy, dẫu biết có thể chẳng bắt được cái gì nhưng cô vẫn không dám mở bàn tay ra.

Hãy để cô tiếp tục cố gắng níu giữ tình bạn này... Chỉ níu thêm một chút nữa mà thôi.

#hnld

[1]: Còn được gọi là sách Sinh học Campbell, do Neil Allison Campbell chủ biên. Đây là cuốn sách giáo khoa đại cương về Sinh học được dùng để giảng dạy cho sinh viên những năm đầu của các trường đại học và sách tham khảo cho học sinh bậc trung học phổ thông yêu thích Sinh học ở nhiều nước trên thế giới. Cuốn sách này được chọn làm sách tham khảo chính cho các kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế diễn ra hằng năm vì tính chính xác, cập nhật và tính sư phạm của cuốn sách. Sách đã được xuất bản và dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới và là một trong số sách giáo khoa bán chạy nhất thế giới (Nguồn tham khảo: shopee.vn). Cuốn sách này là tài liệu quan trọng của các học sinh tham gia kì thi cấp quốc gia cũng như quốc tế, có đầy đủ kiến thức của 8 mảng nội dung lớn trong sinh học.

[2]: Nhà của Huyền phỏng theo nguyên mẫu nhà ba gian xây hình chữ L, nhà bếp xây thấp hơn nên gọi là "xuống bếp", phòng ngủ và phòng khách nối liền nhau, xây cao hơn nên gọi là "nhà trên". Nhà trên (gồm ba gian) ở đây gần nghĩa với phòng khách.