Lỗi Lầm Không Thể Bù Đắp

Chương 1

“Trả giày lại cho em, hu hu.”

Một đứa bé chừng năm sáu tuổi, vừa khóc vừa đuổi theo một chàng trai mười bốn mười lăm tuổi, trên tay chàng trai đang cầm một chiếc giày mới tinh, chiếc còn lại thì đang ở dưới chân của cậu bé nọ.

“Không trả đó mày làm gì tao, đồ lùn, có giỏi thì tự lấy lại đi.”

Tâm bật cười to đầy khoái chí, cậu giơ cao chiếc giày lên rồi quăng cho người bạn đang đứng ở đối diện mình, đứa bé thấy thế lại lon ton đuổi theo người bạn kia.

Chạy một hồi mệt quá, đứa bé ngồi bệt xuống đất mà òa khóc nức nở, miệng kêu la liên hồi: “Anh Tâm là người xấu, em sẽ mách ba cho ba đánh đòn anh Tâm, hu hu.”

Tâm nghe vậy chẳng những không sợ mà còn thách thức: “Mày đi mách đi, ba mày thương tao hơn thương mày, có khi người bị đánh là mày đấy.”

Đứa bé càng khóc dữ dội hơn, một phần là vì mất giày, một phần khác là vì Tâm nói đúng sự thật, bất lực không biết phải làm gì trong tình huống này, đứa bé lại tiếp tục xin Tâm trả giày cho mình.

Nhưng Tâm không hề có ý định dừng trò đùa ác ý này lại, thấy đứa bé mềm yếu dễ bắt nạt, cậu càng muốn được nước lấn tới.

Tâm cảm thấy việc tung giày qua lại không thú vị, sau đó nhìn thấy con sông ở bên cạnh, trong đầu cậu bèn nảy ra một ý xấu.

“Đùa với mày có một chút mà mày cũng khóc, thôi trả cho mày nè.”

Nói xong, Tâm đưa chiếc giày ra trước mặt đứa bé, nó vui mừng giơ hai tay ra nhận lấy, nhưng ngay lập tức Tâm rụt tay lại, cười lớn và nói: “Thằng lùn ngu ngốc, qua đó mà nhặt này.”

Vừa dứt câu, Tâm đã quăng thẳng chiếc giày xuống dưới sông, đứa bé nhìn theo mà khóc trong sự bất lực.

“Giày của ba em mua cho em mà, anh nhặt lại cho em đi, không thôi ba em la em chết.” Đứa bé rưng rưng này nỉ Tâm, nhưng đổi lấy là tiếng cười trêu cợt của cậu.

Nó nhìn chiếc giày sắp trôi xa dần, sợ ba không vui khi làm mất giày mới, chần chừ trong giây lát, nó bỗng cởi chiếc giày còn lại ra, đặt sang một bên, sau đó cầm lấy nhánh cây gần đó định khều chiếc giày vào bờ.

Thế nhưng độ dài của nhánh cây không đủ, nó cứ chồm người về phía trước, cuối cùng mất thăng bằng ngã ập xuống sông.

“Cứu, cứu em với anh Tâm ơi.” Đứa bé vùng vẫy trong nước, liên tục gọi tên Tâm.

“Cứu thằng nhỏ đi Tâm.” Người bạn đi cùng gấp gáp đẩy vào vai Tâm.

“Nhưng tao, tao không biết bơi.” Tâm đứng lúng ta lúng túng tại chỗ, trên mặt lộ rõ sự sợ hãi.

Cho đến khi nhìn thấy đứa bé đã chìm xuống nước, Tâm mới giật mình, cậu quay phắt sang nghiến răng cảnh cáo bạn mình: “Mày không được nói chuyện này ra, ai có hỏi thì nói hôm nay không gặp nó, biết chưa?”

Nói xong, Tâm và người bạn kia bỏ chạy, chiếc giày nọ vẫn còn nổi lềnh bềnh trên mặt nước, nhưng đứa bé kia đã không thấy tăm hơi đâu nữa.

Bà Phương nhìn thấy con trai hớt ha hớt hải chạy từ bên ngoài vào, mặt mũi trắng bệch thì lập tức bị dọa sợ, bà vội vàng hỏi: “Con bị làm sao vậy Tâm? Con gặp chuyện gì hả?”

Tâm nuốt nước miếng, cố gắng trấn an bản thân lại, sau đó lắc đầu nói: “Con không sao, lúc nãy đi ngang qua nhà kia bị mấy con chó gầm gừ nên con sợ quá bỏ chạy thôi.”

Bà Phương kiểm tra quanh người con trai một vòng, thấy cậu không bị gì mới thở phào, sau đó bà dặn dò: “Lâu lâu nhà mình mới về quê ăn Tết, con cẩn thận đừng đi lung tung, tránh mấy chỗ ao hồ sông suối, nguy hiểm lắm đó.”

Tâm gật đầu, sau đó lảng tránh ánh mắt của bà Phương, lúc cậu đang định bước vào nhà thì một giọng nam hàm hậu vang lên: “Tâm, cháu thấy thằng Kiện đâu không? Cậu tìm nó mãi, chắc lại đi đâu chơi quên đường về rồi.”

Tâm vừa nghe giọng của ông Lâm thì lập tức giật nảy người, ấp úng đáp: “Cháu, cháu không biết, từ sáng đến giờ cháu không thấy em nó đâu cả.”

Ông Lâm còn định hỏi thêm gì đó, nhưng thấy mặt mũi thằng cháu xanh xao quá cũng đành thôi, ông sờ đầu cậu, rồi nói: “Vậy thôi để cậu hỏi hàng xóm, mà mai kêu mợ mày mua một ít thịt bò về xào cho mày ăn, mới về quê có mấy ngày mà cháu của cậu tiều tụy quá.”

Tâm gật đầu rồi đi nhanh vào bên trong, cậu cứ thầm niệm trong lòng rằng mọi chuyện sẽ ổn, sẽ không ai phát hiện ra điều cậu vừa làm, tuy nhiên, ngay sau đó, sự cầu mong hòng che giấu tội ác của cậu đã bị đánh vỡ.

“Anh Lâm ơi, thằng Kiện bị đuối nước, đang nằm ở ngoài bờ sông kìa, anh mau chạy ra coi đi.”

Cả ông Lâm và bà Phương đều giật mình trợn mắt há mồm, ông Lâm vụt chạy ra bờ sông, còn bà Phương thì khuỵu xuống tại chỗ.



“Mày nói thật cho tao biết, có phải mày làm em mày đuối nước hay không? Hả?”

Chát!

Một cú tát mạnh như trời giáng xuống mặt của Tâm, máu lập tức chảy ra từ khóe miệng của cậu.

Bà Phương vội ôm lấy Tâm, cậu sợ hãi rút vào lòng bà, trong lúc lơ đãng, cậu nhìn thấy ánh mắt sắc lạnh đến ghê người của ông Lâm, nỗi sợ trong cậu càng mãnh liệt hơn nữa.

Ông Chính, cha của Tâm kéo vợ mình ra, sau đó lại tiếp tục gào lên: “Mới tí tuổi đã độc ác như vậy rồi, cậu hai của mày thương mày biết là bao, mày còn chút lương tâm nào không?”

“Con không có làm em Kiện đuối nước, là nó tự té xuống sông, con không biết bơi thì làm sao cứu nó được? Lúc, lúc con định kêu cứu thì nó chìm rồi, con sợ quá cho nên mới giấu, con không cố ý đâu cha, cậu hai tin con nha.”

Tâm quay sang, dùng ánh mắt đáng thương vô tội nhìn ông Lâm với mong muốn ông có thể nói giúp cho cậu, nhưng đổi lại chỉ là gương mặt lạnh lùng đến cực điểm của ông.

Ông Lâm nhìn ông Chính mở miệng nói: “Thằng Kiện nhà tôi được cứu sống, nhưng bây giờ nó phải chịu cảnh nằm liệt trên giường, tôi nói thẳng, nếu không nể tình hai nhà chúng ta là họ hàng thân thuộc, tôi đã gϊếŧ thằng chó đẻ này rồi, hừ, Chính à, chuyện này nên giải quyết thế nào thì chú tự liệu đi, nếu con trai của tôi vẫn còn hôn mê mà con trai của chú lại ăn sung mặc sướиɠ thì không xong với tôi đâu, nếu tôi mà điên lên, cẩn thận cả nhà chú mang họa đấy.”

Nói xong, ông Lâm xoay người rời đi, không cho hai vợ chồng ông Chính cầu xin thêm một câu nào nữa.

“Anh à, chúng ta nên làm gì bây giờ?” Bà Phương bật khóc nức nở.

Chỉ mong thằng Kiện không sao, nếu không quan hệ của hai nhà coi như bị chặt đứt luôn rồi, bà chỉ còn một người thân này mà thôi.

“Còn có thể làm gì nữa, từ lúc này cho đến khi thằng Kiện tỉnh, mọi chi phí sinh hoạt của nó đều bị cắt hết, tôi sẽ chừa ra cho nó một căn phòng nhỏ, sau này nó sẽ tự làm các công việc như giặt giũ nấu cơm, không ai được phép giúp đỡ nó hết, trước đây bởi vì quá nuông chiều nó, cho nên bây giờ tôi với bà mới khổ như thế này đây.”

Ông Chính không cho rằng lời cảnh cáo lúc nãy của ông Lâm chỉ là lời nói suông, hiện tại công ty của ông cần phải dựa vào người anh vợ này mà hoạt động, nếu ông ta nổi điên thì sự nghiệp của ông sẽ tiêu tan ngay lập tức.

Vì thế ông chỉ có thể trấn an cơn thịnh nộ trong lòng ông Lâm trước rồi mới từ từ tính đến chuyện khác.

Tâm nghe cha phán tội mình xong thì hét to: “Con không chịu, sao cha lại đối xử với con như vậy? Con sẽ mách với ông bà nội.”

Sau đó Tâm bỏ chạy vào trong nhà, đóng sầm cửa phòng lại, trông cậu dường như không hề có chút hối lỗi nào vì đã khiến em trai họ của mình bị đuối nước, đối với cậu mà nói, người lớn chỉ làm quá vấn đề và đang cố đổ tội cho cậu, bắt ép cậu vào con đường cùng, hừ, đáng ghét, khi trở về thành phố, cậu sẽ mách chuyện này với ông bà nội.

Sáng hôm sau, cả gia đình Tâm thức dậy sớm chuẩn bị soạn đồ đạc để trở về thành phố, lúc Tâm đi ra thì mọi người cũng vừa lúc ngồi vào xe, mà cậu thì vẫn chưa đánh răng rửa mặt gì cả.

Mọi khi cho dù Tâm có lề mề đến đâu, cả nhà cũng sẽ đợi cậu, nhưng lần này thì không.

Dường như Tâm cảm giác được cha mẹ và chị gái sẽ không đợi mình, vì thế không thèm vệ sinh cá nhân hay thay đồ đã chạy ù tới chiếc xe rồi mở cửa ngồi vào trong.

Vừa mới ngồi yên vị, Tâm đã bắt đầu trách: “Sao cha mẹ với chị không chờ con, con còn chưa đánh răng ăn sáng nữa, đi gấp như vậy làm gì?”

Đáp lại cậu là sự im lặng đến ngột ngạt ở bên trong khoang xe.

Tâm cảm thấy hơi kỳ lạ, nhưng vẫn hồn nhiên coi như không có gì, quay sang kéo vai của chị mình, dùng giọng điệu như đang ra lệnh, nói: “Chị có gì ăn không? Mau đưa cho tôi ăn coi.”

Như cau mày giật vai áo ra, liếc xéo Tâm một cái rồi quay ra đằng trước, không hề có ý định đáp lại yêu cầu của cậu.

Tâm bị chị ngó lơ lập tức cáo trạng với mẹ: “Mẹ coi chị hai xấu tính chưa kìa?”

Những tưởng mẹ sẽ bênh cậu mà mắng Như, nhưng không, bà liếc nhìn cậu rồi mắng: “Con ngậm miệng lại đi, phiền quá.”

“Sao mẹ lại…” Tâm ngơ ngác nhìn mẹ mình, chưa bao giờ mẹ dùng thái độ này đối xử với cậu hết, rốt cuộc chuyện gì đang xảy ra vậy?

Két!

Bỗng nhiên xe thắng gấp, người trong xe đều chúi về phía trước, Tâm không thắt chặt dây an toàn cho nên trán đập vào hàng ghế đầu, đau nhức không thôi.

Nhưng Tâm chưa kịp kêu đau thì giọng nói mang đầy sự tức giận của ông Chính đã vang lên: “Mày không câm miệng lại thì cút xuống xe! Cút!”

Tâm bị tiếng hét này của cha mình dọa sợ, trán đau cũng không dám la, ngoan ngoãn ngồi im không mở miệng nữa, lúc này cổ họng của cậu giống như bị bóp chặt, sự uất ức tủi hờn nhanh chóng bao vây lấy cơ thể của cậu.

Tại sao lại như vậy?

Về đến nhà, Tâm không thèm để ý đến mọi người mà đi thẳng lên phòng của mình ở lầu hai, nhưng cậu mới vừa đặt một chân lên cầu thang thì đã bị ông Chính túm lấy cổ áo, giật mạnh ra sau.

“Tao đã nói bắt đầu từ hôm nay mày sẽ sinh hoạt trong nhà kho bên kia rồi mà, mày dám bước vào nhà chính, để xem tao có đập gãy chân của mày hay không?”

Tâm nghe xong chỉ biết trố mắt nhìn cha mình, toàn thân như bị bấm nút dừng, đứng bất động tại chỗ.

Lúc này Như đi tới đẩy cậu ngã sõng soài ra sàn nhà, miệng lẩm bẩm: “Tránh đường cho tao lên phòng, nếu mày không muốn ở nhà kho thì ra đường mà sống, hừ, đồ nói dối, đồ gϊếŧ người.”

Tâm bị ngã, nhưng lại không có ai đỡ cậu dậy, ba người thân ruột thịt của cậu lạnh lùng xoay lưng trở về phòng của mình, để cậu ngồi bệt ở đó hứng chịu ánh mắt săm soi và cười nhạo của người giúp việc.

Cậu bắt đầu cảm thấy sợ hãi rồi, cha mẹ và chị hai thật sự đã giận cậu.

Không, cậu không muốn như thế.

“Cha ơi, cha dẫn con về quê đi, con sẽ xin lỗi cậu Lâm, xin lỗi em Kiện, con không muốn ở nhà kho, không muốn bị cho ra rìa, hu hu.”

Tâm khóc lóc ôm lấy chân của ông Chính mà cầu xin, nhưng đáp lại cậu chính là một hất chân thật mạnh đến từ cha mình.

“Mày lo tu tỉnh bản thân đi, đừng giở trò gì ở đây, nếu tao còn phát hiện mày nói dối hại người, tao sẽ đập mày một trận đấy.”

Vừa dứt câu, ông Chính lại quay sang nói với người làm vườn: “Lôi nó vô nhà kho rồi nhốt lại, cơm chiều cũng khỏi cần cho nó ăn.”

Sau đó, Tâm bị người làm việc to khỏe lôi đi trong tiếng gào khóc dữ dội, nhưng cha mẹ của cậu lại không hề quan tâm, đợi cậu khuất xa rồi, bà Phương mới lo lắng hỏi: “Mình làm vậy có được không anh? Em thấy tội con quá.”

Ông Chính thở dài, đáp: “Mình phải làm mạnh tay như vậy để cho anh Lâm nguôi giận, anh đã kêu người giúp việc dọn dẹp nhà kho sạch sẽ gọn gàng rồi, điều hòa cũng lắp luôn, ngoại trừ nhỏ hơn ra, trong đó cũng không khác gì phòng cũ của nó đâu.”

Bà Phương nghe vậy chỉ đành gật đầu đồng ý, chỉ mong anh hai thật sự nguôi giận, nếu không gia đình của bà chắc chắn sẽ gặp rắc rối lớn.

Tuy nhiên, khác hẳn với suy nghĩ của hai ông bà, tình trạng của Tâm không hề ổn một chút nào, lúc đầu cậu còn phản kháng, nhưng thấy không ai để ý đến mình, cậu bèn im lặng giữ sức, trong nhà kho rất nóng, mới bị nhốt vào không bao lâu, mồ hôi đã thấm ướt áo của cậu rồi.

Tâm cầm điều khiển bật điều hòa lên thì phát hiện máy điều hòa không hoạt động, sau đó cậu bật công tắc đèn lên, đèn vẫn tắt, lúc này cậu mới phát hiện, căn phòng này không hề có điện.

Sự uất ức vốn đã đạt tới đỉnh điểm, bây giờ giống như cơn lũ lớn tràn bờ đê, Tâm ngồi bệt xuống chiếc đệm trống rỗng rồi gục mặt bật khóc nức nở, nước mắt làm nhòe đi cả khuôn mặt.

Tâm ngồi khóc đến tận khuya, vì đã mệt lã người cho nên cậu đã thϊếp đi từ lúc nào không hay.

Sáng hôm sau, Tâm bị đánh thức bởi tiếng bước chân sột soạt ở bên ngoài, cậu dụi mắt ngồi dậy, mở đồng hồ lên xem thì phát hiện lúc này đã là tám giờ hơn, điều này đồng nghĩa với việc cậu đã trễ học.

Tại sao không ai gọi cậu dậy? Dù có giận cũng không thể làm ảnh hưởng đến thành tích của cậu chứ?

Tâm tức giận lao nhanh thay đồ sửa soạn sách vở, nếu ngồi xe đến trường thì chắc vừa kịp giờ ra chơi, vẫn còn vớt vát được ba tiết cuối.

Khi Tâm vừa mở miệng gọi tài xế thì nhận được tin cha cậu muốn cậu tự đạp xe đi học, đương nhiên Tâm không chịu, nhưng đều bị bác bỏ một cách vô tình.

Vậy là coi như hôm nay Tâm phải nghỉ không phép, cậu chỉ đành giả danh phụ huynh, tự bịa lý do bị bệnh để qua ải.

Nhưng đời thường không là mơ, tối đến, ông Chính nhận được tin Tâm giả danh mình xin nghỉ học bèn nổi trận lôi đình, Tâm giải thích vì mình dậy trễ, nhưng cùng lúc đó người giúp việc lại nói đã gọi cậu dậy và cậu đã cáu gắt bảo không đi học.

Tâm không hiểu sao người giúp việc lại nói dối, cậu cố gắng giải thích cho mình: “Con không trốn học, không ai kêu con dậy cả, cha hãy tin con.”

Ông Chính tức giận đến mức não sắp nổ tung, thầm trách con trai không hiểu chuyện, sau một hồi mắng chửi, ông lại phạt cậu không được ăn cơm tối, mặc cho Tâm một mực kêu oan.

Tuy nhiên, tất cả chỉ mới bắt đầu, ngày hôm sau, Tâm cố gắng dậy thật sớm rồi đạp xe đạp hơn hai cây số để đến trường, cậu phải đạt thành tích cao để cha mẹ có cái nhìn khác về cậu, nhưng mới vừa vào lớp cậu đã bị người ta kiếm chuyện.

Khi Tâm chuẩn bị ngồi xuống ghế, một bạn học phía sau đã giật ghế ra ngoài, khiến cậu ngã ập xuống sàn, sau đó những bạn học khác đồng loạt chỉ tay vào mặt cậu mà bật cười to.

Tâm cắn răng lồm cồm ngồi dậy, lớn tiếng nói: “Cậu làm gì thế, có tin tôi mách chủ nhiệm lớp không?”

Người bạn kia không những không sợ mà còn thách thức: “Cô chủ nhiệm tới rồi kìa, mày mách đi.”

“Chuyện gì đang xảy ra vậy? Tâm, sao em lại gây gổ trong lớp?” Cô giáo chủ nhiệm cau mày hỏi Tâm.

“Không phải tại em, là…”

“Bạn Tâm tự dưng mắng em còn định đánh em nữa đó cô, mấy bạn trong lớp làm chứng.” Tâm chưa kịp nói xong thì bạn học kia đã cướp lời trước, không những vậy mà tất cả mọi người trong lớp cũng hùa theo ý của cậu ta.

“Không, không phải, các người nói dối.” Tâm hét lên.

“Đủ rồi, cô đã biết chuyện hôm qua em trốn học, lại còn giả danh phụ huynh xin nghỉ, cô còn chưa phạt em chuyện đó, vậy mà bây giờ em lại tiếp tục vi phạm kỷ luật trường, ngày mai cô sẽ mời phụ huynh vào trường để nói chuyện, còn em, ra ngoài đứng hết tiết đi.” Cô giáo tức giận quát to.

Tâm ấm ức đi ra khỏi lớp, đứng tận hai tiết, đến giờ ra chơi, cô chủ nhiệm rời đi, cậu chuẩn bị đi vào thì thấy người gây sự với cậu lúc nãy quăng giẻ lau bảng vào người cậu, khiến một mảng áo bị dính bẩn.

“Cậu làm gì vậy hả?” Tâm la lớn.

“Sao? Đi mách cô đi, tụi này chờ.” Người nọ bật cười nham nhở.

“Mấy người cứ chờ đó.” Nói xong Tâm vụt chạy đi trong tiếng cười của cả lớp.

Tâm vào nhà vệ sinh để rửa vết bẩn trên áo, nhưng đột nhiên một đám người từ đâu xuất hiện, kéo cậu vào nhà vệ sinh, sau đó khóa cửa ngoài lại và dội nước từ trên xuống.

Tâm bất lực hét lớn nhưng không ai để ý, thế là cậu chỉ có thể ngồi co ro trong nhà vệ sinh với bộ đồ ướt nhẹp trên người, mãi cho đến khi tan học, cậu mới được thả ra.

Tâm về nhà nói chuyện này cho cha mẹ nghe, nhưng hai người không tin, cậu lại bật khóc chạy về nhà kho, cậu không biết rằng trước khi cậu về, Như đã thuật lại chuyện cậu gây sự đánh nhau trong trường cho ông bà nghe rồi, vì thế họ mới nghĩ cậu đang dựng chuyện để gây phiền phức cho người ta.

Cứ như thế, Tâm bị gia đình và trường học ghẻ lạnh, đối xử tệ bạc trong suốt một thời gian dài, lúc đầu, cậu còn tự an ủi mình rằng, chờ đến Tết năm sau, ông bà nội về rồi thì hai người sẽ lấy lại công bằng cho cậu, nhưng dần dà, đối mặt với những ác ý khắc nghiệt từ những người xung quanh, cậu càng ngày càng ít nói, tính tình cũng trở nên trầm lặng hơn trước rất nhiều.

Mãi cho đến khi…

“Anh à, thằng Tâm đang đứng trên cầu đúng không? Nó làm gì ở đó vậy?” Bà Linh quay sang hỏi ông Lâm.

Chuyện lúc trước bà vẫn còn rất hận Tâm, nhưng lâu dần nỗi hận này cũng vơi đi, đặc biệt là khi bây giờ con trai của bà đã có chuyển biến tốt.

Ông Lâm nhìn theo hướng vợ mình chỉ thì thấy đứa cháu trai mà mình từng hết mực thương yêu kia đang đứng trên thành cầu, đưa lưng về phía họ, trông cậu lúc này thật cô đơn.

“Tâm!” Bà Linh cho xe dừng ở ven đường rồi gọi lớn.

Tâm giật mình quay đầu lại nhìn, thấy là cậu mợ hai thì lập tức co chân bỏ chạy một mạch, bà Linh gọi với theo nhưng đã không còn thấy bóng dáng của cậu ở đâu nữa.

Bà liếc nhìn sang chồng mình, thấy ông đang đăm chiêu nhìn về phía trước, bà thở dài, nói: “Chuyện qua lâu rồi, thôi tha lỗi cho thằng nhỏ đi anh.”

Ông Lâm không trả lời, bà Linh chỉ đành lắc đầu, xe tiếp tục lăn bánh, một lúc thật lâu sau, bà Linh nghe loáng thoáng bên tai một tiếng “ừ” từ miệng của chồng mình.



“Thật hả? Thặng Kiện tỉnh lại rồi hả? Ôi trời ơi mừng quá.” Bà Phương nhận được tin mừng vui đến bật khóc.

“Anh ơi, thằng Kiện tỉnh rồi.”

Ông Chính nghe xong cũng mừng rỡ, trong lòng thầm nghĩ thằng Kiện tỉnh rồi, có lẽ anh vợ sẽ không còn trách thằng Tâm nữa.

“Mau kêu người phụ dọn đồ của thằng Tâm về phòng cũ của nó, bảo thím Hai nấu nhiều món ngon, phải tẩm bổ cho con trai mình một bữa mới được.”

Hai vợ chồng hiểu ý nhau, bắt đầu chia ra thu xếp.

Đúng lúc này, điện thoại bàn lại reo lên, ông Chính nghĩ chắc là nhà anh vợ gọi tới, vì thế vội vàng nhấc máy lên nghe.

Tuy nhiên, ngay sau đó nụ cười trên mặt ông lập tức biến mất, mặt mũi trắng bệch, lảo đảo ngã khuỵu xuống sàn.

“Anh sao vậy?” Bà Phương vội chạy tới đỡ lấy chồng mình.

“Thằng, thằng Tâm…” Ông Chính thều thào không nói tròn được một câu.

“Thằng Tâm bị làm sao?” Bà Phương nghe nhắc đến tên con trai, l*иg ngực lập tức quặn thắt lại, một sự bất an xâm chiếm cả cơ thể của bà.

“Con trai của chúng ta… Người ta kêu anh đến nhận xác.”

Vừa dứt câu, bà Phương ngất xỉu ngay tại chỗ, còn ông Chính thì thẫn thờ, miệng vẫn lẩm bẩm gọi tên Tâm.



Bảy ngày sau.

Nhìn chiếc quan tài đựng thân xác của con trai bị người ta đưa vào lòng đất, ông Chính và bà Phương như chết lặng, mái tóc của hai người đã xuất hiện rất nhiều sợi tóc bạc dù chỉ mới bước vào tuổi tứ tuần.

“Anh hai à, anh thâm độc thật đó, tôi đã đồng ý trừng phạt thằng Tâm không cho nó sống sung sướиɠ rồi, vậy mà anh còn mua chuộc người giúp việc trong nhà tôi để cắt điện, cắt khẩu phần ăn của nó, xúi giục con gái tôi bắt nạt em nó, bỏ tiền thuê mấy đứa học sinh đặt điều vu khống, bạo lực thằng bé khiến nó bị thầy cô chì chiết, anh là cậu của nó, anh biết rõ nó coi trọng thành tích học của mình thế nào mà, anh còn cho tiền đám học sinh để nó ăn cắp đề thi rồi giá họa cho thằng Tâm làm nó bị tước quyền thi chuyển cấp. Bây giờ anh đạt được mục đích rồi đó, con trai của tôi nhảy cầu chết rồi, vậy có phải anh nên để con trai của anh nhảy cầu chết theo cho công bằng hay không?”

“Kìa Phương, em nói gì kỳ vậy?” Bà Linh nghe em dâu nói xong lập tức la lên.

Lúc này trông hai vợ chồng em dâu rất đáng sợ, khiến cho người ta nhìn vào cảm thấy nổi gai ốc, giống như họ thật sự chuẩn bị gϊếŧ người vậy.

Ông Lâm im lặng nhìn họ, không mở miệng nói gì.

Ông Chính ôm lấy vợ mình, nhắm mắt lại, nói: “Hai người về đi, hai nhà chúng ta coi như cắt đứt qua lại từ đây, Như, nếu con thích thì sang đó ở với cậu mợ hai đi, ba không cản.”

Như im lặng không nói gì, cô vẫn cúi đầu đốt vàng mã, cứ như không nghe thấy lời cha mình vừa nói vậy.

Ông Lâm nhìn vào chàng trai đang cười tươi trong khung hình, lúc này đây ông cảm thấy những việc mình làm trước kia quá ấu trĩ, cũng quá tàn nhẫn, nhưng ông đã không còn cơ hội chuộc lỗi nữa rồi.

“Cậu xin lỗi con.”