Tiền này Tống Ngọc Nhứ biết, là tiền tiêu vặt anh tư của nguyên chủ gửi về. Anh tư tên Nguyễn Kiến Quốc, nếu nói nguyên chủ Tống Đại Tuyết bị người nhà ghét từ sau khi nữ chính Tống Tiểu Tuyết sống lại, thì Tống Kiến Quốc là người bị gia đình làm lơ từ khi còn nhỏ.
Nhưng Tống Kiến Quốc cũng là người tranh đua. Khi ấy tuyển binh, anh đi báo danh rồi thành bộ đội, mấy năm nay hiếm lúc về nhà.
Tống Ngọc Nhứ biết đời anh tư nguyên chủ không được suôn sẻ. Anh sẽ mất trên chiến trường chiến tranh Việt Nam. Lúc ấy Tống Tiểu Tuyết còn cảm khái một câu với chồng cô ta: “Tuy anh tư chẳng mấy thân thiết với em, nhưng anh đã hi sinh, em cũng buồn lắm, dù sao cũng là anh em trong nhà. Một ít giấy tiền lạnh băng sao có thể đền bù, an ủi nổi.”
Tuy nói thế, nhưng sau khi tiền đền bù của Tống Kiến Quốc được gửi về tay bà Tống và bà nội Tống thì không đồng nào lọt được vào tay người khác trong nhà họ Tống, tất cả đều bị Tống Tiểu Tuyết lấy hết. Lúc cô ta tiêu tiền bốn phương cũng không thấy cô ta bảo đấy là tiền trợ cấp của anh tư.
Theo lời nữ chủ, anh tư Tống Kiến Quốc chả thân với ai trong nhà, nhưng thật ra anh tư lại rất thân thiết với Tống Đại Tuyết.
Ngày xưa, lúc Tống Kiến Quốc đói bụng, Tống Đại Tuyết sẽ lén đưa đồ ăn cô tiết kiệm được cho anh ăn. Khi anh đi bộ đội Tống Đại Tuyết vào núi tìm ít đồ lén gửi cho anh.
Tống Kiến Quốc cũng gửi thư gửi tiền cho Tống Đại Tuyết, nhưng anh có dặn nên chuyện này đều giấu cả nhà họ Tống, chứ nếu không thì Tống Đại Tuyết cũng không thể mang theo 50 đồng này về nơi xứ người.
Tống Ngọc Nhứ lấy 10 đồng trong 50 đồng đấy ra, nạp phí cho hệ thống Hốt hết đồ tốt. Cô tính ngày mai sẽ đến công xã một chuyến, sau đó lại mang một ít đồ trong hệ thống Hốt hết đồ tốt về.
Đặc biệt là chăn!
Cô đang suy tư thì nghe tiếng từ bên ngoài vọng vào, nương theo ánh trăng thì biết là Ninh Chiêu. Lúc này đây cả người anh máu chảy đầm đìa đứng trước nhà, bên chân còn có hai con chim trĩ và một con thỏ, kèm theo cả một cái đầu lợn rừng to đầy răng nanh, nhìn sơ qua đoán chừng ít nhất cũng phải 100 kg.
Tống Ngọc Nhứ: “!!!”
Cô há miệng thở dốc, trong lúc nhất thời không biết nên nói gì, muốn hỏi hỏi anh có bị thương hay không, nhưng vừa tính nói thì Ninh Chiêu đã bảo: “Thừa dịp bây giờ không có ai, tôi lên công xã một chuyến, bán con lợn rừng này.”
Tống Ngọc Nhứ sửng sốt một chút: “… Đưa ra chợ đen hả?”
Ninh Chiêu “ừ” một tiếng: “Tôi đi thay quần áo đã, thay xong rồi đi. Cô cất chim trĩ với thỏ đi, mai làm mấy món đãi khách.”
“Được.” Tống Ngọc Nhứ vội vàng chạy lại, hỏi anh: “Anh có bị thương không? Có cần tôi đi cùng không?”
“Tôi không sao, toàn là máu của lợn rừng thôi. Khuya rồi cô không cần theo đâu, ngủ sớm một chút đi, ngày mai lại phải bận rộn.” Ninh Chiêu lắc đầu, nói xong anh vào phòng thay quần áo, hiển nhiên là không nghĩ tới chuyện dẫn cô đi cùng.
Rất nhanh anh đã thay một bộ đồ sạch sẽ, bước từ trong phòng ra, sau đó khiêng lợn rừng đi nhanh về phía chân núi.
Tống Ngọc Nhứ sửng sốt một chút, sau đó mới kịp phản ứng lại. Có lẽ anh không muốn để người khác phát hiện nên mới không đi đường thôn, nếu bị người xấu thích chọc gậy bánh xe phát hiện anh khiêng lợn rừng lên công xã sẽ báo lên trên là anh săn trộm.
Tống Ngọc Nhứ đứng tại chỗ nhìn trong chốc lát, cho tới khi không nhìn thấy bóng anh nữa mới nhặt hai con chim trĩ và con thỏ lên.
Cô cũng không nghỉ ngơi mà đi nấu nước trụng hai con chim và con thỏ. Rồi cô lại mua một bịch muối trong hệ thống Hốt hết đồ tốt ra, rải muối ướp thịt.
Tuy trời lạnh, nhưng nếu để lâu thịt vẫn sẽ hư, vẫn nên lấy ít muối ướp cho an toàn.