Dắng Sủng

Chương 17

Công việc của bà ta là dạy dỗ và chăm sóc cho các ngựa gầy “trong nhà”. Tình cô cô vốn xuất thân là ngựa gầy, lại được “danh sư” dạy dỗ, mắt thấy tai nghe rất nhiều thứ trong những năm lăn lộn nên am hiểu rất sâu sắc về cuộc đời.

Dựa vào sinh kế này, Tình cô cô mới có thể tự bảo toàn chính mình, mà hai tiếng “phu thê” cũng chỉ tồn tại trên danh nghĩa mà thôi. Tình cô cô thường không về nhà, chỉ khi nào nam nhân đó đến đòi bạc bà ta mới gặp mặt.

Tình cô cô vì thương xót hoàn cảnh của Bàn Nhi nên đã lén lút dạy cho nàng rất nhiều điều, tuy nàng không được học tỉ mỉ nhưng những thứ này cũng đã giúp đỡ nàng rất nhiều.

Kiếp trước của Bàn Nhi cũng giống như kiếp này, được Bùi Vĩnh Xương gửi đến Trần gia rồi lại được đưa vào Đông Cung, nhưng ở giữa không có ai mượn sức Bùi Vĩnh Xương để xáo trộn tình hình, nên hắn ta chỉ gửi một mình nàng đến.

Đây chắc chắn là cái gai trong lòng Thái tử phi, nên sau khi tiến vào Đông Cung, cuộc sống của Bàn Nhi cũng chẳng tốt đẹp gì. Thái tử phi muốn lợi dụng nàng để lôi kéo Thái tử về với mình, nhưng không muốn thấy nàng được sủng ái nên lại năm lần bảy lượt tìm cách chèn ép nàng.

Nàng không thạo chuyện đời, tính tình lại quá nhút nhát, nàng chỉ biết rằng nàng được Trần gia mua về để củng cố địa vị cho họ và phải làm việc theo sự điều khiển của Thái tử phi. Nàng tuy giận nhưng không dám nói mà chỉ luôn nhượng nhịn.

Không chỉ vậy, Thái tử phi vì không muốn nàng có thai nên đã nhiều lần âm thầm ra tay với nàng. Nhờ dựa vào những kiến thức y học và các phương pháp điều phối tinh dầu học được từ Tình cô cô, Bàn Nhi mới phát hiện ra chuyện này. Cũng nhờ đó, nàng có thể sinh hạ ba vị hoàng tử.

Sau này khi đã có quyền lực trong tay, nàng cho người đến Dương Châu để tìm Tình cô cô, nhưng lúc đấy đã năm, sáu năm trôi qua, Tình cô cô của năm ấy đã chết rồi. Người được nàng phái đi báo lại rằng, nam nhân kia vì bị tiểu thϊếp xúi giục, đặt điều nên đã đánh chết Tình cô cô.

Tâm trạng của Bàn Nhi bỗng thay đổi, ánh mắt của Tình cô cô cũng để lộ nỗi bi thương và đau xót. Một lúc lâu sau, nàng mới hoàn hồn rồi vội vội vàng vàng đỡ Tình cô cô đang quỳ trước mặt mình lên.

“Ta mãi suy nghĩ đến ngây người. Cô cô mau đứng lên đi, Bàn Nhi không nỡ để người quỳ.”

Tình cô cô gần bốn mươi tuổi với nước da trắng nõn, mày ngài mắt phượng, thân hình hơi đầy đặn, nhìn thoáng qua cũng biết dung mạo thời son trẻ rất đẹp, chỉ tiếc là trong những năm qua bà ta lâm vào cảnh khó khăn, trên mặt phủ đầy bụi bặm chốn hồng trần, những nếp nhăn li ti nằm dày đặc trên vầng trán và ở khoé mắt. Bà ta mặc một chiếc áo khoác dài màu vàng nhạt như màu gỗ đàn hương, mái tóc đen sẫm được vén ra sau đầu và búi lại gọn gàng, ăn mặc trông rất sạch sẽ và gọn gàng, cách nói chuyện và phong thái của bà ta mang một nét duyên dáng đặc biệt khiến những ai tiếp chuyện với bà ta đều cảm thấy vui mắt vui tai.

“Sao cô nương lại nói nỡ hay không nỡ, quỳ lạy một cái là chuyện nên làm mà. Sau này cô nương sẽ là chủ tử của nô tỳ rồi.” Có lẽ Bùi Vĩnh Xương đã nói gì đó với Tình cô cô nên bà ta mới nói như vậy.

Bàn Nhi để Tình cô cô ngồi xuống cái giường đất trước mặt nàng, rồi bảo Hương Bồ dâng trà. Thấy trên má Tình cô cô có vết bầm, nàng không khỏi nhìn chăm chú vào nó.

Tình cô cô cúi đầu sờ mặt mình rồi nói: “Cảm ơn cô nương đã cho người đi tìm nô tỳ. Lần đó là do tiểu thϊếp nói bậy bạ, bảo nô tỳ giấu bạc của nhà và mượn cớ đó để gọi nô tỳ về nhà. Về đến nơi, họ đánh nô tỳ bầm dập và không cho ra khỏi cửa, ép nô tỳ phải khuất phục, phải đồng ý giao hết lượng bạc nô tỳ kiếm được cho cả nhà họ thì mới thả ra ngoài.”

Mà cũng thật tình cờ, khi người được Bùi Vĩnh Xương phân phó tìm đến ngôi nhà đã nuôi dưỡng Bàn Nhi mới biết Tình cô cô đã về nhà. Khi đến phu gia của Tình cô cô để tìm bà ta, người đó nhìn thấy Tình cô cô đang bị nhốt và đánh đập trong nhà.

Bùi Vĩnh Xương là một người giàu có và quyền lực ở Dương Châu, ngay cả phủ đài đại nhân cũng phải nể mặt chứ nói chi một thư sinh nghèo túng. Chỉ cần cầm được số bạc ít ỏi, người nhà đó trơ tráo đem Tình cô cô ra đổi chác, hơn nữa vì để tỏ ra mình là những người hiểu chuyện, còn chủ động ký khế thư bán thê.

Nghe Tình cô cô kể xong, Bàn Nhi lại vui mừng vì quyết định kịp thời của mình, nếu không Tình cô cô sẽ gặp nguy hiểm.

Hai người cùng hàn huyên những chuyện cũ đã qua, trong lúc đó Bàn Nhi cho những người khác lui ra ngoài rồi tâm sự một chút về hoàn cảnh của mình với Tình cô cô. Trong lòng Tình cô cô cũng biết việc nào cũng có mặt lợi và mặt hại của nó, bây giờ bà ta cũng không được phép đổi ý. Thật ra đứng ở vị trí của bà ta, chỉ cần thoát ra khỏi ổ sói thì cho dù lưu lạc đến bất cứ chỗ nào khác cũng đều tốt hơn ở lại đó và bị người nhà kia chà đạp, chèn ép.

Đến chiều, Bùi Vĩnh Xương đến.

Nói là làm, Trần gia quyết định cử người vào cung, ngoài Bàn Nhi ra còn có điệt nữ của đại phu nhân. Chỉ là, điệt nữ của đại phu nhân được rước vào Đông cung làm thϊếp, còn Bàn Nhi tiến cung làm nha hoàn và vẫn phải ở bên cạnh Thái tử phi. Bàn Nhi thở dài nhưng ngoài mặt thì không nói gì.