Bạn Trai Thích Dưỡng Nhan Của Tôi

Chương 15

Phương Hằng Diễn cuối cùng vẫn không thể ăn cơm với Thường Mạn. Quản lý của thẩm mỹ viện sau khi nhận điện thoại của Đường Lâm thì vội vã báo vài tiếng cho Phương Hằng Diễn.

Thường Mạn cuối cùng cũng được giải thoát khỏi ánh mắt "Thằng nhóc này bản lĩnh lắm, dám sống chung với người khác". Sau khi tạm biệt Phương Hằng Diễn, cậu liền thở phào nhẹ nhõm, khiến Đường Lâm tưởng Phương Hằng Diễn đeo bám mãi không buông, còn định giúp anh dụ dỗ bé yêu về nhà.

Phương Hằng Diễn nghe thấy lời cảm khái của Đường Lâm mà trượt tay suýt nữa tông vào lề đường. Sau khi bình tĩnh, anh dở khóc dở cười: "Ai bảo cô đấy là bạn trai tôi?"

Đường Lâm không dám tin: "Không phải cậu ấy sao?"

"Cậu ấy không phải!"

"Ấy, hình như tôi đã gặp người này ở đâu rồi thì phải..." Đường Lâm não cá vàng nhíu mày, sống chết nhớ không ra.

Lúc này Phương Hằng Diễn cũng hoang mang, "Cô gặp cậu ấy rồi?"

"Hình như là vậy..." Đường Lâm lại suy nghĩ thêm một chốc, cuối cùng đành từ bỏ: "Không nhớ nữa, có khi nhìn nhầm thôi. Mà đáng ra một gương mặt nổi bật như vậy, sao tôi có thể nhớ sai được nhỉ?"

Hợp tác đã lâu, Phương Hằng Diễn mặc dù không thích Đường Lâm cũng hiểu rõ bản tính mù mặt của cô nàng, bèn bất đắc dĩ đáp: "Bỏ đi, có khi là nhớ nhầm thật."

Đường Lâm không phải người thích so bì với người khác, nên nghe Phương Hằng Diễn khuyên thế thì cũng xua tay, vứt mọi chuyện ra khỏi đầu.

Màn đêm buông xuống, Thường Mạn bước ra khỏi phòng sau buổi luyện tập cá nhân chiều nay. Dì Văn vẫn đang dọn dẹp vệ sinh ở phòng khách như mọi khi.

Thường Mạn vẫn luôn thắc mắc một điều bấy lâu, nhưng vì phép lịch sự, cậu không định hỏi nhiều, sợ đυ.ng vào vết thương lòng của dì Văn. Mãi đến khi di động của dì trên bàn trà rung lên, Thường Mạn trong lúc gặm táo đã vô tình nhìn thấy hai chữ con trai trên màn hình.

Cậu gọi dì Văn ra nghe, biết con trai gọi tới thì sắc mặt dì hồng hào hẳn lên, vui vẻ cầm điện thoại về phòng.

Thời gian gọi điện dài, Thường Mạn gặm hết quả táo cũng không thấy dì Văn ra. Đang rảnh rỗi phát chán, cậu bèn ném hạt táo đi, rồi cầm cây lau nhà lau nốt chỗ dì Văn chưa xong.

Dì Văn nghe điện thoại xong vui mừng bước ra, thấy Thường Mạn đang giặt giẻ lau trong chậu giặt thì run tay suýt đánh rơi di động. Dì vội vàng chạy tới: "Cậu Thường, mấy việc này cứ để tôi, sao có thể phiền cậu làm được!"

Thường Mạn quanh năm suốt tháng ôm đồm việc nhà: "..."

Tuy vậy, cậu cũng không tiện cướp công việc của người ta. Cậu không làm khó dì nữa mà lùi sang một bên lẳng lặng quan sát.

Trước kia, Thường Mạn từng hỏi dì Văn tại sao lại đích thân làm mấy việc vặt vãnh này. Nhà Chử Nhạn La khác với nhà cậu ở chỗ có robot quét nhà, hoàn toàn có thể giao cho trí tuệ nhân tạo.

Khi đó, dì Văn đang làm bữa, nghe hỏi thế thì cười khẽ: "Cậu chủ cũng nói thế, nhưng nếu không tự làm gì đó thì sẽ có lỗi với lòng tốt của cậu ấy mất."

Sau đó, dì Văn không nói thêm mà Thường Mạn cũng không hỏi.

Giờ phát hiện ra dì còn có một cậu con trai, cậu không khỏi nhớ đến những lời lúc ấy. Cậu mấp máy môi: "Dì Văn, đó là con dì sao? Năm nay bao nhiêu tuổi rồi ạ?"

"Cậu hỏi Văn Uyên? Nó mười lăm rồi, vẫn còn đi học đấy." Khi nhắc đến con trai, giữa hàng lông mày dì nhuốm ý cười: "Lại nói, nó có thể đi học đều là nhờ cậu chủ cả đấy."

Chử Nhạn La?

Trái lại, Thường Mạn không quá ngạc nhiên.

Cậu mới đến đây mấy ngày nên không biết bình thường Chử Nhạn La là người thế nào. Tuy chưa quan sát kỹ càng cũng ở chung chưa lâu, nhưng chỉ bằng mấy ngày nay, cậu đã thấy Chử Nhạn La tuyệt đối không phải con nhà xã hội đen truyền thống, mà giống con nhà gia giáo hơn.

Thường Mạn định dừng chủ đề, tránh hỏi thêm chuyện riêng tư của người khác. Nhưng có lẽ vì không có người để tâm sự, lại ấn tượng tốt với Thường Mạn nên tự nhiên dì Văn cứ kể hết ra.

"Cậu đừng nhìn cậu chủ cả ngày lạnh mặt, thật ra cậu ấy tốt lắm." Động tác lau bàn của dì Văn chậm lại, tựa như đang chìm vào hồi ức, hai mắt cũng dần mông lung: "5 năm trước, cha của Tiểu Uyên là cấp dưới của ngài Chử Hà. Vốn đang bình thường thế nhưng Tiểu Uyên sinh bệnh cần tiền gấp, không biết bị ai mê hoặc mà cha nó lại rời bỏ ngài ấy... Sau này, cha Tiểu Uyên bị bắt, những thứ bẩn thỉu đó đủ làm ông ấy ngồi tù hai ba mươi năm. Tôi lại không có việc làm, thiếu chút nữa hai mẹ con phải xuống gặp người cha đã mất của tôi rồi. May mà gặp được cậu chủ."

Thường Mạn cảm động: "Nhị thiếu đã thu nhận dì sao?"

"Cũng không hẳn." Dì Văn giơ ngón trỏ chỉ tầng trên, cố kìm nén nước mắt, mỉm cười với Thường Mạn: "Lúc đó, nhà cậu chủ chỉ có một tầng thôi. Sau này vì muốn cho tôi với Tiểu Uyên ở lại mà mua thêm tầng dưới này, cố ý để dành hai gian phòng cho chúng tôi. Phòng cậu Thường đang ở là phòng của Tiểu Uyên ngày trước đó."

Thường Mạn vô thức hỏi lại: "Thế Văn Uyên hiện giờ đang ở đâu?"

Dì Văn cười đáp: "Giờ nó ở trong trường. Nghỉ lễ thì tôi đưa nó về nhà cũ. Cậu chủ lén mua thêm phòng mà không chịu nói cho chúng tôi biết đâu. Hai mẹ con nghe bà chủ nhà kể lại mới biết cậu ấy quan tâm mình đến như vậy."

Chử Nhạn La quả thực có thể coi là Bồ Tát sống.

Thường Mạn nghe xong, thầm gắn cho Chử Nhạn La biệt danh này.

Anh không có lý do gì để làm vậy, cũng không có nghĩa vụ phải làm, trừ phi thật lòng muốn giúp mẹ con dì Văn.

Thấy Thường Mạn im lặng, dì Văn ý thức được mình đã nói quá nhiều, bèn đẩy cậu ra ghế sô pha: "Cậu Thường ngồi nghỉ đi, cậu chủ sẽ về sớm thôi, tôi đi xào hai món nữa đã."

Bà đã ở bên Chử Nhạn La hơn năm năm, nên nắm rõ lịch làm việc và nghỉ ngơi của anh như lòng bàn tay. Quả nhiên chưa đến nửa tiếng, ngoài cửa đã vang lên tiếng chìa khóa, Chử Nhạn La đẩy cửa vào, còn xách theo một chiếc túi.

Thường Mạn không hiểu logo trên túi có nghĩa là gì. Nhưng sau lần được Chử Nhạn La tặng đồng hồ, cậu nửa đêm tra thử tên thương hiệu, suýt bị dọa ném thẳng ra ngoài. Cuối cùng, cậu đặt nó trở về hộp như thể đặt đồ cúng, cẩn thận cất vào sâu trong ngăn kéo, thề không bao giờ lấy ra nữa.

Làm hỏng cậu đền không nổi.

Chử Nhạn La thay giày rồi đến bên cạnh Thường Mạn, đưa túi cho cậu.

Thường Mạn: "..."

Thực lòng mà nói, cậu không dám nhận.

Chử Nhạn La nhăn mày: "Không thích à? Tôi tưởng các cậu đều thích cái này!"

"Các cậu"!

Trong lòng Thường Mạn phản xạ có điều kiện kéo chuông báo động!

Cậu lập tức tươi cười như hoa, say mê cứ như cún liếʍ: "Thích chứ! Chỉ cần là đồ Nhị thiếu mua, người ta đều thích hết!"

Lông mày Chử Nhạn La càng nhăn tít hơn, anh nhẹ thả tay khiến chiếc túi nặng nề rơi lên đùi Thường Mạn. Sau đó, anh đi qua chỗ Thường Mạn, tìm một góc sô pha cách cậu một khoảng rồi ngồi xuống.

Cái cậu này, nói chuyện khó nghe thế! Còn khó nghe hơn cả giọng lúc bị sặc!

Đâm vào tai phát đau.

Thường Mạn là người rất nhạy cảm, ngay lập tức cậu phát hiện ra tâm trạng của Chử Nhạn La đã tụt dốc không phanh. Cậu cẩn thận nhớ lại nội dung lời mình nói, hoàn toàn không đoán được lý do Chử Nhạn La đột nhiên tỏa khí lạnh. Cuối cùng, cậu đành chấm dứt đề tài triết học này bằng một kết luận "Tuy Nhị thiếu sáng nắng chiều mưa nhưng vẫn là Bồ Tát".

Rồi cậu cúi đầu xem cái túi.

... Một đống chữ nước ngoài mà cậu không hiểu.