8.
Mẹ tôi hỏi, là chuyện này à.
Tôi đáp, vâng, chính là chuyện này.
Biết ngay là hỏng chuyện mà, nhưng cũng chẳng phải chuyện gì to tát...Vậy mà lúc nảy bà làm gì mà tận nửa phút cũng không nói nhỉ?
Bà im lặng một hồi, rồi nói, nếu không có chuyện gì thì cúp máy đi. Tôi trả lời, vâng.
Nếu là trước kia tôi sẽ cho rằng bà đang giả bộ tự nhiên, mạnh miệng.
Thế nhưng hiện giờ tôi cũng không dám chắc. Có lẽ bà thật sự không còn quan tâm nữa, và tôi không còn dám nói rằng tôi hiểu mẹ, cũng như tôi không dám nói rằng tôi rất hiểu bố.
Trước đây tôi luôn cho rằng mình và Ran Mori* giống nhau, bố mẹ tôi rất giống bố mẹ cô ấy. Mặc dù họ đã ly dị nhưng bảy năm rồi cả hai vẫn chưa tái hôn, bố tôi không nỡ rời ra mẹ tôi giống như Kogoro Mori yêu Eri Kisaki, hơn nữa cả thế giới đều nhìn thấy điệu đó. Mà mẹ tôi, cũng giống hệt như Eri Kisaki vậy, ưu tú, xinh đẹp, ương bướng, kiên cường nhưng thỉnh thoảng vẫn quan tâm đến bố tôi.
*Ran Mori, Kogori Mori và Eri Kisaki đều là những nhân vật trong bộ truyện tranh nổi tiếng "Thám tử lừng danh Conan" của tác giả Gosho Aoyama.
Cho nên, tôi vẫn luôn lầm tưởng rằng đến một ngày nào đó, họ sẽ giống như phim hoạt hình trên ti vi, bắt đầu lại với nhau.
Tại sao họ lại chia tay chứ? Bố tôi là người hay cười, luôn nghe lời người lớn, thế tại sao lúc đầu lại chống đối ông bà nội, cho dù bị đuổi ra khỏi nhà vẫn kiên quyết lấy mẹ tôi? Mẹ tôi chỉ cao 1m60, khi tôi hai tuổi, bố tôi mắc bệnh lao phổi, mẹ tôi làm thế nào mà có thể một mình bê bình gas xuống dưới, còn nói không sao, không sao?
Tôi vẫn nghĩ rằng, dẫu không thể ngăn cản họ ly hôn nhưng ít nhất thì hiện tại, tất cả những cố gắng của tôi đều đang phát triển theo chiều hướng tốt...Ngày có kết quả thi, cả ba người nhà tôi cùng đi đến nhà hàng Shangri-La, ăn bữa tối chúc mừng bên chiếc bàn quay tròn, tôi cảm thấy hai người họ ở cùng nhau thật tuyệt.
Mãi đến trước khi nhập học nửa tháng, sau bữa tối và nghe nhạc dạo đầu của "Bản tin thời sự", bố tôi mới nói, Cảnh Cảnh à, con thi đỗ Chấn Hoa, cuối cùng bố cũng yên tâm rồi,
Lúc đó tôi đang gọt táo, liền hỏi ngược lại, bố yên tâm cái gì?
Ông im lặng rất lâu. Cuối cùng, tôi bỏ dao xuống rồi ngoảnh lại nhìn ông, phát hiện ông cũng đang nhìn tôi.
"Chủ Nhật tuần sau bố sẽ dẫn con đi gặp một người."
Khi đó, trong đầu tôi chợt hiện ra hình ảnh một người mang đôi cánh thiên sứ, cùng lúc giáng cho tôi một cái tát, vừa tát vừa hét, ngẩng đầu lên nhìn vị trí của Thượng đế, mẹ nó chứ, mau tỉnh lại cho ta!
Sau đó tôi cúi đầu tiếp tục gọt táo, lại còn rất bình tĩnh, không hề cắt trúng ngón tay, hoàn toàn không giống trên phim ti vi.
Tôi nói: "Vâng."
Thực ra, tôi rất muốn hỏi ông một câu, bố, đây có phải chiêu khích tướng cuối cùng của bố không?
9.
Tối hôm đó, tôi nằm trên giường trằn trọc mãi rồi lăn qua lăn lại, trong đầu luôn tưởng tượng đến cảnh bản thân làm thế nào để phá tan tình cảnh này.
Dẫu sao tôi thi đỗ Chấn Hoa là đã vay nợ Diêm Vương rồi, còn sợ cái gì nữa chứ. Khóc lóc om sòm, lăn qua lộn lại, cố tình gây sự, căm phẫn la hét, bỏ nhà ra đi...Tất cả hành động phản kháng của đứa con gái chống đối chuyện bố mẹ tái hôn, tôi đều có thể thử, sau đó giống như kịch bản phim thần tượng được các fans hâm mộ, hét to về phía bố mẹ tôi: "Cầu xin hai người, hãy ở bên nhau đi!"
Thậm chí, tôi còn chẳng cảm thấy đau lòng hay tủi thân. Bởi vì những suy nghĩ hay ho trong đầu khiến tôi hưng phấn đến mức cả đêm không ngủ, trong lòng như có từng đợt sóng dâng lên.
Song tình hình thực tế là không khí bữa trưa hôm Chủ Nhật đã được tính tình hiền dịu của bố và sự uyển chuyển của tôi làm cho trở nên ấm áp, vui vẻ, hòa thuận.
Người phụ nữ đó kém bố tôi tám tuổi, không xinh đẹp lắm nhưng ăn bận rất cẩn thận, trang phục chỉn chu, giọng nói trong trẻo, vừa nhìn là biết đó là một người phụ nữ hiền lành dịu dàng, được giáo dục rất tốt. Quan trọng hơn là trước mặt cô ấy, bố tôi như thể là một người khác vậy.
Phóng khoáng mạnh mẽ, cởi mở vui vẻ.
"Cảnh Cảnh, ăn tôm đi." Cô ấy gắp một con tôm ống trúc vào bát tôi. Sau đó bố tôi cũng gắp một com tôm vào bát của con trai cô ấy.
Bảy năm trước, chồng cô ấy qua đời trong một tai nạn giao thông, để lại một mình cô nuôi nấng đứa con trai bốn tuổi. Công việc ở bệnh viện rất bận nên cô ấy cố gắng làm hai việc cùng một lúc, vô cùng vất vả.
Tôi ngẩng đầu nhìn bé trai ngồi đối diện mình. Thằng bé tên là Lâm Phàm, năm nay học lớp 3, trông da trắng mịn màng, yên tĩnh rụt rè như một con mèo nhỏ. Lúc vừa mới gặp, nó đỏ mặt nhìn tôi rồi cúi đầu nói, em chào chị.
Thằng bé rất thích ăn tôm ống trúc nhưng lại chỉ nhìn hành động của mẹ mà không dám tự tiện gắp. Tôi bỏ con tôm của mình vào bát của thằng bé rồi cười nói, chị không thích ăn loại tôm này, em ăn giúp chị được không?
Bố tôi và cô ấy cùng cười như trút được gánh nặng, dường như sự đồng ý của tôi rất quan trọng vậy.
Giây phút ấy, tôi bỗng cảm thấy thật xót xa. Phải, là xót xa. Bố tôi thích cô ấy, hoặc có thể nói là thích thời gian ở bên cạnh cô ấy: thư giãn, thoải mái, vui vẻ, mãn nguyện, giống như một người đàn ông trụ cột của gia đình có thể làm những việc mình thích mà không bị chỉ trích là kẻ hèn nhát, không cầu tiến.
Vì vậy ngay một điều cuối cùng để ảo tưởng cũng biến mất. Đây chẳng phải chiêu khích tướng, bởi vì trong lòng của bố đã không còn rung động vì mẹ nữa. Thế nhưng, bố tôi đã từng chờ đợi, bây giờ ông không còn nghĩa vụ phải tiếp tục chờ đợi nữa. Ông cũng có quyền được hạnh phúc, chỉ là tôi vẫn lầm tưởng rằng họ luôn đặt hạnh phúc của tôi ở vị trí đầu tiên mà thôi.
10.
Cuối cùng tôi cũng chịu nhìn vào thực tế. Tôi là một người con trong một gia đình đơn thân, bố mẹ tôi ly hôn không phải là chuyện đùa.
Là đứa con trong một gia đình đơn thân thì nên hiểu rằng, trên thế gian này, dẫu có rời xa ai thì bạn vẫn có thể sống tốt, bởi hạnh phúc của mọi người không nhất thiết là phải ở bên cạnh nhau.
Thế nên, tôi làm tất cả những việc tôi có thể làm, để cho bố tôi và cô ấy cảm thấy rằng tôi thật sự muốn hai người họ kết hôn.
Chỉ có thằng bé ngồi đối diện tôi kia cứ chớp chớp đôi mắt nhìn tôi, không biết định nói gì, sau lại cúi đầu, tiếp tục ăn tôm của mình.
Nó vẫn còn nhỏ, cho nên có thể dễ dàng tiếp nhận và làm quen với một gia đình mới hơn tôi.
"Cảnh Cảnh, cô nghe bố cháu nói là cuối tuần sau cháu đến trường Chấn Hoa nhập học phải không?"
Cảnh Cảnh? Tôi bừng tỉnh. Chẳng lẽ cô ấy không biết hàm ý trong tên của tôi ư? Từ lúc chào đời đến nay, cái tên này đã khắc sâu lên người tôi, dẫu trong tay họ là cuốn sổ kết hôn đỏ chói hay tờ giấy ly hôn màu xanh kia đều không thể thay đổi. Tôi chẳng khác gì một cái bia tưởng niệm bị bỏ hoang hay một bản hợp đồng bị bỏ dở giữa chừng, bên A và bên B anh đi đường anh, tôi đi đường tôi, mỗi người một hướng.
Sau khi về nhà và đã ngồi trong phòng khách, bố tôi lo lắng đợi chờ đánh giá của tôi.
Nhưng thực tế là khi đó trong đầu tôi chỉ trăn trở một vấn đề rất nhỏ không đáng nói. Đó là sau khi mẹ con họ chuyển đến đây ở, mỗi ngày tôi còn có thể không đánh răng, không rửa mặt, mặc đồ ngủ, nằm sõng soài trên sô pha mà hát rống lên bài ca chào ngày mới của mình nữa không?
Họ có thể không để bụng, nhưng tôi không thể không biết xấu hổ.
11.
Tôi mang theo tâm trạng phức tạp này mơ màng bước vào cổng trường Chấn Hoa.
Vào ngày nhập học, một biển người xuất hiện. Rất nhiều học sinh có ít nhất hai người thân đi cùng, ngoài bố mẹ ra còn có ông bà và những thế hệ sau nô đùa vui vẻ, cảnh tượng đẹp như câu nói nổi tiếng: Dốc lòng ủng hộ nền giáo dục..
Tôi từ chối yêu cầu đưa đi của bố mẹ, tự mình mang theo máy ảnh và giấy báo trúng tuyển đến trước bảng thông tin xem phân lớp, thuận tiện đưa ống kính về phía đoàn người chụp tách tách. Đi đến đâu tôi cũng mang theo máy ảnh, trước đây là Samsung và bây giờ là Sony, tám triệu pixel. Tôi mua nó trong thời gian nghỉ hè, tạm thời coi là phần thưởng cho bản thân vì đã thi đỗ vào Chấn Hoa.
Rất lâu sau đó có một nhóm đàn em phóng khoáng xuất hiện. Họ đi đến đâu là lại mang điện thoại hoặc máy ảnh ra chụp tự sướиɠ, ngay cả gương trong nhà vệ sinh cũng không tha. Có một sự khác biệt rõ ràng là xưa nay tôi không bao giờ thích chụp ảnh tự sướиɠ, còn bọn họ lại chỉ thích chụp tự sướиɠ mà thôi.
Bảng vàng được dán cao trên tường rào, lớp chọn và lớp đại trà được dán cùng một chỗ, đúng là một danh sách dài dằng dặc. Tôi không muốn chen chúc với bọn họ nên đành đứng ở ngoài chờ.
Nắng gắt cuối tháng Tám thật khó chịu, tôi cúi đầu tìm khăn tay để lau mồ hôi, bỗng nhiên nhìn thấy bên cạnh có một ông chú đang cố gắng hét to vào trong điện thoại: "Nhìn thấy rồi, nhìn thấy rồi, thông tin mẹ của Tây Tây và chủ nhiệm Lý hỏi thăm giống nhau, lần này thật sự phân ra làm hai lớp chọn. Đúng, hai lớp chọn, lớp 10-1 và lớp 10-2, Tây Tây, Dương Dương và Tiểu Xuyến nhà chúng ta học chung một lớp!"
Ông chú cũng lau mồ hôi trên trán như tôi, tiếp tục nói chuyện điện thoại: "Ba chúng nó đều học lớp 10-2..."
Bỗng nhiên, người đầu dây điện thoại bên kia nói gì mà khiến ông chú chau mày lại, nâng cao đề-xi-ben, hét to vào điện thoại: "Ai nói với em là lớp 10-1 tốt hơn lớp 10-2 hả? Xếp hạng ở trên là tốt hơn à? Em sốt ruột cái gì?"
Tôi cười thầm, ngẩng đầu lên nhìn mới thấy, đứng bên cạnh ông chú bụng bia đeo kính râm kia còn có một thiếu niên dáng người cao cao, gầy gầy. Cậu ta chẳng tỏ vẻ gì mà cứ nhìn chằm chằm xuống mặt đất, lúc ông chú ấy mấy lần cường điệu nói về việc lớp chọn, khóe miệng cậu ta nhếch lên một nụ cười giễu cợt.
Chắc chắn là vì không thi đỗ vào lớp chọn nên trong lòng mới buồn phiền như vậy đây mà, tôi nghĩ thầm. Sau đó tôi giơ máy ảnh lên, lén lút chụp lại hình ảnh hai vẻ mặt khác nhau vào máy.
12.
Cuối cùng loa phát thanh phát ra tiếng thông báo rất to, yêu cầu tất cả học sinh đã được phân lớp xếp thành hàng, sau đó đợi bốc thăm chọn giáo viên chủ nhiệm cho mỗi lớp. Những người bên phía tường rào xôn xao một lúc rồi giải tán. Thực ra họ đã sớm tìm thấy lớp của mình rồi, chẳng qua là đi về phía đó để tìm kiếm người quen mà thôi. Tôi nhân cơ hội này tiến đến chỗ tường rào đó, trực tiếp bỏ qua hai lớp chọn, bắt đầu tìm tên của mình từ lớp 10-3.
Do quá chú tâm nên tôi không để ý xung quanh, thế nên trước khi chuyển đến danh sách của lớp 10-5, tôi chẳng may va vào một bạn nam, gò má tôi đập vào bả vai của cậu ta, đau tới mức chảy cả nước mắt, ngồi thụp xuống. Không phải do tôi yếu ớt mà thực chất đó là phản ứng sinh lý, không thể kiểm soát được.
Lúc lâu sau, tôi mới ngước đôi mắt đầy nước mắt lên, bạn nam đó xấu hổ đưa cho tôi vài tờ khăn giấy, tôi vội vàng cầm lấy lau sạch mặt mình, nhìn kỹ lại, hóa ra chính là cậu bạn tôi chụp lúc nãy.
"Rất xin lỗi cậu." Cậu ta thành khẩn cúi đầu, tóc bay phất phơ.
"Không sao." Tôi xua tay, tiếp tục tận dụng thời gian xem bảng báo danh.
Thật trùng hợp, tôi ở lớp 10-5, tên Cảnh Cảnh được viết ngay chính giữa hàng thứ tư, rất dễ nhận ra.
Điều thú vị là bên phải tên của tôi lại là cái tên Dư Hoài.
Trên mặt chữ thì không có gì đáng nói, nhưng nếu đọc liền với nhau thì lại thành "canh cánh trong lòng"*, có hơi buồn cười.
*Tên của Cảnh Cảnh, Dư Hoài trong tiếng Trung đọc liền nhau đồng âm với cụm từ "canh cánh trong lòng".
Tôi đang cười khúc khích thì chợt phát hiện ra bạn nam bên cạnh cũng đang xem bảng tin cười
Bị tôi nhìn chằm chằm đến xấu hổ, cậu ta gãi đầu, sau đó chỉ vào tấm bảng tin nói: "Người bên trái tên tớ tên là Cảnh Cảnh, tên hai bọn tớ đọc lại vừa hay là "canh cánh trong lòng"."