Nói tới đây, Ngô Mai thoáng thở dài, xót xa cho số phận của Tú Phương, xinh đẹp hiền lành là thế mà vớ ngay phải thằng chồng tứ đổ tường (*).
(*) Tứ đổ tưởng là cách gọi dân gian gọi đùa bốn thói quen xấu của đàn ông đó là: Tửu, Sắc, Tài, Khí. Câu nói đầy đủ là “Tửu sắc tài khí tứ đổ tường”. Đây là một từ Hán Việt miêu tả những thói quen xấu làm tan nát cửa nhà, hủy hoại gia đình, hiểu cụ thể hơn thì nó tương đương với: Cờ bạc – Rượu chè – Trai gái – Hút sách.]
Bà Điền nhăn tít mày, hừ lạnh: “Vốn dĩ cái con Diễm Cúc có hiềm khích với Tú Phương nhà mình nên lời nó nói ra không thể tin được. Không chừng nó cố tình tung tin đồn nhảm đấy. Con đừng có mà đi ra ngoài nói năng lung tung.”
Ngô Mai trợn trắng mắt, trời đất ơi, nhân phẩm Văn Trạch Tài tồi tệ cỡ nào làng trên xóm dưới làm gì có ai không rõ, còn cần cô phải rêu rao chắc?!
Đúng lúc này, ông Điền đẩy cổng bước vào, thuận tiện hỏi một câu: “Hai mẹ con bà đang nói cái gì đấy? Mấy đứa trẻ đâu rồi?”
“Tụi nhỏ sang hàng xóm chơi rồi. À, ông nó này, hôm nay tôi nghe người ta đồn…” tuy nhiên chưa nói hết câu đã thấy Văn Trạch Tài lù lù tiến vào sân, bà Điền á khẩu đành nuốt nửa câu sau vào bụng.
Điền đội trưởng vừa múc nước rửa tay vừa hỏi bâng quơ: “Đồn cái gì cơ?”
Bà Điền và Ngô Mai trộm liếc nhau một cái rồi lắc đầu quầy quậy: “Không, không có gì, mấy cha con ông bận gì thì cứ làm tiếp đi, tôi…tôi sực nhớ ra dưới bếp vẫn còn việc chưa làm xong.”
Ông Điền thoáng gật đầu, sau đó bước nhanh vào phòng khách.
Còn Điền Kiến Quốc thì mặt mày xám xịt, hất hàm về phía Văn Trạch Tài, cộc cằn nói: “Vào đi.”
Văn Trạch Tài quay sang cười cười với mẹ vợ và chị dâu rồi đường hoàng đi vào nhà trong.
Đợi tất cả cùng yên vị, ông Điền ra dấu ý bảo Văn Trạch Tài nói trước.
Văn Trạch Tài liền thuật lại toàn bộ câu chuyện một lượt, bắt đầu từ khi Trương Kiến Quốc lừa Triệu Đại Phi thế nào cho tới đoạn anh đi trình báo Hồng vệ binh ra sao. Có bao nhiêu là anh kể bằng sạch, tuyệt đối không giấu diếm bất cứ chi tiết nào.
Nói một lèo hơi khô cổ, Văn Trạch Tài đang định với tay rót chén nước thì Điền Kiến Quốc bất ngờ đứng bật dậy, đi thẳng ra ngoài.
Văn Trạch Tài ngỡ ngàng thốt lên: “Anh cả….”
“Kệ nó đi.” Ông Điền phất tay rồi quay sang căn dặn: “Nếu chuyện này con đã nhúng tay vào thì phải hết sức chú ý. Trương Kiến Quốc là hạng tiểu nhân, sợ rằng sau khi ra tù sẽ tìm con trả thù.”
Văn Trạch Tài trịnh trọng gật đầu: “Dạ con biết rồi, thưa cha!”
Đang nói dở thì Điền Kiến Quốc lừ lừ tiến vào, trên tay cầm theo hai đồ vật, một là ly trà mới hãm và một là cây gậy trúc ban nãy vừa đánh nhau. Anh lẳng lặng đặt cái ly xuống trước mặt Văn Trạch Tài rồi chìa cây gậy trúc ra, khảng khái nói: “Đánh lại đi.”
Ban nãy vì quá nóng nảy, chưa kịp làm rõ vấn đề đã hấp tấp động thủ, đó là anh sai, anh có lỗi với em rể. Mà một khi mình gây lỗi thì phải bù đắp cho đối phương, nếu không lương tâm anh sẽ cắn rứt vô cùng.
Phút bất ngờ qua đi, Văn Trạch Tài khẽ cười, đưa tay gạt cây gậy sang một bên rồi nói: “Anh không cần phải làm thế, em không để bụng đâu. Vả lại trước đây em đã gây ra rất nhiều chuyện đốn mạt, bị ăn đòn cũng là xứng đáng mà.”
Thế nhưng Điền Kiến Quốc vẫn khăng khăng ép Văn Trạch Tài phải ra tay cho bằng được.
Trong khi hai thằng con giằng co qua lại, ông Điền rút một điếu thuốc, châm lửa, rít vài hơi rồi mới từ tốn phân xử: “Nếu hôm nay Trạch Tài mà đánh con thì sợ rằng bà con chòm xóm sẽ dìm chết nó bằng nước bọt mất.”
Một câu ngắn gọn nhưng đủ sức giải quyết tình huống khó xử trước mắt. Cả Văn Trạch Tài lẫn Điền Kiến Quốc đều tìm được đường lui hợp lý.
Điền Kiến Quốc lập tức quẳng cây gậy ra ngoài sân rồi trịnh trọng gửi lời xin lỗi chân thành tới cậu em rể.
Kế đến, ông Điền tiếp tục vặn hỏi Văn Trạch Tài: “Cha nghe nói có người tận mắt nhìn thấy con và Triệu Đại Phi đứng nói chuyện với cô nương nhà Trần gia. Khi không con tìm cô ta có việc gì?”
Văn Trạch Tài ăn ngay nói thật: “Mấy ngày nữa là Hiểu Hiểu khai giảng rồi, con muốn may cho con bé một bộ quần áo mới. Cả Tú Phương nữa, nhiều năm rồi cô ấy chả có bộ cánh nào lành lặn, tử tế. Nhưng con không có tem phiếu, không thể mua được vải mà lại không đủ tiền để mua quần áo may sẵn. Thế là Triệu Đại Phi liền giới thiệu cô Trần, cô ấy nhận may các loại trang phục với mức giá phải chăng nên hôm nay con mới tới đó, đặt làm hai bộ cho vợ con con.”