Thôn dân Ất gãi gãi đầu: “Nghe thì cũng hơi ghê ghê, hay là chúng ta quay về đi, dù sao ở nhà cũng còn khối việc đang chờ.”
Được lời như cởi tấm lòng, thôn dân Giáp gật đầu liên hồi: “Đi, mình về thôi.”
Cẩn tắc vô áy náy, anh còn chưa vợ chưa con đâu đấy, chẳng may xảy ra chuyện gì là xong đời.
Mắt thấy mặt trời sắp lên đến đỉnh, Lâm Ái Quốc và Lý Đại Thuận đứng dậy chào tạm biệt Văn Trạch Tài rồi lững thững xách hai cái sọt không về nhà.
Lúc này bà Lý đang ngồi trước cửa bếp thái rau chuẩn bị bữa trưa, ngước mắt trông thấy cả hai chiếc sọt đều trống hơ trống hoác, bà ngạc nhiên hỏi: “Củi đâu?”
Lý Đại Thuận ngồi bệt xuống hiên nhà, bắt đầu kể lể: “Bọn con có lên núi đâu. Lúc sáng trước khi đi Văn thanh niên trí thức bảo hôm nay khả năng cao sẽ gặp huyết quang tai ương thế nên chúng con…”
Chưa đợi thằng con nói hết câu, bà Lý đã bay đến đập cho mấy phát rõ đau: “Giời ơi là giời, cái thằng chết bầm này, hết khôn dồn đến dại phải không? Ăn cho lắm vào để mà ngu muội, đi tin mấy cái tư tưởng phong kiến cổ hủ. Những cái đó nhà nước ra rả kêu gọi bài trừ bao năm nay mày không nghe hả? Con với chả cái, nuôi chỉ tổ tốn cơm tốn gạo, chả được cái tích sự gì cho đời!”
Thấy thằng em kêu la oai oái, Lâm Ái Quốc vội vàng lao lại can ngăn, ai dè cũng bị ăn đòn luôn.
“Cả cháu nữa, đáng lẽ lớn tuổi hơn thì phải khuyên can bảo ban em nó chứ, đằng này lại hùa nhau tin vào những lời mê tín dị đoan vô căn cứ. Hai cái thằng này, hôm nay mẹ phải đánh cho chúng mày sáng mắt ra!”
Trước giờ bà Lý rất yêu thương và tin tưởng Lâm Ái Quốc, lắm khi còn quý hơn cả thằng con đẻ.
Vậy nên bà càng tức giận gấp bội khi nó cũng hùa theo làm bậy.
Được tấm lưng to rộng của ông anh họ che chắn, Lý Đại Thuận chớp thời cơ nói một tràng: “Mẹ, đừng đánh nữa. Làm sao chúng con không sợ cho được, cả hai đều là trai tân, còn chưa khai chi tán diệp báo hiếu tổ tông mà…”
Lời này quả nhiên linh nghiệm, bà Lý lập tức dừng tay, trừng lớn mắt ra lệnh: “Hai đứa bây nghe cho rõ đây, từ giờ trở đi phải cách xa cái tên Văn….”
Đúng lúc này, Lý thôn y từ bên ngoài hốt hoảng chạy về, vừa chạy vừa la lớn: “Mau đem hòm cứu thương lại đây, nhanh lênnn…”
Lâm Ái Quốc phản ứng nhanh nhất, anh bật dậy nói: “Cậu chờ chút, để con vào lấy cho cậu.”
Lâu rồi mới lại thấy dáng vẻ cuống cuồng của ông chồng, bà Lý lập tức tiến lại gần, lo lắng hỏi: “Làm sao? Có ai bị gì à? Sao ông gấp gáp dữ vậy?”
Lý thôn y vừa thở hổn hển vừa lấy ống tay áo quẹt vội những giọt mồ hôi trên gương mặt đỏ bừng: “Đám người lên núi sáng nay không may đυ.ng phải lợn rừng. Giờ nhiều người bị thương nặng lắm, thôi có gì để về rồi nói sau, tôi phải đi đây.”
Dứt lời ông lập tức kéo Lâm Ái Quốc ôm theo thùng thuốc vội vã lao ra khỏi cổng.
Hốt hoảng xen lẫn ngơ ngác, bà Lý chỉ biết đứng bất động tại chỗ không sao thốt lên lời.
Còn Lý Đại Thuận thì mắt chữ a miệng chữ o, ối giời ơi, may quá, suýt chút toi đời rồi!
Nghĩ tới đây, mặc dù sợ teo một số bộ phận nhưng Lý Đại Thuận không nén được vẻ kích động.
Anh hớn ha hớn hở chạy đến trước mặt mẹ tía lia tía lịa thuật lại sự tình: “Mẹ không biết đâu, sáng nay anh Trạch Tài cũng lên tiếng nhắc nhở nhưng bọn họ không thèm nghe, đã thế lại còn buông lời xỉa xói, móc mỉa nữa cơ. Y như rằng, giờ gặp chuyện rồi đó. Đúng là cãi thầy núi đè, nếu họ cũng giống như con với anh Ái Quốc thì có phải bình an vô sự rồi không?!”
Bà Lý bất giác đưa tay ôm ngực, ôi ôi…không ổn rồi, bay mất nửa cái mạng già của tôi rồi….
Liến thoắng một hồi, Lý Đại Thuận mới sực nhớ ra chuyện ban nãy, anh liền hỏi mẹ: “À đúng rồi, lúc vừa mẹ đang nói dở cái gì thế?”
Bà Lý gắt gao nắm chặt lấy tay con trai, dặn đi dặn lại mấy lượt: “Từ giờ trở đi hai anh em con phải thường xuyên qua lại, duy trì mối quan hệ với Văn thanh niên trí thức nhớ chưa? Lần này coi như cậu ấy đã cứu hai đứa một mạng…”
Không những vậy mà còn cứu mạng cả Lý gia và Lâm gia ấy chứ. Rủi có chuyện gì thì cả hai nhà đều tuyệt tự tuyệt tôn. Nếu thật như vậy chắc bà không sống nổi mất. Phù, đúng là hú hồn hú vía!
Trong khi toàn thôn đang nháo nhào hết lên thì nhà Văn Trạch Tài vẫn bình yên như thường.
Sau một buổi sáng, anh đã hoàn thành xong chiếc xe đồ chơi cho con gái yêu. Anh đặt con vào xe, đẩy đi khai trương một vòng quanh sân nhà. Hiểu Hiểu thích thú cười như nắc nẻ, con bé chơi vui đến độ mồ hôi mồ kê nhễ nhại, hai má đỏ bừng bừng mà vẫn năn nỉ cha cho đi thêm một vòng nữa.
Ngồi trong bếp, nghe tiếng hai cha con vui đùa ngoài sân, Điền Tú Phương khẽ mỉm cười vui vẻ, tốc độ nấu cơm cũng theo đó mà nhanh hơn. Chắc có lẽ cô sợ chồng và con gái chơi mệt sẽ mau đói bụng đây mà!
Một lúc sau, Văn Trạch Tài bế cục cưng vào nhà, ân cần lấy khăn lông lau mặt cho con: “Thôi hôm nay chơi đến đây thôi nhá. Mồ hôi mồ kê ướt cả đầu rồi đây này. Đứng yên cha lau cho!”
Bất ngờ thay, hôm nay Hiểu Hiểu không hề có thái độ né tránh, thậm chí còn rất ngoan ngoãn hợp tác nữa chứ. Điều này khiến Văn Trạch Tài cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng. Bé con đã bắt đầu mở lòng tiếp nhận người cha này rồi.
Cùng lúc này, Lý thôn y đang quay cuồng sơ cứu cho các bệnh nhân. Hôm nay có cả thảy 8 người bị lợn rừng đả thương, trong đó một người nặng nhất bị húc gãy chân. Cũng may Lý thôn y rất giỏi nghiệp vụ cộng với tác phong nhanh nhẹn, dứt khoát nên chỉ một loáng toàn bộ người bệnh đều được băng bó cẩn thận.
Tin tức này rất nhanh đã lan truyền ra toàn đội sản xuất, cơ hồ thổi sang tận mấy đội sản xuất thôn bên.
Xét thấy tình huống nghiêm trọng, Điền đội trưởng lập tức ra chỉ thị yêu cầu người dân tạm ngưng hoạt động săn bắt, hái lượm trên núi. Với những hộ ở gần chân núi cần nâng cao cảnh giác, một khi phát hiện tình huống nguy hiểm phải nhanh chóng gõ chiêng trống, tạo tiếng động lớn để đại đội kịp thời ứng cứu.
Cùng là hàng xóm láng giềng với nhau nên thôn dân Ất, Giáp chu đáo tới từng nhà thăm hỏi, động viên.
Sau khi trực tiếp nhìn thấy thương tích, thôn dân Giáp sợ đến độ mặt cắt không còn giọt máu: “May…may mà chúng ta về nhà sớm…”
Thôn dân Ất gật gù đồng tình: “Phải, đúng là may mắn thật!”