Dị Năng Trọng Sinh Thiếu Nữ Thiên Tài Bói Toán

Chương 67: Đấu Giá Bắt Đầu

Hoắc Văn Hoa quay sang nhìn Dương Tử Mi.

Mặc dù đang là tiêu điểm bàn luận của mọi người nhưng Dương Tử Mi vẫn bình thản, điềm nhiên như không, không tỏ vẻ gì, đồng thời cũng không muốn giải thích gì, cứ như mọi việc không liên quan gì đến cô vậy.

Thấy dáng vẻ không tính toán thiệt hơn của Dương Tử Mi, Hoắc Văn Hoa cũng không tiện giải thích thân phận thầy tướng của cô. Ông biết nếu nói ra cũng không ai tin, hơn nữa còn có thể khiến cô gặp rắc rối, thế nên ông cũng im lặng không nói gì.

Nghe nói Dương Tử Mi là con gái của Dương Thanh, một người đàn ông bạt nhược, hèn nhát trong mắt mình nên Dương Đức Kiệt cũng chẳng đoái hoài gì đến cô nữa. Dương Đức Kiệt cũng có ý nghĩ giống Dương Kiến Minh là Hoắc Văn Hoa chẳng qua chỉ muốn đổi khẩu vị chút thôi.

Dương Tử Mi không muốn đối mặt với gương mặt khiến cô vô cùng oán hận kia nên cô quay người đi đến cạnh Tống Huyền.

Lúc này, Tống Huyền đang thưởng thức một miếng ngọc hình vân mây của thời Chiến Quốc. Miếng ngọc đó là bạch ngọc được điêu khắc vân mây đặc biệt chỉ có ở thời Chiến Quốc. Tống Huyền cứ săm soi miếng ngọc đó mãi, vẻ rất thích chú.

Tuy nhiên, Dương Tử Mi không phát hiện bất kỳ vật khí nào phát ra từ miếng ngọc đó ngoài tia sáng yếu ớt do ngọc phát ra.

Rõ ràng, đó là một miếng ngọc giả cổ nhưng lại được nói là đồ cổ thời Chiến Quốc.

- Thầy à, thầy thích miếng ngọc này sao?

Dương Tử Mi hỏi.

Tống Huyền gật đầu nói:

- Miếng ngọc này là một kiệt tác hiếm hoi của nhà điêu khắc ngọc nổi tiếng Đa Lâm thời Chiến Quốc. Anh cũng đang lưu giữ vài tác phẩm của ông ấy nên cũng đang muốn đấu giá miếng ngọc này về cho đủ bộ.

- Thầy à, nếu như nó là đồ giả thì sao ạ?

Dương Tử Mi nhắc nhở nói.

Tống Huyền ngẩn người ra nhưng sau đó cũng cười nhẹ nhàng nói:

- Tất cả những món đồ cổ được trưng bày ở đây đều đã trải qua giám định thật giả vô cùng nghiêm ngặt trước đó cho nên sẽ không ai dám làm giả đâu.

- Nếu là đồ giả được làm tinh xảo đến nỗi ngay cả giám định sư cũng không nhận ra thì sao?

_...

Tống Huyền nhất thời không biết trả lời sao cho phải. Đúng vậy, trên đời này không ai có được thiên nhãn để có thể phân định chính xác đâu là hàng thật đâu là hàng giả. Ngược lại, cách làm hàng giả thì ngày càng tinh vi hơn.

Chỉ là, Tống Huyền thấy bản thân mình quá quen thuộc với các tác phẩm của Đa Lâm. Lần này miếng ngọc kia cho anh cảm giác rất chân thực thế nên Tống Huyền cũng khó mà tin được nó là giả.

Tuy nhiên, Tống Huyền cũng tin là Dương Tử Mi không sai. Tống Huyền tin vào đôi mắt có thể phân biệt đồ cổ thật và giả thiên bẩm của cô. Từ sau chuyện cô nhận ra được chiếc vòng hoa kia là đồ cổ lúc chỉ mới năm tuổi là Tống Huyền đã cảm thấy cô rất đặc biệt rồi.

Buổi bán đấu giá bắt đầu, những người đến tham gia đấu giá đều vào chỗ ngồi theo số của mình.

Chỗ ngồi của Hoắc Văn Hoa ở ngay chính giữa, hàng đầu, nơi có góc nhìn rõ nhất. Bên phải Hoắc Văn Hoa là cha con Dương Đức Kiệt và các nhân viên tháp tùng theo. Bên trái là thư ký của Hoắc Văn Hoa và Mộ Dung Vân Thanh.

Tống Huyền và Dương Tử Mi ngồi hàng ghế thứ hai ngay sau lưng họ.

Món đồ được đem ra đấu giá đầu tiên là bộ tượng Phúc, Lộc, Thọ Hòa Điền thời Hán. Giá khởi điểm là một trăm năm mươi ngàn. Cuối cùng, Mộ Dung Vân Thanh mua được với giá năm trăm ngàn để dùng làm quà mừng thọ cho bà của anh ấy.

Món đồ cổ thứ hai được đem ra đấu giá chính là chiếc dĩa song ngư thời Bắc Tống của Dương Tử Mi với giá khởi điểm là hai trăm ngàn.

Hoắc Văn Hoa rất thích chiếc dĩa đó nên lập tức ra giá năm trăm ngàn trong lần đấu giá đầu tiên. Điều này khiến Dương Tử Mi không khỏi hồi hộp và cũng bắt đầu chuyên tâm theo dõi cuộc tranh đua về giá cả kia. Cuối cùng, với giá tám trăm năm mươi ngàn, chiếc dĩa kia thuộc về Hoắc Văn Hoa.

Dương Tử Mi cười tươi như hoa. Một món đồ mà cô chỉ tốn có mười lăm đồng để mua thôi nhưng giờ lại bán được rất nhiều tiền.

Có thể là những lời Dương Tử Mi nói lúc nãy nên Tống Huyền không tham gia đấu giá miếng ngọc hình vân mây kia. Đương nhiên, lý do một phần cũng do bí thư thành phố đấu giá đầu tiên nên mọi người cũng không tiện ra giá để tranh giành.

Thế nên, Dương Đức Kiệt chỉ tốn hai trăm ngàn để mua miếng ngọc hình vân mây đó, nhưng miếng ngọc đó lại là đồ giả!