Tình hình chiến sự ngày một căng thẳng. Pháp thua ở chiến trường biên giới rồi trung du, phải đưa Thống tướng De l attre de Tassigny sang Việt Nam làm Cao ủy kiêm Tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Ðông Dương.
Nhưng vị tướng tài giỏi nhất của Pháp cũng khó thể lật ngược thế cờ.
Pháp đang gặp khó khăn sau Thế chiến thứ 2 lại phải gánh chi phí chiến tranh Ðông Dương đến 101 tỉ quan, năm 1946, lên 136 tỉ năm 1948. Pháp sợ nhất là bình định không xong thì quân đội Việt Minh được Hồng quân Trung Hoa kéo tới biên giới yểm trợ. Trong tình thế nước sôi lửa bỏng đó, Pháp phái một tướng lãnh sang Ðông Dương
nghiên cứu tình hình mọi mặt để giúp Chính phủ Pháp giải quyết chiến tranh Việt Nam.
Người được giao sứ mạng này là tướng Revers.
Ngày 16.5.1949, tướng Revers tới Sài Gòn.
Revers đi quan sát chiến trường, tham khảo các bộ tham mưu, cố gắng thấy thật nhiều, nghe thật nhiều để có một cái nhìn tổng quát. Ngoài quân sự Revers còn quan tâm tới chính trị, văn hóa, xã hội.
Không khí Sài Gòn bấy giờ đập mạnh vào mắt vị tướng làm nhiệm vụ Tổng thanh tra. Ðó là không khí ăn chơi, vô trách nhiệm. Các quan chức Pháp lo làm giàu bằng cách chuyển ngân, mua bán đồng Ðông Dương ngân hàng. Ngoài việc buôn bán tiền bạc, Sài Gòn còn có nhiều giải trí trường, hộp đêm sang trọng mà đứng đầu là Ðại Thế Giới do Bảy Viễn đứng thầu khai thác với sự yểm trợ của Quốc trưởng Bảo Ðại.
Về mặt quân sự, Pháp đứng trước nhiều bất lợi. Việt Minh dùng chiến thuật du kích mà quân đội Pháp không quen. Mặt khác, Ðông Dương nằm trong phạm vi quyền lực của Bộ Các Quốc gia Liên hiệp (xưa là Bộ Thuộc địa) do Cao ủy đại diện, nhưng Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh lại là một tướng lãnh do Bộ Quốc phòng chỉ định.
Do cách làm việc tréo ngoe như vậy mà trống xuôi kèn ngược.
Revers đề nghị nên chọn một người của Bộ Quốc gia Liên hiệp nắm cả quyền hành chính và quân sự. Người dó nên là một tướng lãnh.
Về chiến lược, Pháp nên thu vén cho gọn các chiến tuyến, tập trung tối đa quân lực tại miền Bắc Việt Nam, cố thủ các vị trí chung quanh Hà Nội...
Khi nghe Năm Tài báo cáo tình hình, Bảy Viễn chỉ đặc biệt quan tâm tới cái "vυ' sữa" Ðại Thế Giới đang bị các chính khách Pháp bên chính quốc dòm ngó.
Bảy Viễn sợ nhất là cái nồi cơm của mình bị đập bể. Mà người đập bể phải là Tổng thống Pháp chớ không ai khác vì Bảy Viễn đã có cái lọng che đầu là Quốc trưởng Bảo Ðại.
Lo ngại về vụ này, Bảy Viễn điện lên biệt điện trên Ðà Lạt để tham vấn Cựu hoàng thì được Nguyễn Ðệ cho biết là Quốc trưởng đã bay qua Pháp.
Dù lo âu, Bảy Viễn cũng không khỏi cười thầm:
- Ðúng là "dân chơi", giặc đánh tứ tung mà Quốc trưởng chỉ lo bay nhảy. Ngài đã chán Ðà Lạt rồi nên bay qua Cannes, thành phố nghỉ mát bên bờ Ðịa Trung Hải.
Bảy Viễn quyết định bay qua Pháp chơi một lần cho biết. Ði Tây từ lâu đã là một giấc mộng của tay giang hồ gốc nhà quê, hơn nữa đi chơi cũng là để củng cố quyền lợi của mình.
Phải thuyết phục Quốc trưởng giữ vững Ðại Thế Giới trong bất cứ tình huống nào.
Một tuần ở Pháp là một tuần huy hoàng nhất trong đời Bảy Viễn. Cựu hoàng chiêu đãi trọng thể ông chủ Ðại Thế Giới. Nào là lên Paris xem vũ điệu Can can với các pha khoe đùi khoe mông, nào là xuống bãi biển Saint Tropez xem đầm khỏa thân phơi nắng.... Nhưng khoái nhất là được theo Cựu hoàng tới sòng bạc Monte Carlo nằm trong thành phố Manaco. Là tay cờ bạc thập thành, Bảy Viễn cũng phải bái phục cách đánh bạc của Cựu hoàng, ông ta đứng quan sát khá lâu trước khi đặt tiền vào một con số ở sòng roulette. Hồi lâu, một tay chơi cháy túi sau khi nuôi một con số rời sòng bạc thì lập tức Cựu hoàng đặt tiền ngay con số đó và là hòn bi rơi ngay con số đó.
Bảo Ðại gật gù nói với Bảy Viễn:
- Ðó là phép xác suất. Theo cách tính toán này thì một con số có chu kỳ của nó. Nó vắng mặt một lúc rồi lại xuất hiện. Anh chàng kia nuôi con số 13 tới mười mấy lần. Ðến khi anh ta cháy túi thì con số 13 lại xuất hiện.
Bảy Viễn bắt tay khen Cựu hoàng:
- Cái thuyết xác suất đó quá hay. Suy rộng ra thì ở đời mình phải biết chờ thời cơ.
Bảo Ðại gật lia:
- Ðúng thế! Làm chính trị cũng phải biết đợi thời cơ. Như lúc mình nằm ở Hồng Kông, biết bao nhiêu chính khách tới mời mình tham chính. Nhưng mình không nghe. Mình còn phải nhận định tình hình. Chờ tới lúc Pháp mệt mỏi với phe chủ chiến như D argenlieu, Leclerc. Chừng đám này bị thay, mình mới chịu nói chuyện với Cao ủy Pignon. Ký hiệp ước rồi mình vẫn ở Cannes, chờ chừng nào Pháp thật sự chịu trao trả các quyền tự do dân chủ, mình mới về Việt Nam, nhưng không ở Hà Nội hay Sài Gòn mà bay lên Ðà Lạt....
Bảy Viễn nhắc chuyện Ðại Thế giới, Bảo Ðại nói:
- Yên chí? Không ai đóng cửa được nó đâu.
Các nước văn minh đều có nơi giải trí cho dân chúng, như Monaco này đây.