Bảy Viễn Thủ Lĩnh Bình Xuyên

Chương 28

Sau khi vị Hoàng đế cuối cùng triều Nguyễn thức thời, trao ấn kiếm và tuyên bố một câu để đời: "Trẫm thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô ɭệ".

Chính phủ Hồ Chí Minh mời cựu hoàng Bảo Ðại nay là công dân Vĩnh Thụy làm cố vấn nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Nhưng không bao lâu sau, trong một chuyến công du Trung Quốc, Bảo Ðại bay sang Hồng Kông ở luôn, không về.

Hết tiền, Bảo Ðại sẵn sàng làm công cụ chính trị cho thực dân Pháp.

Bollaert bay sang Việt Nam với giải pháp cựu hoàng Bảo Ðại để đương đầu với Chính phủ Hồ Chí Minh.

Pháp đưa Bảo Ðại lên làm Quốc trưởng lập chính phủ trung ương, đưa đại tá Nguyễn Văn Xuân lên làm Thủ tướng. Song song với bộ máy hành chính, thực dân lập những chiến khu quốc gia ngay trong vùng Việt Minh, kêu gọi các chiến sĩ kháng chiến trở về với chính phủ quốc gia do cựu hoàng Bảo Ðại làm quốc trưởng.

Một trong những chiến khu quốc gia đầu tiên là chiến khu quốc gia Bình Quới Tây (nay là Bình Thạnh).

Tinh báo của ta đã gửi báo cáo về chủ trương mới của thực dân, nhằm chia rẽ nội bộ Việt Minh, tách rời những người có tư tưởng quốc gia khỏi sự lãnh đạo của Mật trận Việt Minh.

Trung tướng Nguyễn Bình cho người về Bình Quới Tây nghiên cứu tình hình.

Giữa năm 1947, địch đưa lính Cao Ðài về đóng đồn tại Bình Quới Tây.

Ðịch chọn nơi đây vì Bình Quới Tây như một bán đảo nằm dọc sông Sài Gòn uốn khúc quanh co khi chảy qua khỏi cầu Bình Lợi.

Trước đây Chính phủ Lê Văn Hoạch đã đưa những phần tử mất tinh thần, bỏ ngũ ra thành đầu hàng địch.

Chúng dùng những người này làm "cò mồi" len lỏi vào vùng tự do, xuyên tạc kháng chiến, gây bất mản và lôi kéo những người lừng khừng về chiến khu quốc gia Bình Quới Tây.

Nắm được tình hình, Khu giao Chi đội 1 chọn người cài vô Ban Chỉ huy chiến khu quốc gia này.

Ðây là đơn vị của Cao Ðài Tây Ninh nên ta phải chọn người có liên hệ mật thiết với Cao Ðài.

Người được chọn là anh Hoàng Của.

Ðịch đánh giá Hoàng Của "ngon lành" nên phong chức tham mưu trưởng.

Hoàng Của đưa "bộ đội Cao Ðài" của anh cỡ một đại đội vào. Phải mất nửa năm mới xây dựng được lực lượng "chém vè" của ta trong chiến khu quốc gia Bình Quới Tây.

Khi thấy đã "chín muồi", ta bắt đầu "đại phá" vào hai giờ chiều ngày 10 12.1947.

Vẫn "mánh" cổ điển, tổ chức đá banh giữa hai đội láng giềng.

Trong khi đôi bên vào giữa trận, ta nổ súng lệnh, chụp bắt các phần tử nguy hiểm. Các kho đạn đã được bố trí người chiếm lấy súng phát cho bộ đội của mình. Năm sĩ quan địch bị bắn chết tại chỗ. Ðội quân "nằm vùng" thu gọn chiến lợi phẩm cả kho, vượt sông Sài Gòn, đã có bộ đội đón sẵn mà chỉ huy là anh Lương Ðường Minh (sau là Thiếu tướng Trần Hải Phụng, Tư lệnh binh chủng đặc công biệt động thành phố Sài Gòn).

Song song với chiến khu quốc gia Bình Quới Tây, địch tiếp xúc Bảy Viễn lập chiến khu quốc gia Rừng Sác. Theo trung tá Phòng nhì Antoine Savani, một tên cáo già gốc ở đảo Corse, từng là tay đánh cướp khét tiếng, cưới vợ Nam Kỳ, ăn được mắm sống, nói tiếng Việt rành như người Việt thì chiến khu quốc gia Rừng Sác quan trọng gấp mười lần chiến khu quốc gia Bình Quới Tây.

Về vị trí chiến lược, Rừng Sác là yết hầu của Sài Gòn. Thứ hai, Rừng Sác là căn cứ Bình Xuyên, thiện chiến hơn quân đội Cao Ðài. Nắm được Bảy Viễn thì biến căn cứ Rừng Sác thành chiến khu quốc gia số 1 của nước Việt Nam của Quốc trưởng Bảo Ðại.

Theo thủ tục hành chính, Savani truyền lệnh cho Lâm Ngọc Ðường.

Ðường lại chuyển tới Maurice Thiên.

Tư Thiên đích thân xuống Rừng Sác to nhỏ chuyện cơ mật với lãnh chúa Rừng Sác.

Chuyện không lạ vì trước đó "quân sư" Năm Tài đã gợi ý cho Bảy Viễn "án binh bất động" đứng giữa hai bên Pháp và Việt Minh mà vẫn được Pháp tiếp tế súng đạn và nhu yếu phẩm...

Maurice Thiên trình bày nội dung hiệp ước Phòng Nhì định ký với Bảy Viễn: Chi đội 9 "án binh bất động" không đánh các tàu Pháp từ Vũng Tàu vô Sài Gòn và từ Sài Gòn ra Vũng Tàu. Ðồng thời không đánh các tàu vận tải Pháp từ Sài Gòn qua Nam Vang và từ Nam Vang xuống Sài Gòn.

Pháp sẽ không hành quân đánh vô Rừng Sác suốt thời gian hiệp ước có hiệu lực. Ngoài ra Pháp sẽ chu cấp súng đạn, nhu yếu phẩm cho Chi đội 9 theo yêu cầu.

Bảy Viễn suy nghĩ lung lắm về ba điều khoản trong hiệp ước. Riêng về Chi đội 9 thì dễ thôi. Nhưng Rừng Sác với hai con sông lớn là sông Lòng Tàu và Soài Rạp có rất nhiều bộ đội đóng quân.

Như Lý Nhơn có bộ đội Gò Công chạy sang đóng nhờ, Chi đội 7 của Hai Vĩnh, bộ đội Tư Hoạnh. Nếu đám này mà đâm hứng phục kích tàu Tây hay tàu hàng thì ăn làm sao nói làm sao với trùm Savani đây?

Maurice Thiên liền trấn an Bảy Viễn:

- Chuyện ai nấy lo. Phần Chi đội 9 của anh kể như xong, còn các chi đội khác sẽ tính sau. Nếu xảy ra bất ngờ thì tôi sẽ nói rõ đó là chuyện ngoài ý muốn của Bảy Viễn.

Thế là Bảy Viễn đã âm thầm "đi đêm" với Phòng Nhì qua trung gian người bạn chí thân là Maurice Thiên.

Nhưng đi đêm có ngày gặp ma.

Khu đã nhận được tin tối mật này, dù Bảy Viễn giữ bí mật tuyệt đối.