Tam Thi Ngữ

Chương 11: Trương Cáp Tử, Trùng Khánh

Bác hai tôi là một cảnh sát, đến tận giờ phút này ông ấy vẫn chưa quên điều đó. Lúc tôi và ngài Trần bị dọa đến không thở ra nổi, bác hai tôi đã gầm lên: “Cứu người.”

Tôi không biết cứu người bằng cách nào, quay đầu nhìn ngài Trần. Dường như ông ta cũng bị lời bác hai tôi thức tỉnh, vội vàng nói: “Lật bọn họ lại.”

Nghe ngài Trần nói xong, ba người chúng tôi mặc kệ xác đám động vật, lao vào trong lật cơ thể của mấy người kia lại. Cũng may, bọn họ vẫn còn hơi thở, điều này khiến cho lòng tôi thấy dễ chịu hơn một chút. Nếu như những người này vì vậy mà mất mạng, mặc kệ là ông nội tôi hay cái vị nằm dưới kia đều sẽ tính lên đầu nhà họ Lạc chúng tôi. Phía trước đã có một thợ nề Trần, hiện tại tôi vô cùng sợ hãi lại có người mất mạng nữa.

Thế nhưng, tuy những người này vẫn còn thở nhưng mặc kệ chúng tôi vỗ thế nào, bọn họ đều không tỉnh lại. Tôi và bác hai cố gắng lôi kéo bác cả lên, để ông ấy ngồi bên cạnh. Nhìn hai mươi chín người trước mặt, cả tôi lẫn bác hai đều không biết làm sao.

Chúng tôi đi tới trước mặt ngài Trần, bác hai hỏi: “Bạn học cũ, hiện tại phải làm sao?”

Tôi thấy ngài Trần nhíu mày, móc ra đồng xu từ trong túi tiền, sau khi suy nghĩ một hồi lại thả về, nói: “Tôi thử cách này xem.”

Nói xong, ngài Trần hừ vài tiếng, dường như đang hắng giọng. Tôi đoán chắc ông ta lại bắt đầu niệm chú giống như trên tivi diễn: Thái Thượng Lão Quân, nghe lệnh ta, lập tức tuân theo các loại. Tôi cũng dựng thẳng lỗ tai chuẩn bị ghi nhớ tất cả câu thần chú, như vậy sau này gặp phải sự việc tương tự, tôi cũng không đến mức luống cuống tay chân như hiện tại.

Thế nhưng, biểu hiện sau đó của ngài Trần khiến tôi trợn mắt há miệng.

Sau khi hắng giọng, ông ta không niệm chú, cũng không xướng kinh phật mà ngửa cổ kêu lớn: “Cục… Cục… Cục… Tác…” Thế mà ông lại học tiếng gáy của gà trống! Hơn nữa còn học giống như thật!

Tôi và bác hai nhìn nhau, nghĩ thầm, như thế cũng được?

Nhưng sau khi ngài Trần kêu một tiếng cũng không dừng lại, ông ấy gáy hết tiếng này đến tiếng khác, tiếng sau vang hơn tiếng trước, giống như bị nghiện.

Sau vài tiếng, ngài Trần dừng lại, nghiêng tai nghe ngóng động tĩnh trong thôn. Hơn mười giây sau, ngài Trần lại học gà trống gáy lên, hơn nữa âm thanh lúc này còn vang dội hơn cả lần trước. Đối với vùng nông thôn yên tĩnh, tiếng ông ta càng rõ rệt hơn.

Sau ba tiếng gáy, ngài Trần lại ngừng, nghiêng tai nghe ngóng. Tôi cũng học theo dáng vẻ của ông ta, vểnh tai nghe động tĩnh trong thôn.

“Cục… Cục… Cục… Tác…”

Một âm thanh yếu ớt phát ra từ trong thôn, sau đó là tiếng thứ hai, thứ ba, thứ tư... Rồi những con gà trống nuôi trong thôn bắt đầu gáy vang, hết đợt này đến đến đợi khác, lần sao cao hơn lần trước, truyền tới từ bên kia thôn.

Nói thật, sống ở thôn nhiều năm như vậy, đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy tiếng gà trống gáy dữ dội như vậy. Có lẽ do hồi trước thích ngủ nướng nên tôi đã bỏ lỡ cảnh tượng hoành tráng thế này.

Một phút sau, tôi thấy những người nằm trong mộ bắt đầu di chuyển. Đôi mắt tất cả bọn họ đều nhắm chặt, nhưng cơ thể lại đứng dậy, đi về phía thôn như đang mộng du.

Bác cả tôi cũng giống vậy, chỉ khác là ông ấy lại đi đến nhà thợ nề Trần ở đầu thôn.

Ngài Trần nói: “Tạm thời bọn họ không có việc gì, đợi đến khi trời sáng, bọn họ sẽ không nhớ rõ chuyện tối hôm nay.”

Ba người chúng tôi đi theo phía sau bác cả, cách một đoạn vì sợ đánh thức ông ấy.

Đến lúc này, tôi mới có thời gian khen ngợi ngài Trần: “Bác Trần, bác lợi hại quá, cháu vô cùng ngưỡng mộ bác.”

Tôi đang nói sự thật. Kể từ khi ngài Trần đến thôn chúng tôi, ông nội không bò ra khỏi mộ nữa, ba tôi mất tích cũng tìm về được, hơn nữa còn bình an không xảy ra chuyện gì. Bây giờ không tốn nhiều sức đã cứu được tính mạnh của hai mươi chín người, trong lòng tôi vô cùng khâm phục ông ta.

Ai ngờ ngài Trần lại xua tay nói: “Cháu đừng vui vẻ quá sớm, bọn họ chỉ tạm thời không có việc gì thôi. Nếu bác không đoán sai, tối hôm nay, chắc chắn bọn họ lại đến nơi này bày tư thế ngũ thể đầu địa.”

Tôi và bác hai gần cùng thốt lên: “Lại tới nữa?”

Ngài Trần nặng nề gật đầu: “Nếu ngũ thể đầu địa dễ dàng phá giải như vậy thì nó đã không được gọi là ngũ thể đầu địa rồi.”

Trong ấn tượng của tôi, ngũ thể đầu địa là cách lạy chụm hai tay, hai gối và đầu sát đất. Đây là một trong những nghi thức hành lễ nghiêm trang nhất của Phật giáo cổ ở Ấn Độ, ý nghĩa là thể hiện lòng tôn kính nhất. Từ này xuất phát từ kinh ‘Tỳ Bà Thi Phật’ của Phật giáo, mang nghĩa ca ngợi. Thế nhưng tôi hiểu, chắc chắn ngũ thể đầu địa trong miệng ngài Trần không phải giải thích theo nghĩa này.

Thế là tôi hỏi ngài Trần: “Tại sao lại gọi là ngũ thể đầu địa?”

Ngài Trần giải thích: “Thời cổ đại, chỉ có Hoàng đế mới được hưởng thụ đãi ngộ ngũ thể đầu địa. Trong giới của bác cũng giống như vậy, những kẻ đã có thành tựu cũng thường yêu cầu người khác ngũ thể đầu địa với mình. Mỗi khi trời tối, mấy tên có năng lực sẽ gọi những người đó tới, kêu bọn họ nằm rạp xuống bên cạnh ngôi mộ bản thân, sau đó chậm rãi xơi tái ba hồn bảy vía của bọn họ. Đợi bảy bảy bốn chín ngày sau, hồn phách của những người kia đều bị ăn tươi hết, đến lúc đó những người này chỉ còn con đường chết, thần tiên có xuống trần cũng không cứu được.”

Quả nhiên, ngài Trần vừa nói xong, sắc mặt tôi lập tức thay đổi. Nếu đúng như vậy, há chẳng phải bác cả tôi không sống quá bốn mươi chín ngày ư? Tôi vội vàng hỏi ngài Trần: “Vậy làm sao để phá giải? Mỗi lúc trời tối lại đến nơi này học tiếng gà gáy ư?”

Ngài Trần lắc đầu nói: “Có thể lừa dối một lần, lẽ nào có thể gạt bốn mươi chín lần tiếp theo? Hơn nữa, hôm nay bác học tiếng gà gáy chỉ là phương pháp trị ngọn không trị được gốc, nhiều nhất để bọn họ về nhà sớm hơn mà thôi, giống như câu nói kia, chẳng có nghĩa lý gì hết!”

Tôi không bỏ cuộc, tôi vừa mới mất đi một thành viên trong gia đình, tôi không muốn mất thêm một người thân nào khác. Vì vậy tôi lại hỏi ngài Trần: “Nếu như buổi tối trói mấy người này lại, không cho bọn ra ngoài thì sao?”

Ông ta bảo: “Vậy bọn họ còn chết nhanh hơn. Vốn dĩ còn có thể sống bốn mươi chín ngày, bị cháu trói lại sẽ chết ngay trong hôm đó.”

Tôi nhìn theo bóng lưng chậm rãi của bác cả phía trước, lòng nóng như lửa đốt nhưng lại không có cách nào. Trước đây ở trường học, dù vấn đề có khó khăn đến đâu đều có một cách giải quyết, sau đó đạt được đáp án chính xác. Thế nhưng tôi bỗng phát hiện ra những thứ tôi từng học được, mẹ nó đặt lên người bác cả lại chẳng có tác dụng gì.

Cũng chính trong khoảnh khắc này, tôi mới hiểu được trước mặt sự sống và cái chết, con người thật sự quá nhỏ bé. Trên đời này có biết bao nhiêu điều chưa biết, mức độ rủi ro cũng vô cùng lớn, dường như suy nghĩ sống yên lành đã trở thành một hy vọng xa vời.

Tôi không biết khi ông nội tôi luyện bản thân thành xác sống có từng nghĩ đến hậu quả này không. Nếu không nghĩ đến, biết được tình hình hiện tại của bác cả, liệu ông cụ có hối hận không? Nếu ông nội nghĩ tới những hậu quả này, tại sao ông cụ vẫn còn khăng khăng cố chấp luyện xác sống? Tại sao lại muốn cướp đoạt vận thế của vị kia?

Trong ấn tượng của tôi, ông nội là một ông cụ hiền lành, luôn cầm quạt đuổi muỗi cho tôi suốt đêm hè. Trước đây tôi luôn nghĩ mình rất hiểu ông, nhưng tại sao sau khi ông cụ mồ yên mả đẹp, tôi mới phát hiện ra hóa ra trên người ông cụ lại che giấu nhiều bí mật như thế?

Nếu đây là bài toán khó ông đặt ra cho cháu, liệu ông có thể cho cháu một phương hướng giải quyết và đáp án không?

Bác hai nhìn thấy dáng vẻ uể oải mất tinh thần của tôi liền vỗ vai an ủi: “Tiểu Thiên, đừng lo lắng quá, vẫn còn hơn bốn mươi ngày nữa, rồi sẽ tìm được biện pháp thôi, xe tới trước núi ắt có đường. Vả lại, dù không có cách nào thì đó cũng là số mạng của bác cả cháu, cháu lo lắng cũng chẳng có ích lợi gì.”

Tôi gật đầu, không nói gì.

Ngài Trần cũng quay đầu lại nói với tôi: “Tiểu Thiên, bác chưa từng gặp qua ngũ thể đầu địa, hơn nữa thợ đóng giày như bác cũng không am hiểu mấy thứ này nên không biết cách phá giải. Thế nhưng chuyện này không đồng nghĩa không có cách giải, bác biết có một người, rất giỏi xử lý những chuyện như này, có điều không dễ mời lắm.”

Tôi bảo dù có khó khăn đến đâu cũng muốn mời.

Bác hai cũng gật đầu tỏ vẻ đồng ý, còn nói: “Nếu thật sự không mời được thì trói lại mang về đây. Đừng quên, tôi là người có súng.”

Tôi hỏi đối phương là ai, ngài Trần bảo: “Trương Cáp Tử, ở Trung Khánh.” (Cáp Tử nghĩa là mù lòa).