Editor:
Nguyetmai
Lúc này Chung Minh đang tìm đọc lịch sử của thế giới này, nghiên cứu tính khả thi của game mình sắp làm.
Lịch sử của thế giới này về căn bản bắt đầu phân kỳ với kiếp trước của Chung Minh từ cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Trận chiến khoa học kỹ thuật trong chiến tranh thế giới thứ ba bùng nổ, sự đầu tư mạnh cho quân đội trí tuệ nhân tạo và khủng hoảng máy móc công nghệ cao sau này khiến cho lịch sử của thế giới này bước lên một con đường hoàn toàn khác. Nhưng trước chiến tranh thế giới thứ ba, lịch sử của hai thế giới có rất nhiều điểm tương đồng.
Cái được gọi là "lịch sử cổ đại" của thế giới này, cũng chính là giai đoạn trước chiến tranh thế giới thứ ba, lịch sử dài đến mấy nghìn năm trước khi kỹ thuật trí tuệ nhân tạo đột nhiên phát triển mạnh mẽ, thực ra cũng không khác nhau quá nhiều so với kiếp trước của Chung Minh.
Chỉ có điều các loại tư liệu lịch sử của thế giới này bị trí tuệ nhân tạo phá hoại nghiêm trọng, nên nội dung có thể tìm đọc được cũng rất đứt quãng.
Thông qua những tư liệu đứt quãng này, Chung Minh cũng có thể biết đại khái một số tình hình trong chiến tranh thế giới thứ hai, về cơ bản chúng trùng khớp với kiến thức lịch sử của anh, ví dụ như sự kiện Trân Châu cảng, ví dụ như cuộc tấn công Ba Lan chớp nhoáng v.v..
Chỉ có điều đối với người của thế giới này mà nói, nhắc tới "sự kiện Trân Châu Cảng", cũng tương tự như việc Chung Minh nhắc tới sự kiện "Chiếm ngục Bastille" với một người bình thường trong kiếp trước, chỉ có một số người biết đến chuyện này, hơn nữa chỉ có kiến thức nửa vời, cảm giác cách mình rất xa.
Có điều, chỉ cần giai đoạn lịch sử này là lịch sử thực sự đã từng xảy ra là đủ.
Đa phần người chơi đều xa lạ với giai đoạn lịch sử này, cũng chưa chắc đã là chuyện xấu.
Ví dụ như trong "Assassin"s Creed" đã sử dụng một lượng lớn nội dung lịch sử, ví dụ như đại cách mạng Pháp, cuộc chiến giành độc lập của Mỹ v.v.., nhưng người chơi trong nước chỉ có kiến thức nửa vời đối với những sự kiện này vẫn chơi rất vui vẻ, hơn nữa đây còn trở thành một mánh khóe rất quan trọng.
Vì thế, những đề tài như vậy sẽ không khiến người chơi chùn bước, chỉ cần bạn thực sự có thể làm tốt.
Chung Minh tìm máy tìm kiếm vạn năng trong vòng tay để sử dụng.
Những chi tiết về tất tần tật các mặt trong game này đều hiện lên trong đầu Chung Minh, anh bắt đầu nhanh chóng ghi lại khung sự kiện trong toàn bộ quá trình, và cốt truyện game với nhiều đường dây phức tạp vào máy vi tính.
Ngón tay anh lướt nhanh trên bàn phím, toàn bộ nội dung cốt truyện dần dần hiện ra. Sau đó là từng nhân vật chân thật, và từng câu nói để đời trong đó...
Máy tìm kiếm vạn năng đầu tiên đã dùng hết, Chung Minh lại dùng tới máy thứ hai.
Lần này anh bắt đầu dùng bảng vẽ điện tử nhanh chóng phác thảo ra đường nét ngoại hình của từng nhân vật và bối cảnh trong bản vẽ tạo hình của từng cảnh tượng một.
Mặc dù chỉ là những đường nét đơn giản, không đi vào chi tiết cũng không thêm màu, nhưng vẫn nhìn rõ được dụng ý và cảm giác trong đó.
Bản vẽ tạo hình đầu tiên, là viễn cảnh một hải cảng, mặt trời buổi chiều ngả về đằng Tây, nhuộm đỏ mặt biển yên lặng, một con thuyền chở khách đang nhổ neo, lái về phía bờ bên kia của đại dương.
Nhân vật đầu tiên, là một người trung niên mang dáng vẻ của một phần tử trí thức, nhíu chặt mày lại, dường như tràn đầy căm phẫn, nhưng cũng có thể nhìn ra được vẻ hiên ngang, cương trực.
Sau đó, từng bối cảnh, từng nhân vật được hiện lên trên giấy.
Chung Minh vẽ rất nhanh, vẽ xong cái này thì lập tức vẽ tiếp cái khác, mỗi một bản vẽ đều chỉ phác thảo vài nét bút là hoàn thành.
Rốt cuộc, tất cả đã hoàn thành được kha khá, phần còn lại đều là những đoạn Chung Minh có ấn tượng vô cùng sâu sắc, không cần nhờ vào máy tìm kiếm vạn năng cũng có thể tái hiện được.
Chung Minh thở phào một cái, cuối cùng mới viết tiêu đề cho tài liệu về khung câu chuyện.
Châu Sâm sáp tới: ""Con đường ẩn náu cho Cách Mạng*"... Chung Minh, tên này vừa nhìn đã thấy có vẻ dở hơi, hơi giống tên mà mấy quyển tiểu thuyết rẻ tiền trên mạng mới đặt..."
(*) Con đường ẩn náu cho Cách Mạng: tên Hán Việt là Tiềm Phục Chi Xích Đồ (潜伏之赤途), là một game có thật về đề tài cuộc chiến trinh thám của gián điệp do Fantasia sản xuất, lấy bối cảnh là bến Thượng Hải thời Trung Quốc kháng chiến chống Nhật.
Khương Uyển Na cũng nói: "Gọi luôn là "Ẩn náu" không tốt hơn à? Phía sau có vẻ hơi dư thừa nhỉ."
Chung Minh lắc đầu: "Thiếu một chữ cũng không được."
"Được rồi. Vậy thì, đây là game gì hả?" Châu Sâm hỏi.
"Game novel*."
(*) Game novel: Hay còn gọi Visual novel, loại game cho phép người chơi sử dụng text để điều khiển nhân vật xuyên suốt cốt truyện game.
Châu Sâm: "... Ớ."
Châu Sâm vốn muốn thể hiện một phen nay lại thấy hơi mệt não.
Game novel?
Nói vậy chẳng phải ý là lập trình viên cũng không có việc gì mấy sao...
Cũng không phải không có việc gì, chỉ là so với những game khác mà nói, game novel là một trong những loại hình nhàn nhã nhất đối với lập trình. Chỉ cần chạy ổn thỏa bộ khung cơ bản, còn tất cả phần sau đều có thể dùng cách kết hợp với các ô, bảng để hoàn thành.
Lúc nào nên hiện lên bối cảnh nào, nhân vật nào, câu đối thoại nào, đều có thể dùng cách kết hợp ô, bảng để thực hiện.
Có lẽ một số hiệu quả động tác đơn giản cần lập trình viên phải làm, nhưng trừ cái đó ra cũng chẳng còn gì nữa.
Đương nhiên, lượng công việc ít là chuyện tốt, nhưng điều Châu Sâm lo lắng là loại game này có thể kéo được nhiều người chơi không.
Game novel là một loại hình game khá cũ, vẫn tồn tại đến bây giờ, cũng chỉ vì rất nhiều người mới, người thiết kế nghiệp dư đều dùng loại game này để luyện tập.
Sản xuất game novel rất đơn giản, chỉ cần giải quyết được vấn đề về cốt truyện và tài liệu mỹ thuật, sau đó tất cả những gì họ cần là thời gian.
Nhưng đây cũng là một thể loại khó ra được tác phẩm kinh điển, dù sao bản thân game cũng không có cách chơi phức tạp gì đáng nói, chỉ là kể chuyện.
Nếu bản thân câu chuyện đủ đặc sắc, thì game cũng sẽ đủ đặc sắc; nếu câu chuyện không ra gì, cho dù game tốt hơn nữa cũng không có nghĩa lý gì.
Đương nhiên, chọn loại hình game này, Châu Sâm cũng không có dị nghị gì quá lớn, bởi vì sản xuất game novel rất đơn giản, có thể kiểm soát được chi phí. Từ góc độ "tiết kiệm tiền" mà nói, đây là một lựa chọn tốt, không sải bước quá rộng, không dễ bị đau háng.
Mà trong studio có hai họa sĩ trâu bò là Chung Minh và Khương Uyển Na đây, đương nhiên cũng không cần lo lắng đến vấn đề tài nguyên mỹ thuật.
Vấn đề duy nhất là, Chung Minh có câu chuyện gì hay hay không?
"Tôi có thể xem qua cốt truyện không?" Khương Uyển Na hỏi.
Chung Minh nói: "Có thể cho chị xem phần mở đầu. Đoạn sau tôi không muốn tiết lộ tình tiết, hơn nữa những đoạn đối thoại, giới thiệu cụ thể đều chưa hoàn thiện, chỉ là một khung phác thảo câu chuyện cứng nhắc, không đặc sắc lắm đâu."
"Vậy cũng được, xem thử mở đầu cũng được." Khương Uyển Na gật đầu.
Châu Sâm cũng cùng chung ý tưởng, trước khi sản xuất một game novel, phải biết trước đại khái rốt cuộc nó là bối cảnh câu chuyện như thế nào?
"Tôi tên là Phương Biệt, nam, 22 tuổi."
"Tháng 2 năm 1939, sau khi du học hai năm ở Nhật Bản, cuối cùng tôi đã được bước lên con tàu trở về cố hương."
"Một người bạn Nhật Bản của tôi hỏi tôi, cục diện bên kia rất bất ổn, vì sao không ở lại Nhật Bản đến khi chiến tranh kết thúc?"
"Tôi trả lời: Hai năm qua, tôi đã nhìn thấy sự cường thịnh của Nhật Bản và sự suy thoái của các nước Đông Á, cảm nhận sâu sắc về sự cố gắng và nỗi khổ tâm của Thiên Hoàng bệ hạ khi thành lập Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á. Lần này tôi về nước, chính vì muốn cố gắng hết sức của mình, hiệp trợ Hoàng quân hoàn thành đại nghiệp."
"Đơn giản mà nói, tôi về nước, là để làm Hán gian."
Cùng với tiếng gõ bàn phím của Chung Minh, trên tài liệu bắt đầu hiện ra từng dòng giới thiệu cốt truyện. Hai người Khương Uyển Na và Châu Sâm cũng nhìn thấy phần mở đầu của câu chuyện xa xưa.
Mà sau khi gõ xong những lời "Tôi về nước, là để làm Hán gian" ở đoạn cuối cùng này, Khương Uyển Na và Châu Sâm đều nhìn thấy sự khϊếp sợ trên khuôn mặt đối phương