Phượng Kinh Thiên

Chương 14: Tâm tư tinh tế

Nhìn thấy bóng lưng ủ rũ của Nguyên Vô Ưu, rốt cuộc Ngụy Trung cũng thở phào một hơi nhẹ nhõm, lẩm bẩm: “Cuối cùng cũng tiễn được vị ôn thần tôn quý này đi rồi.”

Cố thái phi đã vào Nhân Lãnh cung này được mười tám năm, cứ ru rú trong nhà, một lòng thờ Phật, từ trước đến nay không màng thế sự, ngay cả gặp mặt Hoài vương mỗi năm một lần, bà ta cũng chỉ đứng cách cửa cung xa xa nhìn một cái rồi quay người đi mà thôi.

Ông ta nghĩ đi nghĩ lại, cũng chỉ có duy nhất Cố thái phi có thân phận này mới có thể nghiêm khắc từ chối khiến Vô Ưu công chúa đành chịu bó tay.

Tiểu Hoa Tử, Tiểu Cao Tử ngơ ngác nhìn bóng lưng mảnh mai ủ rũ kia, trong lòng lại cảm thấy khó chịu.

***

Chủ tớ ba người Vô Ưu công chúa đi theo sau Phúc công công. Đi qua một cái hành lang thật dài, đi qua một bãi đất hoang trống trải, rốt cuộc cũng đến được Quy Phật điện.

Nhìn thấy cái viện thô sơ đứng sừng sững ngay dưới tường cung cao cao, Ngọc Châu, Ngọc Thúy kinh ngạc phát hiện ra, nơi này còn hoang vu hẻo lánh hơn cả Thái Hồi điện nữa, vì vậy tiếng mõ cũng lọt vào tai vô cùng rõ ràng.

Phúc công công nhẹ nhàng gõ cửa một tiếng rồi đẩy cửa viện ra, nhưng hắn cũng không tiến vào mà đứng tại chỗ, thái độ cung kính trước nay chưa từng có, cao giọng gọi: “Nô tài Phúc An cầu kiến Cố thái phi.”

Nguyên Vô Ưu buông mắt để che đi sự rung động, yên lặng chờ đợi, Ngọc Châu, Ngọc Thúy ôm đàn càng nghiêm nghị.

Một người bước ra từ trong nội điện. Phúc công công nhìn thấy bà ta, trên mặt đầy vẻ tươi cười: “Lan ma ma.”

Lan ma ma liếc nhìn ba chủ tớ đứng sau lưng Phúc An, ánh mắt dán chặt lên người Phúc công công: “Phúc công công, đây là?”

Nét cười trên mặt Phúc công công cứng lại một chút rồi tiếp tục cười, chỉ là có chút không tự nhiên. Hắn ngại ngùng nói: “Là... là thế này, Vô Ưu công chúa muốn học đàn, vì... vì thế...” Vì thế, đưa cái nhân vật rắc rối này tới đây chính là mong Cố thái phi thay bọn họ từ chối vị Nguyên Vô Ưu bướng bỉnh làm xằng làm bậy, luôn cho rằng mình vẫn là công chúa này.

“Lan ma ma, mời Vô Ưu công chúa tiến vào.” Tiếng gõ mõ trong nội điện vẫn không ngừng, nhưng lại có thêm một giọng nói hiền lành từ ái vang lên.

Lan ma ma cung kính quay vào trong gật gật đầu rồi lại phúc thân với Nguyên Vô Ưu, giọng nói rất bình tĩnh: “Vô Ưu công chúa, mời!”

Nguyên Vô Ưu cất bước theo Lan ma ma vào trong điện. Ngọc Châu, Ngọc Thúy cũng không nhúc nhích, điều này khiến cho Phúc công công vốn nhấc chân định bước vào lại ngượng ngùng dừng ở giữa không trung. Cuối cùng, vẫn phải ngượng ngập mà thu chân về, đứng yên tại chỗ.

Quy Phật điện và Thái Hồi điện thực ra không có khác biệt quá lớn, đại khái là gần như nhau, nhưng ở nơi này lại bày biện giống như một phật đường.

Người đang quỳ dưới tượng phật nhắm mắt, chuyên chú gõ mõ lễ phật chính là Cố thái phi, mặt mũi hiền lành, dung mạo đẹp đẽ, trường bào màu xanh đơn giản mặc trên người bà cũng tự có một vẻ đẹp riêng.

Sau khi Lan ma ma dẫn Nguyên Vô Ưu tiến vào, liền cúi người hành lễ với Cố thái phi đang quỳ ở đó. Sau đó, cung kính cúi người lui ra ngoài, chỉ để lại một mình Nguyên Vô Ưu.

Nguyên Vô Ưu ngẩng đầu lên đánh giá tượng phật đứng sừng sững trước mặt nàng, tượng phật bày trên chiếc bàn dài không phải là tượng vàng, mà là một pho phượng phật điêu khắc từ gỗ ước chừng cao khoảng một mét, rộng khoảng 5 cm. Đặc biệt, tượng phật sống động như thật, mặt mày rất có sức truyền cảm, lấy từ bi làm gốc, mắt nhìn khắp thiên hạ.

Sau khi đánh giá tượng phật, lông mày nàng khẽ nhếch lên, hai bên tượng phật treo một cặp câu đối: Thị Phật phi Phật hà vi Phật, bản tính vô tính tiện thị tính.

(Dịch: là Phật nhưng lại không phải là Phật tại sao thành Phật, bản tính không phải tính cách liền thành tính)

Nét bút tuy rằng tinh tế thanh thoát, nhưng sự tinh tế và thanh thoát đó cũng không thể nào hoàn toàn che giấu được khí thế được phác họa ra trong từng câu từng chữ. Dựa vào trực giác của mình, nàng nghĩ câu đối này không phải do Cố thái phi viết.

Tiếng gõ mõ vẫn vang lên như cũ không dứt, giọng nói ôn hòa hiền hậu lại vang lên theo tiếng gõ mõ: “Vô Ưu công chúa tại sao đến đây?”

Nguyên Vô Ưu không thu lại ánh mắt đánh giá, chỉ là mỉm cười nói: “Tại sao lại đến, Cố thái phi không phải là đã rõ rồi sao?”

Tiếng gõ mõ cũng không hề trở nên hỗn loạn vì cuộc nói chuyện của hai người, vẫn có tiết tấu và nhịp điệu đặc biệt. Cố thái phi không nói thêm gì nữa nhưng lại từ từ mở mắt ra, lẳng lặng nhìn Nguyên Vô Ưu đứng ở một bên bình tĩnh, lạnh nhạt.

Nguyên Vô Ưu để mặc cho bà tùy ý quan sát, bình thản đứng đó.

Sắc mặt Cố thái phi rất bình tĩnh, nhưng dưới gương mặt bình tĩnh đó lại là sự ngạc nhiên chỉ mình bà mới biết.

Mặc dù bà sống ở nơi phật đường hẻo lánh, hoang vu này nhưng không phải hoàn toàn không biết chút gì về Vô Ưu công chúa Nhân Lãnh cung.

Một đứa trẻ bảy tuổi rớt từ thiên đàng xuống địa ngục. Năm năm nay, nàng ở trong Nhân Lãnh Cung mà chưa từng bước khỏi viện một bước, bà tưởng rằng đứa trẻ này không chết thì cũng điên, nhưng lại chưa bao giờ ngờ tới đứa trẻ này không những không điên, thế mà còn sống tốt và thoải mái hơn ai hết.

Đây rốt cuộc là một đứa trẻ như thế nào? Tại sao cô bé này có thể kiên nhẫn chịu đựng năm năm trời? Rốt cuộc thì điều đó cần nghị lực và tâm trí lớn như thế nào?

Nhưng cô bé này chịu đựng được, mười hai tuổi, cô bé này đã tháo được gông xiềng mà nàng tự đeo lên cho mình, bước ra khỏi Thái Hồi điện, đi đến Quy Phật điện của bà!

Nguyên Vô Ưu quan sát bốn phía xong, không mời mà tự đi vào phía bên trong điện.

Nội điện có một cây đàn, không giống với cây đàn mà Ngụy công công mang đến cho nàng, cây đàn này của Cố thái phi có thể gọi là cực phẩm danh khí.

Đàn sơn màu tối, hoa văn ẩn hiện, đến cả dây đàn nhìn có vẻ bình thường đến nỗi không thể bình thường hơn được nữa, Nguyên Vô Ưu cười cười, một sự xa hoa thầm lặng.

Nàng ngồi xuống trước cây đàn, đặt hai tay lên, từ từ mà nhắm mắt lại, ngón tay động đậy, đàn lên khúc nhạc khó lọt tai khi nãy.

Thanh âm bén nhọn đâm vào tai vang lên từ cây đàn này, dường như lại càng chói tai hơn, từng đợt từng đợt âm thanh chói phát ra từ cây đàn, khiến người nghe đều cảm thấy đau tai.

Cố thái phi chợt ngừng, tập trung tư tưởng, chuyên tâm gõ mõ, tiếng gõ mõ không hề vì tiếng đàn chói tai kia mà trở nên rối loạn.

Phúc công công đứng ở ngoài điện nghe thấy tiếng đàn khủng bố khiến hắn toàn thân nổi cả da gà, sắc mặt trở nên khó coi, cười mỉa mai bước lên phía trước đối diện với Lan ma ma đứng ở một bên nói: “Lan ma ma, ta chợt nhớ ra vẫn còn chuyện quan trọng phải làm, bà xem...”

Hàng lông mày Lan ma ma khẽ cau lại, dường như là vì tiếng đàn phía trong truyền đến, lại dường như vì lời nói của Phúc công công, im lặng nhìn Phúc công công hồi lâu, gật gật đầu: “Xin tùy Phúc công công!”

Phúc công công chạy trối chết, sắc mặt Ngọc Châu, Ngọc Thúy vẫn không thay đổi.

Ánh mắt Lan ma ma như là vô ý lướt qua hai người bọn họ, nghe tiếng đàn chói tai từ trong điện vọng ra và tiếng gõ mõ nhịp nhàng của chủ tử, sắc mặt cũng từ từ bình tĩnh lại, dường như là cái cau mày vừa rồi chưa từng xuất hiện.

Nguyên Vô Ưu nhắm mắt rất chuyên tâm mà gảy đàn, âm thanh bén nhọn có thể chọc thủng màng nhĩ của người khác cứ khuếch tán vang lên, làm những chú chim đậu trên nhánh cây khô nhìn xung quanh chạy tán loạn.

Mãi cho đến khi...

Tiếng gõ mõ dừng lại, tiếng đàn cũng dừng lại.

Thời gian dường như dừng lại, sau đó tiếng đàn lại vang lên, không giống với tiếng đàn bén nhọn chói tai lúc nãy, tiếng đàn bây giờ trầm thấp mà xa xăm, trong trẻo nhưng lạnh lùng, hệt như âm thanh của thiên nhiên.

Lúc thì nhỏ giọt kéo dài, lúc thì như tiếng mỹ nhân nhẹ ngâm thơ, lúc thì trầm thấp vang xa, lúc thì biến hóa thoắt ẩn thoắt hiện.

Khúc nhạc ma mị giống như có thể mê hoặc lòng người, dẫn dắt những du͙© vọиɠ ở sâu trong tim, lại giống như khúc nhạc tiên có thể gột sạch sự nóng nảy, thanh tẩy hồn người.

Tâm người tĩnh, tiếng đàn tĩnh; tâm người động, tiếng đàn động; tâm người khóc, tiếng đàn khóc; tâm người loạn, tiếng đàn loạn. Tất cả đều tùy theo tâm mà thành!

Nghe nhân được nhân; nghe trí được trí; nghe ma được ma; nghe tiên được tiên!