Tử Cấm Thành Nghìn Lẻ Một Đêm

Chương 25: C25: Chương 25

#Tử_Cấm_Thành_nghìn_lẻ_một_đêm

#An_dịch_và_viết

ĐÊM THỨ HAI MƯƠI TƯ: CƯƠNG THI Ở THÀNH ĐÔ

Thời gian tầm khoảng năm 1995, thế hệ 8x ở Thành Đô hẳn vẫn còn có chút ấn tượng, bỗng một ngày nọ ở Thành Đô nổi lên tin tức: đội khảo cổ của thành phố Thành Đô đào được ba xác chết đời Thanh gần đền thờ Võ Hậu (tức Võ Tắc Thiên), bởi sơ suất trong quá trình bảo vệ mà cả ba cái xác đã không cánh mà bay chỉ trong một đêm!

Thực ra nguyên bản là thế này: năm 1995, Thành Đô được chính phủ đầu tư phát triển nên không ít doanh nghiệp đã mua đất xây dựng trụ sở công ty, có một công ty nọ trong lúc thi công đã đào lên được ba cái quan tài, sau đó họ đã mang đến cho các nhà khảo cổ học kiểm nghiệm xem người được mai táng thuộc niên đại nào, khi mở ra không ngờ lại là triều Thanh. Vốn chính phủ định cho tiêu hủy nhưng các nhà khoa học muốn tìm hiểu kỹ hơn nên đã giữ lại nghiên cứu và phái người đến canh giữ, nhưng không ngờ sau một đêm, ba xác chết ấy đã "không cánh mà bay".

Chỉ sau đó vài ngày lại xuất hiện tin tức tồn tại năm cương thi chuyên đi cắn đầu người, trong đó có ba xác chết kia, người nào bị cắn đều biến thành cương thi cả, gặp người là sẽ cắn, hoàn toàn không còn ý thức. Lúc đó đã có rất nhiều người tận mắt nhìn thấy cảnh cương thi cắn người, gây nên chấn động lớn trong xã hội. Chính phủ đành phải hợp tác với đài truyền hình đứng ra bác bỏ tin đồn, bảo rằng đây không phải là chuyện thật. Song chẳng lâu sau lại nổi lên một tin mới: những cương thi này đều đã bị "gϊếŧ chết". Chính phủ đã phái quân đội dùng súng phun lửa thiêu cháy chúng sau đó mang đi chôn, nhưng chôn ở đâu thì không ai biết, tất cả mọi tin tức đều bị phong tỏa, người ngoài muốn biết cũng chỉ đành bó tay. Vì thế tuy chuyện này từng gây chấn động một thời nhưng cuối cùng đã bị dập tắt bởi sự can thiệp của chính phủ.

Các bạn tưởng đến đây là đã hết rồi ư? Không nhé, vẫn còn cơ. Ở Thành Đô có một con sông tên là Phủ Nam, thực ra tên thật của con sông này là sông Cẩm, nhưng vì chia thành hai nhánh lần lượt tên là Phủ và Nam nên dần dà được gọi thành Phủ Nam. Có một thời gian chính phủ cho cải tạo dòng sông này, song trong quá trình cải tạo lại xảy ra rất nhiều vụ án mạng ly kỳ, có không ít người nhảy sông tự vẫn. Thực ra sông cũng không sâu lắm, dòng nước cũng không xiết nhưng chỉ cần trượt chân rơi xuống nước là sẽ chết đuối. Bởi có quá nhiều người chết bất đắc kỳ tử nên nổi lên tin đồn rằng ở sông Phủ Nam có cương thi, các đài truyền hình đều đứng ra đưa tin phản bác nhưng không thể nào dẹp được dư luận bởi khi vớt những thi thể đó lên, người ta đều thấy trên những thi thể đó đều có vết tích tổn thương nghiêm trọng, đặc biệt những vết tích đó chứng tỏ một điều rằng không phải họ chết chìm mà là... chết cháy. Các cơ quan có thẩm quyền bắt tay vào điều tra nhưng đều không có kết quả. Nhiều người liên tưởng đến vụ việc quân đội dùng súng phun lửa phun chết cương thi từng xảy ra, tuy khá liên quan nhưng rốt cuộc vẫn chẳng ai có thể giải thích được chuyện này.

Ngoài ra còn có những thông tin khác, ví như có tin bảo rằng "xuất thân" của chúng là từ động Cửu Lão ở núi Thanh Thành, người ta còn tìm thấy ở đó khá nhiều xương trắng. Một thông tin khác lại nói rằng chúng được đào lên ở khu vực Tì Huyền, thậm chí còn có tin chúng được đào thấy ở Thập Lăng (là một con đường thuộc khu Long Tuyền Dịch ở Thành Đô, thuộc trung tâm thành phố Thành Đô)

Có nhiều cư dân mạng tỏ bày rằng: "Vụ cương thi này từng oanh tạc toàn bộ Tứ Xuyên, hồi đó tôi học lớp Năm, đáng sợ lắm cơ. Đủ thứ lời đồn, ngày nào đi học về cũng sợ bị gặp!", thậm chí còn có miêu tả cụ thể hơn "Tôi là dân Thành Đô, khi đó vẫn còn học tiểu học. Chuyện này từng gây náo loạn một thời, nghe nói cương thi được phát hiện ở Thành Đô, sau tự dưng nghe nói rằng đã "chạy" đến tận Hoa Dương rồi. Vì nhà tôi ở giữa hai khu đó nên tôi rất sợ tới trường, tan học cũng không dám về một mình. Nghe nói lúc cương thi "đến" Hoa Dương từng "ghé thăm" những nhà vệ sinh công cộng, một người đã "may mắn" chạm mặt, buồn cười là khi đó người nọ đi vệ sinh nhưng quên mang theo giấy, đúng lúc đó có ai đưa cho người nọ một tờ giấy, đó chính là loại giấy dùng để đốt cho người chết. Người nọ cảm thấy là lạ nên đã ngẩng đầu lên nhìn, suýt tí thì bị dọa chết..."

Song sự thực là như sau. Có một người họ Lâm, chó săn nhà anh ta nổi cơn dại nên đã cắn chết heo nhà anh ta nuôi. Anh ta mổ heo ra cho cả nhà ăn. Tối đó, cả nhà anh ta phát bệnh, da dẻ nóng lên và xuất hiện đốm đỏ, hễ gặp người nào thì cắn người nấy, đã có hai đứa trẻ và một ông cụ bị cắn. Hôm sau họ hàng và hàng xóm đưa cả nhà anh ta đến Thành Đô khám bệnh, khi đến khu Hợp Giang Đình (khu vực giao nhau giữa sông Nam và sông Phủ), nhà họ Lâm phát bệnh lần hai, nhiều người bị cắn. lúc đầu những người bị cắn cũng không biết sẽ bị truyền nhiễm nên không đến trạm y tế, vì vậy đã tử vong, thậm chí còn đi cắn người khác.

Cuối cùng, người ta phát hiện thấy có nhiều xác chết bị cắn ở khu vực Long Tuyền Dịch (một trong 11 khu vực quản lý của thành phố Thành Đô), sau đó lại bị lan truyền là cương thi hút máu rồi lên đầy các bản tin thời sự và báo chí. Còn chuyện nhà họ Lâm cắn người ở Hợp Giang Đình bị cải thành "xuất hiện cương thi ở sông Phủ Nam" khiến cả Thành Đô náo loạn. Chính phủ phải huy động lượng lớn nhân sự xử lý vụ việc này. Kể từ đó, bệnh này bị dân bản xứ gọi là "heo điên". Đến năm 2005, Tứ Xuyên bùng nổ dịch khuẩn liên cầu ở heo, cũng gây nên khủng hoảng không nhỏ, người người nhà nhà đeo khẩu trang và không dám ăn thịt heo, cả khu vực Thành Đô đều giương cao cảnh giác, những sản phẩm thịt không rõ nguồn gốc đều không được nhập, những hộ nuôi heo nào phát sinh hiện tượng lạ đều bị cách ly hoàn toàn.