Đêm Thất Tịch

Chương 3: Vạn Kiếp Luân Hồi, Vạn Kiếp Vương

Năm đó, nữ nhân ấy hoa nhường nguyệt thẹn, tài nghệ tinh thông, nếu là đấng mày râu ắt sẽ đứng đầu tam nguyên. Hoàng đế vốn không xem nàng là cung phi, mà nàng là thân tín, là tri kỉ bên cạnh, người mong sao lễ chế triều đình cho phép, người sẽ lập tức sắc phong nàng làm nữ quan ở bên cạnh mình.

Lại năm đó, y là Quốc sư ngồi trên vạn người, thông thạo phật pháp, đức độ vô lượng.

Triều thần nghi kị với tước vị Quốc sư. Hoàng đế tin dùng gian thần, ra lệnh cung phi Bích Loan dùng một năm thử thách vị chân tu. Sau một năm ấy, nếu còn vướng nợ hồng trần thì cũng đồng nghĩa với việc Huyền Âm đại sư sẽ mất đi tất cả, mất cả thân phận kẻ tu hành.

Nàng theo mệnh lệnh đến núi Trúc Lâm dưới lớp áo con gái bà hàng nước dưới chân núi đã chán cảnh nhân gian, muốn nương nhờ nơi cửa phật.

Thời gian thắm thoát thoi đưa, ngày ngày, nàng chu toàn mọi việc chốn thiền môn để chàng chuyên tâm nghiên cứu phật pháp. Đêm đến, cùng gõ mõ tụng kinh dưới chân Đức Phật.

Nàng sớm đã quên mất mình là ai, mình đến đây để làm gì. Nàng yêu nơi này, yêu núi rừng, cây cỏ, yêu tiếng kệ, lời kinh, và... nàng yêu cả con người ở nơi đây.

Mấy mươi năm trước, cái thuở mà nàng còn chưa nhập cung. Họ thường cùng dạo bên bờ Đại Hải, cùng nhau ngâm nga bài tứ tuyệt.

“Tằng kinh thương hải nan vi thủy

Trừ khước Vu Sơn bất thị vân

Thủ thứ hoa tùng lãn hồi cố

Bán duyên tu đạo, bán duyên quân”. (*)

Khi ấy, họ là chàng thư sinh say mê phật pháp, là cô gái danh giá nhất vùng. Bây giờ, người là Quốc sư đã vứt bỏ hồng trần, kẻ là là cung phi sủng ái của nhà vua.

Đêm ấy, mật thư từ kinh thành được đưa đến!

“Thời hạn một năm đã sắp hết, sau một tuần trăng nữa, cung phi Bích Loan phải trở lại hoàng cung và bẩm báo mọi việc nơi Trúc Lâm tự cùng đức vua”.

Một tối, Huyền Âm một mình lặng lẽ tụng kinh nơi tịnh thất, dường như đã biết trước mọi việc, đêm nay người không gọi Bích Loan đến tụng kinh cùng như mọi khi. Ngay khi trống sang canh đêm nay kết thúc, đoàn thị vệ đã chờ sẵn nơi chân núi sẵn sàng hộ tống nàng trở về kinh.

“Bẩm đại sư, tiểu nữ có việc muốn gặp người.”

“Cốc, Cốc, Cốc...”

“Hết đêm nay, tiểu nữ sẽ phải trở lại hoàng cung.”

“Cốc, Cốc, Cốc...”

“Và có lẽ..... Sẽ phải rất lâu nữa, tiểu nữ mới có thể trở lại nơi này.”

“Cốc, Cốc, Cốc...”

Không một tiếng trả lời, từ phía trong tịnh thất vẫn chỉ vang ra đều đều tiếng gõ mõ, lời kinh.

“Huyền Âm ơi, người rõ biết tình cảm của ta, sao người cứ mải hững hờ vui với tiếng kệ lời kinh.”

Lúc bấy giờ, từ bên trong tịnh thất mới phát ra giọng nói của một người.

“Mô phật, ta đã quyết lòng theo Đức Phật, chuyện duyên tình không còn chút vấn vương. Nợ trần gian ai kia đã lạc lối sai đường, nghĩ cảnh bơ vơ nơi cửa thiền ta không nỡ lòng xua đuổi. Qua đêm nay, ta mong người hãy thành tâm sám hối.”

“Chốn hồng trần nợ đôi ta chưa đoạn, cớ sao chàng cố giữ chặt lòng mình. Giờ đây đã không còn là mệnh lệnh của đức vua, mà nơi lòng son thϊếp quyết cùng ai đến tận nẻo chân trời.”

“Chí vững lòng son khẩu tâm duy nhất. Dù ai kia có cố tình bày trận bướm hoa. Vô ích thôi, không làm lay chuyển lòng ta, đừng ảo vọng kẻo mắc vòng oan nghiệt. Chuyện hai ta hãy xem như là giấc mộng.”

Nàng vẫn quỳ nơi cửa tịnh thất đến tận khi trống canh ba dồn dập liên hồi.

“Nếu đại sư đã quyết lòng, kẻ phàm trần này chẳng dám cản ngăn, chỉ xin người hãy nhớ có một cung phi Bích Loan đã từng đến nơi này. Hẹn lai sinh cùng nhau tương ngộ.”

Nàng cứ thế nhẹ nhàng rời đi, trút bỏ gánh nặng của lòng mình, ngỡ như mệnh lệnh bên trên giao phó đã hoàn tất. Chỉ một người biết được thử thách ấy vốn bản thân lại chẳng thể tự mình vượt qua.

Đêm ấy, đỉnh Trúc Lâm ngùn ngụt lửa. Nơi tịnh thất, ngọn lửa như muốn nuốt chửng bất kì ai có ý xông vào. Suốt ba hôm liền, lửa vẫn âm ỉ cháy không ngừng, để rồi Huyền Âm đại sư đã vĩnh viễn viên tịch nơi ngọn Trúc Lâm cạnh bờ Đại Hải mà ngài yêu quý.

Rất nhiều năm về sau, người ta vẫn thường thấp thoáng thấy một bóng hình nữ nhân đã hoá điên loạn đi dọc bờ Đại Hải, miệng không ngừng lẩm bẩm:

“Tằng kinh thương hải nan vi thủy

Trừ khước Vu Sơn...”

-----

(*) Bài thơ Ly tứ kỳ 4 của Nguyên Chấn