Vị Hôn Phu Không Phải Người Luôn Theo Đuổi Tôi

Chương 14

Tay của bé trai nhỏ nhắn trắng bệch, trông như rất yếu ớt nhưng Thư Niên lại chẳng tài nào phản kháng được, cậu bị kéo vào tấm ảnh, sau cảm giác mất trọng lực, cơ thể cậu dần chìm vào bóng tối.

Cậu như sợi lông vũ bay lượn một lúc, đến khi hai chân chạm đất, bóng tối tán đi, thay vào đó là ánh mặt trời và tiếng người ồn ã, nhìn kỹ lại, trước mặt là một tòa nhà rộng lớn náo nhiệt.

Thư Niên nghĩ, chắc hẳn đây là một đoạn ký ức được “hắn” phong ấn trong ảnh.

Cậu không thấy “hắn”, đây không phải tòa nhà của “hắn” mà trông quyền quý sang giàu hơn, cũng nhiều hơi người hơn tòa nhà bày trí tao nhã nhưng tĩnh mịch kia.

Trong sân đèn đuốc sáng trưng, người qua kẻ lại, Thư Niên quan sát một lúc, có lẽ đây là một gia tộc hưng thịnh đang đón giao thừa.

Vị trí của cậu ở ngay trước cửa từ đường, hương khói ngập tràn, từng luồng khói trắng lượn lờ bay. Vài nô bộc mặc áo ngắn giản dị bận rộn tới lui, bưng những bát mì và thức ăn kèm nóng hổi đặt lên chiếc bàn trong từ đường.

Họ không thấy Thư Niên, Thư Niên cũng chẳng bất ngờ, cậu biết họ chỉ là ảo ảnh trong ký ức, sẽ không có phản ứng với cậu.

Cậu không sốt ruột rời khỏi đoạn ký ức này, hiếm khi có cơ hội biết thêm về quá khứ của “hắn”, biết đâu cậu sẽ tìm ra manh mối về di vật ở đây.

Khi màn đêm buông, pháo vang inh ỏi, lễ cúng bắt đầu. Trai tráng trong tộc mặc áo dài thẳng thớm, tay cầm nhang thẻ hoặc nhang nụ hình thỏi vàng. Tộc trưởng đi đầu thắp cây nhang cao hơn nửa người cắm trong lư hương, nhang này đốt càng lâu, gia tộc sẽ càng thịnh vượng.

Cúng tổ tiên xong, dòng người tấp nập ra cửa, tới đường lớn để thỉnh thần.

Bọn trẻ ăn mặc hoạt bát đáng yêu, tay cầm l*иg đèn nhỏ hồ hởi chạy ra cổng lớn hóng hớt.

Chỉ có một bé trai là ngoại lệ.

Thư Niên quan sát nó, trong đêm tối mờ, dáng người bé trai trở nên hư ảo, không thấy rõ mặt, chỉ nhìn thấy được chiếc khóa trường thọ trước ngực nó đang phản chiếu ánh lửa cam hắt ra từ l*иg đèn.

Nó lẳng lặng đứng, một người phụ nữ trẻ che miệng cười, thân thiết gọi: “Cậu Thất sao không đi chơi với họ?”

Hơi thở của bé trai hóa thành luồng khói trắng nhạt, nó nghiêng đầu nhìn cô vài lần, đồng tử đôi phản chiếu ánh lửa bập bùng, nó khẽ lắc đầu rồi xoay người rời đi.

Người phụ nữ thở dài, kéo tay áo chị dâu đứng cạnh: “Đây là lần đầu tiên em thấy mắt của cậu Thất, giờ mới biết là đồng tử đôi. Người ta nói đồng tử đôi tượng trưng cho điềm lành, thánh nhân, sau này cậu Thất ắt sẽ ưu tú lắm.”

“Điềm lành gì?”

Người nọ bật cười, rủ rỉ bên tai cô: “Em mới gả vào nên không biết, nó vừa chào đời đã khắc chết cha mẹ, chưa đầy hai năm thì chị ruột cũng chết yểu. Bọn chị ai cũng tránh xa nó, chê nó xui xẻo, chỉ mỗi bà cụ là yêu thương nâng niu, giờ nhìn đi, cả bà cũng ngả bệnh, ai thân thiết với nó cũng bị nó khắc chết, em nhớ tránh xa nó ra.”

Người phụ nữ sợ hãi, tình cờ làm sao, lúc này bé trai có việc đi vòng về.

Tầm mắt của nó và người phụ nữ chạm vào nhau, trong mắt người phụ nữ như có điều suy nghĩ, cô do dự một lúc thì phớt lờ nó, chỉ rời mắt đi tiếp tục nói chuyện với chị dâu.

Bé trai không nói lời nào, lặng lẽ rời đi. Lúc nó đi rồi, người chị dâu hừ một tiếng, lẩm bẩm: “Đúng là xui xẻo.”

Thư Niên chớp mắt, đi theo bé trai.

Bé trai này chính là “hắn” lúc bé, xem ra thuở bé “hắn” sống không được vui, mất cha mất mẹ, bị người trong tộc ghét bỏ, cả trẻ con cũng chẳng muốn chơi với “hắn”, chỉ có một cụ bà yêu thương “hắn” thôi.

Bé trai băng qua sân rộng bước vào một căn phòng. Tiếng cười nói vọng ra từ bên trong, vài người phụ nữ ngồi quanh bàn ăn điểm tâm trái cây, trò chuyện với bà cụ đang nằm trên giường.

Bà cụ có tướng mạo phúc hậu, mặt mày hiền hòa, bà đắp chiếc chăn bông trên người được đút uống từng muỗng thuốc, nhưng hai má bà lại hồng hào trông chẳng giống bị bệnh.

Thư Niên đi theo bé trai vào, nghe nó gọi bà là bà nội.

“Cậu Thất tới rồi à, đến chỗ bà nội nào.”

Bà cụ gọi bé trai, chờ nó đến gần thì đặt tay lên vai nhìn nó từ trên xuống dưới, cười nói: “Cậu Thất vốn đã đẹp, mặc quần áo mới vào càng đẹp hơn, những đứa trẻ khác đều không bằng.”

Bé trai cười chúm chím, những người phụ nữ khác cũng phụ họa vài câu vui đùa, trông rất đầm ấm.

Chỉ là khi rời đi, họ đều đanh mặt luôn mồm bảo xui xẻo, còn mắng bà cụ mang thứ sao chổi ra so sánh với con họ, điều đáng giận hơn là con họ còn không được bà cụ yêu thích bằng thứ sao chổi kia.

Bé trai ngồi chơi với bà cụ rất lâu, đến khi bà ngủ rồi mới rời đi. Vào cánh cửa này, nó là cậu Thất được chiều chuộng nhất, nhưng vừa bước ra thôi, nó sẽ trở nên cô độc không ai nương tựa.

Qua Tết, bệnh của bà cụ trở nặng nhanh chóng, tình hình không mấy khả quan. Bé trai là người mà bà lo lắng nhất, bà cố chống hơi tàn đưa nó vào nhà của chú ruột, cho rằng như thế sẽ yên tâm rồi nhắm mắt lìa trần.

Người trong tộc tổ chức lễ tang rất long trọng, đưa tang rầm rộ. Bấy giờ chưa có gì xảy ra, nhưng dần dà, bé trai ngày càng khó sống trong gia tộc này.

Nhà chú ruột trách bà cụ. Trong tộc ai cũng biết bé trai là tai họa, ai nuôi sẽ khắc chết người đó, bà cụ làm vậy là muốn hại chết họ sao?

Họ đối xử tệ với bé trai hơn, hở tí là đánh mắng, phạt quỳ, không cho ăn cơm. Ấy thế mà còn diễn trò trước mặt người ngoài, khiến tất cả đều khen nhà họ hiền lành tốt bụng, số ít người biết sự thật cũng chẳng dám kể ra, sợ bị trả thù.

Bé trai biết nhà chú ruột ghét mình, mỗi lần tan học đều ở lại trong lớp đọc sách đến khuya, bỏ luôn cả cơm tối.

Nó rất thông minh, học hành cực giỏi, so ra thì con trai ruột của chú nó là cậu Cửu lại như kẻ bất tài, trời sinh có não nhưng không dùng được, cứ đổ lỗi mình làm học tệ là vì bé trai, cho rằng do sự xui xẻo của nó ám mình.

“Tôi phải cho nó một bài học! Anh nghĩ nên làm gì?” Cậu Cửu bực bội, bèn bàn bạc với nô bộc của mình.

Gã nô bộc nọ rất gian trá, thường xuyên bày mấy trò chơi xấu cho nó, lúc bà cụ còn sống họ cũng hay ăn hϊếp bé trai, nhưng bé trai thông minh khiến họ chẳng những không làm gì được mà còn bị gậy ong đập lưng ong, sau đó cũng ngoan hơn nhiều, giờ bà cụ mất rồi, họ lại nảy ý đồ xấu.

Tròng mắt gã nô bộc chuyển động, ghé vào tai cậu Cửu đề nghị: “Bỏ nó ở bãi tha ma một đêm, dọa chết nó.”

“Có được không?” Cậu Cửu trợn mắt, “Nhỡ bị cha tôi biết sẽ lột da tôi ra đấy.”

“Không đâu, một đêm thôi mà, ông chủ sẽ không để ý tên nhóc đó. Nó cũng chẳng dám kể, vốn đã xui xẻo rồi, nếu bị người khác biết chuyện thì ai cần nó nữa?” Gã nô bộc bảo.

“Cứ vậy đi!” Cậu Cửu cắn răng đồng ý.

Tối đến, gã nô bộc tìm thêm vài người tới giúp, chờ bé trai ra khỏi lớp học thì trùm bao bố khuân nó vào bãi tha ma.

Bãi tha ma rất rộng, âm u rợn người, mùi tanh nồng nặc, xác chết được đắp chiếu cỏ lộ hẳn ra ngoài, đâu đâu cũng có xương trắng và thi thể rời rạc.

Quạ trên cành kêu quang quác, gió lạnh lùa qua, mấy gã nô bộc nổi cả da gà, chỉ để lại một ngọn đèn, vứt bé trai ở đó rồi hối hả xoay người bỏ chạy.

Một đêm qua đi, cậu Cửu thấp thỏm chẳng yên, sợ rằng cha sẽ hỏi mình về bé trai, may mà người cha cũng ghét nó, sáng sớm không thấy cũng chẳng buồn hỏi, cứ như nó chưa từng tồn tại vậy.

“Được rồi, cũng một đêm rồi, anh mau tìm tên sao chổi đó về đi.” Cậu Cửu thì thầm với gã nô bộc.

Gã nô bộc không muốn vào bãi tha ma nữa, gã sợ lắm nhưng cũng hết cách, kế này do gã nghĩ ra, phải làm cho trót thôi.

Nhưng nào ngờ gã dẫn người tới bãi tha ma tìm cả ngày trời mà chẳng thấy bóng dáng bé trai đâu.

Chẳng lẽ nó tự ra ngoài? Hay là… gặp chuyện thật rồi?

Gã nô bộc run cầm cập. Gã không sợ bé trai gặp chuyện mà sợ chỗ này có ma.

Bấy giờ hoàng hôn đã buông, sắc trời tối dần, từng luồng gió lạnh vù vù thổi, rồi họ bỗng nghe thấy âm thanh lạ.

Như có thứ gì đó đang cào đất chui lên.

Bọn nô bộc chầm chậm quay đầu, một cánh tay xương xẩu trắng hếu đeo chiếc nhẫn ban chỉ thò ra khỏi mộ, đặt lên mặt đất, nó còn lắc lư theo gió, hình như đang chuyển động.

Nhưng rõ ràng ban nãy chỗ đó đâu có gì.

“Áaaaaaa!”

Mọi người sợ điếng hồn, ba chân bốn cẳng chạy về nhà.

Thấy gã nô bộc về một mình, cậu Cửu nhíu mày hỏi bé trai đâu, sao không dẫn theo, gã nô bộc trả lời mà răng vẫn va cành cạch vào nhau: “Có, có… có ma! Nó biến mất rồi! Bị ma hại chết rồi!”

Gã tả lại vè bàn tay xương đeo nhẫn ban chỉ, cậu Cửu không tin, nhấc chân đá gã: “Anh bớt xàm đi, rõ ràng do anh không tập trung tìm! Ban chỉ phỉ thúy gì ở đây, đồ đáng tiền mà anh không nhặt về à?”

“Không phải, tôi, tôi tưởng mình toi mạng rồi, sao dám nhặt nữa, tôi xin thề tôi không nói dối, thật đó…”

“Két”

Khi Cậu Cửu đang quở trách gã nô bộc thì cánh cửa nhỏ ngoài sân mở ra.

Màn đêm vây kín, ngoài sân được thắp sáng bởi những ngọn đèn l*иg, ánh đỏ chiếu rọi con đường bé trai bước vào, người nó rất sạch sẽ không hề dính bùn đất, cũng chẳng thấy nó than đói hay khát.

Nhưng chiếc khóa trường thọ mà nó luôn đeo trên cổ đã biến mất.

Bé trai cười toe toét, con mắt có đồng tử đôi cong cong, môi hồng răng trắng: “Em trai nói gì, anh nghe xem nào?”

Cậu Cửu vừa thở phào nhẹ nhõm vì thấy nó còn sống, bấy giờ trợn tròn mắt: “Mày gọi tao là gì?”

“Hửm, em trai, sai chỗ nào à?” Bé trai cười tủm tỉm.

Nó đi tới, cậu Cửu ngờ vực lẩm bẩm: “Nó chưa từng gọi mình như vậy, vả lại… sao còn cười?”

Mặt gã nô bộc tái mét, run rẩy chỉ vào bé trai: “Cậu chủ, cậu nhìn kìa, tay của nó…”

Cậu Cửu rời mắt nhìn xuống.

Trên ngón tay cái của bé trai đang đeo chiếc nhẫn ban chỉ không đúng kích cỡ.

Là một chiếc nhẫn ban chỉ phỉ thúy.

Sống lưng họ lạnh toát, bấy giờ bé trai chợt dừng bước, quay đầu.

Hai người họ lùi ra sau, nhìn nó đầy sợ hãi.

“Quên nhắc em.”

Bé trai lại cười, đôi con ngươi màu nhạt phản chiếu ánh sáng, làn da trắng nõn như búp bê giấy không chút hơi người, hai mắt tối như người chết.

“Khuya rồi, đừng ra đường cẩn thận rước họa đấy.”

Hơn nửa tháng sau, gã nô bộc chết, nghe nói là ban đêm uống say đi đường bất cẩn ngã xuống sông chết chìm.

Gia đình gã đều chết do thiên tai, không một ai lo tang, người trong tộc thấy gã đáng thương, bèn mua chiếc quan tài mỏng rồi chôn trong nghĩa trang.

Nửa đêm, bé trai rời khỏi sân, cầm l*иg đèn đến nghĩa trang tìm chiếc quan tài nọ, gõ nhẹ lên ván gỗ.

“Cộc cộc.”

“Cộc cộc…”

Nó gõ một lúc thì bên trong quan tài cũng vang lên tiếng gõ tương tự như đáp lại nó.

“Cộc, cộc cộc… cộc cộc…”

Những chiếc quan tài khác cũng hưởng ứng theo. Từng tiếng gõ vang vọng khắp nghĩa trang tĩnh mịch khiến người ta rợn gáy.

Nó chỉ cười thật khẽ.

.

Group chat chồng chưa cưới 10

Số 4: Đúng là đồ tai họa, chết cả nhà là chuyện thường. Chết cả tộc tôi xem.

Số 1 (chủ group): Cũng được.

Số 1 (chủ group): Tôi không rõ cha mẹ tôi thế nào, sợ họ không tốt. Sau này kết hôn với Niên Niên, em ấy sẽ không bị người nhà tôi bắt nạt.

Số 3: Hả…

Số 3: Thật ra người nhà tôi cũng chết hết rồi.

Số 3: Niên Niên mà không gả cho tôi là tôi không còn người nhà nữa, tôi đáng thương quá.

Số 3: Niên Niên mau gả nào! (meme bé mèo ngửa bụng)

Số 6: Tôi cũng không có người nhà. Chết sạch bách.

Số 5: Đáng tiếc quá, cha mẹ tôi cũng qua đời rồi, nhưng tôi không nghĩ Tiểu Niên sẽ ghét họ.

Số 4: Thì ra các cậu đều là đồ tai họa.

Số 6: Cậu không phải à?

Số 4: Tôi không phải.

Số 4: Các cậu tranh nhau xem người nhà ai chết nhiều hơn mà không nghĩ tới một vấn đề khác sao?

Số 6: ?

Số 4: Thư Niên có nói người nhà ai chết nhiều nhất sẽ gả cho người đó à?

Số 4: Các cậu đang mơ gì vậy?

Số 4: Em ấy còn không biết các cậu là ai kia kìa.

[Thành viên Số 4 đã bị chủ group cấm chat.]