Thy An ngồi yên lặng trên chiếc giường cưới trải ga trắng muốt. Bộ váy cưới đỏ rực diễm lệ hòa với màu đỏ chói mắt của căn phòng. Thời hiện đại nhưng nhà Âu Dương vẫn giữ phong cách cưới hỏi truyền thống: toàn bộ tân phòng trang trí bằng voan, đăng-ten đỏ, không dùng điện mà thắp hồng lạp.
Trong ánh sáng leo lắt hắt ra từ đôi ngọn nến đặt trên bàn, Thy An len lén đưa mắt nhìn căn phòng xa hoa. Bất kỳ món đồ nào trong này cũng đáng giá bằng thu nhập cả năm của gia đình cô. Họ hàng làng xóm ai cũng bảo cô được làm dâu nhà Âu Dương là chuột sa chĩnh gạo, là Lọ Lem thời nay, chỉ có gia đình cô biết cuộc hôn nhân này không đẹp đẽ như vẻ bề ngoài. Nhị thiếu gia nhà Âu Dương là một tên phá gia chi tử, rách giời rơi xuống. Chẳng qua gia tộc Âu Dương quá giàu có, giàu đến nỗi nếu thấy tờ 100 đô rơi dưới đất, họ cũng chẳng buồn nhặt lên vì trong thời gian họ cúi xuống đó, họ đã có thể kiếm được nhiều hơn thế rồi.
Âu Dương Tín Phong là con cưng của ông bà Âu Dương. Từ ngày hắn ra đời, việc làm ăn của ông Âu Dương Phan phất lên như diều gặp gió. Thầy bói bảo Tín Phong là quý tử, có mệnh cách cực tốt với cha mẹ. Vì thế, hắn được nuông chiều tới mức không còn đạo lý gì nữa. Khác với người anh Âu Dương An Bách học hành đàng hoàng, chịu khó làm ăn thì Âu Dương Tín Phong ngoài ăn tàn phá hại thì chỉ biết tɧác ɭoạи. Đến khi ông bà Âu Dương nhận ra thì hắn đã trở thành một kẻ bỏ đi không hơn không kém. Không nỡ đánh mắng con, bà Âu Dương - Kiều Thư Ân chỉ có mỗi chiêu khóc lóc, khuyên can. Tín Phong vâng vâng dạ dạ rồi đâu lại hoàn đó. Bó tay trước thằng con trời đánh, bà Âu Dương, theo phương pháp các cụ vẫn dạy, cưới vợ cho con, với hy vọng nó có gia đình sẽ cải tà quy chính. Thật nực cười, con mình không bảo ban được lại trông chờ con người khác dạy ngoan con mình. Ấy thế mà “phương pháp” này vẫn tồn tại hàng trăm năm, cho đến tận bây giờ.
Cái khó là tìm đâu ra vợ cho Tín Phong đây. Lũ bạn gái của hắn thì rặt một lũ nặc nô y như hắn, ngưu tầm ngưu mã tầm mã chứ có gì lạ đâu. Con gái nhà đàng hoàng tử tế chẳng ai dại đi cưới một thằng phá của, tối ngày bay lắc. Cực chẳng đã, bà Âu Dương đành phải “mua vợ” cho con - kiếm một cô gái nhà nghèo, ngoan ngoãn, cho bố mẹ cô ta một số tiền để cưới cô về.
Tạ Thy An chính là người “được” chọn.