Người Ở Bên Tay Trái Của Tôi

Chương 29: 29: Chương 101

Tháng 3, kỳ thi chuyên ngành sắp tới.

Chu Tự Thanh tiên sinh từng nói: Hy vọng, mong chờ, gió đông tới, nhịp xuân đang đến gần.

Chúng tôi không mong chờ, nhưng mùa xuân vẫn tới rồi.

Mùa xuân đến, kỳ thi chuyên ngành cũng đến.

Tôi đăng ký thi vào chuyên ngành phát thanh dẫn chương trình của 5 trường đại học và cao đẳng, điểm dừng cuối cùng mới là Học viện Nghệ thuật.

Khoảng thời gian đó thật sự rất mệt mỏi —— Tôi bôn ba khắp mấy điểm thi, sau khi thi vòng hai của trường thứ nhất lập tức bay qua trường thi sơ khảo của trường thứ hai; vừa thi thanh nhạc xong, chưa kịp thay quần áo đã phải bắt taxi đến một trường khác, bên kia sắp bắt đầu thi biểu diễn tiểu phẩm; giấc ngủ chưa bao giờ là đủ, đại não lúc nào cũng trong trạng thái căng như dây đàn, các tế bào toàn thân luôn trong trạng thái chờ, chỉ cần ra lệnh là có thể mỉm cười xuất khẩu thành thơ ngay… Trong trường thi luôn có rất nhiều thí sinh đi qua đi lại, trên mặt ai cũng là sự mong chờ và mệt mỏi cố gắng áp xuống.

Trong cơn gió lành lạnh đầu xuân, chẳng hiểu sao lại khiến người ta thấy hồi hộp.

Bên ngoài phòng thi trời xuân se lạnh, ai cũng căng thẳng cao độ: Mỗi khi thấy có người bước ra khỏi phòng thi, mọi người lập tức xông lên vây quanh người đó, hỏi liến thoắng: “Vừa rồi cậu rút trúng đề nào”, “Thầy cô có làm khó không”,… Mặc dù biết có thể mình không bốc trúng đề đó nhưng vẫn cẩn thận suy nghĩ xem nhỡ đâu mình bốc trúng thì phải trả lời thế nào.

Mà khi thật sự bước vào phòng thi yên tĩnh, bạn nhất định sẽ thán phục khả năng ra đề của các thầy cô —— Bởi vì đề quá lạ, sẽ không bao giờ trùng lặp.

Tôi không biết mình sống sót bằng cách nào, chỉ biết rằng khi trải qua năm chặng đường và đến học viện nghệ thuật để bắt đầu kỳ thi, tôi đã hoàn toàn tê liệt.

Sơ khảo khá đơn giản: Tiết mục ngắn theo thứ tự từ cách đọc đến thế tay như thế nào đều được chuẩn bị tốt đến độ nhắm mắt cũng đọc thành thạo, thỉnh thoảng đọc ngẫu hứng một tin tức hơn 100 chữ, chỗ khó duy nhất là cách phát âm chính xác của bốn chữ “Rất nhiều học sinh”.

Tôi đọc được một nửa thì thầy giám khảo kêu dừng, chiều hôm đó tôi thấy được tên mình trên bảng vàng, thuận lợi bước vào vòng hai.

So sánh với sơ khảo, ba ngày thi vòng hai quả thật là một trận đánh lâu dài: Thanh nhạc, ngâm thơ, vũ đạo, dẫn chương trình ngẫu hứng, bình luận ngẫu hứng, sáng tác,… Giống như kiểu bình mới rượu cũ nhưng lại khiến thần kinh luôn căng thẳng mấy ngày nay của tôi càng nhảy số nhanh hơn.

Trời ạ —— Ngay cả nằm mơ tôi cũng mơ thấy mình ngẫu hứng đọc lên khi thấy một dòng tin có chữ lạ!

Giờ tôi đã hiểu hóa ra trên đời này chuyện gì cũng phải trả một cái giá xứng đáng —— Nếu nói thi đại học là một cây cầu độc mộc thì con đường thi vào trường nghệ thuật rộng hơn nó bao nhiêu? Chỉ có người đi qua mới biết: Thi nghệ thuật chẳng khác gì đi trên dây —— Tỷ lệ thông qua là 1 chọi 100, tỷ lệ trúng tuyển là 1 chọi 300, bao nhiêu người dốc lòng dốc sức mà cuối cùng vẫn thất bại!

Tuy nhiên vẫn phải nghiến răng chịu đựng, dường như tôi phải tự nhủ với bản thân mình khi từng thấy cảnh ca múa thái bình trong khuôn viên này: Sẽ có cơ hội, nhất định sẽ có cơ hội, chỉ cần mày kiên trì, kiên trì đến cùng sẽ được hồi đáp!

Vì thế dù cả người mệt mỏi vẫn phải nghiến răng nghiến lợi bước tiếp.

Ba ngày sau, khi cuối cùng tôi cũng bước ra khỏi phòng thi vòng hai, thế giới đột nhiên sáng bừng khiến tôi chợt thấy choáng váng trong giây lát.

Nhắm mắt lại rồi mở ra, tôi thấy những tòa nhà và đám đông dần trở nên rõ ràng, ồn ào và lộn xộn.

Khoảnh khắc ấy, tôi đứng trên bậc thang cao cao trước tòa nhà dạy học, nhìn thấy người ta chen chúc quảng trường: Chuyên ngành mỹ thuật hội họa và lý luận nghệ thuật đã bắt đầu báo danh, những gương mặt cân nhắc tính toán đang chen đến chen đi…

Trên một dòng sông sát hạch to như vậy, tôi chỉ là một viên đá nhỏ tầm thường nhất.

Dường như tôi mới lo lắng phát hiện ra: Lòng tôi không hề có cảm giác nhẹ nhõm như trút được gánh nặng mà càng lạnh lẽo và sợ hãi hơn.

Lúc đang nghĩ như thế, Trịnh Dương thi xong ngay sau tôi bỗng đến gần, anh không nói gì, chỉ hơi nắm lấy tay tôi, rất nhanh, như thể muốn cho tôi thêm sức mạnh.

Sau đó buông ra.

Tôi nhìn anh đầy cảm kích, anh mỉm cười nói: “Tối đến phòng đàn đi.”

Tôi giật mình, hỏi: “Thi thanh nhạc xong rồi mà, đến phòng đàn làm gì ạ?”

Anh ấy không trả lời mà đi phía trước tôi.

Tôi ngẫm nghĩ rồi đuổi theo bước chân anh, đi qua lối đi hẹp giữa những thí sinh chuẩn bị tới báo danh.

Tối đó tôi vẫn tới phòng đàn.

Có một số việc có lẽ chính là như thế —— ít nhất là giữa tôi và Trịnh Dương —— tôi chỉ cần nghe theo là được.

Phòng đàn buổi tối vẫn đèn điện sáng trưng, những thí sinh này vẫn đang chăm chỉ luyện tập, trong đó không biết tiếng kèn Xô-na phát ra từ phòng học nào, do tính chất đặc trưng của nhạc cụ, hương vị thê thảm và cô độc khuếch tán giữa trời đêm.

Tầng 4, phòng 403.

Rất nhiều năm sau, tôi vẫn nhớ như in số phòng này, tôi đi lên cầu thang, rồi lại lên cầu thang, lên đến tầng 4, đi dọc theo hành lang hẹp dài đến cuối cùng, phòng đàn thứ hai bên trái, trên cánh cửa kính có một bức màn màu xanh nhạt.

Khi đó mức phí thuê phòng đàn đối với người không phải sinh viên trong trường là mỗi giờ 5 tệ.

Ngày hôm đó, ở nơi đó, Trịnh Dương đã thắp sáng ngọn nến số 18 trên chiếc bánh sinh nhật xinh xắn.

Trong ánh nến màu vàng cam rực rỡ, có một chiếc bánh gato nho nhỏ ở giữa.

Bên trên phủ đầy kem và kiwi, có bốn chữ “Sinh nhật vui vẻ” được viết bằng màu tím nhạt.

Tôi bất giác mở to mắt: Hôm nay là sinh nhật của tôi ư?

Lúc đang tưởng anh ấy nhớ nhầm ngày sinh nhật của mình, tôi đột nhiên phản ứng lại —— hình như thời điểm này của năm ngoái, tôi cười trêu anh rằng sinh nhật tôi tổ chức theo Âm lịch.

Tính lại thì chẳng phải sinh nhật Âm lịch của tôi chính là ngày hôm nay sao!

Trời ạ, một năm rồi, thế mà tôi quên nói cho anh ấy biết đó là lời nói dối! Tôi lại quên nói rằng thực ra sinh nhật tôi vẫn luôn tổ chức theo Dương lịch.

Nhưng mà bây giờ mọi thứ không còn quan trọng nữa!

Bởi vì trong cuộc sống đầy hoảng loạn này, tôi mệt mỏi và lo âu đến độ đã quên mất sinh nhật của mình.

Kể ra năm nay tôi còn chưa tổ chức sinh nhật cho mình đây!

Mà tự dưng bây giờ lại có bánh gato rớt từ trên trời xuống, này có phải là vừa đúng không?

Tôi ngơ ngác nhìn bánh ngọt, nghe thấy anh nói: “Thổi nến đi, rồi ước nguyện.”

Tôi nghe lời nhắm mắt lại, chắp tay thành hình chữ thập.

Trong một giây yên tĩnh đó, lần đầu tiên tôi cảm nhận được cảm giác thiêng liêng của “ước nguyện”.

Trong không gian nhỏ hẹp mà ấm áp của ánh nến và ánh sao, tôi đã ước ba điều, mà ai có thể nghe được đây? Và ai có thể biến chúng thành sự thật?

Tôi còn nghiêm túc lặp đi lặp lại ba điều ước, hy vọng như thế sẽ có người giúp tôi thực hiện điều ước: Mong sao bà ngoại luôn khỏe mạnh, mong bạn bè tâm tưởng sự thành, mong tôi có thể thi đỗ đại học, mộng đẹp thành sự thật.

Hai ngày sau thi vòng hai, thành tích được công bố, tôi và Trịnh Dương cùng bước vào vòng ba.

Phần thi duy nhất của vòng ba là lên hình.

Không khí trong phòng thi vừa yên lặng vừa nghiêm trang.

Đó là một phòng thu được trải thảm đỏ, tôi đang ngồi sau một chiếc bàn được trải bằng vải nỉ đỏ sẫm, trước mặt là một chiếc micro và một chiếc máy ảnh.

Mà giám khảo thì đang ngồi trước TV ở phòng bên cạnh theo dõi từng cử động, từng cái nhăn mày, từng nụ cười của chúng tôi.

Tôi bắt đầu hồi hộp, chỉ biết đọc tin tức theo bản năng chứ không nhớ mình đã nói gì, chỉ nhớ thảm trong phòng thu rất mềm, mềm đến nỗi tôi còn cảm nhận được chân mình đang run lên, thỉnh thoảng lại run rẩy trên tấm thảm nhung dài này.

Mấy ngày sau, dì Tống phản hồi lại: Dì thấy cuốn băng của hai đứa rồi, Trịnh Dương ăn hình lắm, Đào Oánh cũng không tồi.

Đào Oánh hơi hồi hộp chút, thật ra thả lỏng chút sẽ tốt hơn, ánh mắt hơi đăm đăm, nhìn trên hình thấy hơi cứng.

“Mặc cho số phận vậy.” Dì ấy nói.

Biết rõ đó chỉ là những lời an ủi, thậm chí còn không thể chứng minh rằng tôi thất bại, nhưng nháy mắt đó tôi suy sụp muốn chết, lòng cứ chìm xuống, cảm giác tuyệt vọng không rõ từ đâu dần bao trùm lấy tôi.

Tôi đột nhiên cảm thấy mình sai lầm rồi —— Tôi nhất định sẽ thất bại!

Không biết tại sao tôi lại thấy thế, nhưng lúc ấy tôi chỉ thấy cực kỳ cực kỳ tuyệt vọng —— chẳng thấy chút hy vọng nào!

Buổi sáng hôm rời thành phố, tôi ngơ ngác đứng trước cổng trường Học viện Nghệ thuật, nhìn gió xuân quyện lá cây bay tới trong không khí ấm áp khô ráo thoang thoảng mùi ngọt ngào.

Trịnh Dương đứng bên cạnh tôi không nói gì.

Anh ấy vẫn là chàng trai tuấn tú cao hơn tôi hơn 10cm, nét mặt anh yên lòng, bàn tay anh dày và rộng.

Anh không nói “Tạm biệt” mà chỉ vỗ nhẹ vào vai tôi, sau đó phất phất tay, nhìn tôi đóng cửa xe taxi, càng ngày càng xa.

Anh ấy dần dần trở thành một chấm nhỏ đằng sau tôi, nhưng kể cả không nhìn thấy anh nữa, tôi biết anh vẫn đứng ở nơi đó, chờ tôi trở thành một chấm nhỏ vô hình trong mắt anh.

Đến lúc ấy anh mới xoay người rời đi.

Nửa tiếng sau, tôi tới nhà ga, theo đám đông như thủy triều chen vào sân ga, chen vào khoang xe rồi ngồi vào chỗ của mình.

Ánh mặt trời chói chang và âm thanh huyên náo quanh mình lại khiến tôi thấy mình càng cô đơn.

Tàu hỏa bắt đầu chạy, tôi đứng dậy đi đến chỗ nối giữa hai khoang xe, ở đó có một người đàn ông xa lạ đang đứng hút thuốc, mùi khói thuốc ám lên quần áo tôi.

Trong tiết trời chợt ấm chợt lạnh này, tôi che mặt, để mặc nước mắt rơi lã chã.

Không biết vì sao tôi đột nhiên thấy vô cùng tuyệt vọng —— Tôi cảm giác giấc mộng của mình sắp tan vỡ rồi.

Tựa như quả anh đào mà Hạ Vi Vi từng nói, chỉ cần giẫm mạnh một cái là chất lỏng bắn tung tóe.

Có lẽ đó là số phận tất yếu của anh đào nhỉ.