Chương 21: Trẫm đợi nàng quay đầu nhìn lại.
Tác giả: Thiên Địa Linh Linh
***
Đã một tháng kể từ ngày Sĩ Cố được phái đi nằm vùng. Ánh mắt đám người trong trại thổ phỉ nhìn hắn từ ghét bỏ biến thành kinh ngạc, rồi từ kinh ngạc trở nên khâm phục. Giờ bọn họ đều coi hắn thân thiết như anh em, lại có phần kính trọng.
Nhờ Sĩ Cố, mấy lần quan binh đuổi đến, đám thổ phỉ đều có thể thoát thân, nếu bị bắt lại, thì số lượng cũng rất ít. Mà chẳng hiểu sao, quan binh chỉ vây bắt vài ba đợt, sau đó thì im tịt.
Những con người chất phác này chỉ nghĩ, có lẽ quan binh bắt mãi không được, chán rồi, nên thôi.
Đêm đó, mọi người uống rượu trắng, nhấm nháp vài con cá nướng. Nhân lúc tất cả đang ngà ngà say, Sĩ Cố vờ như vô tình hỏi trại chủ:
"Tôi thấy anh cũng là một trang nam tử hán đại trượng phu, hào sảng có nghĩa khí, sao lại phải đi làm những việc cướp bóc chẳng đáng mặt quân tử như thế này?"
Trại chủ nọ thở dài: "Thổ phỉ chúng tôi đều là dân nghèo cùng quẫn, ruộng đất cũng không có, chẳng biết sống bằng gì. Chỉ cái thân mình thì thôi, nhưng còn vợ con..."
Sĩ Cố cau mày làm bộ khó hiểu: "Vậy mọi người lại đi cướp của những người khác, để họ rơi vào cảnh cùng quẫn như mình ư?"
"Không, không phải vậy. Chúng tôi chỉ cướp của những kẻ giàu có thôi." Trại chủ có phần lúng túng, mặt hơi hồng lên, không biết do say, hay hổ thẹn.
Sĩ Cố được thể, nói lớn hơn. Lúc này toàn bộ người ngồi trên chiếu ăn đều nghe thấy:
"Cướp của kẻ giàu, kẻ giàu tiếc tiền, lại bóc lột người nghèo. Đó là vòng tuần hoàn vĩnh cửu. Kế sách như vậy, rất không đáng dùng."
Đám thổ phỉ im lặng, mãi sau mới có kẻ nói: "Chúng tôi đều là đám thô lậu đầu óc ngu dốt, nếu anh có cách hay, mong hãy chỉ bảo cho."
Trong lòng kẻ nào đó đang tung hô vạn tuế: Tạ ơn thần phật, Sĩ Cố ta chịu khổ cả tháng trời, chỉ để đợi câu nói này của các người!
Sau đó, hắn làm vẻ thần bí, đạo mạo nói:
"Nếu toàn bộ các anh đều có việc làm, hàng tháng được trả một phương gạo (*), nhưng phải bỏ nghề thổ phỉ, các anh sẽ làm chứ?"
(*) Một phương gạo: Hệ đo lường cổ, bằng 30 bát, gạt bằng với miệng.
Đám thổ phỉ mở to mắt. Đây là món lợi khổng lồ từ trên trời rơi xuống. Một phương gạo, đủ cho cả nhà sống trong một tháng rưỡi rồi! Họ nháo nhào xôn xao:
"Tất nhiên rồi. Chúng tôi cũng đâu muốn làm thổ phỉ đâu. Do không còn cách nào khác thôi."
"Vậy thì, hãy theo tôi đến phủ Kinh lược sứ." Sĩ Cố thốt lên.
Sau câu nói của hắn, toàn bộ thổ phỉ đều rơi vào câm lặng.
Biết ngay mà, vàng đâu thể từ trên trời rơi xuống chứ. Chỉ trách tên nhãi này, khiến bọn họ mừng hụt. Rất lâu sau mới có người giận dữ trách móc:
"Cậu muốn đưa chúng tôi vào chốn ngục tù chăng?"
Phản ứng của Sĩ Cố hoàn toàn không nằm trong dự liệu của bọn họ, hắn cười nhạt một tiếng:
"Sao có thể chứ, do Kinh lược sứ cần đến các anh thôi. Không phải cướp bóc gϊếŧ người, là việc tốt giúp dân chúng."
Việc tốt giúp dân chúng, không cần làm thổ phỉ nữa, còn có thể được nhận một phương gạo mỗi tháng? Việc này rốt cuộc là việc gì chứ? Sĩ Cố chẳng đợi bọn họ hỏi, đã giải đáp luôn:
"Đó là xây đê."
Bấy giờ, để họ yên tâm, hắn còn khẳng định: "Kinh lược sứ mới đến là một người tốt. Thật lòng muốn giúp dân chúng ấm no. Nếu sợ tôi lừa mọi người, hãy kề dao sát cổ tôi, cùng đến phủ Kinh lược sứ. Nếu bị quan binh vây bắt, thì cứ gϊếŧ tôi đi, những thế võ tôi dạy mọi người cũng đã thành thục, chẳng lo không thể thoát thân."
Nghe hắn nói vậy, trại chủ cùng các thổ phỉ suy nghĩ lung lắm. Sĩ Cố cũng chẳng giục giã, chỉ lặng lẽ cáo từ. Ba ngày sau, trại chủ ăn mặc tử tế, cùng các anh em trong trại đến gõ cửa phòng Sĩ Cố, hít sâu một hơi, trông như hạ quyết tâm mà nói:
"Xin hãy đưa chúng tôi đến phủ Kinh lược sứ."
***
Khung cảnh phủ Kinh lược sứ rất uy nghiêm, khiến người người run sợ.
Thấy Sĩ Cố, lính gác như đã được dặn dò, lập tức mở cửa. Đám thổ phỉ còn đang tò mò ngó nghiêng bên này bên kia, chợt trại chủ thoáng thấy một dáng người quen mắt, bất giác hô lên:
"Lão Lâm?!"
Người được gọi là lão Lâm cũng kinh ngạc quay lại, rồi mừng rỡ xông tới: "A, lão Tứ, ông cũng đến đây xây đê giúp Kinh lược sứ đấy hả?"
Toàn bộ gần trăm khuôn mặt thổ phỉ đều nghệt ra. Nghe nói Lão Lâm tháng trước bị quan binh bắt đi, bọn họ còn thương tiếc, không biết số phận lão ấy ra sao. Vậy mà giờ đây gặp lại, hình như lão còn béo ra, má căng bóng, da dẻ hồng hào, nào có dáng vẻ như chịu cực hình mà bọn họ tưởng tượng?
Chẳng để tâm đến sự sửng sốt của đám thổ phỉ, lão Lâm tiếp tục hớn hở khoe: "Các ông quyết định đúng đắn rồi đấy. Kinh lược sứ thật sự tốt lắm! Không lừa bịp các ông đâu! Tôi chẳng những chẳng bị trách tội trước đây, mà còn được thưởng nữa. Nhìn xem, hôm nay vừa đúng ngày nhận lương thực của tôi này."
Nói rồi, lão giơ bao gạo lên lắc lắc, khiến cả trăm cặp mắt đung đưa theo.
Liếc nhìn thần sắc đám thổ phỉ, Sĩ Cố cười thầm trong lòng. Hắn phất tay: "Thế nào, mọi người đã tin tôi chưa? Bây giờ ai muốn xây đê rồi nhận lương thực thì hãy theo tôi đi ghi danh nào."
Đám người ùn ùn xông tới, ồn ào: "Tôi! Tôi muốn! Để tôi lên trước!!!"
Cứ vậy cho tới tận chiều.
Vài ngày sau, dân chúng trấn Thuận Hóa kinh ngạc khi biết tin có một bộ phận thổ phỉ quy hàng Kinh lược sứ, sau đó tiếp tục đi khuyên nhủ bộ phận còn lại. Cuối cùng, bây giờ toàn bộ thổ phỉ đều là người dưới trướng quan phủ.
Kinh ngạc thì kinh ngạc, nhưng dân chúng cũng chẳng lấy làm biết ơn gì cho cam. Họ tự nhủ, bắt được thổ phỉ rồi sao không trị tội? Lại còn thu nhận? Đúng là cá mè một lứa, ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, đều phường trộm cướp cả thôi!
***
Thuấn Thần hiện tại cũng chẳng rảnh xem dân chúng đồn đoán cái gì. Nàng còn đang vùi đầu gảy bàn tính sắp gãy tay, cốt chọn lựa loại gạch rẻ mà tốt, phù hợp ngân khố, sau đó phải tính toán số lương thực cần trả cho hơn tám trăm thổ phỉ.
Xây đê chỉ là tạm thời. Sau khi xây đê họ vẫn cần việc làm.
Nàng nghĩ nghĩ, tới trấn Thuận Hóa đã được một khoảng thời gian mới phát hiện nơi này có rất nhiều loại rau củ lạ lẫm, không hề xuất hiện tại Kinh thành. Tuy dân chúng quanh đây chẳng thèm để mấy thứ rau củ đó vào mắt, nhưng nếu trồng rồi đem bán cho các trấn khác, có thể sẽ thu lời.
Giờ là lúc tiếp tục cần đến những binh lính, đinh tráng mượn về và người nhà các thổ phỉ.
Thế là, ngay hôm sau, chỉ có một nửa binh lính và một nửa đinh tráng ở trong phủ làm nhiệm vụ canh gác như mọi ngày. Nửa còn lại đều phải ra ngoài vỡ đất trồng cây, mua gà mua lợn, xây chuồng giúp các bà, các cô.
Mà cái việc chọn người đi kẻ ở này, còn dựa vào bốc thăm!
Những binh lính và đinh tráng đen đủi bốc phải phiếu bị điều đi, lập tức bày ra biểu tình như đưa đám. Bọn họ muốn thành lập nhóm, gọi là "Hội những kẻ xui xẻo muốn báo thù quần chúng"!
Cả đám cay đắng nhìn nhau. Mặc dù đi làm ruộng mệt hơn đứng canh gác, nên được hưởng lương gấp đôi, nhưng...
Thôi thì mệnh lệnh là mệnh lệnh. Ai bảo bọn họ đi làm công cho kẻ kì quái làm chi?
***
Tính toán tới đau đầu, Thuấn Thần vỗ trán thở dài, bất giác nói thành lời: "Xem ra tháng này phải bớt phần ăn rồi."
Ngay sau đó, một giọng nói trầm ấm vô vàn quen thuộc vang lên: "Kẻ nào dám để con của trẫm đói thế?"
Nhưng mà, Thuấn Thần lại giật bắn, suýt nữa thì bổ nhào.
Thử tưởng tượng mà xem, khi bạn đang ở một mình trong phòng, độc thoại chuyện riêng tư, bốn phía đều im phăng phắc, đột nhiên có giọng nói vang lên từ sau lưng, trả lời bạn.
Thật giống phim kinh dị biết chừng nào?
Khi nàng còn lúng túng, cánh tay vững chãi đã vươn đến, ôm gọn nàng vào lòng.
Nhịp tim đập thình thịch vì sợ hãi dần dần bình ổn, Thuấn Thần quay đầu, trước mắt đúng là khuôn mặt nàng ngày nhớ đêm mong.
Kẻ nào đó dụi dụi cằm vào hõm cổ nàng, hờn mát:
"Trẫm đã đem lương thực và kinh phí tới rồi đây. Nàng đi đâu về thế? Trẫm đợi lâu ơi là lâu. Đã vậy, nàng còn không nhìn thấy trẫm nữa chứ!"
Thuấn Thần cười khúc khích né tránh. Bấy giờ mới phát hiện, cằm Trần Thuyên lún phún râu, cưng cứng, ram ráp.
Nàng tức khắc ghét bỏ đẩy đầu chàng: "Sao chàng lại không cạo thế này? Trông kinh chết được!"
"Nàng còn chê trẫm xấu?" Trần Thuyên tủi thân.
Một tháng nay chàng cố gắng ngày đêm phê duyệt hết tấu chương tồn đọng để có thể lấy được cơ hội dẫn đoàn tiếp tế tới trấn Thuận Hóa này, thậm chí phải bận bịu đi quan sát tình hình dân chúng, thời gian đâu mà chăm chút ngoại hình?
Vậy nhưng vừa trốn khỏi đám người kia, lẻn tới đây, phu nhân nhà chàng chẳng nhận ra sự xuất hiện của chàng thì thôi, còn chê chàng khó coi!
Nhìn kẻ nào đó giận dỗi như đứa trẻ, Thuấn Thần bật cười, ngắm nghía.
Một tháng không gặp, Trần Thuyên tiều tụy hẳn. Dưới đôi mắt đẹp đã xuất hiện quầng thâm, chắc chắn là ngủ chẳng ngon giấc. Thuấn Thần vuốt ve khuôn mặt thân thuộc, hỏi một câu không liên quan, nhưng đã vương trong lòng nàng từ lâu:
"Ngày đó...chàng nhìn theo ta đi khuất phải không? Ta nhớ chàng đã mạnh miệng nói mắt chẳng nhìn, tâm sẽ chẳng lưu luyến kia mà?"
Ngờ đâu, Trần Thuyên nhanh chóng phủ nhận: "Không phải."
"..." Không thể cho người ta cơ hội ảo tưởng sao?
Còn đang trừng mắt, Trần Thuyên trước mặt đã bình tĩnh nói tiếp:
"Trẫm đợi nàng quay đầu nhìn lại."
Đợi nàng quay đầu nhìn lại, dù chỉ một lần thôi, cũng đủ rồi.
Từ khi có nàng bên cạnh, trẫm mới biết, cuộc sống trước đây, ngai vàng này, vị trí này cô độc đến nhường nào...
Thuấn Thần sửng sốt, lát sau mới bật cười, véo má chàng: "Vậy nếu khi đó ta đi thẳng, thì hẳn là nguy to rồi."
Tên nhỏ mọn này chắc chắn sẽ không tha cho nàng đâu!
Từ khi được xây xong đến giờ, căn viện nhỏ mới có thời gian tràn ngập tiếng cười và hạnh phúc, ủ ấm cả nước hồ Yên Thủy ngàn năm lạnh lẽo.
***
Mới ngọt ngào đó, ngay hôm sau đã phát sinh sự cố.
Buổi chiều đẹp trời, Thuấn Thần vùi đầu miệt mài xem đống sổ sách có ghi chép lại số lượng thổ phỉ những năm gần đây. So với các năm trước nữa thật sự là tăng lên như nước tràn bờ đê.
Thuấn Thần vừa đọc, vừa lơ đãng đưa tay quơ quơ trên bàn.
Sau đó nàng cau mày xụ mặt: "Đĩa bánh ở đây đâu mất rồi?"
Khi ấy Trần Thuyên mới sực nhớ ra, dường như lúc nãy chàng có hơi buồn miệng, lại thấy miếng bánh là lạ...
Ăn mất rồi...
Nhìn ánh mắt hậm hực của Thuấn Thần bắn về phía mình, Trần Thuyên biết không giấu được, lập tức thành thật khai báo:
"Xin lỗi, khi nãy trẫm lỡ ăn, hơ hơ..."
Bình thường làm gì có kẻ nào khiến chàng phải cười trừ chữa ngượng thế này chứ?
Nhưng không ngờ, Thuấn Thần vẫn phụng phịu:
"Không biết đâu. Trả cho ta!" Công sức cả buổi sáng của nàng mà lại đổ sông đổ biển ư?
Trần Thuyên dỗ dành: "Để trẫm mua cho nàng bánh khác nhé?"
Nhưng phụ nữ mang thai người nào cũng khó tính, đã thèm cái gì là quyết ăn bằng được cái ấy. Thuấn Thần mếu máo:
"Ứ thèm, muốn đĩa bánh chàng ăn cơ."
Trần Thuyên mặt đầy khổ sở: "Nàng muốn trẫm nôn ra à?"
"...Không thèm!" Nàng ấm ức quay ngoắt đi.
Cứ vậy đến tận khi đi ngủ, vị Hoàng đế nghe nói uy dũng không ai bằng sắp bó tay. Chàng khuyên nhủ gãy lưỡi, chỉ còn thiếu nước van xin, mà bà chửa nào đó vẫn nhất quyết quay mặt vào tường, không chịu nhìn chàng. Trần Thuyên dở khóc dở cười, đầu dụi trên lưng nàng, tay chọc chọc, ra sức làm nũng:
"Thuấn Thần, nàng thật sự dỗi trẫm chỉ vì một cái bánh đấy à? Trẫm biết sai rồi. Chỉ trẫm cách làm, trẫm đền cho nàng được không?"
Trần Thuyên nghĩ, nàng đã chịu khổ vì chàng thế này, chàng tất phải giúp tâm trạng nàng thoải mái hơn mới đúng.
Khi nãy nhìn nàng dùng cơm được một nửa thì nghén, nôn tới mặt xanh lè, chàng đau lòng, cũng chẳng ăn tiếp nữa.
Dù vậy, Thuấn Thần vẫn son sắt thủy chung tơ tưởng về đĩa bánh chiều nay, nằm tiếc hận.
Nghe Trần Thuyên đề nghị, Thuấn Thần hơi lung lay, nhưng cuối cùng vẫn cứng miệng: "Khó lắm, chàng làm được không?"
Chẳng ngờ, Trần Thuyên lại nghiêm túc đáp: "Trẫm sẽ học."
Vì thế, nửa đêm, có hai con người lén lút chạy tới phòng bếp. Lâu lâu, trong ánh lửa bập bùng ấm áp, lại thấy tiếng nói truyền ra:
"Đúng rồi, giã nhuyễn đám nếp này."
"Đậu đỏ còn sẵn đấy."
"Thêm chút nước nữa."
Trần Thuyên đầu đầy mồ hôi, thân hình cao lớn xoay đi xoay lại trong căn bếp nhỏ xíu.
Chẳng hiểu sao, Thuấn Thần thích dáng vẻ như thế này của Trần Thuyên.
Không phải Hoàng đế ngồi trên ngai vàng cao cao tại thượng, mà chỉ là một anh chồng vụng ngốc đáng yêu.
"Au!" Tiếng kêu hoảng hốt vang lên, cùng lúc Trần Thuyên vung vẩy tay, nhảy loi choi.
Thuấn Thần vội vàng lao tới, kéo lấy tay chàng. Vết bỏng hồng hồng in trên ngón cái và ngón trỏ. Có lẽ là khi nãy chàng quên lấy miếng nhấc nồi đã cầm vào nắp vung.
Lòng nàng bấy giờ mềm nhũn, xót xa múc một gáo nước, giúp chàng nhúng tay.
Trần Thuyên vô cùng áy náy, lần đầu tiên bị đau mà không quan tâm tới vết thương, vì sự chú ý của chàng còn hướng về nơi khác, đầy lo lắng bất an hỏi nàng:
"Liệu nàng có cảm thấy trẫm vô dụng không? Ngay cả mấy thứ lặt vặt đơn giản này cũng không làm được. Nhưng mà trẫm nhất định sẽ học dần dần. Đừng ghét bỏ trẫm, nhé? Thuấn Thần?"
Thuấn Thần nhìn chàng như vậy, vừa thương vừa buồn cười, cúi đầu hôn lên bàn tay lớn kia, đáp: "Chàng tài giỏi thế này, là nam nhi đại trượng phu đứng đầu thiên hạ, chẳng ai sánh bằng, lại vì ta mà chịu làm những việc lông gà vỏ tỏi. Chàng nói xem ta làm sao tìm được trượng phu tốt hơn chàng? Làm sao mà ghét bỏ chàng cho nổi đây?"
Trần Thuyên lắc lắc tay nàng, cười nịnh nọt: "Vậy đừng ngó lơ trẫm nữa nhé."
Thuấn Thần cũng bật cười, rướn lên, hôn trên má Trần Thuyên một cái, môi nàng tiện đà cọ cọ vành tai chàng, thì thầm: "Được."
***
Khi về phòng ngủ, đang mơ màng ôm người trong lòng, Trần Thuyên đột ngột có cảm giác tay mình bị hất mạnh. Chàng mở choàng mắt, thấy Thuấn Thần vừa bật dậy, còn tưởng nàng gặp ác mộng, đang muốn mở lời, lại bị câu Thuấn Thần thốt ra làm cho đóng băng:
"Những năm trước thổ phỉ không xuất hiện, tại sao vài ba năm trở lại đây đột nhiên nhiều như vậy?" Sáng nay nàng vốn thấy hơi là lạ, đến giờ mới nhớ ra.
Trần Thuyên giận, kéo nàng nằm xuống, trách móc lên án: "Sao nàng có thể đang nằm ngủ với trẫm mà lại nghĩ đến chuyện đó chứ?"
Hóa ra chàng còn chẳng bằng mấy tên thổ phỉ!
Thuấn Thần bình tĩnh lại, quay sang chàng, mắt mở thao láo, một vẻ không tìm ra câu trả lời thì sẽ không đi ngủ.
Trần Thuyên thở dài. Trầm ngâm suy nghĩ một lát, chàng mới phỏng đoán:
"Có lẽ...có người xúi giục bọn họ làm thổ phỉ?"
"Ừ nhỉ?! Ta phải đi hỏi đám lão Tứ mới được!" Thuấn Thần lại muốn bật dậy nhưng không thể công phá nổi cánh tay gọng kìm chặn ngang ngực nàng.
Trần Thuyên lườm: "Ngoan ngoãn nằm im cho trẫm! Đang nửa đêm, ngủ ngay đi. Ngủ muộn sẽ ảnh hưởng tới con."
Thuấn Thần bĩu bĩu môi, kéo tay chàng dí trên bụng mình, để chàng cảm nhận cú đạp của thai nhi trong đó, mách lẻo:
"Đó, chàng xem, nó hoạt bát còn hơn cả ta nữa! Chắc đang muốn đi chơi lắm đấy!"
Trần Thuyên: "..."
Mãi sau, chàng nghiến răng thốt lên một chữ: "Ngủ!"
***
Sáng hôm sau, Thuấn Thần kéo Trần Thuyên ra chợ. Đám lão Tứ đã đi đắp đê từ lâu, đến chiều may ra mới hỏi được. Việc này tạm thời phải giữ bí mật.
Trong khi Thuấn Thần mải mê chọn rau củ quả, ánh mắt Trần Thuyên chợt liếc thấy một người.
Chàng khựng lại, người đó cũng sững sờ, rồi nhanh chóng khom mình, khẽ gọi: "Bệ hạ."
Trần Thuyên ra hiệu đi vào một góc vắng vẻ.
Xong xuôi, Trần Thuyên mới liếc thấy hai đứa bé trai một lớn một nhỏ bên cạnh người nọ, khuôn mặt chàng giãn ra, nói: "Đã lớn thế này rồi. Chắc cũng sắp đến lúc ngươi quay lại nhỉ? Muội ấy rất nhớ ngươi."
Người nọ cúi đầu: "Thần biết. Thần sẽ không để nàng phải đợi lâu nữa đâu. Đã phiền đến bệ hạ lặn lội tới tận nơi xa xôi này."
Trần Thuyên bĩu môi: "Ngươi nghĩ cái gì thế? Trẫm đến đây là để mang lương thực và kinh phí giúp Kinh lược sứ của trẫm dẹp trừ thổ phỉ."
Người nọ kinh ngạc: "Trấn Thuận Hóa gặp nạn thổ phỉ?"
Trần Thuyên cũng kinh ngạc không kém. Phải biết cạnh Thuận Hóa là trấn Tây Bình, mà trấn Tây Bình lại thuộc châu Minh Linh. Chàng ngờ vực:
"Đúng vậy, ngươi ở châu Minh Linh, gần như vậy, sao lại không biết được?"
Người nọ giải thích: "Người dân châu Minh Linh chẳng ai biết chuyện này cả. Hơn nữa, trấn Thuận Hóa mất mùa đã lâu, có đem hoa quả xuống đây bán cũng chẳng bán nổi. Lâu dần, người châu Minh Linh không còn tới đây nữa."
Trần Thuyên cau mày.
Nếu nói vậy, nghĩa là có người cố tình phong tỏa tin tức.
Để làm gì chứ? Kẻ đó có lợi lộc thế nào?
Từng đoạn quá khứ chậm rãi tràn tới trong mạch suy nghĩ của Trần Thuyên. Lần suýt bị hành thích năm mười hai tuổi, liên quan đến vụ phóng hỏa nhà Thuấn Thần. Lần chạm gần đến manh mối là Giao Châu, Giao Châu liền phải chết oan, Thuấn Thần tiếp tục là người đứng mũi chịu sào. Sau khi tìm được hung thủ gϊếŧ hại Giao Châu, hung thủ liền tự sát trong ngục trước khi Trần Thuyên thẩm vấn,...
Trong triều tồn tại một kẻ phản loạn, nhằm vào chàng thì không nói, nhưng lại luôn kéo Thuấn Thần theo cùng.
Trần Thuyên đã đoán biết từ rất lâu, nhưng mỗi lần tưởng chừng như có được phát hiện mới, thì lại lập tức bị kẻ đó dẫn bước vào sương mù.
Còn một điểm khó hiểu là, tại sao kẻ phản loạn này lại ngưng tay trong một thời gian dài, từ sau lần Trần Thuyên bị ám sát năm mười hai tuổi?
Hay đó là hai kẻ khác nhau?
Hiện tại, điều đó không quan trọng bằng một giả thiết tình cờ nảy sinh trong đầu khiến Trần Thuyên lạnh gáy.
Nếu Thuấn Thần không mang thai, Trần Thuyên sẽ không đưa nàng đến trấn Thuận Hóa này.
Nếu người đến châu Thuận Hóa là một vị quan khác, chẳng may bị mua chuộc, có lẽ Trần Thuyên sẽ không thể biết chuyện thổ phỉ.
Không biết chuyện thổ phỉ sẽ không thể trị yên dân.
Không trị yên dân, tất sẽ bị dân nổi dậy làm phản, từ nơi xa xôi nhất của quốc gia...
Tới khi phát hiện, chàng sẽ không thể đề phòng kịp.
Mà nạn thổ phỉ, vốn đã xuất hiện từ lâu, trước cả khi châu Ô, Lý của Chiêm Thành sáp nhập vào Đại Việt.
Khi đó, kẻ xúi giục người dân đi làm thổ phỉ, tất nhiên chỉ có thể là người Chiêm.
Nhưng hiện tại, châu Ô, Lý đã thuộc về Đại Việt. Kẻ phong tỏa tin tức này, chắc chắn là người Đại Việt.
Vậy nên, nếu như, kẻ phản loạn mà trước giờ luôn nhằm vào chàng và Thuấn Thần đó, từ lâu đã cấu kết với kẻ phản loạn bên Chế Mân thì sao?
Nội ứng ngoại hợp kín kẽ như vậy, vị trí nào là thích hợp nhất?
Trần Thuyên nhìn đi nhìn lại, cũng chỉ có một nơi.
Châu Minh Linh.
Trước khi Thuận Hóa trở thành lãnh thổ của Đại Việt, Minh Linh là nơi giáp Chiêm Thành, hiện giờ lại là nơi chặn giữa Thuận Hóa và vẫn còn lại của Đại Việt.
Mà kẻ có thể nắm trong tay quyền hành đủ để điều khiển nhiều người như vậy, hẳn là không nhiều.
Sau khi sai người điều tra, Trần Thuyên kết luận, có ba kẻ tình nghi nhất.
Đầu tiên tất nhiên là Thông phán cai quản châu Minh Linh. Tên húy Lục Đảo. Hắn vốn là kẻ nghèo rớt mồng tơi, đi thuyết giảng kinh giúp nhà chùa. Trong một lần đối đáp cùng thiền sư, hắn may mắn bộc lộ tài năng trước mặt Thượng hoàng, nên được cất nhắc làm Thông phán.
Trần Thuyên nghĩ một hồi liền gạt bỏ. Kẻ này đội ơn cha của chàng, nếu làm phản, khả năng sẽ rất nhỏ.
Người tiếp theo là An Dũng Mặc hầu, tên húy Trần Lệ, là một thân vương, con trai Chương Hiến hầu Trần Kiện - người từng đầu hàng quân Nguyên rồi bị tướng của Hưng Đạo vương bắn chết - cùng Quỳnh Huy Công chúa, cũng là cháu ngoại Thái sư Trần Quang Khải. Trần Thuyên đã gặp hắn nhiều lần trên triều những dịp đại lễ. Trần Lệ vốn chẳng ăn thua với đời, ngày nào cũng vui vẻ ra vào lầu xanh rồi lại vui vẻ ra về, ăn no đẫy bụng, ngày ngủ trương phềnh, hoàn toàn là một kẻ dạng mục ruỗng thối nát. Cũng may, hắn không cướp đoạt của dân cái gì. Kẻ như vậy, nếu có gan làm phản, khả năng cũng rất nhỏ.
Trần Thuyên trầm mặc.
Cuối cùng là Liêm phóng (*) giám sát châu Minh Linh, tên húy Triệu Hữu Hân. Hắn đã từng xông pha chiến trường, lãnh đạo quân tiên phong trong trận đánh Ai Lao Thượng hoàng từng thân chinh, công lao rất lớn, lại không quản ngại nguy hiểm. Liệu người như vậy, có thể tạo phản hay không?
(*) Liêm phóng: Một chức quan làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát trong bộ máy chính quyền.
Ai cũng không giống, vậy chỉ còn một cách.
Điều tra cả ba người.
- Hết chương 21 -
MỌI NGƯỜI ĐỌC TRUYỆN VUI VẺ. BÌNH LUẬN ĐỂ GÓP Ý CHO CHÚNG MÌNH NHÉ ^^
TianDiLingLing