Tiếng Gọi Tình Yêu Giữa Lòng Thế Giới

Chương 1 : Phần 8

Tôi nói với cha mẹ rằng mình sẽ ngủ lại nhà ông nội. Hôm đó là thứ Bảy. Hai ông cháu gọi sushi cho bữa tối. Ông nội chơi sang, gọi liền hai suất đặc biệt. Dù thế, thậm chí tôi còn chẳng phân biệt nổi đâu là cá ngừ đâu là nhím biển nữa. Món bào ngư thì dai như cao su. Hôm nay không có bia cũng chẳng có vang Bordeaux, chúng tôi vừa uống trà vừa xem bóng chày truyền hình trực tiếp, sau đó uống cà phê. Tới giữa trận đấu thì giờ phát sóng kết thúc.

“Tới lúc khởi hành rồi,” ông nói.

Mộ của người đó ở khu ngoại ô phía Đông thành phố, nằm trong một ngôi đền thờ phu nhân của một vị lãnh chúa. Chúng tôi xuống taxi chỗ gần ngôi đền. Khu này ở dưới chân núi, là chỗ đầu tiên bị cắt nước mỗi khi thiếu nước vào mùa hè. Dù mới tháng Chín, nhưng tiết trời ban đêm đã se lạnh.

Bên cạnh bậc đá dẫn tới đại sảnh có một cánh cổng nhỏ, bên trong cánh cổng là một con đường đất đỏ chạy thẳng tới khu nghĩa trang. Bên trái là một bức tường trát thạch cao trắng, phía bên kia có lẽ là khu nhà ở của các nhà sư, song hoàn toàn không có dấu hiệu nào cho thấy có người sống ở đó. Chỉ có chút ánh sáng tù mù hắt ra từ nơi dường như là cửa sổ của nhà vệ sinh. Bên phải chúng tôi là những ngôi mội cổ có lẽ từ thời Mạc Phủ. Những ngọn tháp dagoba nghiêng ngả và bia mội nứt vỡ trông như đang trôi bồng bềnh trong ánh trăng. Dọc theo con đường dẫn lên sườn núi, hàng cây bách và tuyết tùng sum sê phủ bóng, cơ hồ che khuất cả bầu trời. Cuối con đường này chính là nơi chôn cất phu nhân lãnh chúa. Trong bóng tối, tôi lờ mờ trông thấy một hàng bia mộ hình dáng kỳ lạ, hình lập phương, hình cầu, hình nón… Chúng tôi vòng qua bên trái, tiếp tục đi sâu vào trong khu. Hai ông cháu có mang theo một chiếc đèn pin nhỏ, nhưng sợ bật lên sẽ khiến người trong chùa chú ý nên đành mò mẫm đi dưới ánh trăng.

“Ở đâu hả ông?” tôi hỏi ông nội đang bước nặng nề phía trước.

“Đằng trước kia kìa.”

“Ông tới đó lần nào chưa?”

“Ừm.” Ông thật kiệm lời.

Rốt cuộc thì ở đây có bao nhiêu ngôi mộ? Sườn dốc thoai thoải gần như bị bia mộ phủ kín. Mỗi mộ lại không nhất thiết chỉ chứa hài cốt của một người. Nếu trung bình một ngôi mộ chôn cất tro xương của hai hay ba người thì thực không thể ước đoán tại nghĩa trang này có bao nhiêu người đang yên nghỉ. Tôi từng đến nghĩa trang nhiều lần vào ban ngày. Nhưng vào lúc muộn thế này thì đây mới là lần đầu. Nghĩa trang về đêm khác hẳn lúc ban ngày, có thể cảm nhận rõ ràng sự hiện diện của người đã khuất, rõ như là hơi thở vậy. Ngước mắt lên, tôi thấy vài con dơi đang bay trên những ngọn cây đại thụ che khuất cả vòm trời.

Đột nhiên, bầu trời hiện ra trước mắt, những ngôi sao dường như đang ào ào đổ xuống chúng tôi. Tôi thôi ngước nhìn lên và đi tới phía sau lưng ông nội.

“Ở đây ạ?”

“Ừ, ở đây.”

Trước mắt tôi hiện ra một ngôi mộ hoàn toàn bình thường. Đó là một ngôi mộ khá lớn và có vẻ được xây từ khá lâu rồi.

“Giờ làm gì đây ạ?”

“Khấn trước đã.”

Tôi thấy thật quái gở nếu phải khấn nguyện khi đang đi trào trộm mộ người ta, ông nội rút que hương trầm đã chuẩn bị sẵn ra để châm lửa, rồi chắp hai tay lại với vẻ nghiêm trang và lặng im cầu nguyện. Không còn cách nào khác, đứng sau lưng ông, tôi cũng chắp tay cầu nguyện. Tôi nghĩ đó là cách bày tỏ sự hối lỗi với những người nằm dưới kia về việc đào trộm mộ lần này.

“Giờ,” ông tôi nói, “dịch cái này sang một bên đã.”Hai ông cháu nhấc bát hương bằng đó lên và chuyển nó sang bên cạnh.

“Cháu chiếu đèn pin đi.”

Ở dưới viên đá kê bát hương có một phiến đá mỏng đậy kín nấm mộ. Ông tôi phải dùng tuốc nơ vít nạy vào các góc của rãnh giữa nắp và thành mộ bằng đá. Một hồi sau phiến đá cũng xê dịch và chỉ dùng tay ông cũng nạy được nắp mộ lên. Bên trong là một thạch thất khá rộng. Nếu gập mình thì một người lớn cũng có thể chui lọt vào trong.

“Đưa ông cái đèn.”

Ông nội cầm đèn pin rồi nằm sấp xuống, chui cả nửa thân trên vào trong mộ. Tôi ở phía trên đè giữa hai chân ông để ông khỏi ngã lộn nhào xuống dưới. Ông nội sục sạo một hồi, rồi đưa tôi cái đèn pin, sau đó cẩn thận dùng cả hai tay nhấc một chiếc bình sứ đựng tro cốt ra. Tôi lẳng lặng nhìn ông làm. Ông chiếu đèn pin vào đáy bình xác định lại tên người ghi bên dưới, rồi tháo sợi dây thừng nhỏ bên trên và từ từ mở nắp. Bên trong bình là tro cốt của người đó. Cứ như thế một hồi lâu. Tới khi cất tiếng gọi “Ông ơi!”, tôi mới nhận ra hai vai ông đang khẽ run run dưới ánh trăng.

Ông chỉ lấy trong bình ra một chút xíu tro rồi để vào một chiếc hộp gỗ nhỏ đã chuẩn bị sẵn. “Đã mất bao công để tới đây cơ mà, việc gì ông phải rón rén đến thế!” tôi suýt nói thế nhưng đã kìm lại được. Ông lại nhìn chăm chăm vào trong bình tro một lúc rồi đậy nắp lại và thít dây vào trong bình tro một lúc rồi đậy nắp lại và thít dây như cũ. Sau đó tôi lại giữ chân để ông chui vào đặt chiếc bình trờ về chỗ cũ. Cuối cùng, tôi đẩy bệ đá trở lại. Các cạnh của phiến đá đều bị trầy xước do ông chọc tuốc nơ vít vào.

Khi chúng tôi về tới căn hộ của ông thì đã gần mười hai giờ đêm. Hai ông cháu rót bia lạnh ra chạm cốc. Tôi thấy khá hài lòng, nhưng ngoài ra cũng thấy đôi chút cô đơn.

“Chỉ vì ông mà Saku phải thức khuya quá,” ông tôi nói.

“Không sao đâu ạ,” tôi nói, rót thêm bia vào chiếc cốc đã vơi đến một nửa của ông. “Dù sao, nếu không có cháu ông cũng tự làm việc đó được mà.”

Nâng cốc bia lên miệng nhưng gương mặt ông lại hiện lên một cái nhìn xa xăm. Thế rồi, ông đứng lên và lấy một cuốn sách từ trên giá xuống.

“Sakutaro học thơ cổ Trung Quốc rồi phải không?” Ông mở cuốn sách có vẻ cũ kỹ ấy ra. “Đọc thử bài này xem nào.”

Tên bài thơ đó là “Cát sinh”. Phía dưới phần Hán văn có đoạn dịch thơ tiếng Nhật, tôi liền nhìn vào đó.

“Cháu có hiểu bài thơ muốn nói gì không?”

“Đại khái là ‘khi chết đi muốn được chôn cùng một mộ’ đúng không ạ?”

Ông lặng lẽ gật đầu, rồi đọc lại đoạn thơ cuối: “Đông chi dạ, hạ chi nhật. Bách niên chi hậu, quy vu kỳ thất.”[6]

“Đoạn thơ có nghĩa là, qua bao ngày hạ lê thê và những đêm đông đằng đẵng, em cứ an nghỉ nơi đây. Trăm năm nữa qua đi, rồi ta cũng sẽ tới đây nằm cạnh em. Hãy bình yên chờ ngày đó tới.”

“Đằng nào thì người yêu cũng chết rồi.”

“Cho dù có tiến bộ bao nhiêu đi nữa, cảm xúc của con người vẫn vậy, sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta hầu như không thay đổi. Bài thơ này được viết cách đây hơn 2000 năm, thậm chí có khi còn lâu hơn thế. Nó đã tồn tại từ trước cả khi người ta sáng tạo ra thể thơ Tứ tuyệt và Đường luật mà cháu đang học ở trường hiện giờ. Vậy mà, dường như ngày nay chúng ta vẫn có thể thấu hiểu được cảm xúc của những người thời đó. Ông nghĩ chẳng cần phải được giáo dục tử tế hay được học bổng mới có thể hiểu được cảm xúc ấy đâu.”

Hộp gỗ nhỏ nằm trên mặt bàn. Người nào không biết chắc dễ nhầm tưởng bên trong chứa cuống rốn hay huy chương gì đó. Cảm giác thật kỳ quặc.

“Cháu giữ cái hộp này cho ông.” Đột nhiên ông nội buông ra một câu. “Khi ông chết, cháu hãy trộn tro cốt của ông với của bà ấy mà rải.”

“Khoan đã ông ơi!” tôi nói.

“Lấy ra một nhúm tro của ông bằng với nhúm tro trong hộp này và trộn lại với nhau. Rồi cứ rải ở bất cứ nơi nào cháu thích.” Ông lặp lại lời yêu cầu như thể đang lập di chúc vậy.

Giờ tôi mới nhận ra ý đồ của ông nội. Nếu chỉ muốn lấy trộm tro cốt, một mình ông cũng làm được. Mất công lôi thêm đứa cháu trai vào làm kẻ đồng lõa, hóa ra tất cả đều có mục đích cả.

“Cháu đã hứa với ông rồi mà,” ông nói như để chắc chắn.

“Cháu không thực hiện được lời hứa kiểu đó đâu,” tôi đáp lại ngay.

“Làm ơn thực hiện nguyện vọng của lão già này đi,” ông nói như sắp khóc đến nơi.

“Cháu không biết đâu, việc đó phiền lắm.”

“Việc đó thì có gì khó đâu nào?”

Chỉ lúc đó tôi mới nhớ là có lần cha từng phàn nàn với mẹ về sự ích kỷ của ông nội. Phải rồi, ông chỉ nghĩ đến bản thân thôi. Ông là kiểu người chỉ chú ý tới điều mình muốn chứ không hề quan tâm tới việc gây phiền hà cho người khác.

“Ông có dám chắc mình muốn giao một việc quan trọng như vậy cho cháu không?” tôi cố thuyết phục ông.

“Ông còn có thể nhờ ai được nữa chứ?” Người già thực quá ư ương ngạnh.

“Cha cháu chứ còn ai nữa,” tôi thốt lên.”Cha cháu là con trai ông mà. Hơn nữa cha sẽ là người quán xuyến tang lễ của ông với tư cách người chủ gia đình.”

“Cái thằng sỗ sàng đó làm sao mà hiểu được kiểu người như chúng ta cơ chứ!”

“Chúng ta…” Tôi thoáng lặng người.

Ông nói, “Thì ông và cháu luôn hợp nhau lắm mà.” Rồi ông tiếp tục. “Ông biết chắc chắn cháu sẽ hiểu được, thế nên hồi trước ông mới đợi Saku lớn lên chút nữa.”

Tôi có cảm giác như ý định của ông đã có từ lâu, trước cả cái hôm tôi bị dụ dỗ vì món lươn nướng. Không, có khi từ trước đó, ông nội đã luôn ngấm ngầm theo đuổi mục đích này và kiên nhẫn nuôi dạy tôi cho tới ngày hôm nay. Nghĩ kỹ lại, tôi thấy mình như cô bé Murasaki[7] trong truyện Truyền kỳ về chàng Genji.

“Đại loại thì, khi nào ông mới mất chứ?” Ngược hẳn với nội tâm đang xáo động, giọng tôi bình tĩnh lạ thường.

“Có lẽ phải chờ khi nào thời gian của ông hết thôi.” Ông trả lời, dường như không mảy may bị tác động với sự thay đổi trong giọng nói của tôi.

“Thì khi nào chứ?”

“Chính ông cũng không biết, nên ông mới nói vậy chứ. Nếu ta biết được thế thì cuộc đời có khác gì một kế hoạch đâu.”

“Vậy làm sao ông biết chắc rằng cháu sẽ ở cạnh ông khi ông mất? Lỡ đâu người ta hỏa thiêu ông lúc cháu không có mặt, thế thì làm sao cháu lấy được tro cốt của ông chứ.”

“Nếu thế thì cháu chỉ việc đào trộm mộ ông thôi, như hôm nay ông cháu ta vừa làm ấy.”

“Ông muốn cháu làm vậy lần nữa sao?”

“Xin cháu đấy,” giọng ông nghe như van nài, “cháu là người duy nhất ông có thể nhờ cậy chuyện này.”

“Nói thì thế nhưng…”

“Sakutaro à, thực sự rất khủng khϊếp khi người mình yêu qua đời. Nỗi đau này, dẫu làm gì đi nữa nó cũng không thể thành hình. Có thể vì thế mà con người muốn tạo hình cho nó. Chẳng phải cũng như bài thơ ông cháu mình vừa đọc đó sao, vô cùng khó khăn khi ta phải ly biệt nhưng vẫn còn cơ hội cuối cùng để ở cạnh người đó. Xin cháu đấy, hãy biến nguyện vọng của ông và bà ấy trở thành hiện thực.”

Tôi luôn có chút nể trọng với người lớn tuổi. Nhưng thực ra, chính cụm từ “ông và bà ấy” mới là thứ khiến tôi cảm động.

“Vậy là cháu đồng ý sẽ thực hiện yêu cầu của ông?” Khuôn mặt ông như bừng sáng lên.

“Thì cháu còn có lựa chọn nào khác đâu.”

“Nhờ cháu cả đấy,” ông nói, mắt cụp xuống trong giây lát.

“Nhưng mà ‘bất cứ nơi nào cháu thích’ nghe không ổn chút nào. Ông phải dặn cháu cụ thể là ở đâu chứ.”

“Việc đó thì được.” Ông có vẻ suy tư. “Nhưng làm sao mà biết được điều gì sẽ xảy ra ở nơi đó khi ông chết đi. Giả dụ ông dặn cháu đem rải tro ở một gốc cây và mười năm sau nơi đó thành đường nhựa thì sao.”

“Nếu thế thì ông có thể chọn chỗ khác.”

Ông ngẫm nghĩ một hồi rồi nói, “Thôi, ông để cháu tự quyết định hết. Ông dựa cả vào phán đoán của cháu đấy.”

“Cháu đã nói là không được rồi mà. Hay là, ông thử nói xem địa điểm chung chung là ở đâu: núi, biển hay trên trời?”

“Hừm, có lẽ là biển.”

“Biển ạ?”

“Nhưng hãy chọn nơi nào nước sạch một chút.”

“Được rồi. Cháu sẽ tìm một vùng nước sạch và rải tro xuống đó.”

“Khoan đã, nếu là biển thì lỡ đâu sóng đánh dạt lên sẽ chia rẽ ông và bà ấy về hai hướng khác nhau thì sao.”

“Ừ, cũng có thể.”

“Vậy hãy lên núi đi.”

“Núi ạ?”

“Nơi nào đó mà bọn xây dựng sẽ không kéo đến ấy.”

“Vậy cháu sẽ tìm một nơi thật cao và vô cùng hẻo lánh.”

“Ở gần chỗ nào đó có hoa thì tốt.”

“Hoa ấy ạ?”

“Bà ấy thích hoa violet.”

Tôi khoanh tay lại nhìn ông nội chằm chằm.

“Sao thế?”

“Yêu cầu đó quá chi tiết.”

“Ồ, ông xin lỗi.” Ông đưa mắt nhìn ra xa như thể rất cô đơn. “Cháu đừng để bụng cái sự tham lam của lão già này.”

Tôi hắt ra một hơi thở rất dài, đủ mạnh để ông nghe thấy.

“Vậy là rải tro trên núi, nơi không ai qua lại và có hoa violet phải không ạ?”

“Cháu chán lắm rồi, phải không?”

“Không đâu ạ.”

“Được rồi.”