Hộc Châu Phu Nhân

Chương 9: Nguyệt mọc nhật về tây III

Đêm mồng một tháng Bảy, Đoạt Hãn đâm Đế Húc, không thành, làm mấy chục cấm vệ nội thị bị thương, giữa đêm trốn lên bắc. Phó tướng Cận Kỳ Doanh Phù Nghĩa và tham tướng Hoàng Tuyền Doanh Phương Hải Thị dẫn năm trăm binh lính, nửa đêm mở Vĩnh Tộ Môn của đế đô, đốt đuốc truy nã. Một mạch băng qua ba quận Trung Lộ, Xích Sơn, Hợp An, hành trình ngàn dặm, bất kể chết ngựa. Đoạt Hãn giảo hoạt, lúc đánh lúc trốn, vương sư hao tổn gần trăm. Sau cùng chết ngoài Mạc Hột Quan giữa tháng Tám, thi thể bị quân Già Mãn cướp mất.

“Lúc đuổi tới Mạc Hột Quan là buổi chiều ngày rằm tháng Tám. Ngoài quan là lãnh thổ Già Mãn, bốn trăm kỵ binh còn lại không phải sứ giả cũng chẳng phải thương nhân, không tiện ngang nhiên võ trang tiến vào biên giới nước khác, bèn cử thám mã mặc thường phục ra quan thám thính. Mắt thấy đã qua giờ ước định, sắc trời đã tối mà mười thám mã cử đi không một ai trở về, trong thảo nguyên từng vang hai tiếng tên hiệu trước sau, sau đó không thấy tin tức gì nữa, mười người này e là đã gặp phải bất trắc.

Để phòng bạn cũ nương tay vì tình riêng, trong năm trăm nhân mã rời kinh không có Vũ Lâm quân, đều chọn từ Cận Kỳ Doanh, đa số là bộ hạ cũ Phù Nghĩa mang tới từ Hoàng Tuyền Quan. Theo lời đồn trong cung, tổng quản Phượng Đình Phương Chư vốn định đích thân truy nã Phương Trạc Anh song vì trong người trọng thương nên để một nghĩa tử khác là Phương Hải Thị thay thế. Lùng bắt nửa tháng, mấy lần đặt bẫy, mai phục, vây chặn, phía Trạc Anh chỉ một thân một mình, hành tung phiêu diêu như ma quỷ, mấy ngàn dặm đường từ Trung Châu tới Hãn Châu mà không bắt được hắn, trái lại còn để mất mấy chục tráng hán khỏe mạnh. Hôm nay lại tổn thất mười mạng người, trong bốn trăm kỵ binh còn lại dấy lên rối loạn lặng thầm.”

—《 Nội các đại khố · Tấu chương hợp điệp · Thiên Hưởng quyển · Thập tứ niên bát nguyệt 》

Phù Nghĩa ghìm chặt ngựa, nhắm mắt suy tư. Hải Thị bên cạnh nhìn gương mặt đen hắc khó phân biệt mắt mày của ông ta. Lát sau, Phù Nghĩa giơ cao tay phải lên, dứt khoát chỉ về phía trước, lạnh nhạt ra lệnh: “Xuất quan.”

Hoàng hôn thảo nguyên hừng hực diễm lệ. Chân trời xếp tầng muôn dạng bóng mây, thái dương chưa lặn, hằng nga đã mọc ở đằng đông, nhật nguyệt tinh tú sáng lóa khổng lồ, khác hẳn bầu trời nhìn thấy trong quan. Cỏ mùa hạ um tùm rậm rạp, cao ngang lưng ngựa, dưới ánh tà, mắt thấy rặng cỏ dày đặc kia như ba đào vàng rộm, từng cơn ào ạt từ phương xa mênh mông ập lại.

Trạc Anh nheo mắt, ráng chiều dát lên khuôn mặt khôi ngô của cậu một lớp đỏ vàng sáng bóng. Cậu buông lỏng cương ngựa, mặc tuấn mã dưới thân đi đi dừng dừng. Trời phương bắc tối muộn, chá lựu khắp thành trong Mạc Hột Quan nở rộ bồng bềnh, cách bảy tám dặm vẫn thấy được màu đỏ au bừng bừng chan chứa ấy. Xa xa dưới trời xanh hất lên một đường bụi đất, từ đông nam chạy sang tây bắc.

Tới rồi.

Trạc Anh thoáng kẹp chặt bụng ngựa, thớt cửu hoa cầu (*) lập tức nhanh nhẹn phóng đi.

(*) Tên một giống ngựa.

Tiếng hò hét dần lan ra, xúm về phía cậu. Cậu nghiêng người quay đầu nhìn lại, trên đồng xanh mênh mông, trong bụi vàng có một đạo quân dàn hình bán nguyệt bọc đánh từ sau, đã chỉ còn cách chừng hai dặm đường, bóng người cưỡi ngựa nhấp nhô ẩn hiện trong sóng cỏ.

Mạch máu khắp cơ thể Trạc Anh bỗng dâng lên một niềm hân hoan khôn tả. Quả nhiên cậu vẫn là một người Hộc Khố, con cháu Tự Cửu. Cậu buông tiếng cười dài, quất một roi chan chát, nằm rạp xuống thì thầm vào tai con ngựa tiếng Hộc Khố: “Phi Quang, hãy cho ta xem rốt cuộc mi có phải một con ngựa tốt không.” Phi Quang như nghe hiểu tiếng người, bỗng hí vang dội, cất vó nhảy lên, quả nhiên phi nước đại chân không dính bụi.

Trạc Anh cũng cảm thấy cơ thể mình sống lại từng tấc.

Lòng và mắt đều không vảy không màng, người nhẹ như yến, tay áo trên ngựa tung bay. Trong đồng nội vạn khoảnh hạ mướt đông cằn, đời đời giống người sinh sôi nảy nở sáng sống chiều chết, bận bịu phóng ngựa đội trời đạp đất cao giọng hát ca, sống trong hoang dã, chết tại hoang dã, nhỏ bé như rác cỏ, song sảng khoái tự đắc.

Trở lại rồi. Thật sự trở lại rồi.

“Kia là hắn hả?” Phù Nghĩa hỏi.

Hải Thị mặt không biểu cảm đáp: “Giọng đó thì hẳn là đúng.”

Phù Nghĩa cười khẩy: “Tiêu dao ghê nhỉ, còn hát nữa. Bọc đánh đi.”

“Đại nhân!” Chợt có người hô lên kinh hãi. Hướng tây bắc cũng có một đường bụi vàng cuồn cuộn cuốn tới, có người thổi kèn lá, âm thanh bén nhọn trôi nổi trong sương mù vàng hồng. Tiếng vó ngựa ngăn nắp, đội hình có trật tự, tỏ rõ được huấn luyện nghiêm chỉnh.

“Là quân Già Mãn?”

“Không phải, họ mặc thường phục!”

“Chắc chắn không sai, đám ngựa cùng màu kia đều là ngựa chiến lông vàng đốm trắng!”

Tiếng bàn tán xì xầm nhất thời truyền khắp bốn trăm kỵ binh.

“Người Già Mãn…” Phù Nghĩa nhíu mày, “Thì ra là vậy…”

Phía đông Hộc Khố tiếp giáp với Già Mãn, phía nam là bộ Tả Bồ Đôn, phía bắc là bộ Hữu Bồ Đôn, hai vương xưa nay bất hòa. Dạo gần đây, Tả Bồ Đôn vương Đoạt Lạc tựa hồ có mưu đồ với Già Mãn, Già Mãn đương nhiên phải ra sức lôi kéo Hữu Bồ Đôn vương Ngạch Nhĩ Tề. Mà Trạc Anh là em trai của Đoạt Lạc, Ngạch Nhĩ Tề cần đối phó với Đoạt Lạc, thủ đoạn danh chính ngôn thuận nhất không gì bằng nâng đỡ Phương Trạc Anh tranh đoạt vương vị bộ Tả Bồ Đôn. Để bẻ ngã Đoạt Lạc, Già Mãn cũng không tiếc xuất binh tranh đoạt Phương Trạc Anh với nhà Trưng. Đáng hận là người Già Mãn lại giấu đầu hở đuôi, đổi quân trang thành quần áo dân du mục, ngày sau đàm phán rất có khả năng sẽ đùn đẩy nói là thổ phỉ cướp đi. Già Mãn xưa nay kính sợ nhà Trưng, lúc mới đầu bị bộ Tả Bồ Đôn quấy nhiễu, Già Mãn cũng từng xin Thiên Khải cứu viện, Đế Húc lại đuổi sứ giả đi, không nghe không hỏi. Ngày nay xem ra, Già Mãn đã hoàn toàn đoạn tuyệt trông cậy vào nhà Trưng.

“Nhưng, kể cả vậy,” Phù Nghĩa bực bội nói, “Dưới tình thế cấp bách, nếu cả nước Già Mãn phản công thì cũng đáng gườm đấy.” Ông ta là phó tướng Cận Kỳ Doanh, không lý gì có thể tùy tiện khai chiến ở lãnh thổ Già Mãn.

“Phù đại nhân, nếu không ngại thì hãy để mạt tướng thử một lần.” Võ tướng trẻ tuổi bên cạnh giục ngựa bước lên trước một bước, Phù Nghĩa quay đầu, trông thấy sườn mặt thanh tú như con gái của Phương Hải Thị.

Phương Trạc Anh phóng ngựa nghênh hướng quân Già Mãn, mắt thấy chỉ còn một dặm đường là vào được trận thế ngàn quân kia, muốn đuổi cũng chẳng đuổi được nữa. Phù Nghĩa gật đầu đồng ý: “Đi đi.”

Hải Thị giật dây cương trong tay, quất liền hai roi, thoăn thoắt đuổi theo, dáng người thiếu niên mảnh khảnh như muốn tan ra trong nắng chiều.

Tiếng gió vờn tai. Hải Thị thả lỏng dây cương, một tay gỡ cung mạnh sáu thạch sau lưng xuống, một tay rút từ ống tên ra một mũi tên lông chim cắt trắng, lên dây. Trái nắm phải kéo, mũi tên ngang mắt, tráng hán cũng vị tất giương nổi cây cung sáu thạch, thiếu niên này lại có thể ung dung kéo căng. Trên ngón cái tay phải cầm cung không có phàn chỉ thường dùng khi trước mà chỉ qua quýt bọc mấy vòng da thuộc.

Ý vững thần tỏ, không xằng không đoạn. Vạn niệm thành tro, vạn tâm cùng tắt.

Lúc mới tập bắn cung năm sáu tuổi, Phương Chư đã nói như thế, từ sau lưng nắm hai tay nàng, dìu dắt nàng kéo căng dây cung.

Chỉ như vậy, mũi tên rời tay mới có thể không nghiêng không lệch, bắn trúng hồng tâm. Phát bắn ấy không thể có bất kì sai sót nào, không trúng không được. Lực kéo tay phải bỗng buông nhả, mũi tên vừa rời cung, sau lưng tức thì rộ tiếng reo hò. Có thể thấy rõ mũi tên ấy sắp trúng vào nửa tim bên trái của Trạc Anh, ắt không sai lệch.

Hải Thị, quả nhiên là muội.

Trạc Anh quất ngựa phóng thẳng về phía tây, đón vầng tà dương vĩ đại đã lặn xuống một nửa, như thể chỉ cần gia roi chạy nửa giờ nữa là có thể chạy vào mặt trời. Cỏ cây bên thân rào rào đổ rạp, như rẽ sóng đón gió. Cậu không thể tránh né, mũi tên này của Hải Thị không trúng không xong. Từ nhỏ cô bé ấy đã có thiên phú cung ngựa hơn người, cậu tin nàng, nhất định trúng.

Âm thanh sắc nhọn phá không vυ't xuống.

Lực đạo mạnh mẽ gào thét đâm vào lưng, thân mình Trạc Anh đột nhiên gập về phía trước, ngã lăn xuống ngựa. Chất lỏng ấm áp đầm đìa chảy khắp lưng.

#playerDailymotion {width: 520px; float: right; padding-left: 10px; margin-right: -10px;}

“Trạc Anh, đây là ván cược cuối cùng ta đánh với con. Nếu con tin vào tình cảm Hải Thị dành cho con thường ngày, tin rằng thà nó kháng lệnh cũng không chịu gϊếŧ con, vậy chúng ta đánh cược trận này. Nếu thắng, con thắng được tự do, cộng thêm… bảy ngàn dặm Hãn Châu này.” Lúc thân mình bay vọt lên không trung, giọng nói và dáng điệu người đàn ông kia vẫn rành rành trước mắt.

Cậu nằm trên mặt đất ẩm ướt, nghe tiếng vó ngựa của người Già Mãn dần vây quanh mình, quân Trưng nhanh chóng bỏ đi. Cậu chống thân, gian nan ngồi dậy, mũi tên vẫn đâm sâu trên lưng. Trạc Anh rút kiếm cắt bỏ thân tên, tay phải lần đến dưới sườn trái, cởi nậm rượu bạc sát mình xuống, khóe miệng sắc cạnh nhoẻn một nụ cười khổ.

Nghĩa phụ, cả đời này chung quy người chưa từng tính sai.

Đầu mũi tên xuyên thủng nậm bạc, rượu dò mất già nửa, mà vết thương của cậu cũng sâu không quá nửa tấc.

Cậu im lặng cười lớn, mặt đầy những lệ.

Con và Hải Thị mỗi người một ý hành sự tùy hứng, ngoảnh đầu lại, hóa ra tất thảy đều nằm trong tính toán của người. Bọn con vật vã giành tính mạng với trời, chẳng qua chỉ là con rối vô tri thân quấn sợi tơ, xướng hát vở kịch mà người chọn.

Chủ quản Chức Tạo Phường Thi Lâm sợ sệt đứng đó, nhìn những ngón tay nhỏ nhắn không giống của nam tử tùy ý gõ trên mặt bàn trầm hương tạo thành một chuỗi âm thanh.

“Thật không ngờ… con cáo già này.” Người đàn ông trẻ thu hồi vẻ mặt bông lơn trước sau như một, “Chúng ta phí hết tâm tư chọn hai con cắt xanh thượng hạng, lại thành đá kê chân trong ván cờ của y. Giờ thì hay rồi, Phương Trạc Anh đã trốn ra quan ngoại, vì mang tử tội ám sát hoàng đế nhà Trưng trong mình nên thứ dân Hộc Khố không những không nghi ngờ hắn mà còn coi hắn là thiếu niên anh kiệt nhẫn nhục chịu khổ mười lăm năm trời. Mưu tính này của Phương Chư đích thực tinh vi.”

Mặt Thi Lâm sung huyết đỏ lừ: “Là tiểu, tiểu nhân không đủ lanh lợi… Không ngờ được Phương Chư gieo mầm họa lên điện hạ, mà đến Chá Lựu kia cũng gϊếŧ… Đáng lẽ tiểu nhân phải nghĩ đến…”

Sưởng vương giơ tay lên ra hiệu y khỏi nói tiếp, “Chuyện này không thể trách ông. Cô nàng mù kia không chết, sau khi trở về Hãn Châu Phương Trạc Anh vẫn sẽ đối nghịch với chúng ta, nhiều thêm một cái mạng của ả mù cũng chỉ khiến tâm ý của hắn kiên định hơn thôi. Như là… Như là Mẫu Đơn tỷ tỷ dẫu không chết, ta cũng sẽ không để mặc Húc ca tiếp tục thế này.”

Dứt lời, Sưởng vương ngẩng gương mặt thanh tú lên, khẽ cười: “Ấy, vốn không nên nói điều này với ông.”

Toàn thân Thi Lâm lạnh toát.

Năm xưa, Yên Lăng đế cơ thấy phu phen thuế khóa nặng nề, căm hận Đế Húc tàn ngược vô đạo nên khuyên Sưởng vương gϊếŧ vua tự lập. Sưởng vương tự cảm thấy mình phe cánh không đủ, thời cơ chưa đến, cố ý bày vẻ phóng túng chơi bời trước mặt sau lưng mọi người, đến Yên Lăng đế cơ cũng bị gạt. Đế cơ giận dữ, mấy ngày sau tự mang rượu độc đi đối ẩm với Đế Húc, không ngờ bị Vũ Lâm áo đen ngăn trở. Yên Lăng đế cơ chạy trốn, cấm quân đuổi theo tới chòi canh ngoài thành, đế cơ trúng hai mũi tên, tự rút tên đâm xuyên ngực ra, gieo mình từ chòi canh năm trượng xuống, ngã chết tại đầu đường Vĩnh Lạc. Vì muốn bảo toàn Sưởng vương nên nhận xằng mình là thứ nữ Phần Dương quận vương, chết không nhắm mắt.

“Giờ cũng chỉ đành chờ đến mùa xuân sang năm, Tả Bồ Đôn vương đúng hẹn vờ công Hoàng Tuyền Quan, thừa dịp trong kinh phòng vệ trống không…” Ngón tay vẫn gõ mặt bàn, người đàn ông trẻ dưới ánh đèn nở nụ cười lạnh lùng, “Có điều, trước đó nhất định phải bẻ gãy mọi nanh vuốt của Phương Chư đã. Mẫu Đơn tỷ tỷ thật quá ngu ngốc, không có can đảm, không có mưu trí… Cơ mà, dẫu sao ta cũng phải khiến cái chết của chị ấy trở nên có ý nghĩa.”

“Ngụy đế cơ chết, trong phủ sênh ca không đổi, khách khứa say mèm, vương gọi thị tẩm.

Trời sáng hỏi rằng: ‘Đêm qua ta có nói say không? Có nói mớ không?’ Mỹ nhân đáp: ‘Thưa không.’ Vương nói: ‘Cô nàng thông minh, cũng chỉ đến hôm nay.’ Rút gươm chém chết.”

—《 Trưng thư · Liệt vương kỷ · Bách tạp nhất · Sưởng vương 》

Trên đường về Thiên Khải, nàng đổ bệnh ngoài thành Xích Sơn. Lúc đến dịch quán, người đã nằm phục trên lưng ngựa, một mạch mê man bất tỉnh. Thỉnh lang trung tới chữa, mời đến phòng riêng bắt mạch kê đơn, nói là trúng gió cảm lạnh, con gái khí huyết hư nhược, thuận tiện kê toa thuốc tẩm bổ. Phù Nghĩa nghe xong không nói hai lời, thưởng cho lang trung một số tiền lớn. Lang trung về nhà chết bất đắc kỳ tử ngay đêm đó, tiền thưởng nhận được vừa vặn dùng vào lo liệu tang sự.

Toa thuốc quả thật đúng bệnh, song chẳng phải cao minh. Hải Thị dần hạ sốt nhưng không khỏi hẳn, Phù Nghĩa để lại vài người ở dịch quán chăm sóc, đợi nàng khỏi hẳn rồi hẵng đuổi theo đại đội. Nàng lại chẳng ngó ngàng gì tới chính mình, trời tháng Chín chớm lạnh, vẫn khoác áo mỏng đi lại khắp nơi, cũng chẳng biết đường mà tránh gió, tạo điều kiện cho cơn sốt cứ dai dẳng mãi. Chuyện về Thiên Khải cũng lùi xuống từng ngày.

Đến tháng Mười thì thêm chứng ho hen, phát sốt lúc chuyển tốt lúc trở xấu. Nàng chẳng nôn nóng, tựa như về kinh muộn một chút cũng hay, phái dần từng binh sĩ chiếu cố mình trở về.

Tháng Mười một, tuyết lông ngỗng che trời lấp đất, Hải Thị vẫn tập bắn trong sân sau dịch quán mỗi ngày.

Trong mắt như không có tên, trong tay như không có cung, tâm lặng như nước. Mũi tên mới chẻ dọc mũi tên cũ từ lông đuôi đến đầu, bổ thành hai nửa. Lặp đi lặp lại, chỉ có một hồng tâm, mũi tên hỏng dần tích thành bó, mới xem còn trầm trồ bản lĩnh như thần, xem lâu dần nhàm chán hết sức.

Cô bé đầy tớ mười lăm tuổi trong dịch quán tên là Tiểu Lục. Có lúc Tiểu Lục bưng chậu đi dưới hiên sẽ dừng chân xem nàng bắn cung, bầu má phính bị cóng đỏ lựng, mắt ngậm ý long lanh, Hải Thị chỉ thầm cười khổ.

Một ngày nọ, tự dưng Tiểu Lục nổi gan, rụt rè tới hỏi sinh nhật Hải Thị. Hải Thị thuận miệng nói cho cô bé, cô bé lại bứt rứt băn khoăn đứng lên, thoáng trù trừ rồi ngượng nghịu lấy từ trong ngực áo ra một con “bách hề”. Hải Thị có biết, cái gọi là “bách hề” là con rối ba tấc làm bằng gỗ bách, khi nào trẻ con bị đậu mùa hay người nhà ốm lâu không khỏi, phần lớn gia đình bình dân đều sẽ tiện tay làm một con bách hề, viết tên húy sinh nhật người bệnh lên, bổ con rối ra làm đôi, ý rằng để bách hề thay người ốm hứng chịu tai ách. Tiểu Lục không biết viết chữ, đành nhờ Hải Thị tự viết lên. Hải Thị chẳng tin mấy trò vu cổ này, thấy Tiểu Lục hào hứng cũng không tiện làm cô bé mất hứng. Viết xong, Tiểu Lục đặt con rối lên cọc bổ củi, lấy rìu bổ làm đôi rồi thận trọng cầm vào nhà bếp hóa, hớn ha hớn hở bưng tro tàn hóa xong ra cho Hải Thị xem. Lạ là sau đó, bệnh của Hải Thị khởi sắc thật, số ngày phát sốt dần giảm thiểu.

Lúc Tiểu Lục ra đời, loạn Nghi vương đã bình định. Quận Xích Sơn khôi phục khá sớm, lại thêm thiên nhiên giàu có sung túc, sản vật phong phú, nhân dân cũng không giống cha chú Hải Thị, đất đai khô cằn trồng trọt không được, buộc phải mò ngọc kiếm ăn trong sóng cả cá dữ. Cô bé này tuy xuất thân bần hàn, làm đầy tớ giúp việc kiếm sống nhưng vẫn có được mười mấy năm cuộc sống yên ả, hồn nhiên chất phác mà trưởng thành. Ước chừng cô chẳng hề hay biết nếu ở loạn thế, thanh xuân tươi đẹp và sự thơ ngây ấy sẽ trở thành mầm họa của cô.

Hay là cứ như vậy lấy võ lập nghiệp, làm nam nhân cả đời cũng tốt. Gắng thêm hai mươi năm, đợi đến khi dung mạo già cỗi thì chút phiền não bị thiếu nữ để mắt này cũng sẽ chẳng còn nữa. Nghĩ đến đây, tự Hải Thị cũng cảm thấy tâm như tro tàn, khẽ lắc đầu cười xoà.

Trước trạm dịch huyên náo người ngựa, quân tào già cất cao chất giọng như thanh la hỏng, réo tên cô bé đầy tớ: “Tiểu Lục! Tiểu Lục!” Tiểu Lục luống cuống ứng tiếng, lê giày loẹt xoẹt chạy về phía tiếng gọi. Tuyết rơi nhiều ngày không có khách khác đến, tất cả đều là quân lại vận chuyển tài liệu văn thư, phục vụ đặc biệt tốn sức, vừa vào cửa đã hò hét hâm rượu tới, cho ngựa ăn đi, thay ông đây hong khô nón vành, mang cơm lên cho ông ăn rồi còn lên đường, lần nào cũng giày vò Tiểu Lục đến nửa giờ.

Hải Thị ngẩng đầu lên nhìn trời, tuyết rơi dày mù mịt, đậu lên môi, dần hóa thành lạnh lẽo châm chích. Ngày ấy hỗn độn, nhìn thế nào cũng chẳng rõ ràng.

Nền nhà ọp ẹp dưới mái hiên lại vang lên một trận loẹt xoẹt, Hải Thị đưa mắt sang, Tiểu Lục bất ngờ trở lại, trong tay huơ huơ một phong thư, từ xa đã gọi inh ỏi: “Phương đại nhân, ngài có thư!” Lúc đưa tới ngón tay chạm nhau, mặt cô bé đỏ bừng.

Hải Thị lúng túng nhận thư, vừa đi vừa tháo. Thư rất mỏng, trên phong bì đề lạc khoản, đơn giản một chữ “Phương”. Ba tháng không liên lạc với chàng là chuyện hiếm có đối với Hải Thị. Nàng cắn nhẹ môi dưới, mặt hiện vẻ giận dỗi thiếu niên, thò hai ngón tay vào rút tờ giấy bên trong ra.

Tiểu Lục hào hứng theo sau nàng, bỗng ngạc nhiên khựng lại. Vị tướng quân trẻ tuổi trước mắt bỗng thẳng lưng cứng còng, lại như bị cái gì chọc phải, đột nhiên buông ngón tay. Trong phong bì trắng trơn bay xuống một tờ giấy viết thư đỏ thắm, rực chói trong tuyết như muốn đốt người. Cô bé mau mắn ngồi xổm xuống trước, định nhặt lên cho anh chàng, chợt bị đè tay xuống. Cánh tay ấy mảnh khảnh cứng cáp, nhiệt độ lòng bàn tay hơi nóng, có thể cảm nhận được rất nhiều chỗ nổi vết chai mỏng. Tiểu Lục chỉ cảm thấy trong đầu nổ ầm, tai đỏ dừ như nung.

“Đừng chạm vào nó.” Hải Thị nhíu chặt mày, thần sắc lạnh lẽo bức người, cơ hồ nổi sát khí.

Tiểu Lục nhất thời trắng bệch mặt, sắc đỏ rút sạch, nước mắt ầng ậng cũng chẳng dám chảy xuống. Vị tướng quân thiếu niên anh tuấn cởi mở này sao bỗng chốc lại khiến người ta sởn gai ốc đến thế?

Hải Thị nhặt tờ giấy đỏ lên, lưỡng lự chốc lát rồi mở nó ra. Đọc nội dung bên trong, mắt mày thanh tú lộ vẻ kinh ngạc, nghiêng đầu truy hỏi Tiểu Lục: “Người đưa thư đâu?”

“Đang… đang chờ… chờ ở sảnh trước ạ.” Giọng Tiểu Lục không vững, run rẩy trả lời. Rào một tiếng, cô bé bị dọa giật bắn mình, trộm ngó, trong khoảnh sân đọng tuyết tản mạn đầy mũi tên, Hải Thị đã chẳng còn bóng dáng.

Hải Thị chạy băng băng tới sảnh trước dịch quán, đang chờ ở đó là một người lính trung niên bình thường, dung mạo phổ thông đến khó lòng ghi nhớ, nhưng lại có phần quen mắt. Trông thấy Hải Thị, người lính đứng dậy qua hành lễ, cử chỉ vững chãi như núi, khiến người ta không thể khinh thường. Phải rồi, quả đúng là từng thấy người này mấy lần trong Tễ Phong Quán, hẳn là một nhân vật có tiếng có miếng trong Vũ Lâm áo đen, có thể thấy Phương Chư rất thận trọng với bức thư này.

“Anh có mang đủ tiền theo không?” Hải Thị hỏi.

“Bẩm tiểu công tử, đủ ạ.”

“Vậy anh tự mua một con ngựa trở về, để ta cưỡi con ngựa của anh.” Hải Thị vừa nói vừa đi thẳng ra cửa tới chuồng ngựa.

Người lính cưỡi Phong Tuấn chạy nhanh nhất trong quán đến, vốn là ngựa của Trạc Anh, yên ngựa hãy còn chưa tháo xuống. Hải Thị dắt nó ra, nó cũng nhận ra Hải Thị, chớp cặp mắt đen láy ánh nước, vô cùng dễ bảo. Nàng rầu rầu vỗ lưng ngựa nhảy lên, quất một roi, Phong Tuấn lập tức vọt đi như bóng chớp.

Từ Xích Sơn Thành đến Thiên Khải phải đi sáu trăm dặm đường, hiệu Phi Phượng chữ vàng chuyên chuyển phát khẩn cưỡi khoái mã cũng phải chạy mất một ngày một đêm, đi đường bình thường lại càng cần tới năm, sáu ngày. Tuyết lớn bao phủ con đường trước mắt, Phong Tuấn phá tuyết rạch sương, chạy thẳng về phía nam.

Gió bấc tuyết bay, song cửa vang lên tiếng gõ.

Phương Chư mở bừng hai mắt. Trong tiếng gió tuyết, xa xa vọng lại tiếng vó ngựa một đường lao tới. Dấu vết kiếp sống chinh chiến nhiều năm để lại trên người chàng đã biến mất, chai do giương cung, thương do đao kiếm, dần dà đều đã bình phục, chỉ có chứng ngủ nông cảnh giác và thính lực nhạy bén là không đổi. Tiếng vó ngựa kia dừng lại cách đó chừng hai, ba dặm, hẳn là gọi Vũ Lâm đang trực ra mở Thùy Hoa Môn, rồi lại phóng ngựa chạy thẳng hướng Tễ Phong Quán, đêm sâu tĩnh lặng, tiếng càng mồn một.

Người này không phải Hải Thị thì còn có thể là ai? Hồ Sương Bình đã sớm kết băng. Nhớ lại ngày đó, ngoài song sen nở đẹp tươi, hoa ngải soi bóng xuống hồ. Nửa năm lại trôi qua như vậy.

Ngoài cửa có tiếng rảo bước thoăn thoắt, theo đó là giọng thị vệ nhỏ nhẹ khuyên can. Thị vệ kêu á một tiếng thâm thấp, chắc là bị đánh. Chàng không khỏi cười khổ. Ai mà cản nổi nàng? Hải Thị xộc vào phòng ngủ của chàng, đóng cửa phòng lại. Một đường chạy như gió, trên vai chẳng dính một bông tuyết, có điều, viền gáy áo hứng gió trước cổ thì đã tích một đường vụn tuyết mỏng. Trông nàng sấn lên trước, chàng cũng chẳng kinh ngạc, chỉ hơi nhỏm dậy, đợi nàng mở miệng. Con ngươi chàng thâm thúy nan giải, khiến người ta nhìn không ra ánh sáng tụ trong đó, như không thấy đáy, u tối đen kịt.

Lửa than trong phòng ấm sực, bấy giờ Hải Thị mới nhận ra tay chân gò má mình đã cóng đến mất ráo tri giác, dần dần, nàng cảm nhận được hơi thở nóng bỏng do sốt cao của mình. Lửa than chẳng sưởi ấm được nàng, cái khiến nàng ấm áp trở lại là cơn bệnh trong người. Nàng gắng thò tay vào ngực, mò tờ giấy đỏ ra, vươn cánh tay chậm rãi chìa đến trước mắt Phương Chư.

“Thế này là có ý gì?” Mắt mày thanh lệ không ngăn được phẫn nộ dâng lên, “Ban thưởng à? Vì con tự tay gϊếŧ Trạc Anh thay người nên dùng cái này ban thưởng cho lòng trung thành chuyên nhất của con?”

Người đàn ông cách tờ giấy đỏ nhìn nàng, lại không trả lời.

Giấy đỏ in cặp uyên ương nhũ vàng, cuốn sổ đóng kiểu gấp đầu cuối tương liên, ngụ ý đoàn viên sum vầy.

Thϊếp canh hợp hôn.

Trên nửa trang giấy đỏ mở ra chỉ hé lộ hai cái tên.

Phương Giám Minh.

Diệp Hải Thị.

Nét bút ngay ngắn tròn trịa, nhìn là biết thể đài các con em thế gia được dạy từ nhỏ. Chàng dùng tên khai sinh, cũng vẫn nhớ nàng nguyên họ Diệp. Chàng biết nàng và Trạc Anh tình như thủ túc, biết bắt nàng tự tay hạ sát thủ với Trạc Anh là chuyện gian nan thế nào – Thế nên rốt cuộc chàng cũng chịu cho nàng chút bồi thường ư? Ánh nến bỗng vống cao, bắn ra tiếng nổ lép bép. Tâm huyết Hải Thị như sôi lên, ngũ tạng tựa nung, một nỗi cay đắng mắc kẹt trong họng, hơi nhoi nhoi muốn trào hẳn lên. Nắm chặt quyền, nhắm mắt, dùng hết sức bình sinh nuốt mạnh cả họng bi phẫn ấy xuống.

Lại lần nữa mở mắt, nàng tự cảm thấy kinh ngạc khi bản thân có thể bình tĩnh lạnh nhạt nói từng chữ: “Con không gϊếŧ huynh ấy. Con biết sườn trái huynh ấy luôn giấu một nậm rượu, con chỉ bắn trúng cái nậm ấy. Con làm trái ý người, lần đầu tiên trong đời.” Giọng bỗng cất cao, “Nhưng, thống khoái khó tả.”

“Ta biết.” Ngữ điệu ôn hòa nhã nhặn, hơi nhuốm cười.

“Người không biết!” Chua xót đột ngột tập kích mở bung hàm răng nghiến chặt của nàng. Hải Thị cho rằng mình sẽ quát lên, song cuối cùng nói ra khỏi miệng chỉ là tiếng khàn khàn kiềm chế, “Người muốn con gϊếŧ người, con chưa bao giờ hỏi thêm một câu, nhưng nếu một ngày nào đó con và Trạc Anh phải gϊếŧ hại lẫn nhau thì việc gì phải để chúng con xưng huynh gọi đệ, việc gì phải để chúng con cùng ăn cùng ngủ, cùng luyện võ, cùng học bài? Con quả thật có tâm tư với người nhưng chưa bao giờ dám trông mong khả năng được hồi báo, chỉ cần không khiến người khó xử, con bằng lòng tự mình nhẫn nại, tuyệt không có nửa câu oán hận.” Trong mắt nàng lăn xuống ánh huỳnh quang bỏng rẫy, “Nhưng, nếu muốn con làm đao kiếm gϊếŧ người, ưng khuyển trung thành thì cần gì phải đem một mối hôn nhân rỗng tuếch ra làm mồi câu và ngon ngọt, người cũng hơi… khinh rẻ con quá rồi!”

Người trước mắt không hề tránh né ánh mắt sắc nhọn của nàng, khuôn mặt hé cười, “Ta biết, Trạc Anh cũng biết. Con là một đứa trẻ cực kì sáng dạ, tuy ta chưa từng nói cái gì, con cũng biết phải làm thế nào. Hôm nay trên hộ tịch ở Đại Ưng, Trạc Anh đã là người chết, nhưng trong mắt người Hộc Khố thì lại là Đoạt Hãn nhĩ tát lưu vong trở về, không chịu một mũi tên này, đảng Sưởng vương nhất định sẽ không chịu để yên, Trạc Anh ở Hộc Khố cũng khó lòng có chỗ đứng. Mũi tên ấy con bắn rất khéo, vừa vặn đúng chỗ ta và Trạc Anh hi vọng.”

Hải Thị dần thay đổi sắc mặt, giăng kín hoang mang.

Phương Chư chỉ cười mỉm, tự nói tiếp: “Con quá tùy hứng, cái con muốn ta vốn không thể cho. Nhưng ta biết lần này con tủi thân nhường nào.” Trên khuôn mặt ôn hòa đoan chính, vết đao nửa tấc nhếch lên như ngậm nụ cười hờ, có thần thái trong vắt như thiếu niên bay vυ't, “Vả lại, cũng nhiều năm rồi ta chưa từng tùy hứng.”

Hải Thị ngơ ngác chớp chớp đôi mắt long lanh của mình, tâm tư xoay mòng mòng, còn chưa kịp hiểu rõ những lời chàng nói, tay và vai đã run lẩy bẩy, trong mạch máu chảy rần rần nỗi chua xót hạnh phúc. Một khắc sau, nàng ngẩng mặt lên, trên mặt hây hây hai vầng đỏ au.

Chàng khoác áo xuống giường, hai tay ấp lấy nắm đấm siết chặt của nàng, cạy ra từng chút, rút thϊếp canh bị vo thành một cục ra, cười nho nhỏ: “Đừng bóp hỏng, còn hữu dụng. Tuy chỉ có con và ta nhưng cũng không thể không xem trọng thế được, ta đã dặn phòng bếp tối mai làm vài món cát tường.”

Bản triều quy định hoạn quan có thể cưới cung nhân làm vợ, gọi là “đối thực”, còn có người mua nhà riêng ở ngoài cung, cưới vợ bé, chẳng thèm giấu giếm mà còn lấy làm kiêu hãnh. Ai cũng biết hôn nhân của hoạn quan thực chất như thế nào, nhưng như để tranh sĩ diện, kiểu cưới xin này vẫn thường làm đủ sáu lễ nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp chinh, chỉnh kỳ, thân nghênh, nếu đón dâu ngoài cung thì lại càng phô trương. Để phòng tuổi già không ai phụng dưỡng, thu nuôi con nhà bình dân nghèo cũng chẳng hiếm lạ gì.

Nhưng, chỉ duy chàng và nàng không thể. Trước mặt mọi người, họ là tổng quản nội cung và võ tướng biên cương, cha nuôi và con nuôi, thiến hoạn và thiếu niên, mỗi một tầng quan hệ đều khiến người ta nghe sởn da gà, đi ngược với luân thường. Nếu phơi trần thân phận nữ nhi của nàng lúc này thì chuyện lấy thân phận con trai tham gia kỳ thi võ được khâm điểm thám hoa sẽ thành đại tội khi quân không thể dung thứ. Thϊếp canh này nhất định không thể công khai dâng cúng trước trời đất tông tộc.

Đầu gối nàng nhũn ra, trong tai nổ vang rền. Cơn mệt mỏi không ăn không ngủ ôm bệnh bôn ba sáu trăm dặm đường đã khoét rỗng nàng. Mừng vui quá đỗi và bi thương cực độ đan xen chồng chéo cuộn trào mãnh liệt, cuối cùng như một con sóng dữ dằn nuốt chửng ý thức Hải Thị, trong lòng trống rỗng, ngã xuống bên cạnh, được Phương Chư đỡ eo ôm lấy, lại loáng thoáng nghe có người gõ cửa. Nàng gượng sức muốn đẩy chàng ra đứng thẳng dậy, bàn tay trên eo lại thắt chặt kình lực không cho cựa quậy, giọng nói hiền hòa cất lên: “Tiêu Tử à? Vào đi.”

Hải Thị chợt cảm thấy sau tai tê rần, ngay sau đó hoàn toàn chìm vào giấc nồng.

Đẩy cửa đi vào chính là người lính trung niên đến Xích Sơn Thành đưa thư, hẳn cũng toàn lực chạy theo sau, chỉ đến muộn hơn Hải Thị một giờ. Khuỷu tay Phương Chư ôm vai gầy eo thon của thiếu niên mà trên mặt người lính tên Tiêu Tử kia chẳng có chút kinh hãi nào, chỉ chắp tay sơ sơ, cũng không gọi tôn xưng mà mở miệng nói thẳng: “Tuyến Nô truyền tin, bên Sưởng vương đã định xong kế sách, mượn cớ sinh nhật sắp tới của hắn, xin hoàng thượng chấp thuận điều tiểu công tử vào vương phủ đảm nhiệm chức thị vệ trưởng cho đến đầu hạ năm sau, đường sá Hoàng Tuyền Quan thông suốt, tiểu công tử trở về đóng giữ Hoàng Tuyền Quan thì thôi. Ngoài ra, lúc Tuyến Nô nghe lén còn nghe thấy Sưởng vương gọi tiểu công tử là ‘con bé họ Phương’.”

Phương Chư đã đặt Hải Thị lên giường, rờ vầng trán trơn láng của nàng kiểm tra, nhiệt độ đã giảm bớt phần nào. Đôi mắt long lanh tươi sáng kia nhắm lại, khuôn mặt ngủ say của nàng thế mà lại yêu kiều bất ngờ.

“Hay cho một tiểu vương gia nóng nảy, định đuổi tận gϊếŧ tuyệt thuộc hạ ta trước đầu xuân đấy à?” Chàng mở lời, cũng chẳng quay đầu lại mà ngắm nghía dung nhan nàng, vươn ngón tay lau lớp mồ hôi mỏng trên ấn đường nàng.

“Tổng quản…” Trước giờ Tiêu Tử ăn nói vẫn luôn thong thả ung dung, lúc này cũng không khỏi hơi lên giọng.

Phương Chư quay người lại, bình tĩnh nói: “Vốn là lỗi của ta, không nên ôm lòng cầu may. Anh trở về đi. Ngày mai đi Kỳ Việt săn bắn, anh hãy trông chừng đám Sưởng vương thật kĩ, chớ để họ gây khó dễ trước thời hạn. Hải Thị mà vào Sưởng vương phủ rồi thì khó có thể trở ra được lắm.”

“Nhưng, gió tuyết lớn thế này, có khi nào ngày mai hoàng thượng không đi săn?” Tiêu Tử hỏi.

Dưới ánh nến, sắc mặt Phương Chư hơi nhợt nhạt, “Ngày mai nếu hoàng thượng không đi săn thì tính mạng đứa trẻ này e là sắp hủy rồi.”

Sau đó Tiêu Tử ra ngoài thành một chuyến ngay trong đêm, trước khi trời sáng mới về cung. Y ôm một con ưng non vừa lấy được, ngồi trên nóc hiết sơn của Trùng Nhân Môn, trong tuyết lớn lả tả, thấy ánh đèn như hạt đậu trong trắc viện Tễ Phong Quán chong thẳng tới sáng. Giờ Lan, trong Kim Thành Cung sáng trưng thâu đêm, cung nhân bắt đầu qua lại.