ĐOẠN 25
ÂM:
HÓA VÔ SỞ HÓA.
Tu-bồ-đề! Ư ý vân hà? Nhữ đẳng vật vị Như Lai tác thị niệm: Ngã đương độ chúng sanh. Tu-bồ-đề! Mạc tác thị niệm. Hà dĩ cố? Thật vô hữu chúng sanh Như Lai độ giả. Nhược hữu chúng sanh Như Lai độ giả, Như Lai tắc hữu ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Tu-bồ-đề! Như Lai thuyết hữu ngã giả tắc phi hữu ngã, nhi phàm phu chi nhân dĩ vi hữu ngã. Tu-bồ-đề! Phàm phu giả, Như Lai thuyết tắc phi phàm phu, thị danh phàm phu.
DỊCH:
GIÁO HÓA KHÔNG CÓ CHỖ GIÁO HÓA.
Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Các ông chớ bảo Như Lai khởi nghĩ thế này: Ta sẽ độ chúng sanh. Này Tu-bồ-đề, chớ khởi nghĩ thế ấy. Vì cớ sao? Thật không có chúng sanh Như Lai độ đó. Nếu có chúng sanh Như Lai độ đó thì Như Lai ắt có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Này Tu-bồ-đề, Như Lai nói có ngã ắt không phải có ngã mà người phàm phu cho là có ngã. Này Tu-bồ-đề, người phàm phu đó Như Lai nói tức không phải phàm phu, ấy gọi là phàm phu.
GIẢNG:
Lời đức Phật dạy thật thấu đáo, Ngài chỉ đến chỗ tột cùng mà chúng ta si mê quá lắm! Tôi thường thí dụ như cái hồ bèo phủ kín trên mặt, có người lấy tay vạch bèo bày nước ra, thấy được một chút nước nhưng khi lấy tay lên, bèo phủ kín trở lại. Cái si mê của chúng ta như thế đó. Đây Phật bảo: Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Các ông chớ bảo Như Lai khởi nghĩ ta sẽ độ chúng sanh. Đây là những bệnh đức Phật chỉ cho chúng ta biết rõ. Thường khi chúng ta được một chút đạo đức là cứ nghĩ mình độ thiên hạ, độ người này, người kia… Nhưng vừa nghĩ mình độ người là thấy mình thật, người thật, ta là người hay độ, kia là kẻ được độ. Nếu thấy mình thật, người thật thì chưa phải, chưa xứng đáng là người giác ngộ, mà không giác ngộ thì độ ai? Thế nên đức Phật bảo tiếp: Tu-bồ-đề, chớ khởi nghĩ thế ấy, vì cớ sao? Thật không có chúng sanh Như Lai độ. Nếu Như Lai còn thấy thật có chúng sanh thì còn ngã, còn nhân, còn chúng sanh… Cho nên độ tất cả chúng sanh mà không thấy có chúng sanh được diệt độ cũng là một ý nghĩ thâm sâu ở đây.
Nếu có chúng sanh Như Lai độ đó thì Như Lai ắt có ngã có nhân… Tại sao? Vì ta là người hay độ và kia là chúng sanh được độ, như thế tức là có mình, có người, có chúng sanh, có thọ giả, tức còn chấp ngã làm sao thành Như Lai? Vì thế cái nhìn của Ngài là: Như Lai nói có ngã đó ắt không phải có ngã. Có khi Phật cũng xưng "Ta" cũng như nói chuyện với quí vị tôi xưng tôi vậy. Nói ta, nói tôi như là có ngã nhưng mà không phải ngã. Vì sao? Khi Ngài nói ngã, Ngài vẫn biết ta là tướng duyên hợp hư giả chớ không phải thật, còn phàm phu nói ta là ta thật. Vì thế nên nói rằng: Như Lai nói ngã đó ắt không phải có ngã mà người phàm phu cho là có ngã. Phật cũng nói có ngã, cũng nói có chúng sanh, nhưng nói ngã, nói chúng sanh là nói theo danh từ của người thế gian. Vì muốn độ thế gian thì phải dùng danh từ thế gian, nhưng khi nói như thế Ngài vẫn thấy rõ những cái đó đều không thật, trái lại chúng ta nói cái nào là thật cái ấy… Nên người phàm phu cho rằng có ngã. Nghe Phật nói phàm phu, chúng ta lại tưởng Phật chấp phàm phu thật nên Ngài lại nói: Phàm phu đó, Như Lai nói tức chẳng phải phàm phu, ấy gọi là phàm phu. Câu này có hai nghĩa. Nói phàm phu đó tức chẳng phải phàm phu. Tại sao? Phàm phu thật ra là một giả danh, mê thì gọi là phàm phu, nếu ngộ rồi thì đâu còn gọi là phàm phu nữa, vì thế phàm phu chỉ là một giả danh chớ không phải thật nên nói "Không phải phàm phu", nhưng trong lúc còn mê thì cũng tạm gọi là phàm phu. Như thế nay nói mình là phàm phu cũng là tạm thôi, đừng nghĩ mình phải là phàm phu suốt kiếp, mai kia
hết mê thì hết phàm phu. Vậy đừng mặc cảm chúng ta là phàm phu, mà phải thấy bây giờ mình là phàm phu chỉ là tạm thôi, khi hết mê thì hết phàm phu. Thế nên nhìn với con mắt Phật thì không chấp cố định, chúng ta có bệnh hay cố định Phật là Phật, phàm phu là phàm phu. Đó là tôi nói theo tinh thần kinh Bát-nhã. Nếu nói xa hơn nữa thì Phật thấy ngay kẻ phàm phu có trí tuệ Phật, nên phàm phu cũng không phải phàm phu. Nếu nói rằng trong phàm phu có Phật tánh thì phàm phu đâu phải là phàm phu. Nghĩa thứ nhất là nghĩa của kinh vì những danh từ phàm, Thánh chẳng qua là những danh từ tạm chỉ lúc mê và lúc ngộ, lúc mê thì gọi là phàm phu, lúc ngộ gọi là Phật, là Thánh. Như thế phàm phu thật không cố định là phàm phu. Hiểu như thế, tất cả chúng ta không có mặc cảm gì cả. Ngày nay là phàm phu, nhưng một ngày nào đó mình không phải là phàm phu nữa.
ĐOẠN 26
ÂM:
PHÁP THÂN PHI TƯỚNG.
Tu-bồ-đề! Ư ý vân hà? Khả dĩ tam thập nhị tướng quán Như Lai phủ? Tu-bồ-đề ngôn: Như thị, như thị! Dĩ tam thập nhị tướng quán Như Lai. Phật ngôn: Tu-bồ-đề! Nhược dĩ tam thập nhị tướng quán Như Lai giả, Chuyển Luân Thánh Vương tắc thị Như Lai. Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Như ngã giải Phật sở thuyết nghĩa, bất ưng dĩ tam thập nhị tướng quán Như Lai. Nhĩ thời Thế Tôn nhi thuyết kệ ngôn:
Nhược dĩ sắc kiến ngã,
Dĩ âm thanh cầu ngã,
Thị nhân hành tà đạo,
Bất năng kiến Như Lai.
DỊCH:
PHÁP THÂN CHẲNG PHẢI LÀ TƯỚNG.
Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Có thể do ba mươi hai tướng mà xem Như Lai chăng? Tu-bồ-đề thưa rằng: Như thế, như thế, do ba mươi hai tướng mà xem Như Lai.
Phật bảo: Tu-bồ-đề, nếu do ba mươi hai tướng mà xem Như Lai, thì Chuyển Luân Thánh Vương tức là Như Lai. Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn, như chỗ hiểu của con qua nghĩa Phật nói, không nên do ba mươi hai tướng mà xem Như Lai. Khi ấy Thế Tôn nói bài kệ:
Nếu do sắc thấy ta,
Do âm thanh cầu ta, Người ấy hành đạo tà,
Không thể thấy Như Lai.
GIẢNG:
Sách Ấn Độ nói: Người có đủ ba mươi hai tướng tốt, đi tu thì thành Phật, còn ở thế gian thì làm Chuyển Luân Thánh Vương. Như thế những Chuyển Luân Thánh Vương là những vị vua hiền có đủ ba mươi hai tướng tốt. Thế nên nếu do ba mươi hai tướng mà xem Như Lai thì Chuyển Luân Thánh Vương cũng là Như Lai sao?
Trong đoạn này, đức Phật muốn chỉ Như Lai là pháp thân bất sanh bất diệt. Pháp thân đó không riêng đức Phật mà tất cả chúng ta đều có. Nơi đức Phật thì nói ba mươi hai tướng, nơi chúng ta thì nói chừng mấy tướng? Chẳng do một tướng hoặc hai tướng tốt hoặc không tướng tốt nào mà thấy phải không? Đức Phật sợ chúng ta lầm chấp pháp thân là tướng cho nên Ngài mới hỏi ngài Tu-bồ-đề: Có thể do ba mươi hai tướng mà thấy Như Lai chăng? Không biết lúc này ngài Tu-bồ-đề muốn dùng lối trả lời sai để Phật dạy cho chúng ta, hay là Ngài nhận không đúng, có lẽ Ngài nhận chưa ra là phải hơn. Tại sao tôi dám nói như thế? Bởi vì trong kinh thường nói Bồ-tát từ Sơ địa trở lên, lên mỗi địa là ngộ được một phần pháp thân, còn Thanh văn thì chưa thấy được pháp thân. Đây nói về pháp thân nên ngài Tu-bồ-đề nhận lầm, Ngài nói rằng: Như thế, như thế, do ba mươi hai tướng mà thấy Như Lai. Phật liền quở: Nếu do ba mươi hai tướng thấy Như Lai thì Chuyển Luân Thánh Vương có ba mươi hai tướng là Như Lai rồi. Câu nói sau đây của ngài Tubồ-đề chứng minh được lời tôi nói ở trên. Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn, như chỗ hiểu của con qua nghĩa Phật nói. Bởi vì về pháp thân thì Ngài chưa ngộ, nên Ngài nói theo nghĩa Phật nói, chẳng nên do ba mươi hai tướng mà thấy Như Lai. Chúng ta thấy Ngài nói rất là dè dặt. Bấy giờ đức Phật mới kết thúc lại bằng một bài kệ:
Nếu do sắc thấy ta,
Do âm thanh cầu ta,
Người ấy hành đạo tà,
Không thể thấy Như Lai.
Do sắc thấy ta tức do ba mươi hai tướng, do âm thanh cầu ta tức là do những thứ tiếng mà cho là Như Lai. Cả hai sắc tướng và âm thanh là tướng sanh diệt, nếu dùng cái sanh diệt mà cầu Phật, đó là đạo tà, không thể thấy được pháp thân. Bài kệ này cốt nói về pháp thân phi tướng.
Hiện nay có nhiều người xuyên tạc: Không do sắc thấy ta, không do âm thanh cầu ta, ta đây là chỉ cho Phật, như vậy ở chùa thờ Phật thì có sắc, đóng chuông, đánh mõ tụng kinh ra tiếng đó là âm thanh, nếu lấy cái đó tu để cầu thành Phật là đạo tà, không thể nào thấy Phật. Đó là lối xuyên tạc, thật là đại xuyên tạc. Ở đây Phật bảo: Không do sắc thấy ta, không do âm thanh cầu ta là để nói đó là hai tướng sanh diệt, dù âm thanh không tướng nhưng cũng là sanh diệt, đem cái sanh diệt để cầu Như Lai tức pháp thân bất sanh bất diệt thì không đúng, nên nói đó là hành đạo tà, không thể thấy được pháp thân. Như thế muốn thấy pháp thân phải làm sao? Như Phật đã nói: Không do ba mươi hai tướng mà thấy Phật. Phải nhận ngay khi tất cả tâm vọng tưởng lặng xuống rồi, lúc đó cái chân thật hiển lộ. Cái chân thật đó không phải là cái sanh diệt nên không phải là sắc tướng, là âm thanh. Nếu chạy theo sắc tướng, âm thanh là lầm. Vậy ở chùa thờ Phật, tụng kinh gõ mõ đánh chuông có tiếng, như thế có phải đạo tà không? Dùng sắc, dùng thanh để dừng cái điên đảo vọng tưởng, để lặng những tâm niệm đang chạy theo sáu trần, như thế mượn âm thanh sắc tướng để lặng vọng tưởng rồi sẽ thấy Như Lai thì có lỗi gì? Đâu phải tà. Còn những người không theo sắc tướng, nhưng không biết làm gì để Như Lai hiện thì có tà không? Hoặc là không theo sắc tướng, nhưng ngồi tưởng xuất hồn lên trời v. v… thì có tà không? Như thế là hiểu lầm, hiểu sai.Trong nhà Phật có nhiều lối tu, tôi nói để quí vị rõ. Sự truyền bá đạo Phật đã hơn hai ngàn năm, qua nhiều thời, nhiều vị đệ tử Phật có đủ khả năng, đủ sáng kiến, nên các Ngài khéo linh động lập ra nhiều pháp tu, tuy cùng một gốc. Theo danh từ nhà Phật gọi là từ thể bất biến nhưng khéo tùy duyên, tuy tùy duyên mà thể vẫn bất biến. Nghĩa là từ chỗ chân thật Phật dạy, các Ngài khéo tùy duyên, tùy thời, tùy căn cơ mà linh động, khi dùng pháp này, khi dùng pháp kia… Như người mới vào chùa không hiểu cách tu hành làm sao nhϊếp tâm, cứ buông lung cho nó chạy ngược, chạy xuôi, bảo ngồi thiền thì họ chưa thông, hoặc bảo họ chăn trâu, họ không biết làm sao chăn, thì bảo: Thôi, cứ lên chùa tụng kinh, đánh chuông gõ mõ, nhìn Phật, cốt chú ý vào kinh đừng nghĩ bậy có tội! Khi lên gõ mõ tụng kinh mà không nghĩ bậy, thì đó là một giờ hoặc nửa giờ yên được một phần vọng tưởng thì đâu phải là tà. Đó là phương tiện của kẻ sơ cơ, là phương tiện trong giai đoạn động. Những người không hiểu cứ chấp phải ngồi khơi khơi để nó không ngơ như bầu trời không mới đúng, thì đó là bệnh. Thế nên người tu phải khéo có phương tiện, với người thế nào nên dùng hình sắc độ họ, với người thế nào nên dùng âm thanh độ họ v. v… tùy phương tiện để giúp họ dừng tâm điên đảo vọng tưởng, đó là tài của người giáo hóa chớ đừng cố chấp. Nhưng đa số người học hay
cố chấp, nghe cái nào là chấp cái ấy, như nghe nói dùng sắc tướng âm thanh cầu ta là hành đạo tà, khi thấy cái gì có sắc tướng liền bảo đó là tà, cái gì có âm thanh liền bảo đó là tà… Đó là tự mình tà chớ không phải đạo tà. Tự mình tà nghĩa là mình chưa biết tới chỗ cứu kính.
Tóm lại trong đoạn này đức Phật cốt chỉ cho chúng ta thấy pháp thân không phải là sắc tướng, không phải là âm thanh. Âm thanh và sắc tướng là sanh diệt mà pháp thân là bất sanh bất diệt, nếu kẹt vào tướng và âm thanh, cho đó là thật, đó là đạo tà. Nếu biết sắc tướng âm thanh là giả thì không phải tà. Thế nên tôi thường dặn quí vị mỗi khi lễ Phật phải nhớ mãi câu chúng ta đọc:"Năng lễ sở lễ tánh không tịch". Chúng ta là người hay lạy, đức Phật là vị để mình lạy, cả hai đều tự tánh là không, là lặng lẽ, nhưng duyên hợp thì giả có. Chúng ta thấy rõ như vậy, chớ không phải thấy Phật ngồi trên bàn là thật và mình đây là thật. Hiểu như vậy làm sao gọi là tà được! Chỉ tại những người không hiểu, đọc là cứ đọc thôi cho nên thành tà! Như thế nếu trì bốn câu kệ này, chúng ta có thể được công đức như Phật nói ở đoạn trước không? Nghĩa là nếu cứ thọ trì mãi bốn câu này, thì chúng ta có thể tỉnh giác không? Đừng nghĩ Như Lai là Phật Thích-ca. Phải nhớ Như Lai là pháp thân thường hằng của chúng ta. Pháp thân đó không thuộc sắc tướng thì đâu có chấp ngã, nó cũng không thuộc âm thanh thì đâu có chấp âm thanh. Tất cả âm thanh sắc tướng sanh diệt đều không chấp tức là không hành đạo tà, như thế mới thấy được pháp thân. Nếu nhớ và sống như thế thì chúng ta giác ngộ rồi. Thế nên bài kệ này rất quan trọng.