Kinh Kim Cang

Chương 11: Đoạn 18

ĐOẠN 18

ÂM:

NHẤT THỂ ĐỒNG QUÁN.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Lai hữu nhục nhãn phủ?

- Như thị Thế Tôn! Như Lai hữu nhục nhãn.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Lai hữu thiên nhãn phủ?

- Như thị Thế Tôn! Như Lai hữu thiên nhãn.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Lai hữu tuệ nhãn phủ?

- Như thị Thế Tôn! Như Lai hữu tuệ nhãn.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Lai hữu pháp nhãn phủ?

- Như thị Thế Tôn! Như Lai hữu pháp nhãn.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Lai hữu Phật nhãn phủ?

- Như thị Thế Tôn! Như Lai hữu Phật nhãn.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Hằng hà trung sở hữu sa, Phật thuyết thị sa phủ?

- Như thị Thế Tôn! Như Lai thuyết thị sa.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như nhất Hằng hà trung sở hữu sa, hữu như thị sa đẳng Hằng hà, thị chư Hằng hà sở hữu sa số Phật thế giới, như thị ninh vi đa phủ?

- Thậm đa Thế Tôn!

Phật cáo Tu-bồ-đề: Nhĩ sở quốc độ trung, sở hữu chúng sanh, nhược can chủng tâm, Như Lai tất tri. Hà dĩ cố? Như Lai thuyết chư tâm giai vi phi tâm, thị danh vi tâm. Sở dĩ giả hà? Tu-bồ-đề! Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc.

DỊCH:

ĐỒNG QUÁN CÓ MỘT THỂ.

- Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có nhục nhãn chăng?

- Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai có nhục nhãn.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có thiên nhãn chăng?

- Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai có thiên nhãn.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có tuệ nhãn chăng?

- Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai có tuệ nhãn.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có pháp nhãn chăng?

- Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai có pháp nhãn.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có Phật nhãn chăng?

- Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai có Phật nhãn.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như trong sông Hằng có bao nhiêu cát, Phật nói là cát chăng?

- Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai nói là cát.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như trong một sông Hằng có bao nhiêu cát, có những sông Hằng bằng số cát như thế, có các thế giới của Phật bằng số cát của những sông Hằng ấy, như thế thật là nhiều chăng?

- Bạch Thế Tôn, rất là nhiều!

Phật bảo Tu-bồ-đề: Trong các cõi nước đầy dẫy như thế, có tất cả chúng sanh có bao nhiêu thứ tâm, Như Lai thảy đều biết. Vì cớ sao? Như Lai nói các tâm đều không phải tâm, ấy gọi là tâm. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được.

GIẢNG:

Trong đoạn này trước hết đức Phật hỏi ngài Tu-bồ-đề: Đức Phật có đủ ngũ nhãn không? Ngũ nhãn là năm con mắt. Con mắt thứ nhất là con mắt gì? Nhục nhãn, đó là con

mắt thịt. Phật hỏi: Như Lai có nhục nhãn không? Ngài Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, Như Lai có nhục nhãn. Tôi hỏi quí vị có nhục nhãn không? Quí vị nói thế nào? Dạ có nhục nhãn. Kế đến Phật hỏi: Như Lai có thiên nhãn không? Ngài Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, Như Lai có thiên nhãn. Tôi hỏi quí vị, quí vị nói thế nào? Thưa không. Tại sao vậy? Chúng ta chỉ có nhục nhãn. Thiên nhãn là con mắt của chư thiên. Thường thường chư thiên xa thật xa cũng thấy và nhỏ thật nhỏ cũng thấy. Thế nên nói Phật dùng thiên nhãn, nhìn trong bát nước thấy vô số vi trùng. Trong bài kệ quán chú khi uống nước: "Phật quán nhất bát thủy, bát vạn tứ thiên trùng" nghĩa là Phật nhìn trong một bát nước, có tám muôn bốn ngàn vi trùng. Như vậy thì thấy cái nhìn của Ngài là cái nhìn bằng thiên nhãn. Hiện nay chúng ta phải nhờ kính hiển vi mới thấy vi trùng, Phật không cần kính hiển vi gì cả. Chính vì được thiên nhãn mà Ngài thấy. Như nhìn những ngôi sao, Phật biết đó là những thế giới nên Ngài nói hằng hà sa số thế giới, không cần có viễn vọng kính hay phi thuyền không gian mới biết có thế giới. Thế nên quí vị thấy những lời Phật nói là do lẽ thật nói ra, muôn đời là thật, không ai chối cãi được, chỉ có điều người ta chưa biết tới nên không hiểu, nếu tìm đến rồi thì từ từ thấy lẽ thật đó.

Phật lại hỏi: Như Lai có tuệ nhãn không? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, Như Lai có tuệ nhãn. Tuệ nhãn là con mắt của hàng Thanh văn. Hàng Thanh văn tức là chứng quả từ Tu-đà-hoàn đến A-la-hán thì được tuệ nhãn. Tuệ nhãn là con mắt trí tuệ thấy thân này là vô ngã, do ngũ uẩn hợp chớ không có thật ngã. Kế đến Phật hỏi: Như Lai có pháp nhãn không? Ngài Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, Như Lai có pháp nhãn. Pháp nhãn là con mắt của Bồ-tát, thấy tất cả pháp là huyễn hóa. Hàng Thanh văn chỉ thấy thân thôi, còn hàng Bồ-tát do trí tuệ Bát-nhã thấy ngã pháp đều huyễn hóa. Hiện nay chúng ta đang tu con mắt nào? Nhớ là chúng ta chưa được, nhưng mà đang tu tuệ nhãn và pháp nhãn. Nếu tu thành công liền được những con mắt đó. Cuối cùng Phật hỏi: Như Lai có Phật nhãn chăng? Ngài Tu-bồ-đề thưa: Như Lai có Phật nhãn. Con mắt của Phật bao trùm hết, thấy không còn lầm nữa, cái thấy được viên mãn, còn những con mắt kia thấy từng khía cạnh, hoặc thiên về ngã hoặc thiên về pháp. Như vậy xác nhận Phật có ngũ nhãn để làm chi? Để nói rằng cái thấy của Phật đã đầy đủ viên mãn, do đó Ngài thấy thế gian như thế nào đó là cái thấy đúng, chớ không phải thấy lầm để chúng ta không còn nghi lời Phật nói. Nhục nhãn thấy không xa, che tấm giấy là không thấy, quá mười mấy cây số là không thấy, như vậy cái thấy đó bị giới hạn, cho nên nhiều khi nói tôi thấy như vậy là đúng, nhưng chưa chắc là đúng, vì cái thấy của chúng ta quá tầm thường. Thế nên nói Phật đầy đủ cả năm con mắt để xác nhận cái thấy của Phật không còn lầm lẫn nữa.

Tiếp theo Phật mới dạy, ví như có con sông Hằng, trong sông Hằng đó có bao nhiêu cát, rồi một hột cát của sông Hằng đó là một sông Hằng thứ hai, như vậy bao nhiêu cát sông Hằng là bấy nhiêu sông Hằng nữa. Vậy số sông Hằng thứ hai đó nhiều ít? Trong số sông Hằng thứ hai đó, mỗi sông Hằng có bao nhiêu cát, mà một hột cát của số sông

Hằng thứ hai đó là một thế giới, quí vị tính thử bao nhiêu thế giới. Chỉ số sông Hằng thứ hai là tính không nổi, huống là một hột cát trong số sông Hằng thứ hai là một thế giới. Bao nhiêu thế giới đó, đức Phật hỏi ngài Tu-bồ- đề nhiều chăng, ngài Tu-bồ-đề thưa là rất nhiều. Phật bảo, trong bao nhiêu thế giới đó có bao nhiêu chúng sanh và bao nhiêu chúng sanh có bao nhiêu thứ tâm, Phật thảy đều biết không lầm lẫn. Như vậy Phật xác nhận cái thấy của Phật để đưa đến ví dụ là tâm của bao nhiêu chúng sanh Ngài đều biết hết. Vì cớ sao? Phật giải thích: Như Lai nói các tâm đó đều không phải tâm, ấy gọi là tâm. Vì cớ sao? Tu-bồ-đề, tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được. Như vậy thì đức Phật biết tâm gì? Đó là chỗ thật hệ trọng. Giả sử tôi nói thế này: Tất cả quí vị trong hội giảng hôm nay tôi đều biết tâm quí vị hết, quí vị tin không? Có vẻ khó tin. Chắc sẽ có người đứng dậy hỏi: "Thầy biết tâm tôi đang nghĩ gì không? " Thế mà tôi quả quyết tôi biết thật, vậy tôi có phải Thánh không? Tôi biết thật, biết chắc chắn không nghi ngờ… Chắc có nhiều người ngạc nhiên lắm. Tôi biết chắc chắn trăm phần trăm không nghi, vì tôi biết tâm quí vị là vọng tưởng, tôi biết tâm quí vị là không thật. Tôi biết đúng như vậy. Quí vị thấy đúng không? Tôi thấy, tôi biết đúng như vậy, cái đó ngàn đời cũng đúng. Như vậy tâm người nào cũng là vọng tưởng, là không thật, còn việc nghĩ gì đó thì nghĩ tôi không cần biết, tôi chỉ cần biết thể của nó là không thật, là vọng tưởng thôi, đó là tôi biết thật phải không? Vì thế đức Phật bảo: Tất cả tâm chúng sanh đều không phải tâm, ấy gọi là tâm. Biết rõ tất cả tâm chúng sanh là hư vọng không thật, biết rõ không nghi ngờ nên Ngài kết luận: Vì cớ sao? Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc.

Tâm quá khứ là tâm gì? Tức là tâm tưởng nhớ lại việc quá khứ. Phần nhiều chúng ta hiện nay sống với mấy tâm? Mình sống với ba thời: tâm quá khứ, tâm hiện tại, tâm vị lai. Những người đầu hơi hoa râm như tôi hoặc là bạc trắng hơn nữa thì sống với tâm nào? Tâm quá khứ, cứ nhớ thuở xưa, lúc đương thời làm những gì, nhớ những gì thuộc quá khứ như vậy là tâm quá khứ. Nhưng những tâm duyên về quá khứ có thật không? Nó là bóng dáng không thật nên quá khứ tâm bất khả đắc. Rồi tâm hiện tại là tâm gì? Là cái tâm suy tính, đang nghĩ đang tính một điều gì. Tâm suy tính đó có dừng lại ở một chỗ thật không? Đang suy tính mà nhìn lại nó cũng mất, cũng không thật. Đến tâm tưởng tượng vị lai, mai kia thế này, mai kia thế khác, như những người thanh niên nghĩ ngày sau mình sẽ như thế nào đó v. v… Tâm đó có thật không? Vị lai là chưa đến mà hiện giờ tưởng tượng ra thì cũng là cái tưởng tượng bóng dáng thôi. Như vậy ba thời tâm có thật không? Vậy biết rõ ba thời tâm không thật là biết đúng sự thật. Chúng ta cứ muốn biết cái bóng của tâm thôi, nhưng biết ngay thể của tâm mới là biết thật. Cái "nghĩ gì" là bóng dáng không đáng kể, biết bản chất nó không thật mới là biết. Vậy mà chúng ta cứ muốn biết cái bóng dáng chớ không chịu biết cái chân thật. Biết rõ tâm mình hư giả không thật, biết rõ tâm người hư giả không thật, biết rõ cả người là tướng duyên hợp không thật nữa thì cái biết như vậy là khá lắm rồi. Nếu chúng ta hằng biết được như vậy thì chúng ta

vượt hơn phàm tình, phàm tình chỉ biết tâm vọng tưởng của người, như đang vọng tưởng một điều gì, vọng tưởng thương người này, vọng tưởng ghét người kia… Rồi chấp vào đó để phiền não, như vậy thì biết làm chi; trái lại phải biết tâm của họ là hư giả không thật, phải biết rõ như vậy. Chúng sanh hiện giờ luôn luôn sống với cái hư giả, do sống với cái hư giả nên không bao giờ đạt được lẽ thật vì ba thời tâm đều không thể được. Quí vị có nhớ bà già nói với ngài Chu Kim Cang không? Bà nói: "Tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được, thầy điểm tâm nào?" Chính điều đó nhắc chúng ta thấy rằng tất cả tâm hướng về ba thời là tâm hư vọng không thật. Đã là hư vọng không thật tại sao chấp, tại sao bám vào đó cho là mình? Có người nào không bám vào đó cho là mình không? Mà bám vào cái không thật cho là mình thì không phải si mê là gì? Thế nên đây thật là một yếu tố để chúng ta tu. Trong đoạn trước Phật phá chấp thân làm ngã, trong đoạn này Phật phá chấp tâm làm ngã. Nếu chúng ta còn thấy tâm duyên theo ba thời là thật thì đó là mê lầm, chấp tâm sanh diệt là mình. Nếu chấp tâm sanh diệt là mình thì đó là động cơ dẫn vào sanh tử luân hồi. Trái lại nếu biết rõ tất cả những tâm duyên quá khứ, hiện tại, vị lai là bóng dáng không thật, biết thật như thế thì tất cả đều buông, mà buông bỏ không chấp thì đâu còn nghĩ phải quấy, hay dở v. v… Thấy nó là hư giả thì nó không dẫn mình đi, như vậy tự nhiên cái hư giả buông đi thì tâm chân thật hiện tiền, đó mới là trí tuệ như thật. Chúng ta biết nó hư giả là biết bằng quán chiếu Bát-nhã mà khi quán chiếu thành công thì thật tướng Bát-nhã hiện tiền. Đó là cái thực tế để tu.

Quí vị thấy hiện giờ chúng ta khổ là tại sao? Vì tất cả chúng ta đều sống theo tâm vô thường sanh diệt quá khứ, hiện tại, vị lai… Đây tôi nói chuyện đời xưa cho quí vị nghe một chút. Quí vị nhớ câu chuyện Lưu Thần Nguyễn Triệu nhập Thiên thai, câu chuyện vui chứ phải không? Câu chuyện này có một triết lý rất hay. Thử hỏi chúng ta ai mà không muốn được ở cảnh tiên? Việc gì sung sướиɠ thì nói sướиɠ như tiên, vậy có ai nghĩ rằng lên cảnh tiên còn muốn trở lại cõi trần tục này nữa không? Chắc không có ai. Đang ở cõi trần, chúng ta ước mơ được lên cảnh tiên, nếu lên được cảnh tiên thì còn gì sung sướиɠ bằng. Vậy tại sao Lưu Thần Nguyễn Triệu lên cảnh tiên rồi lại khởi lòng trần tục nhớ lại trần gian? Đã được lên cảnh tiên rồi, có tiên hầu hạ, tiệc tùng v. v… tại sao còn mống lòng trần tục muốn về thăm quê hương? Và khi đã từ giã cảnh tiên trở xuống trần rồi thì thế nào? Có an phận ở lại cõi trần tục không? Hay về trần tục lại nhớ cảnh tiên nữa? Như thế là tại sao? Đó là tại tâm vô thường của chúng ta. Chúng ta luôn luôn sống với tâm nhìn lui về quá khứ, ước mơ vị lai mà lảng quên hiện tại, nếu ngay hiện tại thì chấp nhận cái hiện tại sanh diệt mà không thấy cái hiện tại thực tế. Thế nên khi chưa được cảnh tiên thì ước mơ cảnh tiên, khi được cảnh tiên lại nhớ tiếc quá khứ muốn trở về cõi phàm tục, khi trở lại cõi trần thấy chán ngán lại muốn trở lên cảnh tiên, cứ qua lại mãi. Tất cả chúng ta cũng không khác Lưu Thần Nguyễn Triệu. Quí vị thấy có ai đang ở đây mà nói mình vui vẻ, không còn mơ ước gì nữa không? Dầu ở chỗ sung sướиɠ no ấm

đến thế mấy đi nữa, ở mãi rồi cũng thấy tầm thường và mơ ước đến chỗ khác, đến chỗ khác rồi lại mơ ước trở lại chỗ cũ. Đó là bệnh ngàn đời của chúng sanh. Tại vì con người chấp nhận ba cái tâm là mình cho nên không bao giờ an vui được, ở chỗ chưa như ý thì đòi chỗ như ý, được chỗ như ý thì nhớ lại chỗ cũ. Vì vậy người ta cứ chuộng đồ cổ, dù đồ cổ tầm thường cũng vẫn chuộng nó, bảo đồ xưa là quí! Đó là tại tâm niệm tiếc nuối quá khứ rất nặng. Thấy tức cười là đi tới đâu đều ghi nhật ký để ngày sau đọc, sợ việc qua rồi thì mất… Cho những hình bóng quá khứ là có giá trị để sau này làm nguồn an vui của mình. Còn trẻ thì cứ mơ ước vị lai, nhưng đến khi vị lai tới rồi cũng chán chường. Như thế, luôn luôn người ta sống trong chán chường buồn khổ nhớ nhung. Tiếc nuối quá khứ là nhớ nhung, mơ ước vị lai thì chán chường với hiện tại, thành ra điên đảo hoài không bao giờ an, có cười là cười gượng thôi vì có an mới vui, mới cười hoài, còn không an thì không bao giờ vui được. Tâm bất an làm sao vui?"Tâm bình thế giới bình", đó là lẽ thật. Câu chuyện trên ngụ một triết lý của cổ nhân để cho chúng ta thấy tâm con người điên đảo như vậy, không có cái gì làm cho họ bằng lòng, mà không bằng lòng tức là bất an rồi.

Chuyện gần hơn là như lúc tôi ở Thiền Duyệt thất. Thiền Duyệt thất cất tương đối cũng duyên dáng, chung quanh có trồng hoa xác pháo v. v… ở sau là vườn trà, khí trời lành lạnh … Có một chú ở thành phố lên thăm tôi, vừa mới lên, đầu tiên chú khen: Chà! ở đây thật như là cảnh Thiên thai. Tôi cười. Kế tôi hỏi: Chú định lên chơi bao lâu? - Dạ con ở một tháng. Nhưng mới được một tuần, chú thưa với tôi: Thưa thầy con về. Tôi hỏi: Ủa, sao về mau vậy? - Dạ tại buồn quá! Tôi nhớ lại câu chuyện Lưu Thần Nguyễn Triệu. Thực tế là như vậy, khi chưa đến thì thấy cảnh đó là cảnh tiên, đến rồi, ở một thời gian tự nhiên chán chường. Thế nên con người khi chưa an thì ở đâu cũng không an mà không an thì luôn mong ước, thành ra cứ mong ước mãi hết việc này đến việc kia, lúc nào cũng sống trong ước mơ, chờ đợi.

Trong thế gian này tất cả chúng sanh đều tham sân si như nhau, gặp người này tham sân si, chờ gặp người khác cũng là tham sân si thế thôi. Chỉ tại vì mình tham sân si cho nên gặp ai rồi cũng tham sân si… Thế nên có chờ đợi là chờ đợi còn hay hết tham sân si, điều đó mới đáng mong chờ… Vì thế tôi nói chúng ta tập tâm Bồ-tát nghĩa là khi đang tu tập, thấy ai giúp, ai ngăn trở, chúng ta cũng đều xem là Bồ-tát cả để mang ơn, bái phục mọi người. Quí vị sẽ thấy mình sống trong cảnh Bồ-tát và mình sẽ là người sung sướиɠ nhất, vì thấy chung quanh mình toàn là thiện hữu tri thức bậc thượng. Bồ-tát đâu thể là bậc hạ được. Tôi thấy chúng ta cần có cái nhìn như vậy, sống như vậy mới thấy vui. Cuộc đời chỉ mấy mươi năm… Cho nên có một thiền sư đi tới đâu Ngài cũng nói chuyện ồn náo và cười hoài. Có một vị thiền khách khác ở chung liêu thấy Ngài nói cười ồn quá chịu không được mới lên bạch Hoà thượng. Hòa thượng kêu Ngài lên quở: Sao huynh cười nói ồn náo làm phiền huynh đệ? Ngài trả lời: Bạch Hoà thượng, cuộc đời là

mộng mà con muốn sống mộng vui chớ không muốn sống mộng khổ, vì vậy mà con cười… Thế nên người xưa có những câu nói thật lý thú!