Kinh Kim Cang

Chương 1: Lời Đầu Sách

LỜI ĐẦU SÁCH

Trí tuệ Bát-nhã thấy đúng lý Trung đạo, không mắc kẹt ở hai bên có và không v. v… Vì biết rõ vạn vật đều do nhân duyên sanh, nên không có chủ thể thì làm gì thật có được; đủ duyên vạn vật sanh thì làm sao nói thật không? Như kinh nói "chúng sanh không phải chúng sanh, ấy gọi là chúng sanh… Thế giới không phải thế giới, ấy gọi là thế giới…". "Không phải chúng sanh", vì duyên hợp không có chủ thể. "Gọi là chúng sanh", vì giả tướng giả danh hiện tiền làm sao phủ nhận được. To như thế giới cũng là duyên hợp không chủ thể, nên nói "không phải thế giới"; cụ thể chúng sanh đang sống nương nhờ trên thế giới thì giả tướng thế giới làm sao chối bỏ được, nên nói "gọi là thế giới". Thế mà, có một số người học Phật nông nổi nói: "Bát-nhã chấp không". Quả thật họ là người rất đáng thương, học Phật mà hoảng sợ trí tuệ thì bao giờ được giác ngộ.

Bát-nhã có công dụng, có khả năng phá sạch mọi kiến chấp. Người học Phật cần yếu phải nhờ nó để dẹp tan tất cả kiến chấp sai lầm cố hữu, đã lôi kéo mình vào vòng trầm luân muôn vạn kiếp rồi. Nếu không tận dụng cây kiếm Bát-nhã chặt đứt mọi xiềng xích kiến chấp, chúng ta khó mong thoát khỏi luân hồi. Diệu dụng kinh Kim Cang là ở đây vậy.

Đọc toàn quyển kinh Kim Cang, chúng ta thấy Phật phá sạch không còn sót một kiến chấp nào. Đây là quả bom, là khối chất nổ mạnh làm nổ tung hai ngọn núi kiến chấp của chúng sanh. Có một số người bảo rằng "Tụng kinh Kim Cang nóng". Họ sợ tụng kinh Kim Cang, vì không chịu nổi sức công phá khốc liệt của kinh này. Ngược lại, Ngũ tổ Hoằng Nhẫn khuyên người tu thiền nên tụng kinh Kim Cang và chính Ngài cũng đem kinh Kim Cang giảng cho Lục tổ Huệ Năng nghe, nhân đó Lục tổ ngộ đạo.

Chúng tôi giảng kinh Kim Cang tại Thiền viện Thường Chiếu và các thiền sinh ghi ra từ băng nhựa. Đọc qua bản ghi xong, chúng tôi đồng ý cho in ra để được nhiều người xem. Tuy nhiên, không sao tránh khỏi vài điều sơ sót, xin quý vị cảm thông cho.

THÍCH THANH TỪ

Viết tại Thiền viện Thường Chiếu vào mùa An cư năm 1992.

LƯỢC KHẢO

Kinh Kim Cang cũng có người đọc là Kim Cương. Kinh này do đức Phật nói, nguyên văn bằng chữ Phạn, sau truyền sang Trung Quốc được dịch ra chữ Hán.

A- Những nhà phiên dịch Phạn-Hán:

1- Ngài Cưu-ma-la-thập (Kumãrajiva) ở chùa Thảo Đường tại Trường An. Vào niên hiệu Hoằng Thủy năm thứ tư, tức là năm 402 Tây lịch, thuộc đời Dao Tần, Ngài dịch tên kinh là "Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật". Đây là bản có giá trị nhất, được gọi là định bản, vì bản dịch này được mọi người dùng để trì tụng. Bản này nằm trong bộ Tam Bảo tụng hằng ngày (Kinh nhật tụng).

2- Ngài Bồ-đề-lưu-chi (Bodhiruci) đời Ngụy dịch tên kinh cũng đồng với bản trên tức là "Kim Cang Bát-nhã ba-la-mật" vào khoảng 508 Tây lịch.

3- Ngài Ba-la-mật-đà (Paramàrtha) -Trung Hoa dịch là Chân Đế- dịch vào đời Trần, khoảng giữa thế kỷ thứ VI, để tên là "Kim Cang Bát-nhã Ba-la- mật".

4- Ngài Đạt-ma-cấp-đa (Dharmagupta) đời Tùy, khoảng đầu thế kỷ thứ VII dịch tên cũng đồng là "Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật".

5- Ngài Huyền Trang đời Đường, khoảng giữa thế kỷ thứ VII, dịch chung trong bộ Đại Bát-nhã, 600 quyển, gồm 16 hội, "Kim Cang" là hội thứ 9,quyển 577 trong bộ Đại Bát-nhã.

6- Ngài Nghĩa Tịnh đời Đường đầu thế kỷ thứ VIII, dịch tên kinh là "Phật thuyết năng đoạn Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh". Ngài có đi Ấn Độ mang bản chữ Phạn về.

Sáu nhà dịch đồng một bản kinh, nhưng về sau được chú ý nhất là bản của các ngài Cưu-ma-la-thập, ngài Huyền Trang và ngài Nghĩa Tịnh.

B- Những nhà sớ giải:

Kinh Kim Cang rất được các thiền sư và giảng sư Trung Hoa chú ý sớ giải, có cả thảy độ mười nhà.

1- Ngài Trí Khải đời Tùy để tên là "Kim Cang Bát-nhã kinh sớ" gồm một quyển.

2- Ngài Kiết Tạng đời Tùy để tên là "Kim Cang Bát-nhã sớ", gồm bốn quyển.

3- Ngài Khuy Cơ đời Đường để tên là "Kim Cang Bát-nhã kinh tán thuật" gồm hai quyển.

4- Ngài Tông Mật tức ngài Khuê Phong cũng ở đời Đường, để tên là "Kim Cang Bát-nhã kinh sớ luận toát yếu" gồm hai quyển.

5- Ngài Trí Nghiêm cũng thuộc đời Đường, để tên là "Kim Cang Bát-nhã ba-lamật kinh lược sớ" gồm hai quyển.

6- Ngài Tử Cừ đời Tống để tên là "Kim Cang kinh toát yếu san định ký" gồm bảy quyển.

7- Ngài Tông Lặc và Như Khởi vào đời Minh, để tên là "Kim Cang Bát-nhã Bala-mật chú giải" gồm một quyển.

8- "Kim Cang chư gia" trích lời giảng của các thiền sư.

9- Gần đây có ngài Thái Hư để tên là "Kim Cang giảng lục".

10- Gần đây nhất là cư sĩ Giang Vị Nông, để tên là "Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật kinh giảng nghĩa".

C - Những nhà phiên dịch Hán Việt:

1- Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch trong bộ Tam Bảo tụng hằng ngày.

2- Hòa thượng Thiện Hoa dịch trong bộ Phật Học Phổ Thông (tức là trong mười hai nấc thang giáo lý).

3- Thượng tọa Huệ Hưng dịch quyển Kim Cang Giảng Lục của ngài Thái Hư.

4- Cư sĩ Đồ Nam dịch bản của ông Giang Vị Nông.

Quyển Kim Cang chư gia cũng được dịch.

D - Sự liên hệ giữa kinh Kim Cang và Thiền tông.

Dĩ nhiên ai cũng biết đức Lục tổ khi gánh củi vào khách điếm bán, thấy có người đang tụng kinh Kim Cang, đức Lục tổ nghe qua, tâm liền khai ngộ, mới hỏi thăm và được biết là Ngũ tổ Huỳnh Mai dạy đồ đệ trì tụng "Kim Cang", do đó Ngài tìm đến học đạo.

Trong Thiền tông lúc Tổ Bồ-đề-đạt-ma (Bodhidharma) truyền tâm ấn cho ngài Huệ Khả, Tổ trao bốn quyển kinh Lăng-già (Lankà) để làm tâm ấn. Đến đời Ngũ tổ, thấy Kim Cang là quyển kinh tối yếu trong nhà Thiền, Ngài dạy: Chẳng những tăng ni mà cả cư sĩ đều nên trì tụng kinh Kim Cang. Ngũ tổ chủ trương dùng kinh Kim Cang để ấn tâm, thế nên khi Lục tổ đến học, vào trước giờ truyền y bát, Ngài đem kinh Kim Cang ra giảng. Khi giảng đến câu Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, Lục tổ hoàn toàn liễu ngộ. Như vậy Lục tổ ngộ đạo và được truyền y bát làm Tổ cũng nhân nơi kinh Kim Cang. Do đó chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của kinh này đối với Thiền tông. Sau này kinh Kim Cang được xem như tâm ấn trong nhà Thiền. Trong các chùa, các thiền viện bộ kinh này được xem như kinh Nhật Tụng.

Ngài Khuê Phong cũng bảo: Kim Cang là bộ kinh quí đáng để ấn tâm.

Học kinh Kim Cang là học thẳng vào phương pháp tu Thiền.

KINH KIM CANG

GIẢNG

Bản giảng này là y theo bản dịch của ngài Tam tạng pháp sư Cưu-ma-la-thập, vì bản này được công nhận là văn chương lưu loát và sâu sắc hơn hết. Nếu xem lại bản của ngài Nghĩa Tịnh cũng như của ngài Huyền Trang, chúng ta thấy cả hai bản dịch đều nặng về văn nghĩa. Ngài La-thập không kẹt trong văn nghĩa, chỉ cốt làm sao cho ta nhận được lời Phật dạy, ý Phật nói, nên văn dịch của Ngài thâm thúy và gẫy gọn dễ hiểu.

Thái tử Chiêu Minh đời Lương, khi đọc Kim Cang, lãnh hội được ý chỉ nên chia quyển kinh làm ba mươi hai phần để cho người đọc dễ nhận hiểu.

ĐỀ KINH: Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật.

- Kim Cang là một chất cứng hay phá các thứ khác mà các kim loại khác không phá được nó.

- Bát-nhã là âm theo tiếng Phạn.

- Ba-la-mật là âm theo tiếng Phạn.

- Kinh là chữ Hán.

Đề kinh gồm cả chữ Hán lẫn chữ Phạn. Người Trung Hoa khi dịch kinh, chữ nào dịch được thì dịch, chữ nào không thể dịch hết nghĩa thì để nguyên âm tiếng Phạn.

Bát-nhã nghĩa chánh là trí tuệ.

Ba-la-mật hoặc dịch là đến bờ kia hoặc dịch là cứu kíùnh viên mãn. Trí tuệ được cứu kính viên mãn gọi là Bát-nhã ba-la-mật, vì nếu chỉ nói "trí tuệ" e có lầm lẫn. Ở thế gian người khôn ngoan lanh lợi cũng gọi là người có trí tuệ, thế nên từ ngữ "Trí tuệ Bátnhã" là để giản trạch cho đừng lầm với trí tuệ của người thế gian. Trí tuệ Bát-nhã là trí tuệ thấu được lý thật, thấy được thể chân thật của các pháp, không còn kẹt trong các kiến chấp, trong những cái nhìn thiên lệch chưa thấu đáo. Do thấu được lẽ thật, nên trí tuệ này khi đến chỗ cứu kính chẳng những phá được tất cả tà thuyết ngoại đạo mà còn dẹp hết những mê lầm chấp trước của mọi người. Cho nên khả năng công phá đó vượt hơn tất cả, dụ như kim cương là chất cứng nhất có thể phá tan các kim loại khác mà các thứ khác

không phá hoại được nó. Kim Cang Bát-nhã ba-la-mật là một trí tuệ vững chắc, kiên cố phá dẹp tất cả tà thuyết ngoại đạo làm cho chúng ta sạch hết những chấp trước sai lầm, những mê mờ đen tối để đến bờ giải thoát, giác ngộ.

Kinh là những lời giảng dạy của đức Phật góp lại thành bộ. Kinh là khế kinh tức là khế lý và khế cơ. Tất cả những kinh Phật đều phải đủ hai nghĩa khế lý khế cơ, nghĩa là vừa hợp chân lý, vừa hợp căn cơ người. Thiếu một trong hai điều kể trên thì chưa gọi là kinh được, vì chủ yếu của đạo Phật cốt giáo hóa chúng sanh giác ngộ, thấy được lẽ thật (đúng chân lý) và chúng sanh tin nhận được (hợp căn cơ). Khế cơ và khế lý còn có thể hiểu là tùy duyên và bất biến. Kinh Phật nói ngàn đời cũng không sai, đó là bất biến; nhưng vào mỗi thời theo căn cơ mà nói, hoặc thấp hoặc cao, đó là tùy duyên.