Vụng Dại Tuổi 17

Chương 28: Chương 28

Côi

Trời dạo này cứ mưa nắng thất thường. Chán thật, ở cái thành phố quanh năm chỉ có “hai mùa mưa nắng” thôi, vậy mà cũng chẳng phân biệt được cho rạch ròi. Mãi gần cuối năm, trời vẫn ngang nhiên mưa. Mưa như không nhận ra cái lố bịch của mình. Tôi ghét nhất những cơn mưa trái mùa, lại còn dai dẳng như thế này. Thà rằng cứ ầm ầm trút nước xuống cho hả hê rồi thôi, đằng này mưa nhểu từng giọt rả rích, nghe tựa như lời ai oán khóc than. Buồn đến não ruột!

Sáng sớm, trườn ra khỏi mền, đã thấy mưa rỉ rả ngoài của sổ, lại ngán ngẩm nhắm tịt mắt. Định đánh thêm giấc nữa, nhưng nào có yên nổi với nhỏ Vân. Chẳng biết có chuyện gì mà sáng sớm nó đã kêu om xòm thế không biết?

Tôi dụi mắt bước xuống cầu thang, nhìn cái đầu nhỏ thó của nó nhô ra dưới lớp áo mưa màu xám bạc:

- Gì thế nhỏ?

- Gớm, sao “nướng” kỹ thế? Thay đồ lẹ rồi đi với tao.

- Đi đâu? - Tôi ngạc nhiên.

- Vô nghĩa trang. Mới có đoàn xe tang lớn chạy ngang, rải tiền giấy ngập đường luôn. Chắc là đám ma nhà giàu đó, đi coi cho... biết.

Má tôi nghe được chuyện bảo:

- Hai đứa mày khùng chắc, đám ma có gì hay mà coi.

Ừ, đúng là khùng thật. Vân thường hay có những ý tưởng “khùng khùng” như thế, còn tôi lại dễ dàng nghe theo.

Rốt cuộc cũng ra tới nghĩa trang. Vân vắt cái áo mưa lên cổ xe, chạy theo kéo tay tôi bảo:

- Ê mày, người này còn sống chắc mê ca nhạc Làn Sóng Xanh lắm nên bây giờ người ta mới thổi cho họ nghe lần cuối đó.

Tôi gạt đi: “Đừng nói động đến người đã chết” rồi thừ người ra nghĩ ngợi. Chẳng hiểu sao, người chết lại được ưu ái và dè dặt trong cả lời ăn tiếng nói đến như thế! Rồi đến một ngày nào đó, ai rồi cũng sẽ được hưởng trọn niềm ưu ái ấy, gác lại mọi chuyện nhân gian và nằm thẳng đuột trong cái hộp gỗ hình chữ nhật, eo ôi...

Trời vẫn còn lắc rắc vài hạt mưa nhưng khung cảnh ngoài nghĩa trang chẳng có gì là ảm đạm như tôi tưởng, có lẽ là nhờ vào những bộ áo quần sặc sỡ rất mốt của đám con trai, con gái choai choai. Phía bên đội kèn, có hai đứa trẻ cứ réo inh ỏi:

- Chú ơi, chú thổi bài cô Phương Thanh hay hát ấy, cháu không thích bài này!

Mãi đến lúc quan tài được hạ xuống gần nửa trong tiếng trống kèn dồn dập, bất ngờ, mọi cặp mắt đang lơ đãng đều đổ dồn lại nhưng không phải để tiễn đưa người chết mà vì tiếng khóc rất thảm thiết của một thằng bé, tiếng khóc đơn độc giữa đám tang náo nhiệt. Tôi và Vân ngỡ ngàng nhận ra Côi, cùng lúc một ông to béo bụng phệ kéo nó ra ngoài kèm theo tiếng của một phụ nữ: “Cứ cho nó vài ngàn là nó đi ngay thôi. Bọn trẻ bây giờ lắm trò tinh quái, tôi còn lạ gì nữa”. Hai đứa tôi lao vội tới giữ nó lại, nó vẫn cứ gào lên:

- Chị ơi, là ông đó. Ông bỏ em đi rồi...

Quãng đường về nhà Vân sao bữa nay dài đến lạ. Thằng Côi ngồi giữa, thôi không khóc nhưng vẫn cứ nấc lên từng đợt. Kể từ lúc kéo nó ra xe tới giờ, tôi cứ lặng người đi với những chuyện vừa mới xảy ra, càng không thể ngờ được một thằng bé ngông nghênh như thế mà lại sống quá tình cảm, mà đã sống tình cảm thì khổ lắm!

Tôi nói nó ngông nghênh là do cái ấn tượng của lần đầu tiên tôi với Vân gặp nó. Đó là một buổi trưa mùa hè ngập nắng, Vân đến nhà kéo tay tôi, rủ :

- Đi với tao.

- Nắng gắt thế này mà đi đâu?

- Mày ngốc. Thì đi tìm chỗ mát.

“Chỗ mát” của Vân phải đi ngang qua nông trường bỏ hoang rộng mênh mông, đủ thứ cây cối tạp nham mà dường như nhiều nhất vẫn là nắng. Tôi kiên nhẫn theo sau nó, luồn lách qua cả những bụi cây rậm rịt đầy gai góc, lòng hậm hực vì chẳng hiểu sao mình lại phải “chịu đựng” như thế này? Rồi lại tự an ủi: biết đâu chơi với nó, mình rèn luyện thêm được tính... nhẫn nại.

- Đến nơi rồi!

Vân la lên một cách sung sướиɠ. Tôi đứng sững lại. Trước mặt tôi là vô số những ngôi mộ lớn có, nhỏ có nằm xen kẽ nhau. Trong lúc mặt tôi đang méo dần đi thì nó hí hửng:

- Mát quá phải không?

Rồi nó kéo tôi ngồi xuống dưới tán hoa sứ gần ngôi mộ có vẻ đồ sộ nhất. Và nó… ngủ, đầu tựa vào gốc sứ, chân gác lên người tôi nặng như tảng đá. Tôi đã từng đi dự lễ tang trong nhà thờ, và hầu như lần nào cũng nghe cha sứ nhấn mạnh: “Cuộc sống này chỉ thay đổi mà không mất đi, lúc con người nằm im nín thở, mắt nhắm rồi lại thấy tương lai”. Nếu thật sự như vậy thì có gì đáng sợ đâu, cứ xem như người chết chỉ là thay đổi chỗ ở, thế thôi!