Vụng Dại Tuổi 17

Chương 22: Chương 22

Những giờ học của dì giảm dần, đồng nghĩa với việc tăng dần những cuộc hẹn. Mẹ không kềm nổi nỗi lo lắng xa xôi, gặng hỏi nó:

- Thằng đó bao nhiêu tuổi, nhà ở đâu, tính tình thế nào?

Nó không vội trả lời mà dè dặt hỏi lại:

- Vậy người thế nào mới làm mẹ hài lòng?

- Mày…

Mắt mẹ đột nhiên long lên giận giữ. Nó né người tránh cú táng tay của mẹ. Mẹ buông thõng cánh tay, thẫn thờ bỏ đi. Nó nhận ra mình vừa vô tình chạm phải vết thương chưa lành của mẹ. Hình ảnh của cha hiện lên trong nó rõ mồn một, cả mối tình đẹp như truyền thuyết của hai người. Tưởng đâu chỉ cần tình yêu là đủ, chỉ cần tình yêu thôi là có thể san bằng mọi khó khăn lớn lao kia. Có ngờ đâu, mối tình hết sức lãng mạn ấy lại chẳng vượt qua được điều mà họ không quan tâm tới: cái nghèo. Cha bỏ lên thành phố rồi bị người thành phố giữ luôn lại. Mẹ tức giận thì ít mà thất vọng thì nhiều, và theo cái lẽ thường tình, với một người tật nguyền thì chỉ cần chân tay lành lặn, như thế đã là thiên đường. Với một người đói, họ chỉ cần hàng ngày no đủ thì cuộc sống đã tuyệt vời lắm! Mẹ quyết định lấy dượng Hùng để lấp đi cái nghèo đeo bám. Nào ngờ, bé Kiệt ra đời chưa được bao lâu, cuộc sống của họ đã thay đổi nhiều. Dượng bán mình cho thần men, những lúc tỉnh táo lại lôi tờ đơn ly hôn trong túi ra săm soi, chu đáo y như ngày trước mỗi lần mẹ sụt sùi cảm, dượng luôn thủ sẵn những viên thuốc đề kháng đủ màu trong túi. Sau đó, dượng theo một người bạn sang Campuchia và bặt tăm tin tức luôn từ ấy. Nó chưa bao giờ có ý nghĩ trả treo với mẹ. Suy cho cùng thì một người vấp ngã đâu nhất thiết là mất đi cái quyền khuyên nhủ người khác cẩn thận hơn, nhưng chuyện tình cảm thật khó nói trước. Dù sao, thấy được dì vui vẻ, rạng rỡ như hôm nay là nó đã thấy cảm ơn người con trai tên Tùng kia lắm rồi, nghĩ xa xôi làm gì cho thêm phức tạp.

Nó cũng bắt đầu có bạn trai, một người không là gì với mọi người, nhưng lại là tất cả đối với nó. Lúc này, những đứa bạn gái của nó bỗng trở nên thừa thãi làm sao. Mà nó cũng chẳng còn thời gian cho chúng. Những cuộc hẹn khiến nó bận rộn hơn và chẳng còn có dịp để ra mắt cái người phải gọi bằng chú ấy!

Bẵng đi một thời gian dài, tưởng đâu mọi chuyện đều tốt đẹp thì dì đến gặp nó. Dì buông ra một câu gọn lỏn: “Xong rồi” và nằm vật xuống giường. Tưởng chừng như cái sức trẻ của dì biến đâu mất. Nó chỉ lờ mờ hiểu ra chuyện nhưng không có ý định hỏi cho rõ, vì biết rõ để làm gì khi mà nó chẳng giúp gì được cho dì? Trong tình yêu, có trăm ngàn lý do mà người ngoài cuộc chẳng thể xen vô được.

Cuộc sống của dì thu gọn lại như trước.

... Nó cột mảnh tang trắng ngang đầu, lầm lũi bước theo dòng người đang nối đuôi nhau đi về phía nghĩa trang. Trong đám bạn xếp thành hàng nghiêm trang ấy, ai là kẻ đã khiến cho dì đánh đổi cả cuộc sống của mình? Nó nhận ra rằng người ta sống không phải vì những tham vọng sang hèn hay lợi lộc mà vì một thứ tình cảm thiêng liêng khác. Dưới lớp bùn nhão nhoẹt, dì chôn vùi những ưu tư, phiền muộn để tìm về chốn bình yên nhất...

Những ngày chủ nhật

Nhỏ Hà nằm sóng xoài trên chiếc đi-văng đặt ở góc phòng, nhai đi nhai lại mãi một bản nhạc quốc tế cũ mèm. Đông ngồi tỉ mỉ chăm chút cho từng chiếc lá trong chậu hoa như đang cố giữ lấy màu xanh trên cánh hoa đang úa vàng vì thiếu ánh mặt trời. Phòng bên cạnh, tiếng radio phát ra thật lớn như để cho cả dãy trọ cùng nghe. Chương trình mười ca khúc hay hàng tuần vang lên. Nhỏ Hà nhăn mặt làu bàu: “Chẳng để cho người ta yên”. Rồi nó ngồi bật dậy: “Để xem tuần này bài nào xếp thứ nhất”.

Tôi ngồi dán mắt vào tờ báo, tay cầm ổ bánh mì nhai trệu trạo. Ăn để mà sống ấy mà! Liếc nhìn đồng hồ, lại nghĩ, bằng giờ này, mẹ đã đi chợ về, con Milu mừng quắn đuôi chạy theo cái giỏ nặng trĩu đủ thứ mùi thập cẩm. Bằng giờ này, hoa mười giờ ở độ sắp nở, những cái nụ nhỏ xíu vừa hé ra đủ để nhìn thấy một màu hồng thật tươi… Tôi kéo cái áo len lên sát cổ, như để ngăn nỗi nhớ nhà sắp sửa tràn về.

Lâu lắm rồi, ba đứa chúng tôi mới có ngày chủ nhật thanh thản như thế này. Chờ đợi nó khó khăn như vậy mà chẳng biết tối đa tận hưởng nó, để cuối cùng không biết làm gì ngoài việc nhìn nó trôi qua trong cảm giác vừa mong mau hết ngày, vừa muốn níu giữ lại. Mà ví như khi mai ngủ dậy vẫn là ngày chủ nhật thì liệu có ý nghĩa gì nữa không nhỉ? Hay lại là cái cảm giác ương ngạnh như hôm nay? Nghĩ cũng bất công thật, trong khi nỗi buồn thì cứ thấu tận tim gan, còn niềm hạnh phúc lại mong manh như làn khói mỏng.

Nhỏ Hà ngồi dậy bảo:

- Chủ nhật mà thế này thì phí chết. Tụi mình lên nhà văn hóa nhé!

Chúng tôi đến nơi thì buổi học về tâm lý giới trẻ bắt đầu. Câu hỏi được đưa ra là: “Khi yêu, con gái có nên bày tỏ tình cảm trước?”. Đông dụi đầu vào vai tôi, bảo:

- Đề tài này lớn quá, không hợp với tao.

Tôi cũng chẳng biết có hợp với mình không nhưng vẫn chăm chú chẳng bỏ sót chữ nào. Mười chín tuổi, lắm lúc nhìn Đông như một bà cụ, vậy mà bảo ngờ nghệch trong chuyện tình cảm thì cũng khó mà tin được. Nhỏ Hà ngồi cạnh tôi, đưa tay phát biểu liên tục. Tôi quay sang hỏi:

- Mày với Quang đến đâu rồi?

- Vẫn bạn bè, nhưng chắc là tối nay…