Kế Hoạch Tự Sát Khi Đông Tới

Chương 45

Bà cụ tập tễnh cầm thuốc đỏ và tăm bông đi đến chỗ tôi, bà run run định vặn nắp ra thì tôi đã nhanh tay cầm lấy lọ thuốc: "Cháu cám ơn ạ, bà để cháu tự làm được rồi." Bà nhìn tôi nhẹ nhàng gật đầu, mái tóc bạc được búi lên gọn gàng và những sợi tóc con đều được vén cẩn thận bằng những chiếc cặp đen nhỏ xíu.

Miệng vết thương gặp thuốc sát trùng khiến cho cảm giác đau rát bỏng cháy lập tức truyền thẳng lên não tôi, tay run lên, miệng vết thương ở đầu gối nổi lên chút bọt trắng. Tôi cắn răng rửa qua hết một lượt rồi cúi người nắn nắn phần da xung quanh cho đỡ đau. Hai người chúng tôi đều không nói gì, chỉ có tiếng nước sôi truyền đến từ trong bếp mang theo mùi thuốc đắng.

Điện thoại cũng bị va đập trong tai nạn nhưng vẫn hoạt động được bình thường. Ôn Độ Lương cứ cách vài phút lại gọi điện cho tôi, tôi bôi thuốc qua loa xong thì trả lời chú: "Cháu giao tới rồi, lát nữa sẽ về cửa hàng ạ."

Tiếng chuông cửa vang lên cùng với chuỗi đập cửa liên hồi, bà cụ liếc tôi một cái, đứng lên nhìn qua lỗ mắt mèo rồi mới mở cửa ra: "Đến đây làm gì?"

Chú bước vào nhà nhìn mẹ mình đang mang vẻ nghiêm nghị, bất đắc dĩ thở dài: "Mẹ, chúc mừng sinh nhật."

Bà cụ không để ý đến chú nữa, quay người đi vào trong: "Đặt hoa làm cái gì, chỉ tổ lãng phí tiền. Con xem, đứa nhỏ này vội vàng đi giao hoa cho mẹ mà bị ngã thành ra thế này này."

Chú ấy nhìn tôi, tôi theo bản năng mà cúi gằm đầu rồi xua xua tay: "Không sao đâu ạ, vết thương, mấy vết xước nhỏ này không có gì đâu ạ. Bà còn cho cháu thuốc để bôi nữa, là do cháu không giao đến đúng giờ, lát nữa, lát nữa cháu sẽ giao lại một bó khác. Cháu rất xin lỗi."

Chú giơ tay ý bảo tôi không cần nói tiếp: "Thôi không sao, không cần giao nữa. Mẹ, mẹ đi cùng con đi, ba thật sự không còn bao lâu nữa."

"Mẹ đã nói rất nhiều lần rồi, mẹ không đi."

Tôi nghe hai người họ bàn luận chuyện gia đình nên cảm thấy không nên tiếp tục ngồi ở đây, vội đứng dậy cúi chào, lo lắng xoa hai tay: "Cảm, cảm ơn, cháu đi trước ạ."

"Đi gì mà đi, ngồi xuống. Con đi, mẹ không muốn thấy con nữa." Bà cụ chắp tay sau lưng, trên người mang khí chất tri thức của nhà giáo, khập khiễng đi vào phòng bếp. Chú thở dài, đứng nhìn cửa bếp hồi lâu rồi liếc xéo tôi một cái mới cam chịu rời đi. Còn tôi thì cứng người đứng yên tại chỗ không biết phải làm sao, móng tay vô thức tự cấu vào da mình, đợi đến khi bà cụ đi ra mang theo một đĩa dưa đã gọt xong.

"Trông cháu có vẻ thông minh lanh lợi mà sao lại cứ đứng như trời chồng thế?"

Tay chân cứng đờ của tôi lúc này mới giật giật, cẩn thận ngồi xuống rồi cầm cốc nước mà bà rót cho tôi. Bà đẩy đĩa dưa đến trước mặt tôi, nói: "Ăn mấy miếng rồi hẵng đi."

Tôi ngập ngừng vươn tay tới, ngước mắt nhìn bà, bà cười gật gật đầu. Tôi được cho phép rồi mới cầm một miếng dưa lên ăn, bà cũng cầm một miếng ngồi ăn cùng với tôi, còn không ngại phiền mà trò chuyện.

Khi người ta bước đến một độ tuổi nhất định thì sẽ không tránh được thích kể lể chuyện trò. Trước khi ông ngoại tôi qua đời, ông hay ngồi ở mép giường đối diện với cửa sổ mở rộng, ánh mắt xa xăm nhìn ra cảnh sắc phía bên ngoài. Tôi hỏi ông đang nhớ về điều gì, ông nói ông nhớ tất cả mọi thứ, nhớ bà ngoại, nhớ về ngày tháng bà còn trẻ, nhớ tình yêu thắm thiết giữa hai người, nhớ khoảng thời gian cố gắng làm lụng, nhớ lúc đợi mẹ tôi sinh ra, nhớ cả những thứ vụn vặt như cái sọt đựng gỗ nhóm lửa bị rêu xanh phủ đầy ở góc bếp.

"Ung thư thực quản, bây giờ còn nói là vì bà nên mới chưa rời đi."

"Sao bà lại không đến thăm ạ?" Tôi không nhịn được mà hỏi.

Răng của bà cụ không còn tốt nữa, chầm chậm ăn miếng dưa rồi dùng khăn tay lau miệng, lông mày vẫn hơi cau lại: "Cháu muốn tận mắt nhìn người mình yêu chết sao?"

Tôi sững người, khuôn mặt của Đường Phong Hành hiện lên trong tâm trí tôi, anh chết ư?

Tôi chưa từng nghĩ đến chuyện anh sẽ chết, anh luôn đem đến cho tôi cảm giác anh là bất khả chiến bại. Khi tôi vừa tưởng tượng cái chết được gắn lên người anh thì trái tim tôi như thắt lại, tựa như mảnh thủy tinh vỡ nát trong tim, đáng sợ hơn tất cả ác mộng mà tôi đã từng có trong đời.

Vậy những lúc tôi thoi thóp sắp chết, Đường Phong Hành đã cảm thấy thế nào?

Tôi chưa từng hỏi anh về điều này.

Bà cụ nhìn vẻ mặt của tôi, lên tiếng: "Xem ra cháu cũng giống bà. Bà và ông ấy bên nhau bao lâu bà đã quên mất rồi, vài chục năm cứ thế mà trôi qua. Bà không thể nhìn ông rời đi trước mắt mình, bà có thể chấp nhận cái chết của bản thân nhưng bà... bà không thể chấp nhận được cái chết của ông ấy."

Dứt câu bà liền im lặng, che mặt nghiêng đầu về phía khác. Tôi nhìn miếng dưa trên đĩa không có người ăn đã bị vài con ruồi lanh lẹ bu vào, nghĩ một lát rồi cầm lấy bàn tay nhăn nheo của bà: "Nhưng bà không hối hận sao ạ? Không hối hận rằng người bà yêu không thể nhìn bà lần cuối, bà cũng không thể nói với ông một lời cuối cùng, bà sẽ không cảm thấy hối hận sao?"

Tôi nói liền một hơi, tôi hỏi bà cũng như đang hỏi chính mình. Con người không thể trốn tránh khỏi thời khắc mà mọi thứ kết thúc, cái chết là một phần của cuộc sống mà nhân loại không thể đoán trước và thay đổi, chỉ có thể thuận theo tự nhiên. Mùi thuốc thoang thoảng trên người tôi, tuy rằng cơn đau vẫn không ngừng nhưng cơ thể tôi đã thả lỏng hơn nhiều.

"Bà sợ lắm, bà sợ mình không chịu nổi khi nhìn ông ấy chết." Đôi mắt đã vẩn đυ.c của bà đong đầy suy tư, tay còn lại vuốt lên cốc nước ở trên bàn.

"Dù bà có lựa chọn thế nào thì bà cũng không sai, tuy cháu chỉ là người ngoài nhưng cháu thấy chỉ cần bà không hối hận là được, rốt cuộc thì hai người cũng yêu nhau như thế." Dù sao thì những câu hỏi của tôi chỉ là lời nói suông, còn thực tế có làm được hay không đâu phải điều dễ dàng.

"Cháu có người mà mình yêu thương chưa?"

"Có ạ, anh ấy rất yêu cháu, cháu cũng vô cùng... yêu anh ấy." Trong đầu tôi là gương mặt của Đường Phong Hành, tôi vô thức mỉm cười, đáy lòng gợn lên những sóng buồn lăn tăn.

Không khí như dịu lại, bà cụ cũng cười khẽ: "Cảm ơn cháu, hôm nay cháu là người đầu tiên chúc bà sinh nhật vui vẻ đấy. Tuổi trẻ thật là tốt, cảm thấy hơi hoài niệm."

Tán gẫu thêm một lát thì tôi quay về tiệm, Ôn Độ Lương nhìn thấy tôi trở về với cả người đầy thuốc thì giật mình, muốn đưa tôi đến bệnh viện kiểm tra. Tôi vội vàng từ chối, nhảy nhót vài cái để thể hiện mình không làm sao cả rồi vô tư mở ví cho chú xem một xấp tiền mặt màu đỏ chói. Chú thở dài: "Nếu như không sao thật thì ngày mai đừng có đến muộn đấy."

Tôi mở máy đọc tin nhắn của Đường Phong Hành, anh nói hôm nay có vụ kiện nên có thể sẽ về nhà muộn, tôi không cần chờ anh mà phải uống thuốc đúng giờ rồi đi ngủ sớm. Tôi cúi nhìn những vết thương trên người, cơn đau đã không còn kinh khủng như trước nữa. Tôi trộm nghĩ mình có nên qua đêm tại cửa hàng không, đến cả Ôn Độ Lương còn nghiêm túc như vậy thì không biết Đường Phong Hành sẽ còn lo lắng thế nào nữa.

Ánh chiều tà chiếu lên cầu đi bộ, mặc dù tôi có Đường Phong Hành nhưng mỗi khi lẻ loi một mình thì tôi vẫn hay nghĩ đến cái chết, cả người trống rỗng như thể gió nhẹ cũng có thể xuyên qua, nắng hoàng hôn trước mắt cũng chỉ như màu cà chua hư thối. Thế nhưng những lúc Đường Phong Hành ở bên thì suy nghĩ mạnh mẽ nhất quẩn quanh trong đầu tôi chính là phải sống, dù thế nào tôi cũng phải sống sót. Đường Phong Hành mỉm cười dưới nắng chiều, đôi mắt nhắm nghiền khi hôn tôi, hàng mi dài lay động, tiếng tim đập loạn nhịp,... tất cả đều nhắc nhở tôi mọi chuyện là sự thật, sống sót là điều quan trọng nhất.

Tôi đi vào siêu thị. Từ khi bệnh trở nặng, trừ lúc Đường Phong Hành dắt tôi ra ngoài thì tôi gần như không dám đặt chân đến những nơi đông người. Tôi muốn làm cơm tối cho anh, để anh về nhà cảm nhận được hơi ấm, không thể lúc nào cũng chỉ có mình tôi chăm chăm nhận lấy tình yêu từ anh được. Tôi đội mũ và đeo khẩu trang lên, dù khẩu trang cọ qua vết xước trên mặt làm tôi hơi đau nhưng tôi không muốn bị người khác nhìn thấy, sợ người ta nhận ra tôi không được bình thường. Tôi chỉ để lộ đôi mắt nhìn quanh bốn phía, hít sâu một hơi rồi đi đến khu bán rau.