Chương 2: Phong lưu
edit & beta: Hàn Phong TuyếtTôi xuất thân từ Lang Gia Vương thị*.
*Lang Gia Vương thị: dòng họ Vương có quê gốc ở Lang Gia.
Lang Gia Vương thị, kể từ khi lập quốc ba trăm năm về trước, vẫn luôn là thủ lĩnh sĩ tộc, là gia tộc có danh vọng lớn nhất trong các thế gia quý tộc, nhiều đời kết thân cùng hoàng thất, chấp chưởng trọng quyền trong triều. Cả dòng họ Vương, mỗi thế hệ luôn có không ít học giả uyên thâm, nhân tài xuất hiện, truyền lại tài danh cho đời sau, được người trong thiên hạ ngưỡng mộ, đúng là vọng tộc* đệ nhất đương triều.
*Vọng tộc: nhà có danh vọng trong xã hội phong kiến
Dưới dòng họ Vương là tứ đại vọng tộc Tạ, Ôn, Vệ, Cố, bốn trụ cột vững vàng, nhờ sĩ tộc ngoại thích* mà không ngừng khuếch trương quyền thế, vô cùng cường thịnh, cơ hồ có thể sánh vai cùng hoàng thất. Cảnh tượng sĩ tộc nhà cao cửa rộng kéo dài mãi tới thời tiên hoàng.
*Ngoại thích: họ ngoại
Sau khi tiên hoàng vừa lên ngôi, tam vương đoạt vị, cấu kết với giặc ngoại xâm phát động phản loạn.
Một trận chiến đánh suốt bảy năm, gần một nửa số đệ tử tinh anh trong các sĩ tộc đều tham gia cuộc chiến này.
Dưới thời thái bình thịnh thế, nào có ai ngờ tới trận chiến kia lại kéo dài như vậy.
Con cháu quý tộc quen ăn sung mặc sướиɠ cũng bừng bừng khí thế chỉ muốn cưỡi ngựa ra trận lập công lớn.
Song, nhiều năm chinh chiến liên tiếp đã biến ruộng nông của nhân dân thành phế tích, điền trang cũng thành chốn hoang vu, dân chúng lang thang khắp nơi, thê thảm hơn cả đại hạn ngàn năm. Bảy năm chiến loạn, bá tánh chết bởi nạn đói và chiến tranh tính bằng đơn vị hàng nghìn.
Rất nhiều thế hệ con cháu sĩ tộc đã mang nhiệt huyết và tính mạng của họ chôn vùi vĩnh viễn tại chốn sa trường.
Sau đại nạn này, sinh lực của sĩ tộc bị hao tổn nặng nề, rất nhiều điền trang bị hủy hoặc bỏ không. Thế tộc thường không lo việc đồng áng, phần nhiều đều lệ thuộc vào ruộng đất cho thuê nên rất nhiều tộc nhân đã mất đi tài lực, không thể tiếp tục chống đỡ cả gia tộc lớn, suy sụp chỉ trong một đêm.
Loạn thế vừa qua, những dòng tộc bần hàn xuất thân quân nhân lại nhờ vào công trạng lập được trong chiến tranh mà thăng tiến, nhanh chóng mở rộng quyền lực, nắm giữ binh quyền khổng lồ, đánh bại sách lược “trọng văn khinh võ” đã mấy trăm năm của triều đình. Những võ tướng hèn mọn xưa kia phải chịu sự khinh thường dần dần bước tới đỉnh cao quyền lực.
Lúc đương kim hoàng thượng lên ngôi, tộc Đột Quyết phương Bắc và nước láng giềng phía Nam lúc nào cũng quấy rầy, không ngừng xâm phạm biên giới.
Sau đợt hạn hán kéo dài, quốc khố trống không, bệnh dịch hoành hành. Cùng cực sinh tội ác, sau sáu năm, cuối cùng ở Kiến An đã nổi lên cuộc bạo loạn của mười vạn nạn dân.
Quan lại khắp nơi lợi dụng tình hình loạn lạc mà kiếm tiền bỏ túi riêng. Chuyện đại sự gây rối kỷ cương này cũng giúp các võ tướng được dịp chinh chiến mở rộng thực lực, thế lực quân nhân dần dần chiếm thế thượng phong, khiến triều đình từng bước thoái nhượng.
Thời đại thịnh thế huy hoàng kia rốt cuộc cũng một đi không trở lại.
Trải qua mấy chục năm tranh đấu, các đại thế gia hầu hết đều thất bại, không ngừng đánh mất dần quyền thế.
Có thể đứng vững vàng tại nơi đầu sóng ngọn gió chỉ còn duy nhất hai tộc Vương, Tạ.
Đặc biệt là Vương tộc, căn cơ vững vàng, bè phái rộng rãi, còn có Khánh Dương Vương trong tay nắm giữ hai mươi vạn quân phía nam.
Chỉ cần nền tảng gia tộc còn tồn tại, muốn làm lung lạc gia tộc tôi là điều e rằng không ai có thể làm được, cho dù là hoàng thượng cũng không thể.
Phụ thân là trọng thần hai triều, giữ vai trò hữu tướng, kiêm chức vị Đại Tư Mã*, phong là Tĩnh Quốc Công.
*Đại Tư Mã: chức quan võ lớn nhất ở thời phong kiến. (ngang với Đại tướng quân, khi ra trận được phong làm nguyên soái)
Thúc phụ chưởng quản Cấm quân đại nội, giữ chức Binh bộ Thượng Thư.
Từ chốn bên cạnh vua tới các châu quận đều bố trí môn đệ của phụ thân.
Trước giờ nam đinh của Vương tộc không nhiều, tới đời tổ phụ* thì ít đi hẳn, hiện tại con cháu chi trưởng chỉ có tôi và ca ca. Người trong tộc ở hai chi thứ đã sớm phân bố khắp quê cũ Lang Gia tới kinh thành, đều là nhà cao cửa rộng, nắm giữ những nơi xung yếu. Thế lực sâu rộng của Vương tộc đã cắm sâu cả vào trong nền móng của hoàng triều.
*Tổ phụ: ông nội
Mẫu thân tôi là muội muội duy nhất của đương kim hoàng thượng, Tấn Mẫn Trưởng Công chúa được Thái hậu vô cùng sủng ái.
Cô mẫu là hoàng hậu trong cung, mẫu nghi thiên hạ, một tay đưa biểu huynh của tôi lên vị thái tử.
Tên tôi là Vương Huyên*, vừa mới ra đời đã được tứ phong là Thượng Dương Quận chúa.
*Huyên: thông minh, nhanh nhẹn (tính cách)
Nhưng người nhà vẫn thích gọi tôi bằng nhũ danh, A Vũ*.
*Vũ (妩): dễ thương
Khi còn bé, tôi thực sự không hiểu rõ hoàng cung và Tĩnh Quốc Công phủ, nơi nào mới là nhà mình.
Hơn nửa thời gian thời thơ ấu của tôi là sống trong cung đình, đến nay trong Phượng Trì cung vẫn còn có tẩm điện của tôi.
Mẫu thân là đứa con gái mà Thái hậu yêu mến nhất, còn tôi lại là đứa con gái duy nhất của mẫu thân. Cô cô từng nói đùa rằng: “Trưởng công chúa là bông hoa đẹp nhất thiên triều, tiểu Quận chúa lại là giọt sương trong suốt nhất trên nhụy hoa”. Khi đó, cả cô cô và tôi đều không nghĩ tới, giọt sương mặc dù dịu hiền nhưng lại không chịu được ánh nắng thiêu đốt, những vật quá tốt đẹp đều không dễ tồn tại.
Cô cô không có con gái, thường mang theo tôi bên cạnh, tự mình dạy nghi lễ cung đình, để tôi và các điện hạ cùng nhau đi học, thậm chí còn dung túng cho tôi sau khi chơi đùa mệt mỏi có thể ngủ trên giường phượng của hoàng hậu trong Chiêu Dương điện.
Tôi thích giường phượng của cô cô, cứ quấn lấy mẫu thân đòi cho bằng được một chiếc giường giống y như vậy.
Cô cô và mẫu thân chỉ nhìn nhau cười, ca ca đứng bên cạnh lại cười xấu xa nói: “A Vũ ngốc, chỉ có hoàng hậu mới có thể ngủ trên giường phượng, chẳng lẽ muội muốn gả cho thái tử ca ca sao?”.
Mẫu thân giật mình cười trừ, cô cô lại thở dài, “Đáng tiếc A Vũ vẫn còn quá nhỏ”.
Năm ấy tôi chỉ mới bảy tuổi, không biết thành thân là gì, nhưng trước đó vẫn không thích một thái tử ca ca luôn cậy mạnh.
Hai năm sau, thái tử thành thân, lúc ấy tôi vừa mới chín tuổi, chưa tới tuổi lập gia đình, người được chọn làm Thái tử phi là Tạ gia tỷ tỷ.
Thái tử phi Tạ Uyển Dung, tài mạo nhã nhặn có một không hai tại Kinh Hoa, tôi rất thích tỷ ấy, hoàng thượng cũng khen tỷ ấy có phong thái của mẫu nghi thiên hạ.
Nhưng cô cô lại không thích tỷ, thái tử ca ca cũng lạnh lùng với tỷ.
Bởi vì Uyển Dung tỷ tỷ là cháu gái của Tạ quý phi, người rất được hoàng thượng sủng ái.
Tạ quý phi nhiều năm nay vẫn là cái gai trong mắt cô cô.
Tạ gia mặc dù luôn bị chèn ép đến suy tàn, nhưng cô cô vẫn không yên lòng với con trai của Tạ quý phi – Tam điện hạ Tử Đạm.
Dõi mắt khắp Kinh Hoa, mỹ nam tử nổi danh nhất chính là Tam điện hạ, tiếp đó mới đến ca ca.
Tôi và ca ca từ nhỏ đã được đưa vào cung làm bạn học với các hoàng tử, Thái tử thì cố chấp, Nhị điện hạ yếu ớt nhiều bệnh, chỉ có Tam điện hạ lớn lên cùng chúng tôi, thường cùng nhau chơi đùa tại nơi học tập, gắn bó thân thiết với nhau.
Khi đó ỷ vào sự sủng nịnh của Thái hậu, chúng tôi lúc nào cũng chơi đùa ầm ĩ vô pháp vô thiên.
Bất kể là gây họa gì, chỉ cần trốn vào Vạn Thọ cung, dựa vào lòng ngoại tổ mẫu* thì hình phạt nào cũng bị người hóa giải, tựa như mái nhà vững chắc che chắn trên đầu chúng tôi, vĩnh viễn không phải lo lắng tới mưa gió, ngay cả hoàng thượng cũng không ngoại lệ.
*Ngoại tổ mẫu: bà ngoại
Thường ngày, ca ca luôn là người có nhiều chủ ý phá rối nhất, tôi là người được ưu ái nhất, còn Tam điện hạ luôn luôn là người đứng trước làm bia chắn cho tôi.
Thiếu niên dịu dàng ôn hòa này kế thừa dáng vẻ cao quý đoan trang tao nhã của hoàng thất, tính tình đạm bạc điềm tĩnh, hòa thuận, giống hệt mẫu thân đa sầu đa cảm của huynh ấy, dường như trời sinh đã không vì bất cứ chuyện gì mà nổi giận, bất cứ chuyện gì xảy ra đều có thể giữ nụ cười dịu dàng, lẳng lặng chăm chú nhìn đối phương.
Những năm tháng vô ưu vô lo kia cũng đang lơ đãng trôi qua nhanh như gió.
Ba người chúng tôi dần lớn lên, cho đến khi dậy thì đã bắt đầu lộ dáng vẻ thiếu nam thiếu nữ.
Mỗi lần chúng tôi cùng nhau xuất hiện đều khiến mọi người kinh ngạc, cất lời ca tụng.
Ca ca và Tử Đạm đi qua nơi nào cũng có một đám trẻ núp phía sau hành lang len lén dõi theo.
Mỗi lần trong cung tổ chức yến tiệc, các nữ quyến đều dán chặt mắt vào ca ca. Tử Đạm mặc dù là hoàng tử, dáng vẻ tuấn nhã hơn ca ca nhưng không được các thiếu nữ hoan nghênh… bởi vì có tôi ở bên cạnh.
Lần đầu tiên thấy chúng tôi sóng vai bên nhau nâng ly chúc thọ hoàng thượng, hoàng thượng đang ngà ngà say đánh rơi chén rượu trong tay, quay sang nói với Tạ quý phi ngồi bên cạnh: “Ái phi, nàng nhìn xem, tiên đồng trên trời hạ phàm tới chúc thọ trẫm kìa!”.
Tạ quý phi rất yêu quý tôi.
Nhưng cô cô lại không thích Tử Đạm.
Lần đó sau tiệc thọ, cô cô nói tôi đã lớn, nam nữ khác biệt, không thể quá thân cận với các hoàng tử.
Tôi không lưu tâm, ỷ vào sự yêu quý của Thái hậu và mẫu thân mà không để ý đến lời cô cô, len lén đi tìm Tử Đạm.
Vĩnh Hi năm thứ sáu, giữa mùa thu, Hiếu Hiến Kính Nhân Hoàng thái hậu hoăng*.
*Hoăng: chết, cách nói kính trọng dành cho hoàng thất, chư hầu, quan to.
Đó là lần đầu tiên tôi mất đi một người thân. Bất kể mẫu thân rơi lệ giải thích như thế nào tôi cũng không chịu chấp nhận sự thật đó.
Sau khi đại tang qua đi, tôi vẫn như lúc Thái hậu còn sống, ngày ngày chạy tới Vạn Thọ cung, ôm con báo mà ngoại tổ mẫu thích nhất, một mình ngồi trong điện, chờ ngoại tổ mẫu từ bên trong tẩm điện đi ra, mỉm cười gọi tôi hai tiếng “A Vũ”…
Có một đêm, tôi bị cô cô khiển trách, chạy một mạch tới Vạn Thọ cung, đuổi tất cả các cung tỳ ra khỏi đó, một mình ngồi ngẩn người.
Tôi ngồi bên cạnh cây tử đằng ngoại tổ mẫu đích thân trồng, ngửa đầu nhìn từng chiếc lá rơi trong gió thu. Sinh mệnh dễ dàng qua đi như vậy, chỉ trong nháy mắt đã không còn nữa.
Khí lạnh đầu thu xuyên qua sa y mỏng, thấm vào da thịt, tôi cảm thấy thực lạnh, đầu ngón tay lạnh như băng, lạnh lẽo không nơi nương tựa.
Bả vai bỗng nhiên cảm thấy ấm áp. Một đôi bàn tay ấm áp nhẹ nhàng ôm lấy tôi.
Tôi nghe thấy hơi thở quen thuộc, trong chốc lát, mùi hoa mộc lan nhàn nhạt bao trùm lấy tôi và cả đất trời.
Tử Đạm đưa mắt nhìn tôi, ánh nhìn sâu sa, ẩn chứa một loại cảm xúc mà tôi chưa từng thấy.
Khuôn mặt của huynh ấy, đôi mắt, vẻ mặt, thân thể tỏa ra hơi thở nam tử vừa thân thiết vừa xa lạ khiến tôi không biết làm sao, trong lòng tựa như mờ mịt, tựa như bối rối, lại như ngọt ngào.
Một chiếc lá rụng đang bay, bị gió thổi rơi xuống mặt.
Tử Đạm đưa tay phẩy chiếc lá, ngón tay thon dài lướt nhẹ qua lông mày tôi, một chút cảm giác run rẩy xuyên qua da thịt thấm vào cơ thể.
“Dáng vẻ nhíu mày của A Vũ rất đẹp, nhưng sẽ khiến ta đau lòng”. Thanh âm của huynh ấy thấp, dịu dàng mà chứa đầy ưu thương, trong nháy mắt hai gò má tôi đỏ ửng lên.
Thấy tôi đỏ mặt cúi đầu, huynh ấy lại mỉm cười, chậm rãi siết hai cánh tay, ôm tôi chặt hơn.
Đó là lần đầu tiên huynh ấy nói tôi đẹp. Đã nhiều năm như vậy, huynh ấy nhìn tôi lớn lên, đã từng nói tôi ngoan, nói tôi khờ, nói tôi bướng bỉnh, nhưng chưa một lần nói rằng tôi đẹp. Huynh ấy giống ca ca, rất nhiều lần nắm tay tôi, nghịch ngợm kéo tóc tôi, nhưng chưa bao giờ ôm tôi.
L*иg ngực ấy vừa ấm áp vừa thoải mái, khiến tôi không bao giờ muốn rời.
Ngày hôm ấy, Tử Đạm nói với tôi, nhân gian sinh lão bệnh tử đều do số mệnh, vô luận là giàu hay nghèo, sống có đau khổ, chết cũng có đau khổ.
Lúc nói những lời ấy, ánh mắt Tử Đạm rất dịu dàng, trên gương mặt lại bao phủ nét u buồn mờ nhạt, đáy mắt phảng phất có nét xót thương.
Lòng tôi như thể có dòng nước suối chảy qua, nhất thời trở nên vô cùng mềm mại.
Về sau, tôi không sợ cái chết nữa.
Ngoại tổ mẫu qua đời không để lại cho tôi niềm bi thương quá lâu, bởi dù sao tôi cũng là thiếu nữ, tâm tính thuở thiếu thời cho dù có chịu đau thương lớn hơn nữa cũng sẽ rất nhanh khỏi.
Huống chi tôi còn có một bí mật mới.
Trong lòng tôi có một sự biến hóa nhỏ kỳ diệu đang lặng lẽ xảy ra.
Sau đó không lâu, ca ca đủ tuổi chính thức vào triều, được phụ thân phái tới bên cạnh thúc phụ để rèn luyện. Thúc phụ là quan khâm sai trị thủy ở Hoài Châu, dẫn theo ca ca tới Hoài Châu nhậm chức.
Ca ca vừa đi, trong cung ngoài cung tựa như chỉ còn hai người tôi và Tử Đạm.
Tháng ba, mùa xuân ấm áp, liễu xanh rủ khắp chốn, thiếu nữ một thân y phục mỏng thướt tha cất lên từng lời gọi thiếu niên duy nhất trước mặt.
Tử Đạm, muội muốn xem huynh vẽ tranh.
Tử Đạm, chúng ta đi cưỡi ngựa đi.
Tử Đạm, chúng ta chơi cờ nào.
Tử Đạm, muội đàn một khúc mới cho huynh nghe.
Tử Đạm, Tử Đạm, Tử Đạm…
Mỗi lần tôi gọi, huynh ấy đều mỉm cười, vô cùng kiên nhẫn làm bạn với tôi, đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào của tôi.
Đến khi thực sự bị nháo loạn lên, Tử Đạm nặng nề thở dài, “Nghịch ngợm như vậy, sau này làm sao làm Vương Phi của ta được?”.
Chỉ cần huynh ấy nói như vậy, tôi liền đỏ mặt, giống như con mèo bị giẫm đuôi, lập tức xoay người né tránh.
Sau lưng vang lên tiếng cười thấp của Tử Đạm, một hồi lâu trôi qua, tiếng cười ấy vẫn quanh quẩn trong tâm trí tôi không hề tiêu tan.
Những nữ tử khác khi trưởng thành đều sợ hãi lễ cập kê.
Một khi đã cập kê, rất nhanh sẽ có người tới cửa cầu hôn, cha mẹ sẽ gả mình đi, cả đời sau này phải sống cùng một nam nhân mình không quen biết, mãi mãi cho đến già… Nghĩ tới, thực vô cùng đáng sợ.
May là, tôi có Tử Đạm.
Thái tử và Nhị điện hạ đều đã lập phi, dõi mắt khắp Kinh Hoa, người có thân phận hợp, tuổi hợp, xứng đôi với tôi chỉ có Tử Đạm.
Tôi không hề lo lắng chút nào, mặc dù cô cô không thích Tử Đạm nhưng cũng sẽ càng không thích những công tử nhà giàu khác.
Mẫu thân đã ngầm đồng ý với tâm sự của tôi, thi thoảng còn để tôi tới nơi Tạ quý phi ở chơi.
Tôi vừa qua sinh thần thứ mười ba, các danh môn vọng tộc tới gặp phụ thân cầu hôn cơ hồ sắp đạp gãy cánh cửa phủ Tĩnh Quốc công.
Phụ thân tôi lấy lí do tôi còn nhỏ, đều nhã nhặn từ chối hết.
Khi đó, tôi bắt đầu e sợ thời gian trôi quá chậm, bởi chưa đến tuổi mười lăm, chưa cập kê thì không được phép nhận hôn sự.
Mà Tử Đạm đã mười chín tuổi, rất nhanh sẽ có thể lập phi. Nếu như không phải tôi còn quá nhỏ, Tạ quý phi đã sớm cầu hoàng thượng ban hôn cho chúng tôi rồi. Tôi rất lo Tử Đạm không chờ được đến lúc tôi lớn lên, một ngày không biết nào đó sẽ bị hoàng thượng tứ hôn, lấy một người khác.
Có một lần sau khi giận dỗi, tôi mắng huynh ấy, “Tại sao huynh lại già như vậy, chờ đến lúc muội lớn lên, huynh đã là lão nhân rồi”.
Tôi mười lăm tuổi, Tử Đạm sẽ hai mươi mốt, mặc dù chỉ vừa qua tuổi hai mươi, nhưng trong mắt tôi có vẻ là rất già.
Tử Đạm ngẩn ngơ một hồi lâu không lên tiếng, chỉ là mang vẻ mặt không biết nên khóc hay nên cười chăm chú nhìn tôi.
Không lâu sau đó, tôi nghe thấy huynh ấy bí mật hỏi Nhị điện hạ Tử Luật, “Có phải trông đệ hơi già không?”.
Tử Luận ca ca không trả lời được.
Còn tôi bình tĩnh quay đầu rời đi, nhưng vẫn không nhịn được mà bật cười lớn…
Song, không đợi tới khi tôi cập kê, Tạ quý phi hoăng.
Tạ quý phi mới ba mươi bảy tuổi, đẹp tựa nữ tử bước ra từ trong tranh vẽ, phảng phất như năm tháng không thể ghi lại dấu vết trên người nàng.
Cho dù cô cô ngang ngược đến mức nào, Tạ quý phi cũng không bao giờ tranh giành, cũng không vì được sủng ái mà kiêu ngạo, chỉ bình yên sống cuộc sống của mình.
Tôi lại một lần nữa tin tưởng rằng điều quá tốt đẹp sẽ không tồn tại được lâu dài.
Vì một đợt phong hàn, bệnh tình tăng thêm, Tạ quý phi không kịp chờ hoa mai mùa xuân mỗi năm đều được đặc biệt tiến cống cho mình từ xa xôi ngàn dặm đã vội vã qua đời.
Nàng luôn yếu ớt nhiều bệnh nhưng chưa bao giờ buồn thương oán giận, cho dù bị bệnh liệt giường vẫn trang phục chỉnh tề, cho tới lúc lâm chung cũng không lộ ra nửa điểm tiều tụy thảm hại, chỉ nở một nụ cười đạm bạc rồi nhắm mắt ngủ.
Đêm mưa, tiếng chuông dài buồn bã, lục cung khóc tang.
Đêm đó, một mình Tử Đạm canh giữ trước linh cữu, yên lặng rơi lệ, nước mắt chảy dài rớt xuống trượt vào cổ, cổ áo ướt đẫm.
Tôi đứng phía sau huynh ấy một lúc lâu mà huynh ấy cũng không phát hiện, cho tới khi tôi đưa một chiếc khăn lụa tới trước mắt.
Huynh ấy ngẩng đầu, một giọt lệ rơi xuống chiếc khăn.
Sợi tơ lụa cao quý mỏng manh kỵ nhất là dính nước, chỉ cần dính hơi nước thôi cũng sẽ lưu lại dấu vết, có giặt thế nào cũng không sạch.
Tôi cầm chiếc khăn lau đi nước mắt trên mặt huynh ấy, huynh ấy lại ôm lấy tôi, bảo tôi đừng khóc.
Thì ra là nước mắt tôi còn rơi nhiều hơn huynh ấy.
Chiếc khăn lụa ấy được tôi cất trong tráp, phía trên có một vết nước nhàn nhạt, là nước mắt của Tử Đạm.
Mất đi mẫu thân, ở chốn cung đình rộng lớn này, huynh ấy không còn nơi nương tựa.
Tôi mặc dù không rõ nhưng cũng hiểu được tầm quan trọng của mẫu tộc đối với một hoàng tử.
Tạ gia đã thất thế, trước giờ điểm tựa của Tử Đạm chỉ dựa vào mấy chục năm ân sủng của hoàng thượng dành cho Tạ quý phi. Cũng bởi ân sủng ấy mà cô cô không thích Tử Đạm. Hoàng thượng có thể vì sủng ái một phi tần mà lạnh lùng với những cung tần khác, nhưng không thể vì một hoàng tử mà đắc tội với ngoại tộc quyền thế lừng lẫy. Việc thứ nhất chẳng qua cũng chỉ là chuyện nhà đế vương, nhưng việc thứ hai lai là quốc gia đại sự.
Khi đó tôi vẫn cho rằng, chỉ cần Tử Đạm lấy tôi sẽ có thể có được sự che chở của Vương tộc, có thể bình yên sống trong cung.
Nhưng cô cô làm việc lại rất mạnh mẽ, khiến tôi không ngờ tới.
Theo quy định của tổ tiên, sau khi cha mẹ qua đời, con cái phải chịu tang ba năm.
Có điều hoàng gia từ trước tới giờ đều không cần tuân theo quy định nghiêm ngặt này, chỉ cần ở trong cung chịu tang ba tháng sau đó tìm một người khác, cho dù là cung nhân đến hoàng lăng thay mình chịu tang là được. Qua thời hạn một năm sẽ có thể thành thân.
Song, sau khi Tạ quý phi qua đời, ý chỉ của hoàng hậu ban xuống nói Tử Đạm hiếu thuận hơn người, thỉnh đích thân đi hoàng lăng, chịu tang mẫu thân ba năm.
Bất kể tôi quỳ gối bên ngoài điện Chiêu Dương cầu khẩn như thế nào cô cô cũng không chịu gặp tôi. Mẫu thân bất đắc dĩ giấu phụ thân đưa tôi đi gặp hoàng thượng, cầu xin hoàng thượng hạ chỉ cho Tử Đạm ở lại.
Tạ quý phi qua đời khiến hoàng thượng chỉ sau một đêm tựa như đã già đi mười tuổi.
Ngày thường, chỉ khi nhìn thấy Tử Đạm, người mới giống một phụ thân nhân từ mà không phải là một hoàng thượng thâm trầm nghiêm túc.
Nhưng hoàng thượng lại không chịu hạ chỉ giữ đứa con mình yêu quý ở lại.
Người nói, hoàng lăng là nơi rất an toàn, không có gì đáng ngại.
Nhìn tôi khóc ròng, hoàng thượng nặng nề thở dài, “Biết điều như vậy, đáng tiếc lại mang họ Vương…”.
Ngày Tử Đạm rời đi, tôi không hề tới tiễn, sợ huynh ấy nhìn thấy tôi khóc sẽ càng thương tâm hơn.
Tôi hy vọng Tử Đạm có thể mỉm cười như thường ngày mà rời đi, vĩnh viễn là hoàng tử kiêu ngạo cao quý nhất trong lòng tôi, không để bất kỳ kẻ nào nhìn thấy vẻ bi thương hay nước mắt của huynh ấy.
Xa giá của Tử Đạm vừa qua Hoa môn đã thấy thị tỳ Cẩm Nhi của tôi đứng chờ tại đó.
Cẩm Nhi mang tới một hộp gỗ nhỏ cũ, trong đó có một đồ vật sẽ thay tôi làm bạn với huynh ấy.
Huynh ấy chỉ nhìn thoáng qua liền quay mặt đi, không để người khác nhìn thấy ánh mắt của mình.
Cẩm Nhi khom lưng thi lễ với huynh ấy rồi đi sang một bên nhường đường.
Tử Đạm không hề quay đầu lại, giơ roi thúc ngựa, một mạch chạy về phía trước.