Phủ Cảnh Vương. Mấy nay, hôm nào Cảnh Vương phi cũng rửa mặt bằng nước mắt, còn Tiêu Dao Vương gia Triệu Ngao mặt ủ mày chau, thở vắn than dài.
Thế tử Triệu Quỳnh như ngồi trên đống lửa. Đúng lúc ấy, người hầu mới bẩm rằng Đường Thận có gửi một phong thơ. Cảnh Vương phi hỏi: “Có nhẽ nào, Đường Thận có ý với Uyển nhi nhà mình, muốn đính hôn với Uyển nhi chẳng?”
Triệu Quỳnh bóc thư, anh ta “Ồ” lên một tiếng, rồi đưa cho Lục vương gia Triệu Ngao: “Phụ vương, người đọc mà xem.”
Triệu Ngao xem thư xong cũng sững người.
Cảnh Vương gọi con trai vào thư phòng, hai cha con bàn bạc suốt một canh giờ, Cảnh Vương mới rời phủ tiến cung.
Đến khuya, tiểu thái giám trong cung đến truyền lời rằng hoàng đế giữ Cảnh Vương ngủ lại.
Nghe thế, Triệu Quỳnh thở phào nhẹ nhõm. Anh ta nói với Cảnh Vương phi: “Muội muội không phải làm dâu nước Liêu rồi.”
Hôm sau, Cảnh Vương về phủ, gọi Triệu Quỳnh vào thư phòng, lấy một cuốn sách từ trên giá xuống. Ông giở sách, rút bao thư kẹp trong trang sách ra. Triệu Ngao nhìn phong thư bằng ánh mắt phức tạp, cảm thán: “Ta và hoàng huynh biết nhau từ thuở ấu thơ, lớn lên bên nhau, nhưng năm mươi năm rồi mà ta vẫn không thể nhìn thấu tâm tư hoàng huynh. Quỳnh nhi, các quan trên triều đình tuy không chảy chung dòng máu hoàng tộc, nhưng giỏi đoán thánh ý hơn cha con ta không biết bao nhiêu lần!”
Nhìn phong thư, Triệu Quỳnh cũng xúc động.
Dạo gần đây, vì chuyện hòa thân mà phủ Cảnh Vương cứ như đưa đám, ai nấy khóc than. Triệu Quỳnh không nghĩ rằng Đường Thận lại gửi cho anh ta phong thư này. Trong thư, Đường Thận vạch ra ba hướng đi cho nhà họ.
“Chuyện hòa thân giữa Tống – Liêu như tên đã lên dây, không thể không bắn. Lòng thương em của Thế tử, trời đất cũng phải động lòng. Vì không thể giúp Thế tử tháo gỡ mối ưu phiền này, mấy hôm nay, không lúc nào Cảnh Tắc thôi trăn trở. Nay xin dốc chút tài hèn sức mọn, có đôi lời nhắn nhủ Thế tử như sau. Nếu muốn giữ gìn cho lệnh muội, Cảnh Tắc xin hiến ba kế.”
“Kế thứ nhất, đau yếu bệnh tật, khó lòng sang Tây.”
“Gió mây trên trời khó đoán, họa phúc đời người khó lường. Chuyện hòa thân là đại sự của hai nước, há phải chuyện chơi? Nếu quận chúa đau yếu trong người, tất nhiên không thể hòa thân. Song kế sách này có hai cái dở. Một là khiến Thánh thượng nghi kị, hai là hại đến danh tiếng của quận chúa.”
“Kế thứ hai, trời se duyên lành, đã có hôn phối.”
“Nếu dùng kế này, chỗ khó thứ nhất là phải kén được rể hiền; chỗ khó thứ hai là phải che dấu sao cho Thánh thượng không sinh nghi. Ngoài ra, kế này có thể làm lỡ dở chuyện chung thân đại sự của quận chúa.”
“Kế thứ ba, lấy tiến làm lùi, lấy công làm thủ.”
“Cảnh Vương là anh em ruột thịt của bệ hạ, nghĩa nặng tình sâu. Trời đông rét mướt, Cảnh Vương thường bầu bạn với bệ hạ, san sẻ đỡ đần. Anh em như thể tay chân, bệ hạ ắt không quên tình ấy. Nếu Cảnh Vương cầu kiến bệ hạ, chủ động xin gả ấu nữ rồi để bệ hạ thấy vương gia không nỡ, may ra có thể cứu vãn tình thế.”
“Mong Thế tử sớm được toại lòng, cầu được ước thấy.”
Hai kế đầu tiên không phải phủ Cảnh Vương chưa từng nghĩ đến, nhưng y như Đường Thận phân tích, làm theo hai kế ấy chẳng những khiến Triệu Phụ sinh nghi mà còn khiến quận chúa lỡ làng hôn nhân. Mà kế thứ ba đích thị là được ăn cả, ngã về không. Nếu Triệu Ngao chủ động gả con gái, Triệu Phụ chấp thuận ngay, thì Triệu Ngao mất cả chì lẫn chài.
Ngặt nỗi cả thành Thịnh Kinh chỉ có tiểu quận chúa phủ Cảnh Vương là nữ quý tộc phù hợp với yêu cầu nhất. Thậm chí hôm qua Triệu Ngao còn nghe phong thanh, Triệu Phụ đã có ý định gả con gái rượu của Cảnh Vương sang nước Liêu rồi. Đến nước này, chỉ đập nồi dìm thuyền mới có cơ may thắng lợi, không thành công thì thành nhân. Vì vậy, Triệu Ngạo bèn tiến cung, chủ động cầu kiến Triệu Phụ, xin cho con gái hòa thân với vua Liêu.
Trong điện Thùy Củng, Triệu Phụ nghe Cảnh Vương nói thế thì giật mình.
Hoàng đế Đại Tống cầm bút son, ngạc nhiên hết sức, lo lắng hỏi Triệu Ngao: “Sao bỗng dưng hoàng đệ lại nảy ra ý đấy?”
Triệu Ngao tâu: “Thần đệ là vương gia Đại Tống, có lí nào lại không góp sức vì Đại Tống? Dầu hoàng huynh không nói, thần đệ cũng biết không còn ai thích hợp hơn Uyển nhi. Dân chúng Thịnh Kinh gọi thần đệ là ‘Tiêu dao Vương gia’, hai chữ ‘Tiêu Dao’ ấy chẳng phải là mỉa mai thần đệ quá đỗi bất tài ư? Hiện giờ, vua Liêu đòi cưới công chúa Đại Tống, thần đệ giá nào cũng không thể nhắm mắt làm ngơ.”
Giọng Triệu Ngao hết sức khẩn khoản, nhưng bàn tay ông run rẩy, đến cả chòm râu cũng lẩy bẩy theo câu từ. Triệu Ngao cố nén nỗi xót xa không đành lòng, song chẳng thể giấu nổi đôi mắt Triệu Phụ. Ánh mắt Triệu Phụ nhìn Triệu Ngao sâu thăm thẳm. Hồi lâu, ông ta mới hỏi: “Hoàng đệ, những lời đệ nói có thật lòng không?”
Triệu Ngao run bắn: “Có ạ.”
Triệu Phụ than: “Từ bao giờ giữa huynh đệ chúng ta phải nói năng trang nghiêm đến thế!”
Vì thế, Triệu Phụ bèn giữ Triệu Ngao ngủ lại hoàng cung, hai anh em gối kề gối, tâm sự miên man, ôn lại biết bao chuyện từ thuở thơ ấu. Đế vương vui lắm, nhắc đến chuyện xưa, ông ta như được trở về thời thanh xuân. Sau ba mươi năm trị vì với trái tim máu lạnh, Triệu Phụ nhìn người anh em ruột thịt của mình, lòng trắc ẩn bỗng dậy lên.
Triệu Phụ vỗ về bàn tay Cảnh Vương, nói: “Hoàng đệ chớ lo, trẫm đã có cách.”
Triệu Ngao bấy giờ mới thở phào nhẹ nhõm.
Quả nhiên, mấy hôm sau, người được Triệu Phụ chọn làm dâu nước Liêu là quận chúa của cố Cửu vương gia. Từ khi Cửu vương gia qua đời, vương phủ không có ai dẫn dắt, Triệu Phụ cũng không ngó ngàng gì đến, thế là thành một chi hoàng tộc sa sút. Triệu Phụ kết nạp quận chúa vào hoàng thất, phong làm công chúa, rồi gả sang Liêu.
Vương phủ Cửu vương gia khóc than dậy trời dậy đất đến cỡ nào, người ngoài chẳng thể phán xét. Trái lại, các nhà khác trong thành Thịnh Kinh thì hân hoan ra mặt.
Gần đến năm mới, sứ thần Đại Liêu lục tục trở về nước.
Ngày hai mốt tháng Chạp, Đường Thận mặc triều phục, khoác áo choàng lông cáo ra đường. Cậu giơ tay, hứng lấy một bông hoa tuyết.
Vòm trời ảm đạm một màu xám ngắt, những bông tuyết nhẹ tênh mềm xốp rơi xuống đất, lặng lẽ trải thảm bạc trên mặt đường. Đường Thận quấn áo khoác kín mít đi bộ vào cung. Dự buổi chầu xong, cậu trở về điện Cần Chính, trước hết là đọc mấy bản tấu, rồi mới đệ trình lên. Được tầm một canh giờ thì Triệu Phụ gọi cậu vào điện Thùy Củng.
Đường Thận chỉnh trang quan phục, đội tuyết lớn đến điện Thùy Củng.
Vì không được mặc áo khoác đi diện kiến hoàng đế, nên cả quãng đường, Đường Thận rét đến nỗi tím bầm môi. May mà đến điện Thùy Củng, khi tiểu thái giám vén rèm cửa dày sụ lên cho cậu vào thì hơi ấm ùa ra.
Triệu Phụ ôm lò sưởi nhỏ, ngồi trên giường La Hán xơi hạch đào. Thái giám nhỏ đập vỡ vỏ hạch đào bằng một cây búa nhỏ, cẩn thận tách phần hạt ra, hoàng đế thỉnh thoảng lại ăn chút một.
Thấy Đường Thận đến, Triệu Phụ ngó cậu một hồi, bảo Quý Phúc: “Cảnh Tắc rét cóng luôn kìa, hôm nay càng lúc càng lạnh.”
Quý Phúc là người nhạy bén, lão hiểu Triệu Phụ quan tâm đến Đường Thận nên mới nói vậy. Quý Phúc mau mắn thưa: “Vừa rồi nô tỳ có ra ngoài một lúc. Quan gia không biết đó thôi, tuyết lớn mịt mùng, tai nô tỳ cứng đờ hết cả. Quan gia có cho phép nô tỳ lấy lò sưởi cho Đường đại nhân không ạ?”
Triệu Phụ không đáp mà phất tay: “Ban tọa.”
Hai tiểu thái giám kê một chiếc ghế cạnh chậu than, Đường Thận thi lễ rồi mới ngồi xuống: “Tạ ơn bệ hạ.”
Triệu Phụ không nói chuyện, vẫn thủng thẳng ăn hạch đào. Một lát sau, ông ta mới bảo: “Cảnh Tắc, có việc gì khiến ngươi muốn gặp trẫm đây? Bản tấu ngươi viết có ý hay, mỗi tội tuổi ngươi còn nhỏ quá!”
Đường Thận giật mình thon thót, nào dám ngồi thêm, vội vàng đứng lên cúi mình hành lễ. “Cách đây một tháng, thần có cơ hội tiếp xúc rất nhiều với các sứ giả nước Liêu trong quá trình tiếp đón họ. Là quan viên Đại Tống, thần dân Đại Tống, một tháng ấy khiến thần ăn không ngon, ngủ không yên. Càng tiếp xúc với sứ Liêu, thần càng thêm choáng váng khϊếp đảm.”
“Cách…” Thái giám trẻ đập vỡ vỏ một quả hạch đào, tiếng nứt vỡ âm vang trong điện Thùy Củng.
Triệu Phụ ngẩng đầu, nói: “Nhắc tới chuyện này, hình như từ lúc Lý Cảnh Đức hồi kinh, hắn vẫn đi cùng ngươi đúng không?”
Đường Thận suy nghĩ một chút: “Lòng Lý tướng quân gắn liền với miền Tây Bắc. Tướng quân lo sứ Liêu vào kinh có âm mưu khác, nên mới cùng thần gặp sứ Liêu.”
Triệu Phụ cười mắng: “Có chuyện gì xảy ra nổi kia chứ? Để đứa mãng phu như hắn đi giao thiệp với sứ giả mà ngươi cũng nghĩ ra được thì tài!”
“Thần có tội.”
“Chỉ cho phép một lần này thôi đấy.” Triệu Phụ nói, “Quan hệ Tống – Liêu thân thiết hòa hợp, công chúa cũng gần sang đến nước Liêu rồi. Cảnh Tắc à, ngươi đừng nghĩ ngợi quá làm gì.”
Đường Thận nhủ thầm: Tống – Liêu thân thiết hòa hợp ấy à? Chẳng biết ai là người làm bộ giả lả, vờ lẩm cẩm vô dụng trong buổi yến ở lầu Thăng Bình đặng chiều lòng sứ giả, rồi đến khi tan cuộc thì gọi Lý Cảnh Đức vào đài Đăng Tiên mắng như tát nước. Nếu Vương Trăn không nhắc chuyện này, Đường Thận còn không biết hôm ấy Triệu Phụ đã khiển trách Lý Cảnh Đức xử lí người Liêu thiếu chu toàn, khiến Triệu Phụ mất hết thể diện trước sứ giả!
Đại Tống không đánh lại Đại Liêu; Đại Liêu tạm thời không muốn hao phí sức nước vào việc thôn tính Đại Tống.
Đây là tình thế hiện tại.
Vậy mà lúc này Triệu Phụ lại nói “Tống Liêu hòa hợp với nhau”?
Đúng là sĩ diện chỉ tổ hại thân!
Song Đường Thận không thể vạch trần chuyện ấy, bèn nương theo ý hoàng đế để khuyên: “Bệ hạ dạy phải, thần hiểu. Có điều, mép giường há để người dưng ngủ kềnhTruyenHD? Bệ hạ, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Thần xin cả gan khuyên, tuyệt đối không được khinh thường người Liêu.”
Triệu Phụ tỏ vẻ trầm tư, thở dài nói: “Thôi thì, Cảnh Tắc lo cũng không phải vô căn cứ.”
Trong điện Thùy Củng, Quý Phúc phất cây phất trần, khôn khéo đứng nép sang bên. Khởi Cư lang và Khởi Cư xá nhân múa bút hăng say, ghi chép cuộc gặp gỡ giữa Đường Thận và hoàng đế.
Đường Thận chắp tay vái, cung kính thưa: “Thần cho rằng, đối mặt với nước Liêu, chúng ta không thể vờ như không thấy được. Trước khi trở lại U Châu, Lý tướng quân có nói với thần rằng, nếu cho tướng quân mười năm, ngài ấy có thể xây dựng được một lực lượng không thua kém gì thiết kỵ nước Liêu.”
Bàn tay bốc hạch đào của Triệu Phụ sững lại. Mắt sáng lấp lánh, ông ta ngẩng lên nhìn Đường Thận, nôn nóng hỏi: “Lý Cảnh Đức nói thế ư?”
Đường Thận gật đầu, nói như đinh đóng cột: “Vâng, Lý tướng quân đã nói vậy.”
Nơi ngàn dặm xa xôi, Chinh Tây nguyên soái Lý Cảnh Đức đang luyện quân dở trong thành U Châu, bỗng hắt xì hơi một cái. “Thằng người Liêu chết đâm nào đang mưu hại ông thế nhỉ?”
Trong điện Thùy Củng, Đường Thận nói tiếp: “Tuy vậy, việc luyện quân không thể diễn ra chỉ trong một sớm một chiều, cũng không thể làm một lần xong ngay. Để rèn giũa quân đội chẳng những cần thời gian mà cần cả tiền bạc. Ty Ngân Dẫn ở Tây Bắc có nhiệm vụ hết sức then chốt. Thần cho rằng, nếu ty Ngân Dẫn và quân Phi Long phối hợp với nhau, chung sức đồng lòng, nhất định có thể tạo nên một đội kỵ binh hùng dũng không thua kém gì đội quân nước Liêu.”
Nghe vậy, nét mặt Triệu Phụ giãn hẳn ra, vui vẻ nhẹ nhõm. Chợt, ông ta sực nhớ ra điều gì, vẻ mừng rỡ trong ánh mắt nhạt đi đôi chút. Ông ta nhẹ giọng hỏi Đường Thận: “Tử Phong nói với ngươi thế à?”
Đường Thận ngẩn người, cẩn thận đáp: “Vương đại nhân có thảo luận chuyện này với thần.”
Điện Thùy Củng lặng im trong chốc lát. Triệu Phụ thở dài: “Sư huynh đệ các ngươi đúng là đồng tâm hiệp lực, cống hiến vì trẫm.”
Đường Thận cúi đầu, không nói câu nào.
Triệu Phụ lại nói: “Chuyện ty Ngân Dẫn và những điều ngươi trình bày trong bản tấu, trẫm đã đọc rồi. Những việc này đều thuộc bổn phận của Vương Tử Phong chứ không can hệ gì đến ngươi. Nhưng Cảnh Tắc này, trong tấu chương của ngươi có đề cập đến chuyện kia…Thực ra trẫm vẫn chưa hiểu lắm. Ý tưởng của ngươi là gì?”
Đường Thận ngẩng đầu lên tâu: “Thần cho rằng, ty Ngân Dẫn không nên chỉ giới hạn ở việc quân sự. Nếu dùng ty Ngân Dẫn như vậy thì không phát huy hết được hiệu quả.” Cậu không hề nhắc rằng mục đích trên hết của Triệu Phụ khi thiết lập ty Ngân Dẫn là để thúc đẩy công cuộc chuyển đổi tiền tệ trên cả nước thông qua ty Ngân Dẫn sau nhiều năm nữa, vì chuyện này Đường Thận không được phép biết. Thế là cậu nói: “Ty Ngân Dẫn cũng có thể xâm nhập vào nội bộ nước Liêu, thăm dò tình hình địch!”
Triệu Phụ lặng yên nhìn Đường Thận, Đường Thận bị săm soi đến mức trống ngực đổ liên hồi.
Đường Thận là Trung Thư xá nhân, chức quan này không có chức trách cụ thể như Thượng thư Lục bộ hay Đại nguyên soái. Quan thuộc Trung Thư tỉnh phần lớn đều giống Đường Thận, chức vụ của bọn họ chỉ là bề ngoài, còn nhiệm vụ chính của họ là phụng sự hoàng đế, san sẻ lo toan với hoàng đế.
Hôm nay, việc Đường Thận trực tiếp xin yết kiến Triệu Phụ mà không thông qua Từ Bí không thể coi là vượt quyền, nhưng cũng đồng nghĩa với việc cậu không coi mình là thành viên của Từ đảng.
Đường Thận là người của Hoàng đảng, chỉ trung thành với hoàng đế mà thôi.
Hai năm qua, Từ Bí không bao giờ lôi kéo Đường Thận về phe mình, ông tin tưởng cậu thực sự. Đổi lại, Đường Thận cũng tin tưởng ông.
Thình lình Triệu Phụ cười phá lên: “Trẫm không ngờ, chuyện này ngươi và Phỉ Nhiên chẳng mưu mà hợp!”
Đường Thận giật thót.
…Phỉ Nhiên?
Tô Ôn Duẫn?!