Chương 1: Tôi luôn nghĩ cái mình bán là Nụ cười
Tiếng chửi mắng vẫn văng vẳng bên tai. Tôi cất kỹ xấp tiền màu hồng đã được đóng dấu □□ trên tay, rồi thở dài một tiếng.
Chị Tào bước tới, vỗ vỗ vai tôi: “An Nhiên, đừng để tâm… Ai bảo mình làm nghề này… Mấy chuyện này khó tránh khỏi lắm…”
Làm dịch vụ rất khó. Đó làm cảm nhận chân thật của tôi sau hơn một năm hành nghề.
Sau khi tôi tốt nghiệp đại học vào năm 2008, gia đình đã nhờ em-trai-chị-họ-dượng-tôi nhét tôi vào làm nhân viên thu ngân cho một ngân hàng trong thành phố L. Từ đó, bố mẹ xem như yên lòng, dặn dò tôi nhất định phải chăm chỉ làm việc, đừng có cà lơ phất phơ.
Trong mắt người khác, công việc này có lẽ không tệ. Theo lời bố tôi nói thì “mưa chẳng dập gió chẳng lùa”, chẳng qua chỉ ngồi đó đánh máy, đếm tiền. Quan trọng nhất là thu nhập cũng khá, chí ít cũng thuộc dạng lương cao ở một nơi bé tí như thành phố L. Thực ra nói vậy không sai. Nhưng trên đời làm gì có chuyện được lương cao một cách dễ dàng. Dù có cũng chẳng đến lượt những người dân bình thường như chúng ta.
Tôi chỉ biết cười khổ gật đầu. Tôi mà nói gì khác thì sẽ bị xem là “thân ở trong phúc mà không biết”, dù tôi thực sự không cảm thấy có gì hạnh phúc cả.
Hạnh phúc là sự cảm khái khi bạn rơi vào một tình huống tệ hơn và hồi tưởng về ngày xưa. Tiểu Lý, cũng là nhân viên thu ngân, đã nói như vậy. Nó thở dài: “An Nhiên, ông vẫn còn non lắm…”
Xí, tất nhiên rồi, người bị chửi thẳng vào mặt đâu phải bà, nên bà mới dửng dưng nói thế.
Hai kẻ đó cầm tiền giả đến chỗ tôi đổi tiền lẻ. Tôi chỉ không nhận theo đúng quy định. Đấy là chức trách của ngân hàng, là nghĩa vụ của ngân hàng, là để duy trì trật tự tài chính bình thường, duy trì tôn nghiêm của đồng nhân dân tệ… Trên đây chỉ là chém gió. Quan trọng nhất là nếu tôi không tịch thu mà bị tra ra, tôi sẽ mất miếng cơm manh áo được chưa… Cái văn phòng bé tí này gắn những 30 cái camera. Ngoài nhà vệ sinh ra thì không còn góc chết nào nữa. Thỉnh thoảng phía trên lại cho người đến mở băng ghi hình ra kiểm tra bất chợt. Trước giờ số tôi rất đen, không nên mạo hiểm thì hơn. Ăn chửi thôi mà, cứ xem như nghe chó sủa vài tiếng vậy. Dù tôi vẫn phải mỉm cười lắng nghe, dù tôi tức đến run cả tay, dù tôi rất muốn nhào ra phân bua với họ rằng: “Ai bảo mày mắt chó mắt đui đi nhận tiền giả mà còn bày đặt đến ngân hàng đổi tiền! Bố mẹ tiên sư nhà tao chọc đau mày chỗ nào mà mày đem ra X từ trên xuống dưới…”, nhưng tôi đang mặc đồng phục công ty, đeo bảng tên công ty, ngồi ở ví trị này thì tôi phải nhịn. Tôi chẳng nói chẳng rằng, mặt mày cú rũ mặc cho người ta chửi. Trong lòng chỉ kiên định một niềm tin: “Nể mặt tiền lương, nể mặt tiền thưởng, nể mặt các loại tiền nong…”
Tôi nghĩ tôi chính là loại người như vậy. Đôi lúc tôi rất hận mình. Sao lại vô dụng như thế! Chị Tào nói những chuyện này mọi người đều gặp qua, em phải quen với điều đó đi. Thôi được, tôi có bố mẹ phải nuôi, có nhà phải mua, có vợ phải cưới, tôi cần công việc này. Tôi chỉ biết khuyên nhủ chính mình trước gương: “An Nhiên à, có giỏi thì tìm một công việc tốt hơn rồi mày hãy gây sự. Kém cỏi thì mày cứ ở đây chịu đựng cho đến khi không chịu được nữa…”
Ở quầy ngân hàng, những chuyện thế này nhiều không đếm xuể. Nhỡ như gặp phải mấy khách õng ẹo, chê hết cái này đến cái khác, chỉ cần một cú điện thoại qua bên chăm sóc khách hàng là mình lại phải tươi cười xin lỗi. Tôi luôn nghĩ cái mình bán là nụ cười. Ở Trung Quốc, những cô gái bán hoa cũng hay được gọi là những kẻ bán nụ cười.
Tối hôm đó sau khi tan làm, tôi hẹn Ngô Việt, thằng bạn cấp ba, đi ăn để xả bầu tâm sự. Nó hiện đang làm bên Di Động, ngày xưa lúc nào cũng ngưỡng mộ tôi vì mọi người đến các điểm giao dịch Di Động đều như ông nội người ta, đến ngân hàng thì như con như cháu. Tôi bảo: “Tụi mày không phải thân cháu, tụi tao mới là thân cháu đây.” Sau đó, tôi cầm nửa ly rượu trắng lên định nốc thẳng vào trong họng thì Ngô Việt kéo ngay tay tôi lại, tước mất cái ly: “Xời, làm gì đến mức đó? Chẳng qua chỉ bị chửi vài câu thôi mà? Cũng đâu phải lần đầu tiên. Đàn ông con trai chẳng lẽ tí rộng lượng này cũng không có? Tốt xấu gì tụi mày còn cách một lớp kính chống đạn! Con bé trực quầy ở chỗ tụi tao bị người khác bứt tung cả nút đồng phục, mà người ta cũng đâu làm sao, về nhà khâu lại ngày mai lại đi làm bình thường… Thôi thôi, đừng uống nữa!”
Hôm đó nhờ sự ngăn cản của nó mà cuối cùng tôi chả hề say. Thực ra tôi cũng cảm thấy không đáng. Chỉ là có những chuyện có thể thành thói quen, có những chuyện chỉ có thể tích tụ thành hờn oán, mà còn là kiểu càng tích càng nhiều…
Chơi bời đã đời với Ngô Việt, chúng tôi ai lại về nhà nấy.
Khu ký túc của tôi không xa, đi bộ hai mươi phút là đến.
Chín giờ hơn, thành phố L vẫn rất huyên náo. Đèn đóm của những tấm biển quảng cáo siêu to không ngừng thay đổi màu sắc và hình dạng. Dòng người tấp nập trước cổng trung tâm mua sắm. Dưới sự bảo vệ của đêm tối, nhân lúc ban quản lý đô thị đã tan ca, các con buôn tranh thủ bày bán bên vệ đường.
Ai biết vì lý do gì mà bước chân của tôi đã dừng lại khi nhìn thấy một cụ già đang quỳ dưới đất dập đầu liên tục. Những người ăn xin thế này ở đâu cũng có. Bình thường tôi sẽ hoàn toàn lờ đi. Cho dù người ta chạy theo xin tiền, tôi cũng chỉ cho họ một cái nguýt mắt. Suy cho cùng, tôi thực sự không phải là một người tử tế lương thiện gì. Ngô Việt luôn nói tính tôi lập dị, không keo kiệt cũng không bủn xỉn, chỉ là tiền bạc tính toán rất chi li, một đồng một cắc cũng chấp nhất. Tôi bảo âu cũng là bệnh nghề nghiệp. Sổ sách trong ngân hàng lúc nào cũng phải không thiếu cắc nào. Nó bảo tôi chém gió, vừa đi làm một năm đâu ra lắm bệnh nhiều tật đến thế. Nó bảo tôi vốn là dạng người thích chấp nhất từng củ tỏi cọng lông. Thực ra tôi không chấp nhất, tôi chỉ cảm thấy chuyện tiền nong thì phải minh bạch, rõ ràng.
Hôm đó không biết sao tôi lại chập mạch. Chắc là vì thấy cuộc sống của ai cũng không dễ dàng, nên tôi mới bất ngờ mò một đồng xu trong túi ra ném vào cái bát mẻ trước mặt cụ già. Chẳng buồn ngẩng đầu, cụ vái mạnh mấy cái. Trong miệng lẩm nhẩm gì đó, tôi cũng không nghẽ rõ.
Đi thêm hai bước, trực giác nói với tôi rằng có gì đó không ổn, có ai đó đang nhìn tôi. Ngước mắt nhìn sang, quả nhiên, chỗ cách cụ già chưa tới bốn mét còn một người nữa.
Chỗ đó ánh sáng không tốt, chỉ có thể nhìn thấy đại khái góc cạnh khuôn mặt của người đó. Hắn ngồi dưới đất, hai tay ôm gối, co ro trong gió lạnh tháng mười. Hắn quay mặt về phía tôi, nhìn không rõ mắt mũi. Tóc mái rất dài che non nửa khuôn mặt, cảm giác có vẻ nhỏ tuổi. Dòng người qua lại rất đông, nhưng tôi cảm thấy hắn đang nhìn mình. Thế là, tôi đã làm điều ngu ngốc thứ hai trong buổi tối đó. Tôi bước đến trước mặt hắn, móc từ trong túi ra một đồng xu khác, ném cái “cách” xuống bên chân hắn.
Tôi thấy được hắn thoáng ngơ ra một lúc, sau đó cứng nhắc nhặt đồng xu lên nhìn. Rồi một cái huơ tay, đồng xu vẽ ra một đường cong màu bạc giữa không trung, đập lên người tôi, rồi lại rớt xuống đất.
Trong lúc tôi đang kinh ngạc, người đó thu tay về nhấc tấm biển cạc tông bên cạnh lên, huơ hươ bâng quơ mấy cái. Ban nãy tôi thực sự không để ý, giờ nhìn kỹ lại, trên bảng viết bốn chữ to: “Tìm việc thời vụ”.
“Tôi không phải ăn mày!” -Hắn nói. Giọng nói trong trẻo, mang theo cái mát của gió đêm lùa vào tai tôi. Tôi ngơ ngác nhìn hắn, còn hắn thì cúi đầu. Tôi chỉ kịp nhìn thấy khoảnh khoắc ánh đèn neon lập lòe rọi vào trong mắt hắn, rực rỡ sắc màu. Sau đó hắn đặt tấm biển lại ngay ngắn, tiếp tục tư thế bó gối trước đó, không đoái hoài gì đến tôi nữa.
Đệt, muốn làm việc thiện cũng không xong. Hôm nay đúng là xui tới bến.
Tôi nhặt đồng xu dưới đất lên, bỏ vào trong túi lại, lặng lẽ bỏ đi.
Nằm trên chiếc giường đơn của ký túc xá, tôi đặt tay lên ngực. Chỗ đồng xu đáp xuống lúc dội ngược về có tí đau nhức. Tất nhiên đó chỉ là ảo giác, cảm giác đau nhức đó không nằm trên da thịt. Tôi biết đó là vết thương bên trong.
Sinh tồn và tôn nghiêm, tôn nghiêm của sinh tồn, người đó chỉ ném sự lựa chọn của hắn vào điểm yếu của tôi.
“An Nhiên, chín chắn tí đi, kệ nó tôn nghiêm hay không tôn nghiêm, sống tốt là được rồi!” -Tôi khuyên chính mình. Nhưng tôi sống có tốt không? Tốt cái rắm ấy.
*** 1 ***