Khi nước sôi, tôi uối và một nắm spaghetti vào. Tôi hẹn giờ là mười phút rồi rửa các thứ trong chậu rửa. Tuy nhiên, ngay cả khi đĩa spaghetti nóng sốt đã đặt ngay trước mắt, tôi vẫn không muốn ăn chút nào. Cố lắm tôi mới ăn hết một nửa, chỗ còn lại thì đổ đi. Chỗ xốt còn thừa tôi trút vào lọ rồi cất trong tủ lạnh. Cái chính là không muốn ăn thì biết làm thế nào?
Tôi nhớ đã lâu rồi tôi có đọc câu chuyện một người đàn ông cứ ăn liên tục trong khi đợi một điều gì đó xảy ra. Nghĩ hồi lâu tôi mới nhớ ra, đó là truyện Giã từ vũ khí của Hemingway. Nhân vật chính (tôi quên tên anh ta rồi) tìm cách trốn từ Ý sang Thụy Sĩ bằng thuyền và nán lại ở thị trấn Thụy Sĩ bé nhỏ đó để chờ vợ sinh, suốt thời gian đó anh ta thường xuyên sang quán cà phê bên kia đường để ăn uống. Tôi hầu như chẳng nhớ cốt truyện thế nào nữa. Trong kí ức tôi chỉ in đậm mỗi một đoạn gần cuối truyện trong đó nhân vật chính đi ăn hết bữa này đến bữa khác trong khi đợi vợ sinh ở xứ người. Lý do khiến tôi nhớ rõ đoạn đó đến vậy là vì tính hiện thực mãnh liệt của nó. Tôi cảm thấy, xét về mặt văn chương, việc nhân vật chính càng lo lại càng ăn ngon có vẻ thật hơn nhiều so với nếu anh ta vì lo mà ăn mất ngon.
Tuy nhiên, trái ngược với Giã từ vũ khí, tôi hoàn toàn mất cảm giác ăn ngon trong khi dõi theo những chiếc kim đồng hồ trong căn nhà câm lặng này, chờ một điều gì đó xảy ra. Đột nhiên tôi nảy ra ý nghĩ rằng tôi ăn mất ngon là bởi trong tôi thiếu cái cảm thức về thực tại văn chương đó. Tôi cảm thấy hình như mình đã trở thành một phần của một cuốn tiểu thuyết viết tồi, và ai đó đang chỉ trích rằng tôi đây hoàn toàn không có tính hiện thực. Có lẽ đúng vậy thật.
° ° °
Cuối cùng, ngay trước 2 giờ trưa điện thoại cũng reo.
- Đây có phải là nhà của ông Okada không ạ? - một giọng đàn ông lạ hỏi. Giọng một thanh niên, trầm và khá dễ nghe.
- Phải, - tôi đáp, giọng hơi căng thẳng.
- Khu số 2, nhà số 26?
- Đúng vậy.
- Cửa hàng rượu bia Omura gọi đây ạ. Chúng tôi rất cám ơn ông đã là khách hàng thường xuyên của chúng tôi. Tôi sắp đi thu tiền, nên tôi gọi để xem liệu lúc này có tiện cho ông không.
- Thu tiền ấy à?
- Vâng ạ, ông còn phải thanh toán hai két bia và một két nước quả.
- Ờ, được. Tôi còn ở nhà thêm một lát nữa, - tôi nói cho xong chuyện.
Gác máy xong, tôi tự hỏi liệu cuộc trò chuyện vừa rồi có hàm chứa thông tin gì về Kumiko không. Nhưng xét từ mọi góc độ, nó chẳng qua chỉ là cuộc trao đổi ngắn gọn và thực tế của một cửa hàng rượu bia về việc thu tiền. Tôi đã đặt mua của họ bia và nước quả, họ đã giao hàng cho tôi, điều đó thì đúng. Nửa giờ sau anh chàng kia đến, tôi liền trả tiền hai két bia và một két nước quả cho anh ta.
Anh chàng dễ mến vừa mỉm cười vừa ghi biên lai.
- Ông Okada này, nhân thể, ông có nghe nói về vụ tai nạn gần nhà ga sáng nay không? Lúc khoảng chín rưỡi ấy.
- Tai nạn à? - tôi hỏi, sững cả người. - Ai bị vậy?
- Một con bé con, - anh ta đáp. - Nó bị một chiếc xe tải nhỏ đang lùi chẹt phải. Nghe nói bị thương khá nặng. Tôi đi ngang đó thì tai nạn vừa xảy ra xong. Mới sáng sớm mà đã thấy cảnh đó thì sợ thật. Cái lũ lau nhau ấy thì tôi sợ chết khϊếp, vì chúng bé quá, mình nhìn kính chiếu hậu có thấy chúng đâu. Ông biết ông chủ hiệu giặt là ở gần nhà ga chứ? Tai nạn xảy ra ngay trước hiệu ấy. Người ta dựng xe đạp cả ở đó, bao nhiêu là hộp chất đống lên, nhìn chả thấy gì hết.
Anh ta đi rồi, tôi cảm thấy không thể nấn ná ở nhà thêm một phút nào nữa. Bỗng dưng nơi này trở nên nóng bức, ngột ngạt, ẩm thấp, chật chội. Tôi mang giày rồi hấp tấp ra khỏi nhà. Thậm chí tôi không khóa cửa. Tôi để cửa sổ mở, không tắt đèn dưới bếp. Tôi đi lang thang quanh khu nhà mình, miệng mυ'ŧ kẹo chanh. Khi ôn đi ôn lại trong đầu những lời của tay nhân viên cửa hàng rượu bia, dần dần tôi mới nhớ ra mình có gửi mấy món đồ nơi hiệu giặt gần nhà ga, vẫn chưa lấy. Áo cánh và váy của Kumiko. Biên nhận đang nằm ở nhà, nhưng nếu tôi cứ tới hỏi thì chắc ông chủ cũng đưa cho tôi thôi.
Khu nhà tôi ở trông khang khác. Những người tôi đi ngang qua trên phố đều có cái nhìn không tự nhiên, thậm chí giả tạo nữa. Đi ngang qua ai, tôi đều quan sát kỹ gương mặt họ mà tự hỏi họ là loại người nào. Họ sống trong những loại nhà nào? Họ có gia đình như thế nào? Họ sống theo lối nào? Họ có ngủ với những người đàn bà khác ngoài vợ mình hay những người đàn ông khác ngoài chồng mình không? Họ có hạnh phúc không? Họ có biết trông bộ dạng họ phi tự nhiên và giả tạo đến nhường nào không?
Bên ngoài hiệu giặt là vẫn còn thấy rõ dấu vết vụ tai nạn lúc sáng: trên mặt đất là vệt phấn của cảnh sát; gần đó môt chủ cửa hiệu vẫn đang bàn tán về vụ tai nạn, vẻ mặt nghiêm trọng. Nhưng bên trong hiệu giặt thì vẫn như mọi khi. Vẫn chiếc máy nghe nhạc màu đen phát cũng loai nhạc êm dịu đó, vẫn chiếc máy điều hòa nhiệt độ kiểu cũ kêu ro ro ở đằng sau, vẫn những làn mây hơi nước bay nghi ngút từ bàn là lên tới trần nhà. Bài hát đang phát là bài Triều xuống. Robert Maxwell, chơi thụ cầm. Tôi chợt nghĩ giá bây giờ được ra biển thì tuyệt biết mấy! Tôi hình dung mùi bãi biển và tiếng sóng vỗ bờ. Những con hải âu. Lon bia lạnh như đá.
Tôi chỉ nói với chủ hiệu rằng tôi quên biên nhận.
- Tôi mang tới cho ông đâu như thứ Năm hay thứ Sáu tuần trước. Một áo cánh, một váy.
- Okada... Okada... - anh ta vừa nói vừa lật một các trang cuốn vở học sinh. - Ừ, đây rồi. Một áo cánh, một váy. Nhưng bà Okada lấy rồi.
- Lấy rồi? - tôi sững sờ.
- Sáng hôm qua. Tôi nhớ rõ chính tôi đã đưa cho bà ấy mà. Bà ấy đang trên đường đi làm thì ghé qua. Mang theo cả biên lai nữa.
Tôi không biết trả lời anh ta như thế nào nữa. Tôi chỉ còn biết trân trối nhìn anh ta.
- Ông về hỏi bà nhà xem. Bà ấy lấy rồi mà, chắc chắn.
Anh ta rút một điếu trong hộp thuốc lá trên quầy, cho lên môi rồi bật lửa châm.
- Sáng hôm qua? - tôi hỏi. - Không phải chiều chứ?
- Buổi sáng, chắc chắn mà. Lúc tám giờ đúng. Hôm đó vợ ông là người mở hàng cho tôi. Chuyện như vậy tôi không quên đâu. Khi mà khách hàng đầu tiên của mình là một thiếu phụ trẻ thì mình thấy dễ chịu lắm chứ, phải không nào?
Tôi không rặn nổi một nụ cười để đáp lại anh ta, giọng nói tôi phát ra nghe như không phải giọng tôi.
- Ồ thôi, vậy là được rồi. Xin lỗi, tôi không biết cô ấy đã lấy rồi.
Anh ta gật đầu, liếc tôi rồi dụi tắt điều thuốc chỉ mới phì phèo hai ba hơi, lại đi là quần áo. Hình như anh ta bắt đầu thấy quan tâm đến tôi, muốn nói với tôi điều gì đó như rốt cuộc lại quyết định không nói gì hết. Tôi cũng có những điều muốn hỏi anh ta. Khi Kumiko đến lấy đồ giặt trông nàng như thế nào? Nàng mang theo cái gì? Nhưng tâm trí tôi rối bời, lại còn khát cháy cổ. Điều tôi muốn nhất bây giờ là ngồi xuống đâu đó uống một cái gì mát lạnh. Tôi cảm thấy đó là cách duy nhất để may ra tôi lại có thể nghĩ ngợi về một điều gì.
Tôi đi thẳng từ hiệu giặt là tới quán cà phê cách đó mấy căn rồi gọi một cốc trà đá. Trong quán khá mát mẻ, tôi lại là người khách duy nhất. Những chiếc loa nhỏ gắn trên tường đang phát bản Tám ngày một tuần của Beattle biên soạn lại cho dàn nhạc. Tôi lại nghĩ đến biển. Tôi hình dung mình chân trần bước men theo mép bãi biển. Cát nóng rẫy, gió mang nặng mùi thủy triều. Tôi hít sâu vào ngực rồi nhìn lên bầu trời. Duỗi hai bàn tay ra, lòng bàn tay ngửa lên trời, tôi cảm thấy nắng hè nóng bỏng tuôn vào đó. Một làn sóng lạnh giá vỗ vào chân tôi.
Xét theo cách nào đi nữa, việc Kumiko ghé lấy đồ giặt trên đường đi làm thật là lạ. Một mặt nàng sẽ phải chen lên tàu điện chật ních người trong khi tay cầm mấy chiếc áo váy vừa là xong, còn treo nguyên trên móc. Rồi nàng còn phải lặp lại như thế một lần nữa trên đường về nhà. Làm thế nàng không chỉ thêm bận tay mà công phu là ủi thẳng thớm của người ta sẽ hóa thành vô ích, áo váy sẽ nhàu hết. Gì chớ những chuyện ấy thì Kumiko kỹ tính lắm, tôi khó lòng hình dung nàng sẽ làm một việc vô ích như vậy. Nàng có thể ghé lấy trên đường đi làm về cơ mà. Hoặc nếu về muộn, nàng có thể nhờ tôi lấy. Chỉ có thể có một lý do thôi: nàng đã biết trước là nàng sẽ không về nhà. Cầm áo cánh và váy trong tay, nàng có thể đi bất cứ đâu. Bằng cách đó nàng sẽ có ít nhất một bộ đồ để thay, những thứ còn lại nếu cần thì đều có thể mua được. Nàng có thẻ tín dụng, thẻ rút tiền, lại có tài khoản ngân hàng riêng. Nàng có thể muốn đi đâu cũng được.
Và nàng đi với một người nào đó - một người đàn ông. Không có lý do nào khác để nàng bỏ nhà đi cả.
Thế này thì nghiêm trọng đây. Kumiko biến mất, để lại toàn bộ quần áo, giày dép. Nàng xưa nay vẫn thích mua sắm quần áo, nàng dành cho việc đó bao nhiêu là tâm trí và công sức. Bỏ nhà ra đi mà hầu như không mang theo một thứ gì, nàng ắt hẳn phải có một quyết tâm dứt khoát lắm. Đã vậy còn hầu như chẳng chút do dự - ít nhất là tôi cảm thấy vậy -, nàng đi khỏi nhà chỉ mang theo mỗi một chiếc áo cánh và một chiếc váy. Không, hẳn là lúc ra đi, quần áo là thứ nàng ít nghĩ tới hơn cả.
Tựa mình vào ghế, lơ đãng nghe thứ nhạc nền sạch sẽ đến khó chịu, tôi hình dung Kumiko đi trên tàu điện chật ních người, tay ôm áo váy vẫn còn nguyên móc áo gói trong túi nhựa của hiệu giặt. Tôi nhớ lại màu chiếc áo váy nàng mặc, mùi nước hoa sau tai nàng, tấm lưng mịn màng trắng muốt của nàng. Hẳn là tôi kiệt sức rồi. Tôi cảm thấy nếu nhắm mắt lại, tôi sẽ trôi đến nơi nào khác; tôi sẽ rơi vào một chỗ hoàn toàn khác.