Đường bộ đi từ thành phố Siêm Riệp tới Biển Hồ chỉ hơn mười cây số, nhưng chẳng hiểu sao xe hơi chạy đã gần hai giờ mà vẫn chưa tới. Bà Kham Sô nhận ra điều bất thường nhưng không dám lên tiếng hỏi. Bởi người ngồi bên cạnh bà không phải là cô con gái đanh đá mà là... xác chết của Mỹ Lệ.
Kể từ khi tỉnh lại sau cơn ngất ở phòng khách sạn thì bà Kham Sô đã nhận ra mình ngồi chung băng ghế với cái xác ma, nhưng dẫu có muốn rút tay ra khỏi bàn tay lạnh giá kia thì cũng chẳng làm sao rút được, nên đành ngồi im trong nỗi sợ hãi tột cùng.
Thậm chí muốn lên tiếng hỏi tài xế Hiệp đang lái xe mà cũng chẳng làm sao hỏi được. Phải đợi đến khi xe ngừng lại ở một bụi cây rậm rạp, lúc ấy bà Kham Sô mới thu hết can đảm cất tiếng hỏi:
- Con Sam SơRi đâu rồi?
Tài xế Hiệp không trả lời, mà cái xác bên cạnh bà ta lại bất thần cử động và cất tiếng yếu ớt:
- Con đây!
Bà Kham Sô kịp nhìn lại và hết sức kinh hãi khi người ngồi cạnh mình lại là con gái, chớ không phải xác ma. Điều này quá đỗi lạ, bởi rõ ràng lúc lên xe chạy gần một giờ đồng hồ thì chắc chắn người này chính là cái xác kia. Vậy mà sao bây giờ lại là...
- Sao lại là con, Sơ Ri?
Giọng của SơRi nghe hơi khác thường, có lẽ vì quá sợ hãi:
- Bộ má không muốn đem con theo sao?
- Trái Iại, má đang sợ bỏ con lại đó một mình. Nhưng lúc nãy chính mắt má thấy...
Sam SơRi chưa kịp đáp thì lúc ấy cánh cửa xe tự nhiên bật mở ra rồi hai mẹ con như bị ai đó xô ra khỏi băng ghế và sau đó tự động bước về phía trước mặt. Người đi trước dẫn đường là tài xế Hiệp. Anh ta chẳng nói lời nào, cứ lầm lủi bước nhanh. Mà anh ta càng đi nhanh thì mẹ con bà Kham Sô đi phía sau càng mệt, bởi phải cố bước cho kịp. Khoảng nửa giờ sau thì tới chỗ bến nước, mà vừa kịp nhìn thấy bà Kham Sô đã hoảng sợ:
- Biển Hồ đây sao?
Đây là lần đầu tiên bà ta nhìn thấy cái biển mênh mông này. Mặc dù cách có hơn bốn tháng bà cũng đã một lần ngồi trên thuyền xuôi dòng sông Konpong Thom, nhưng lần đó chỉ ra tới gần cửa sông thì thuyền đậu lại, để cho đám thủ hạ của Sáu Đen đi tiếp. Còn lần này được trực tiếp nhìn cả một vùng hồ rộng lớn ngoài sức tưởng tượng, bà Kham Sô chợt run lên và hai chân như rũ xuống, không còn bước đi bình thường được nữa. Lúc này tài xế Hiệp mới từ từ quay lại, vừa cất tiếng:
- Nóng nực quá nên mệt, bước đi không nổi hả bà chủ? Vậy thì hãy đi nhanh xuống ghe để rồi còn tắm nước hồ cho mát chớ!
Nghe giọng nói đúng là của tài xế Hiệp, nhưng gương mặt anh ta thì không phải. Mà là... chính là gương mặt của... Mỹ Lệ!
- Trời ơi!
Mặc cho tiếng kêu thất thanh của bà ta, người có thân xác là tài xế Hiệp, nhưng mang gương mặt của Mỹ Lệ vẫn bình thản vừa đi vừa nói:
- Xuống ghe nhanh lên, mọi người đang đợi!
Mẹ con bà ta ríu ríu nghe lời. Họ cùng bước lên chiếc ghe có mui đang đậu chờ sẵn. Vừa trông thấy chiếc ghe bà Kham Sô đã ngờ ngợ rồi chợt kêu lên:
- Chiếc ghe ấy đây mà.
Bà nhớ rất rõ, hơn bốn tháng trước, chính bà đã bỏ tiền ra mướn chiếc ghe có cái mui màu xanh này cho bọn đàn em Sáu Đen đưa người phụ nữ tội nghiệp tên Mỹ Lệ xuống để đem đi thủ tiêu.
- Không... tôi không...
Bà và cô con gái cố vùng thoát chạy trở lên bờ nhưng bỗng cả thân người họ bị nhấc bổng Iên, rồi nhẹ nhàng rơi lên sàn ghe và... nằm bất động.
- Nhổ neo!
Lệnh ban ra từ miệng của Mỹ Lệ. Sam SơRi còn lơ mơ tỉnh, cô cố nói bên tai mẹ:
- Mẹ cố chạm vào người của Hiệp xem... người ta nói ma mượn lốt người khác thì chỉ cần chạm vào chân nó thì nó sẽ hiện lại nguyên hình. Má thử chạm đi...
Bà Kham Sô sợ điếng hồn nên đâu dám. Sam SơRi phải bất thần chụp lấy tay bà ta rồi đưa chạm vào chân của Hiệp đang đứng kế bên. Một tiếng ré lên như tiếng heo kêu, rồi cả thân người của Hiệp đổ ngay xuống bên cạnh mẹ con họ. Lúc này gương mặt của Hiệp đã trở về nguyên trạng, nhưng anh ta nằm im như chết. Bà Kham Sô cố gào lên:
- Dậy đi Hiệp!
Nhưng mặc cho bà ta cố kêu gào và vùng vẫy, chiếc ghe vẫn từ từ lui ra giữa dòng và lướt đi thật nhanh. Bà Kham Sô đã mất hết khái niệm về thời gian, nhưng có lẽ cũng phải rất lâu sau đó... Chợt có giọng ai đó nghe rất quen cất lên:
- Đúng chỗ này rồi đó!
Một giọng khác còn quen hơn:
- Cho họ xuống một lượt đi!
Lời nói vừa dứt thì chiếc ghe chòng chềnh và mẹ con bà Kham Sô có cảm giác như bị hất tung lên cao và rơi xuống. Sau đó họ hầu như chẳng còn biết gì nữa, cho đến khi bên tai họ nghe có những âm thanh kỳ dị...
Sam SơRi mở mắt ra trước, cô ta vừa nhìn thấy cảnh vật chung quanh đã phát hoảng:
- Má ơi!
Không thấy mẹ đâu, cô ta càng hoảng hơn. Vừa lúc đó có tiếng hét rất gần, khi Sam Sơ Ri nhìn lại phía sau thì thấy mẹ cô cũng đang trong tình trạng giống như vậy. Hai mẹ con đều bị treo lủng lẳng trên cành cây, mà phía dưới chỉ toàn nước và nước.
- Mẹ ơi!
Sam Sơ Ri cất tiếng gọi và bên cây kia giọng bà Kham Sô cũng cất lên:
- SơRi con!
Lúc này có một giọng thứ ba vang lên ở phía tay phải của họ:
- Chỗ ở mới có tiện nghi không phu nhân và tiểu thư?
Nhìn kỹ, cả hai thấy người hỏi lại là một ông lão đang ngồi trên một chiếc xuồng câu. Và nếu họ biết thì đó là ông Tư Sang. Người đã từng cứu Thạch An một lần.
Bà Kham Sô cố kêu lớn:
- Cứu giùm tôi với!
Sam SơRi cũng la lên:
- Con ngộp thở rồi ông ơi, xin cứu con giùm!
Ông già Tư vẫn bình thản:
- Xưa nay nằm trên nệm ấm chăn êm quen rồi, nay chỉ mới thử nằm trên cành cây có chút xíu đã kêu than rồi, vậy thử hỏi người suốt đời bị treo trên đó thì họ làm sao chịu nổi?
Sam SơRi khóc òa lên:
- Con sợ lắm ông ơi, xin cho con xuống.
Ông già Tư đáp mà không nhìn lên họ:
- Giữa treo trên đó như vậy và xuống đây để rồi bị bó lại bằng chiếc chiếu rách này, cô chọn cách nào?
Bà Kham Sô nhìn thấy mấy chiếc chiếu rách trên xuồng đầu tiên và bà cũng từng nghe nói là người chết ở đây được bó trong chiếu và treo lơ lửng giữa chánh ba cây, nên vừa nghĩ tới viễn cảnh đó đã kêu thét lên:
- Chúng tôi không muốn chết!
Bấy giờ ông già Tư mới quay lại nhìn thẳng vào bà ta:
- Vậy sao bà làm cho người ta chết rồi thân xác người ta bị treo trên đó suốt đời thì được? Bà hãy nhìn lại ngay bên cạnh bà đó, có phải có người nằm đó vĩnh viễn không?
Lúc ấy bà Kham Sô mới chợt nhìn thấy có một xác người bó chiếu treo ngay bên cạnh. Bà thét lên:
- Trời ơi, cứu tôi!
Ông già Tư cất tiếng cười nghe thê lương lạ thường, rồi giọng ông như tiếng than khóc:
- Ở đời bất công vậy đó. Người ta gϊếŧ người rồi xác người bị hại treo giữa rừng nước cô quạnh thì được, mà khi người ta bị thì lại sợ hãi, kêu la! Vậy tui hỏi mọi người, trường hợp của bà ta thì có tha hay không?
Bỗng có nhiều tiếng đáp vang lên:
- Làm sao tha được khi bà ta là chủ mưu vụ này mà!
Nghe lẫn trong lời đáp đó có giọng quen quen, bà Kham Sô đảo mắt nhìn quanh thì chợt nhận ra giọng đó ở ngay cạnh mình. Và chợt bà kêu lên:
- Mỹ Lệ! Xin cô...
Giọng đó lại vang lên:
- Tôi phải đưa bà về đây hôm nay là để bà thấy hậu quả do bà gây ra! Bà thấy rồi chớ, nạn nhân của lòng thù hận ích kỷ của bà đã chết và chịu như thế này mãi mãi. Vậy theo bà thì nếu bà trả nợ tôi thì cái chết treo có phải là hình thức tương xứng không?
Mỗi lời nói phát ra thì cái xác táng trong chiếc chiếu bó tròn kia lại lắc lư theo nhịp gió thổi qua. Bà Kham Sô đã sợ chết điếng rồi, nên giọng của bà không còn phát ra trơn tru nữa:
- Tôi... tôi xin lỗi... tôi hối hận... tôi...
Sam SơRi khóc như con heo bị thọc huyết vừa van lơn:
- Xin chị tha mẹ con em. Cũng chỉ vì ích kỷ, muốn chiếm đoạt anh Thạch An một mình nên mẹ con em mới làm chuyện ác. Bây giờ thì em đã biết tội mình rồi. Vậy xin chị Mỹ Lệ hãy rộng lòng tha cho em và cho cả cái thai em đang mang trong bụng nữa...
Giọng của Mỹ Lệ lẫn giữa đau đớn và thù hận:
- Vậy khi mẹ cô gϊếŧ chết tôi thì đứa con trong bụng tôi nó cũng đâu có thoát. Cô có biết lúc ấy tôi cũng van xin bà ta như vậy, thậm chí còn thống thiết hơn nữa kia, vậy mà bà ta có đoái hoài tới đâu, vẫn ra lệnh cho đám kia dìm tôi xuống nước, khiến tôi chết mang theo cả cái thai năm tháng tuổi, có thê thảm không?
Sam SơRi nhìn sang mẹ:
- Có phải vậy không mẹ?
Bà Kham Sô khóc nức nở:
- Cái ác đã khiến mẹ phải làm như vậy... mẹ biết lỗi mình rồi và chỉ xin...
Bà quay sang cái xác bên cạnh:
- Tôi đã gây ra tội ác thì phải trả, chỉ xin cô để con tôi yên, để nó sanh con và nuôi đứa nhỏ.
Một tràng cười vang lên:
- Bà con hãy nghe người ác nói chuyện nhơn đức nè! Theo bà con thì có nên làm theo lời bà ta không?
Những tiếng vang lên:
- Không! Đừng nghe lời bà ta!
Tuy nhiên, giọng của Mỹ Lệ lại vang lên:
- Tuy ai cũng có thể đồng tình với tôi về cuộc báo thù này, nhưng tôi không muốn lặp lại tội ác mà kẻ thù của tôi đã gây ra. Có nghĩa là tôi không gϊếŧ người phụ nữ đang mang thai này, mà chỉ trừng trị người đàn bà táng tận lương tâm thôi!
Lời vừa dứt thì bỗng thân thể đang treo lơ Iửng của bà Kham Sô bị rơi xuống nước, cùng lúc với năm, sáu thân thể nữa ở các cây gần đó.
Giọng của Mỹ Lệ trầm xuống:
- Bà ta đã chết cùng với bọn Sáu Đen, những kẻ không đáng sống trên đời nữa.
Sam SơRi thét lên một tiếng rồi ngất trong lúc thân thể vẫn còn treo lơ lửng như vậy.
Giọng nói rất nhẹ của Mỹ Lệ:
- Mọi việc gần như xong rồi chú Tư. Vậy phiền chú giúp nốt cho con việc đưa cô ta về nhà giùm.
Ông già Tư hơi lưỡng lự:
- Nhưng sao cô... lại để cô ta sống? Đây là đứa ích kỷ, lòng dạ độc ác không thua gì mẹ cô ta đâu!
Mỹ Lệ thở dài:
- Đủ rồi chú Tư! Vả lại cô ta còn có đứa con của Thạch An trong bụng, mà con thì không muốn Thạch An không có người nối dõi.
- Nhưng...
- Không sao đâu! Con đã tiên liệu mọi việc rồi. Cô ta sẽ chỉ làm mỗi nhiệm vụ là sinh ra đứa con thôi. Còn những điều khác thì hãy để số phận tính...
Ông già Tư muốn nói thêm, nhưng cái chiếu của Mỹ Lệ đã tan biến nhanh thành bụi bay theo gió. Ông già Tư chỉ còn biết thở dài rồi từ từ đỡ thân thể của Sam SơRi xuống. Ông chép miệng:
- Lòng dạ con người lương thiện thì dẫu có thành hồn ma họ cũng đâu thể độc ác, táng tận lương tâm như bọn ác nhân thật sự. Thay mặt những người còn sống trên thế gian này, chú xin có lời cám ơn cháu, Mỹ Lệ!
Ông vừa đưa Sam SơRi đặt lên xuồng, vừa quay lại nhìn những thân thể người, trong đó có bà Kham Sô nổi lềnh bềnh trên mặt nước, vừa nói với họ:
- Các người hãy trôi trên nước đi, để trải qua đúng như những gì cô Mỹ Lệ đã chịu đựng, rồi đợi tôi đi Nam Vang về sẽ tìm chỗ định cư cho!
***
Bốn tháng sau Sam SơRi sinh đứa con đầu lòng.
Nó là một đứa con trai, giống Thạch An như đúc và còn lạ hơn nữa nó lại có phần giống Mỹ Lệ, chớ không có chút gì giống Sam SơRi cả.
Chính Thạch An đứng ngẩn ngơ rất lâu nhìn đứa trẻ và sau cùng anh lẩm bẩm:
- Đúng như Iời Mỹ Lệ nói trong giấc mơ rồi...
Trong chiêm bao, đã ba đêm liền Thạch An được cái vong của Mỹ Lệ về báo là đứa trẻ do Sam SơRi sinh ra chính là giọt máu của Thạch An với cô mà cô đã mang xuống âm cảnh, nay cho nó trở về thay đứa con của Sam SơRi trong bụng. Mỹ Lệ có hỏi rằng Thạch An có đồng ý như vậy không, lúc ấy Thạch An lặng thinh. Bởi cả hai đứa đều là giọt máu của anh, vậy làm sao Thạch An có thể nhẫn tâm để đứa này, bỏ đứa kia?
Bất giác Thạch An thở dài, nói một mình:
- Đành phải vậy thôi!
Sam SơRi bất chợt nói:
- Đứa con này là của anh và chị Mỹ Lệ, anh hãy nhận lấy!
Nói vừa xong thì bất ngờ Sam SơRi bước xuống giường, rồi đi thẳng ra ngoài cửa, mặc dù mới sinh được có hai ngày. Lúc đầu Thạch An tưởng cô nàng đi vệ sinh, nhưng sau khi chờ gần nửa giờ vẫn không thấy Sam SơRi trở vô, Thạch An hốt hoảng chạy đi tìm. Lúc ấy có một người ngồi bán hàng phía trước nhà bảo sinh đưa cho Thạch An một mảnh giấy nhỏ, trong đó có mấy chữ của Sam SơRi:
"Đừng tìm tôi! Hãy cố nuôi thằng bé, cô Mỹ Lệ muốn như vậy đó. Anh mướn một người nuôi đứa bé rồi trở về nhà ngay để giải quyết mọi việc.
Sam Sơ Ri".
Thạch An hoảng quá, nhưng rồi cũng phải làm theo lời dặn đó. Anh trả tiền và nhờ bảo sinh viện chăm sóc giùm đứa bé trong một tuần lễ, để sau đó anh sẽ đem con về nhà.
Sau đó Thạch An ngồi xe về nhà ngay. Nơi mà anh đã dự tính là sau khi Sam SơRi sinh con anh sẽ bỏ đi luôn, không ở đó nữa.
Nhưng khi về tới nhà Thạch An đã giật mình khi thấy chị người làm chạy ra đưa anh chùm chìa khóa nhà, cùng một hộp giấy tờ. Giở ra xem thì trên cùng là một phong thư của một luật sư. Ông ta viết khá rõ ràng:
"Tuân lệnh thân chủ tôi là cô Sam Sam SơRi, kèm theo là tờ ủy quyền hợp pháp, tôi là luật sư Yeng ĐơNi xin thông báo đến ông Thạch An là:
Cô Sam Sam SơRi đã nộp đủ thủ tục ở văn phòng công chứng để chuyển nhượng toàn bộ tài sản của cô sang cho ông và đứa con mới sinh là Thạch Luôn.
Vậy từ nay ông là sở hữu chủ duy nhất của số tài sản gồm: một ngôi nhà ở Nam Vang, hai ngôi nhà ở Battambang, một ngôi nhà tại Sài Gòn (văn bản quyền sở hữu mang tên ông kèm theo đây), cùng công ty vận tải liên quốc gia, chạy tuyến Nam Vang - Sài Gòn, giao ông khai thác, sử dụng mà không được sang bán cho người khác cho đến khi đứa bé Thạch Luôn đủ mười tám tuổi, khi đó chính đứa bé sẽ là sở hữu chủ vĩnh viễn mọi thứ vừa kể trên.
Luật sư Yeng ĐơNi"..
Thạch An cầm hộp giấy tờ mà ngẩn ngơ hồi lâu, rồi sau đó anh gào lên:
- Không, SơRi!
Anh định chạy đi tìm thì chị người làm vội nói:
- Cô Sam SơRi bảo là cậu đừng đi tìm, sẽ không gặp được cô ấy đâu. Tốt hơn hết là cậu hãy cố chăm sóc đứa con mình. Nếu cậu không chê tôi già yếu, thì xin giao đứa bé cho tôi nuôi. Hy vọng tôi còn sống để nuôi nó khôn lớn.
Thạch An chỉ biết ngồi thừ người ra.
Sau đó...
Thạch An làm đúng theo lời dặn của Sam Sam SơRi. Anh tiếp tục quản lý cơ ngơi của nhà vợ và làm rất khá. Chẳng mấy chốc tài sản phát triển nhanh gấp bội trước kia. Đứa bé lớn lên thường hay hỏi cha:
- Mẹ con đâu rồi cha?
Thạch An chỉ đáp lơ lửng:
- Mẹ con... có việc đi xa, sẽ có ngày trở về...
Cho đến một ngày kia có người tới báo chắc với Thạch An rằng, họ gặp được xác của Sam Sam SơRi chết trôi ở bờ Biển Hồ gần làng đánh cá của người Việt. Họ định vớt đem về giúp Thạch An, nhưng khi vừa mang lên ghe thì tự dưng cái xác biến thành tro bụi bay theo gió mất tăm.
Thạch An lặng người đi, rồi hai hàng nước mắt của anh tuôn chảy. Thốt nhiên anh nói thầm:
- Hẹn em kiếp sau...
Chẳng hiểu trong lòng của Thạch An lúc ấy hẹn mà hẹn với ai. Mỹ Lệ hay Sam Sam SơRi? Thật ra tuy Sam Sam SơRi là kẻ có nhúng tay vào tội ác, nhưng chưa hẳn cô ta hoàn toàn xấu. Và cũng có thể cô cũng xứng đáng nhận được lời hứa của Thạch An lúc này...