Mặc dù không tìm thấy dấu vết gì của Hiếu, nhưng những gì mụ Hường nói đã khiến cho Nguyệt Ánh hoang mang. Cô thức suốt đêm để suy nghĩ mà cũng chẳng làm sao hiểu được tại sao Hiếu lại đột nhập vào nhà làm gì, để đến nỗi phải nhảy lầu? Hiếu xưa nay là một chàng trai hiền lành, đứng đắn, từ khi yêu cô đến bây giờ đã hơn ba năm mà chưa một lần dám tới nhà và cũng chưa bao giờ anh đòi hỏi bất cứ điều gì sằng bậy, chứ đừng nói là chuyện lén lút tới nhà và trèo tường lên phòng ngủ như thế này. Nhưng tại sao chiếc đồng hồ, kỷ vật riêng mà lúc nào Hiếu cũng đeo dính trên tay, lý do nào lại ở trong phòng của ông Thiên Thời, nếu không do chính Hiếu mang tới và vô tình đánh rơi lại. Như vậy vụ mất vàng gì đó mà mụ Hường nói là có thật và Hiếu là người... đã gây ra?
Chính điều nghi ngờ này đã khiến cho Nguyệt Ánh quyết định phải đi tìm Hiếu cho bằng được. Mặc dù cả nhà Hiếu đã chuyển về một tỉnh khác, chớ không còn ở chung huyện với Nguyệt Ánh như trước kia, nhưng một khi đã quyết rồi thì cô nhất định đi cho bằng được, mặc cho sức khỏe của ông Thiên Thời vẫn chưa có dấu hiệu gì khả quan hơn. Phải mất gần một buổi Nguyệt Ánh mới tìm ra nơi cư ngụ của cha mẹ Hiếu, mà cô hy vọng là Hiếu có về đây, bởi hằng năm vào thời điểm này Hiếu vẫn thường về chơi trong mấy tháng nghỉ hè và đã nhiều lần Hiếu đã tìm sang chỗ hẹn ước của hai người để gặp nhau.
Do giữa Hiếu và cô yêu nhau lén lút, cha mẹ hai bên chưa biết, nên khi Nguyệt Ánh xuất hiện trước cửa nhà Hiếu thì người đàn bà đang quét sân nhìn khách với vẻ xa lạ, ngạc nhiên:
- Cô kiếm ai?
- Dạ, con muốn hỏi thăm nhà của bác giáo? Bác có phải là...
- Tui là vợ giáo Chấn, cô kiếm ông giáo nhà tui có chuyện chi không?
Nguyệt Ánh mừng rơn:
- Dạ, con chào bác giáo. Con muốn hỏi có anh Hiếu ở nhà không?
Bà già nhìn sững cô gái vừa hỏi tên con mình mà như nhìn một vật thể lạ nào đó. Bà hơi run giọng hỏi lại:
- Cô... cô là gì của con tôi? Bao lâu rồi cô không gặp nó?
Nguyệt Ánh thật thà:
- Dạ, hơn sáu tháng rồi bác ạ.
Bà già thở hắt ra:
- Thảo nào!
Rồi bà bỗng nghẹn ngào:
- Cô tới quá trễ rồi!
Nguyệt Ánh hoảng hốt:
- Bác nói sao? Có chuyện gì vậy?
Bà già quay bước vào nhà, nói với lại:
- Cô vô đây.
Mời Nguyệt Ánh ngồi ở bộ ván gỗ ngoài hàng hiên, bà hỏi lại:
- Cô quen sao với thằng Hiếu?
Nguyệt Ánh hơi lúng túng:
- Dạ... tụi con... là bạn thân. Con và Hiếu...
Hiểu ra, bà thở dài:
- Có phải cô tên là Nguyệt Ánh không?
- Dạ, chính con là Nguyệt Ánh. Trước kia con học chung trường với anh Hiếu, nhưng dưới hai lớp, chúng con...
Bà chận lời:
- Tui hiểu rồi. Có lần Hiếu nó nói bóng gió về chuyện này và nói rằng khi nào lấy vợ thì nó chỉ lấy người bạn quen lâu năm mà thôi, không lấy người nào khác.
Nguyệt Ánh xúc động:
- Dạ... con hiểu lòng dạ anh Hiếu. Hè này con định yêu cầu anh Hiếu dẫn về ra mắt bác và cả ba con bên nhà nữa. Anh Hiếu có hứa với con.
Bà già bỗng òa lên khóc nức nở, khiến cho Nguyệt Ánh ngơ ngác:
- Thưa bác... có chuyện gì vậy?
Bà đứng lên bước vào nhà trong rồi đưa tay chỉ lên bàn thờ:
- Nó ở trên đó chờ con lâu nay!
Nguyệt Ánh trợn tròn hai mắt, chết sững giây lâu rồi mới thốt nên lời:
- Bác... bác nói gì? Anh Hiếu... Hiếu sao vậy?
- Nó chết rồi, trong một tai nạn xe hơi cách đây hai tháng. Do nó không nói nên bác đâu có biết cháu ở đâu mà tìm để báo tin. Bởi vậy suốt hai tháng nay nó cứ về hoài, đòi phải đi tìm cháu mà bác biết tìm ở đâu. Bác biết tên cháu là do vậy.
Nguyệt Ánh tưởng đâu trời sập trên đầu, cô gào lên:
- Trời ơi, anh Hiếu!
Rồi cô ngất xỉu. Bà mẹ Hiếu phải đỡ cô lên ghế. Mãi một lúc sau Nguyệt Ánh mới tỉnh lại, cô không tin đó là sự thật, lay tay bà mẹ Hiếu hỏi lại:
- Có thiệt không bác?
Không đợi câu trả lời, Nguyệt Ánh chạy tới bên bàn thờ, chụp lấy bức ảnh thờ của Hiếu và gào lên:
- Tại sao thế này hả anh Hiếu? Tại sao anh không giữ lời với em mà bỏ đi một mình!
Giọng bà mẹ Hiếu vẫn trong nước mắt:
- Nó chết oan nên hồn phách cứ lẩn quẩn quanh đây. Bữa nay cháu tới đây là may mắn cho nhà bác. Con hãy thắp cho nó nén nhang để vong hồn nó yên ổn ở suối vàng...
Nguyệt Ánh đốt nhang mà hai tay run run. Bất chợt, cô thốt lên khiến bà mẹ Hiếu giật mình:
- Anh ấy đã tới nhà tìm con!
- Hồi nào?
- Dạ, mới đêm qua.
Cô kể lại chuyện xảy ra ở nhà, nhưng giấu không nói tới vụ bà Hường mất vàng. Tuy nhiên lúc ấy bà già vụt nói:
- Tối qua có cái này để trên bàn thờ, cháu xem coi nó viết cho ai?
Đó là một mảnh giấy với mấy chữ viết vội:
"Nó sẽ giúp cho em nhiều trong những ngày sắp tới. Hãy thường xuyên ra thăm mộ mẹ em."
Nguyệt Ánh lẩm bẩm:
- Anh Hiếu viết cho mình...
Bà mẹ Hiếu không hiểu nên hỏi lại:
- Nó dặn vậy là sao?
Nguyệt Ánh lắc đầu:
- Con cũng chưa biết. Nhưng đúng là Hiếu dặn dò con điều gì đó...
Nguyệt Ánh nhớ lại lời của Sáu Chi kể về việc gặp chàng trai đặt bó hoa cẩm chướng trên đầu mộ của mẹ, cô vụt nói:
- Đúng là anh ấy rồi! Và ngôi mộ...
Cô vội chào bà mẹ Hiếu, xong đi nhanh về nhà. Từ đó về nhà có hơn sáu chục cây số, lại đi bằng phương tiện trung chuyển mấy lượt, nhưng vì sốt ruột nên Nguyệt Ánh vẫn cương quyết đi. Mãi đến hơn mười giờ đêm cô mới về tới.
Khi vừa bước vô nhà thì đã thấy Lan Anh cùng Sáu Chi ra đón ở cửa, Nguyệt Ánh ngạc nhiên:
- Sao hai người biết tui về giờ này?
Sáu Chi chưa kịp trả lời thì Lan Anh đã nói:
- Em đang ngủ thì nghe như có ai gọi tên mình, biểu ra đón chị và cùng nhau ra mộ của má!
Nguyệt Ánh ngạc nhiên:
- Ra ngoài mộ giờ này làm gì?
- Em hổng biết, nhưng có ai đó gọi như vậy. Giọng của đàn ông!
Nguyệt Ánh giọng buồn hiu:
- Là của Hiếu đó.
Lan Anh sửng sốt:
- Anh Hiếu... sao rồi?
Nguyệt Ánh buông thõng:
- Anh ấy chết rồi!
- Trời ơi!
Lan Anh kêu lên rồi sững sờ nhìn chị mình. Sáu Chi cũng bàng hoàng hỏi:
- Sao chết vậy?
- Bị tai nạn.
Thuật sơ lại chuyện biết được bên nhà Hiếu cho em gái nghe, Lan Anh vụt nói:
- Có thể ở ngoài mộ mẹ có điều gì đó!
Sáu Chi giục:
- Mình ra ngoài đó coi thử!
Nguyệt Ánh hỏi về cha:
- Ba sao rồi?
Sáu Chi đáp thay:
- Ông chủ không sao, nhưng vẫn mê man. Thỉnh thoảng ông có tỉnh lại, nhưng không nói gì hết, chỉ rưng rưng nước mắt rồi lại lịm đi...
Nguyệt Ánh thở dài, trong khi Lan Anh nói oang oang:
- Em nghi mụ ác nhơn đã làm gì đó khiến ba ra nông nỗi như vậy!
Sợ giọng nói của Lan Anh quá lớn khiến mụ Hường trong nhà nghe được, nên Nguyệt Ánh ra dấu cho em nhỏ lại và bảo khẽ:
- Mình sẽ tính sau, bây giờ ra ngoài mộ đã.
Lúc này đã nửa đêm, trời không trăng nên tối mò, nhìn cách vài thước trước mặt không thấy gì. Cũng may cả ba người đã quá quen thuộc khu vườn của mình nên đi không khó khăn lắm. Lát sau họ đã tiến gần tới ngôi mộ. Chợt Sáu Chi nói khẽ:
- Hình như có ai kìa!
Theo tay chỉ của Sáu Chi, chị em Nguyệt Ánh nhìn theo và phát hiện có hai bóng người đang lom khom trước đầu mộ. Lúc ấy có giọng nói của nữ từ phía hai người kia phát ra:
- Làm nhanh đi kẻo tụi nó phát hiện!
Một giọng đàn ông tiếp theo:
- Giờ này chắc họ ngủ say hết rồi, ai mà biết.
- Con chị lớn thì đi rồi, chỉ có con nhỏ và đứa ở còn lại ở nhà, nhưng hồi chiều tui đã bỏ thuốc mê vô lu nước uống, tụi nó ăn cơm rồi uống nước đó, chắc chắn là sẽ ngủ tới sáng cũng chưa dậy nổi!
- Giỏi! Bà giỏi lắm. Có như vậy mới không uổng công tui đi thỉnh bùa tận bên Miên về và chịu cực đào mồ vào giờ này chớ!
- Có vậy tui mới... thương!
Giọng đàn ông có vẻ hờn dỗi:
- Thương mà về ở với thằng già Thiên Thời ấy. Tui nói thiệt, nếu bà không ngăn thì hôm nó lên Sài Gòn rước bà, tui đã cho đàn em làm thịt nó rồi!
- Cái đầu ông đặc sệt, không nghĩ ngợi sâu xa gì hết! Tui không làm như vậy thì làm sao chiếm cái sản nghiệp này được! Chỉ tiếc một điều là ta chưa kịp ra tay thì đã mất mấy trăm lượng vàng rồi. Phen này tui quyết phải lấy lại gấp chục lần cho coi!
- Chính vụ mất vàng này sẽ có lợi cho bà nhiều hơn. Người ta sẽ hiểu là trước khi về đây bà cũng có nhiều tiền của và đến khi lão già Thiên Thời mà chết rồi thì việc bà chiếm gia sản này sẽ không ai dị nghị. Họ nói sao được khi bà cũng đã hy sinh một số tiền lớn rồi! Buông con tép ta sẽ bắt được con tôm càng bà ơi!
Vừa nói chuyện họ vừa ra sức đào, cuốc cật lực. Lan Anh hốt hoảng:
- Họ đào mộ của mẹ kìa!
Nguyệt Ánh tuy có bình tĩnh hơn, nhưng cô cũng bắt đầu nóng mặt, hỏi Sáu Chi:
- Họ làm gì vậy?
Sáu Chi chưa kịp đáp thì đã nghe giọng của người đàn bà nói nhanh:
- Đặt nó xuống đi!
- Ừ, tui đặt liền!
Chẳng hiểu họ đặt vật gì, mà hình như chỉ đặt cạnh đầu mộ thôi chớ không đào sâu xuống mộ huyệt.
Một vài giây sau đó nghe giọng tên đàn ông:
- Xong rồi. Bây giờ thì chính cái hồn ma của con mụ dưới mồ này sẽ hiện về bóp cổ thằng chồng già của nó, mình không cần ra tay!
Mụ kia hỏi nghe rất rõ:
- Ông liệu bùa này có linh nghiệm không đó? Tui chỉ muốn thằng chả chết cho nhanh, rồi tới phiên mấy đứa con của lão nữa, chớ còn để chúng nó sống ngày nào thì tui không yên.
- Bà yên tâm, bùa này ở bên Miên người ta sùng bái, chỉ cần chôn nó xuống đầu mộ trong vòng hai mươi bốn giờ là sẽ phát huy tác dụng. Vong hồn con mụ này sẽ hiện về và bắt luôn cả chồng con nó đi một lượt. Bảo đảm hiệu quả sẽ làm bà không thể ngờ!
Lan Anh không kiềm chế được, suýt la lên, cũng may là Sáu Chi bụm miệng cô bé lại kịp.
Nguyệt Ánh nói khẽ:
- Mụ này còn hơn rắn độc nữa! Mình phải làm sao, chớ không khéo sẽ chết dưới tay mụ ta mất.
Đằng kia sau khi thực hiện xong mưu đồ, cả hai đứng lên. Lúc này Nguyệt Ánh đã nhìn rõ được mặt người đàn ông, cô kinh ngạc:
- Ông Sĩ tài xế!
Cả Lan Anh và Sáu Chi cũng đã nhận ra. Sáu Chi quá đỗi ngạc nhiên:
- Sao lại là ông ta? Người này lâu nay trung thành với ông chủ lắm mà?
Lan Anh quá tức, cô vụt chạy tới định lật mặt hai con người xảo trá đó. Nhưng lạ làm sao, khi cô vừa nhấc chân lên thì như có ai kéo lại, không nhúc nhích được. Cả Nguyệt Ánh cũng thế, cô chẳng làm sao cử động được, đành phải đứng im. Trong khi đó thì mụ Hường và tài xế Sĩ ung dung rời khỏi hiện trường. Họ vừa đi vừa nói huyên thuyên đủ thứ chuyện.
Cho đến khi họ đi khá xa rồi chị em Nguyệt Ánh mới nhấc chân lên được, nhưng Sáu Chi đã khuyên:
- Đừng đuổi theo làm gì, mình phải coi họ chôn cái gì ở mộ của bà cái đã.
Sáu Chi giúp hai cô chủ nhỏ bới chỗ đất vừa bị đào lên ở đầu mộ và họ ngạc nhiên khi moi lên được một pho tượng bằng gỗ, đẽo và chạm khắc giống y cái hình người. Dẫu trong bóng tối lờ mờ, nhưng vừa thoạt trông thấy, chị em Nguyệt Ánh đã kêu lên:
- Hình nhân của mẹ!
Sáu Chi hiểu chuyện, cô khuyên:
- Pho tượng này đã bị yểm bùa, cô không nên giữ trong người.
Nguyệt Ánh lo lắng:
- Nhưng lúc nãy họ nói đó, cái này họ dùng để trấn yểm làm cho vong hồn mẹ bị sai khiến để về gϊếŧ ba và tụi em. Vậy mình phải làm sao đây!
Đã từng nghe nói về những pho tượng tà ma, nên Sáu Chi bàn:
- Muốn hủy hoặc vô hiệu hóa bức tượng này chỉ có mấy ông thầy cao tay ấn, hoặc...
Thấy Sáu Chi ngập ngừng, Lan Anh giục:
- Chị Sáu nghĩ cách gì đi chớ, chẳng lẽ để cho mẹ bị... hay sao!
Sáu Chi nghĩ rất nhanh:
- Chị nghĩ ra rồi, Lan Anh đưa vật đó cho chị!
Cô cầm lấy pho tượng gỗ chạy bay tới ao nước dơ ở cuối vườn, nơi hằng ngày lũ heo, bò thường trầm mình và phóng uế. Chẳng chần chừ Sáu Chi ném ngay pho tượng xuống đó! Một tiếng rú vang lên từ ao nước, khiến cho chị em Nguyệt Ánh hốt hoảng chạy bay tới, họ ngơ ngác hỏi:
- Chuyện gì vậy chị Sáu?
Sáu Chi lắc đầu:
- Chị không biết, nhưng chắc chẳng phải là điều xấu. Hai cô coi kìa.
Từ dưới lớp bùn có một ngọn lửa xanh lặc lè lóe lên, rồi thật nhanh, ngọn lửa bay lên cao, biến mất dạng trong bóng đêm. Sáu Chi chấp tay vái theo hướng đó:
- Hồn bà có thiêng thì xin phù hộ cho ông và hai cô tai qua nạn khỏi.
Lan Anh bị kích động nên nói giọng run run:
- Không lẽ mẹ mình để cho họ biến thành... ma hay sao?
Nguyệt Ánh định nói, nhưng cô chưa kịp mở miệng thì bên tai đã nghe có tiếng của ai đó rất khẽ:
- Cứ làm như không hay biết, rồi sẽ ổn thôi...
Nguyệt Ánh kêu lên:
- Hiếu! Anh ở đâu?
Giọng nói kia là của Hiếu. Nhưng khi Nguyệt Ánh hỏi thì lại im bặt. Lan Anh sợ sệt hỏi:
- Bộ... anh Hiếu thành ma hả?
- Không, chính anh ấy đã giúp chúng ta khám phá ra hành động mờ ám này của mụ Hường và tên tài xế khốn kiếp!
Sáu Chi nhận xét:
- Theo những gì mình nghe và thấy được thì giữa bà Hường và ông tài xế đã có sự thông đồng với nhau.
Lan Anh rít lên:
- Đúng là nuôi ong tay áo mà!
Nguyệt Ánh nhớ lại:
- Hèn gì có lúc thấy chú Sĩ cứ rù rì chuyện gì đó với ba, rồi chở ba đi Sài Gòn có khi mấy tuần mới về. Thì ra chú ấy âm mưu bán đứng ba đã từ lâu rồi.
Lan Anh được dịp đay nghiến:
- Lâu nay em đã không ưa cái tay đó, người gì có cặp mắt gian xảo thấy rõ, vậy mà ba cũng tin.
Chợt nhớ ra, Nguyệt Ánh hối mọi người:
- Ta trở lại mộ của mẹ đi, coi lời dặn của Hiếu còn có gì nữa không.
Họ trở lại và ngạc nhiên khi nhìn thấy một bó hoa cẩm chướng còn tươi, nằm trên đầu mộ.
Nguyệt Ánh nói:
- Hoa này lúc còn sống mẹ rất thích. Cả ba cũng không biết cái sở thích này, chỉ có tui biết do được mẹ kể. Lúc còn con gái mẹ thường được một người con trai tặng cho loài hoa này...
Sáu Chi cũng nói:
- Bữa trước tui cũng gặp loài hoa này trên mộ. Chắc hai lần chỉ là do một người. Nhưng lạ quá, họ xuất hiện và biến mất quá nhanh, chỉ mới đây thôi.
Nguyệt Ánh lẩm bẩm:
- Chẳng lẽ là Hiếu?
Cô nhớ những lời Hiếu viết trong giấy và thầm khấn rằng:
- Nếu là anh thì hãy làm gì đó cho em tin.
Lời khấn thầm của Nguyệt Ánh vừa dứt thì bỗng nhiên bó hoa vυ't bay lên cao, rồi rơi xuống đúng ngay trước mặt cô. Nguyệt Ánh run lên:
- Đúng là Hiếu rồi!
Cô nhặt bó hoa lên và nói với Sáu Chi:
- Chị với Lan Anh vô nhà xem cha thế nào, đưa ông qua phòng của tụi em nằm đỡ cho tới sáng. Còn em thì ở đây có chút việc...
Khi Sáu Chi và Lan Anh trở vô nhà, vừa bước vào phòng thì tá hỏa:
- Ông chủ đâu rồi cô Ba?
Lan Anh hốt hoảng khi không thấy cha mình nằm trên giường:
- Họ đã làm gì ba em rồi?
***
Trong khi đó, ở một chợ quê cách nhà ông Thiên Thời khoảng hơn mười cây số, mụ Hường và tài xế Sĩ đang có mặt.
Mụ Hường bực bội ra mặt khi phải ở trong một ngôi nhà tồi tàn. Mụ càu nhàu:
- Bộ hết chỗ rồi sao đưa tôi tới ở chỗ này? Dơ dáy lại muỗi mòng nữa, chịu sao nổi!
Tài xế Sĩ an ủi:
- Ở dơ vài bữa thôi, khi nào đạo bùa linh ứng thì mình trở về và tha hồ mà sung sướиɠ!
- Sao ông nói bùa chỉ cần chôn xuống thì sẽ linh ứng ngay mà từ đêm qua tới giờ không thấy gì hết?
- Sao bà biết là không có gì? Nó sẽ hiển linh lên cha con họ, chớ đâu có đυ.ng tới chúng ta.
Tài xế Sĩ đứng dậy, nhìn bóng mặt trời rồi nói:
- Bà ráng ở trong nhà, đừng ló ra ngoài, để tôi ra chợ nghe ngóng tin tức ở nhà lão Thiên Thời xem sao.
- Nhớ mua về cho tui dĩa cơm sườn. Đói quá trời rồi!
Tài xế Sĩ xua tay:
- Để tui mua đỡ cho bà khúc bánh mì ăn lót dạ được rồi. Đâu có tô, dĩa gì mà mua cơm. Vả lại mua cơm đem về sẽ gây sự chú ý cho người chung quanh đây.
Hắn ta đi khá lâu. Khi trở về với vẻ lo lắng:
- Chẳng hiểu sao lão Thiên Thời đã biến mất, không có ở nhà!
Mụ Hường ngơ ngác:
- Biến đi đâu? Lúc mình đi lão ta còn nằm trên giường và tui đã khóa cửa lại cẩn thận mà.
- Tui mới nghe mấy tay đạp xe lôi truyền miệng nhau là nhà ông chủ Thiên Thời đang rộn lên vì chuyện ông ta bỗng dưng mất tích. Họ đã báo làng lính chia nhau đi tìm. Cầu trời cho họ đừng nghi chúng ta gây ra.
Vẫn quen thói đanh đá, chanh chua, mụ Hường lớn tiếng:
- Cũng tại ông hết, khi không ai biểu trốn ra khỏi nhà chi cho họ nghi! Mình ở nhà và chờ kết quả đến có phải hay hơn không?
Tài xế Sĩ đưa tay chận ngang miệng mụ ta và nói rất khẽ:
- Bà biết một mà không biết mười. Nếu chúng ta ở nhà thì khi xảy ra vụ vong hồn vợ lão ra tay thì liệu nó có tha cho mình không, hay là mụ ta sẽ diệt luôn bà và tui nữa?
Mụ Hường rêи ɾỉ:
- Bây giờ rối rắm thêm nữa rồi. Ông liệu có cách nào trở về được không?
Tài xế Sĩ trấn an:
- Chưa biết lão ấy mất tích do dâu, nhưng cứ cho là do mụ vợ gây ra, như vậy không phải là mình sắp đắc lợi rồi hay sao!
Tuy vậy mụ Hường vẫn lo ngay ngáy trong lòng. Mụ bảo tài xế Sĩ:
- Ông giả vờ như không biết gì, quay về nhà thám thính xem hư thực thế nào? Có ai hỏi ông đi đâu thì nói là bị bệnh bất ngờ nên phải đi nhà thương, giờ mới trở về. Trong lúc đó ông tìm cách tung tin là cả tui cũng bị mất tích nữa, để họ không nghi ngờ.
Thấy tài xế Sĩ còn do dự, mụ đốc thêm:
- Đâu có ai hay biết vụ ông cấu kết với tui. Vả lại ông là người thân cận của ông Thiên Thời, nên chắc chắn hiện giờ họ đang cần ông hơn ai hết. Cứ nghe tui về đi.
Tài xế Sĩ trở về và thở phào nhẹ nhõm khi thấy mọi người trong nhà đều mừng rỡ. Nhất là Sáu Chi, cô ta reo lên:
- Cả nhà đang đợi anh tới để đi tìm ông chủ.
Nguyệt Ánh bấm Lan Anh, không cho nói và nhẹ nhàng bảo tài xế Sĩ:
- Chú Sĩ có biết thường khi ba em đi đâu, ghé nơi nào không? Nếu biết thì chú lái xe đi tìm ba em giùm. Tụi em nghi trong lúc không có ai ở nhà thì ba tỉnh lại, rồi trong lúc đầu óc không tỉnh táo, ba đã đi tới nơi nào đó.
Tài xế Sĩ nhân cơ hội nói theo ý của mụ Hường:
- Tui nghi chắc là có điều gì đó bất ổn cho cả ông chủ và bà Hường nữa. Thôi, được rồi, tui sẽ lái xe đi tìm. Nhưng ở nhà nếu có chuyện gì thì các cô cũng đừng hoảng loạn, cứ đóng cửa lại, ở trong nhà chờ tui về.
Khi anh ta lái xe đi rồi Lan Anh mới gầm lên:
- Đồ giả nhân giả nghĩa! Em nghi chính nó và mụ kia đã thủ tiêu ba chớ không ai vô đây!
Sáu Chi trấn an:
- Sở dĩ tui biểu ông ta lái xe đi là để tiện việc mình theo dõi coi ông ta tới đâu. Chiếc xe này ở tỉnh mình chỉ có ba chiếc, mà hai chiếc kia đều thuộc mấy nhà giàu khác, họ thường đậu xe trước cửa nhà. Bây giờ mình chỉ việc lần theo để hỏi thăm thì người ta sẽ chỉ nơi nào hắn ta lái xe tới.
Lan Anh tiếc rẻ nói:
- Phải biết vậy lúc nãy em chui vô cốp xe để theo dõi hắn!
Nguyệt Ánh xua tay:
- Một mình ba gặp nạn chưa đủ sao, em còn muốn nạp mạng cho họ nữa à!
Sáu Chi trấn an:
- Theo tui thì mình cứ chờ ở nhà. Mình cấm cửa không cho mụ kia trở về, như vậy nếu lỡ ông chủ có mệnh hệ nào thì mình cũng giữ được tài sản này.
Lan Anh hưởng ứng liền:
- Mụ ấy mà dám vác mặt về đây là em la làng liền, em hô cho thiên hạ biết chính mụ ta đã hại ba!
Cuộc tính toán và chờ đợi của chị em họ cho đến chiều hôm đó vẫn không thấy gì. Cả đêm hôm đó cũng nặng nề trôi qua.
Sáng hôm sau khi trời vừa rạng sáng thì cả nhà đã giật mình khi nghe tiếng huyên náo ngoài cửa.
Khi Sáu Chi ra nhìn thì hốt hoảng báo tin:
- Làm gì mà làng lính đông quá hai cô ơi!
Nguyệt Ánh nhìn kỹ và càng ngạc nhiên hơn khi thấy có cả tài xế Sĩ trong số người đông đảo kia.
- Anh ta bị bắt hay sao vậy?
Nguyệt Ánh chưa tự giải đáp được thắc mắc thì Sáu Chi đâ kêu lên:
- Ông Sĩ dẫn lính về nhà đó!
Họ chưa kịp có phản ứng gì thì đã nghe giọng oang oang ngoài cổng:
- Mở cửa ra mau, sở mật thám tới khám nhà đây!
Do có chìa khóa riêng để lái xe ra, đem xe vào hàng ngày, nên tài xế Sĩ đã tự động mở cửa mời người đàn ông ra vẻ là cầm đầu toán lính mặc thường phục vào. Khi họ bước vô tới bậc thềm thì tài xế Sĩ kề tai Nguyệt Ánh nói nhỏ:
- Hai đứa đừng sợ, người này là em ruột của bà Hường, làm ở sở mật thám Tây trên Sài Gòn, họ về đây là chỉ để bắt người âm mưu hại ông chủ thôi!
Lan Anh nghe lỏm được, cô hỏi liền:
- Ai hại ba tui!
Chỉ tay sang Sáu Chi, tài xế Sĩ nói khẽ:
- Con này đây!
Lan Anh la lớn:
- Làm gì có chuyện đó!
Nguyệt Ánh cũng không còn giữ được bình tĩnh:
- Chú nói bậy gì vậy? Chị Sáu là người ở gần bên tụi này từ mấy bữa nay, làm gì có...
Tên cầm đầu nhóm lính, được gọi là thầy Ba Sung, dõng dạc lên tiếng:
- Nhân danh chính quyền bảo hộ Pháp, chúng tôi có lệnh bắt đối với bị can Trần Thị Chi, tức Sáu Chi về tội âm mưu bắt cóc người. Lệnh bắt được thi hành!
Hai tên lính kín nhào tới khóa tay Sáu Chi ngay, trước sự phản ứng dữ dội của Lan Anh:
- Sao lại bắt chị ấy? Ba tui đâu phải do chị Sáu bắt cóc, mà chắc chắn là do bà Hường gây ra rồi! Có bắt thì kiếm bà ta mà bắt!
Tên Ba Sung hất hàm cho đám thuộc hạ:
- Giải đi ngay!
Họ áp giải Sáu Chi ra xe rất nhanh và sẵn sàng dùng biện pháp mạnh để ngăn sự phản đối của chị em Nguyệt Ánh. Một tên đã xô ngã cả hai người rồi đóng cổng lại lập tức. Khi họ đi xa Lan Anh mới gào lên:
- Quân dã man, lũ côn đồ!
Nguyệt Ánh giờ hoang mang tột độ, cô chưa biết phải làm sao thì chợt nghe bên tai mình có một giọng nói ấm áp, quen thuộc rất khẽ, hình như chỉ mình cô nghe:
- Lên phòng thờ mẹ trên lầu, đốt ba cây nhang và chờ ở đó. Hai chị em không được đi ra ngoài.
- Anh Hiếu!
Nhìn quanh không thấy ai, Nguyệt Ánh kéo tay em đi:
- Đừng ở đây nữa!
***
Bọn thuộc hạ Ba Sung đưa Sáu Chi vào căn phòng tối, nằm biệt lập ở khuôn viên khá rộng.
Nơi đây chúng gọi là cát-sô Địa ngục. Một tên gọi là cai đội Ngô dằn mặt nạn nhân bằng hai cái tát thật mạnh, vừa đe dọa:
- Tao nói gì nghe nấy, cãi là coi như xong đời mày, nghe chưa!
Sáu Chi vốn ngang ngạnh, gan dạ, nên tuy bị hù dọa, cô vẫn hất hàm thách thức:
- Muốn gϊếŧ thì cứ gϊếŧ, chớ đừng hòng hù dọa. Tui không biết gì hết nên mấy người đừng tốn công vô ích!
Đội Ngô là một tên ác ôn, từng tra tấn dã man nhiều người dẫu họ không hề có tội, thành có tội, do sợ đòn roi nên khai đại. Hắn cười như ác quỷ:
- Mày cứng đầu, để coi sức chịu được tới đâu.
Hắn vừa định lấy dụng cụ tra tấn ra thì có lệnh của tên sếp, nên phải đi ngay. Không quên khóa cửa lại cẩn thận và dặn mấy tên cai ngục:
- Tụi bây không được cho con nhỏ trong này ăn uống, để tao về sẽ cho nó biết đá biết vàng!
Hắn gặp Ba Sung, tên này ra lệnh:
- Mày cùng với mấy tên nữa đi ngay xuống chợ Nhỏ rước bà chị tao. Đưa thẳng bà ta về nhà của lão Thiên Thời. Nếu có đứa nào chống đối thì bắt nhốt hết. Nếu cần thì có thể bắn hạ chúng tại chỗ, vu cho tội hoạt động chống đối!
- Dạ, em làm ngay!