Bà Thủy phải lấy hơi mấy lượt mới kể hết câu chuyện được:
- Lần cuối cùng là sáng sớm hôm nay, khi tôi cố gắng mở mắt ra thì nhìn thấy được anh ta nằm đó, không cử động nhưng mắt thì cứ nhìn tôi đăm đăm như muốn nói gì đó mà nói không được. Tôi sợ quá định kêu lên, nhưng cũng không tài nào kêu dược!
Ông pháp sư Hoàng Vệ lắng nghe rất kỹ, rồi nhẹ nhàng nói:
- Bà là người thứ hai kể câu chuyện này. Rõ ràng đó là một hồn ma, nhưng nó không giống như các hồn ma mà mọi người từng gặp. Nó không hại người, cũng không hung dữ hay ma mãnh. Đặc biệt hơn, nó là một người nam.
Bà Bích Thủy hỏi lại:
- Đã là ma thì nam hay nữ cũng như nhau, sao gọi là đặc biệt?
Nhắm mắt một lúc, rồi đột nhiên vị pháp sư nói:
- Nhưng ở đây thì khác! Nó không phải là một oan hồn bình thường như tôi tưởng. Bà xem đây...
Ông đưa cổ tay mình ra, bà Thủy nhìn thấy năm dấu đỏ rướm máu quanh cổ tay, bà kinh ngạc:
- Ông bị sao vậy và bị bao lâu rồi sao không bôi thuốc?
Ông pháp sư nghiêm giọng:
- Mới vừa bị tức thời! Hồn ma này đã cao tay ấn hơn tôi tưởng, nên suýt đã mất mạng với nó!
Ông lại đưa cổ tay bên kia, có hai dấu răng ngập sâu vào trong, hai dòng máu rịn chảy ra khiến bà Thủy sợ hãi:
- Chẳng lẽ thầy cũng mới vừa bị? Mà sao tôi không thấy ai ở đây cả?
Ông thầy hơi mất bình tĩnh:
- Nguy hiểm là ở chỗ này. Chính cái vẻ lừ đừ, chậm chạp và gần như bất động của nó đã làm hại tôi. Với những vết thương này một người bình thường coi như mất mạng, cũng may là tôi còn có thứ hộ thân.
Ông lấy trong túi áo ra một gói vải đỏ, bỏ nhanh vào miệng một vật gì được bọc trong đó. Rồi ông thu dọn đồ đạc và nói nhanh:
- Xin kiếu bà.
Bà Bích Thủy hốt hoảng:
- Kìa, thầy chưa làm giúp tôi chuyện đã nhờ thầy!
Lão pháp sư nhẹ lắc đầu:
- Tôi không thể giúp được gì nữa!
Ông ta đi ra cửa và phóng lên xe vù nhanh. Nhưng xe vừa ra tới cổng thì đâm sầm vào một xe khác và ngã lăn ra. Mọi việc diễn ra bên ngoài, nên trong nhà bà Bích Thủy không hề hay biết...
Nửa giờ sau...
Bà Bích Thủy sau một đêm mệt lả đã thϊếp đi ngay khi lão pháp sư vừa đi ra. Nhưng chỉ một lát sau, bà đã nghe có người lay nhẹ mình cùng giọng nói bên tai:
- Dậy đi bà Thủy. Đi theo tôi...
Bà Thủy mở mắt ra tuy có hơi ngạc nhiên khi nhìn thấy ông pháp sư, nhưng vẫn không do dự khi ngồi bật dậy và bước ngay xuống giường. Bà chỉ hỏi khi bước ra tới cửa phòng:
- Mình đi đâu đây?
Ông pháp sư mặt lạnh như tiền:
- Đi rồi khắc biết!
Bước ra khỏi cửa một chút thì bà Thủy hầu như không còn định hướng được là mình đi đâu, bà hầu như phải vịn vào cánh tay của lão pháp sư mới đi được.
***
Khi người ta phát hiện ra bà Bích Thủy nằm ngất đi trong một ngôi nhà bỏ hoang ở phía sau nghĩa địa thì người tím tái, lạnh ngắt.
Cũng may là được cứu chữa kịp thời, nên sau đó bà thoát nạn. Nhưng khi người nhà hỏi chuyện thì bà Thủy nhất định không nói và lại tỏ ra sợ hãi một khi bị hạch hỏi.
Nhơn, cậu con trai cả của bà rất thương mẹ, nên ngăn không cho ai hỏi gì thêm, đích thân anh dìu mẹ về phòng riêng ngơi nghỉ. Sau đó, chính anh một mình trở lại ngôi nhà hoang đó để tìm hiểu thêm.
Và thật bất ngờ, lúc Nhơn bước vào ngôi nhà không còn cửa, anh đã gặp một anh chàng tuổi cỡ bằng anh, đang nằm im dưới đất.
Rõ ràng, lúc người phát hiện ra mẹ anh ở đây, người ta quả quyết là nhà không có ai khác, như vậy anh chàng này...
Nhơn đứng lặng một lúc lâu rồi mới đánh bạo bước tới xem tình trạng của người nằm đó và giật mình khi nhận ra anh ta còn thở! Thoạt tiên Nhơn định đi báo cho những nhà gần đó nhưng lại ngại lôi thôi, nên sau một phút lưỡng lự, anh bước ra ngoài đường lớn gọi một chiếc xe xích lô, anh bảo:
- Tôi có người thân bị bệnh bất ngờ, nhờ anh chở đi bệnh viện giùm.
Anh đưa tờ giấy bạc trị giá gấp ba lần cuốc xe, anh chàng đạp xích lô vui vẻ nhận lời liền:
- Thầy có cần đi theo không?
Nhơn đáp:
- Không cần, anh cứ đưa người nhà tôi tới bệnh viện đó, tôi sẽ đón.
Tuy nhiên khi Nhơn trở vào thì phải ngơ ngác khi không còn nhìn thấy anh chàng kia đâu.
- Ủa, sao kỳ vậy?
Anh chàng đạp xích lô bàn:
- Hay là người nhà của thầy đã tỉnh lại rồi và đi ra lúc thầy đi kêu xe?
Nhơn thở phào nhẹ nhõm, bởi thật sự lúc nãy anh vì lòng trắc ẩn nên phải tính chuyện cứu người gặp nạn, giống như người ta đã cứu mẹ mình. Còn bây giờ coi như không còn phiền toái nữa. Nhơn tìm cách nói khéo:
- Anh chờ ở đây, để tôi đi quanh tìm thử xem...
Anh nhìn thấy một lối ra khác, ngược lại với lối đã vào lúc nãy, nên đi nhanh ra hướng đó. Mục đích của Nhơn là để tránh phải giải thích lôi thôi với anh chàng đạp xe kia.
Chờ một lát sau không thấy Nhơn quay lại, anh chàng đạp xe ngơ ngác gọi:
- Thầy gì ơi, tôi trả lại tiền rồi còn đi kiếm ăn nữa chứ!
Anh ta gọi đến cả chục lần mà vẫn chẳng nghe trả lời. Túng thế, anh ta mới quay ra xe đậu cách đó vài chục thước. Và...
- Ủa?
Anh ta nhìn lên xe của mình và thấy một anh chàng đang nằm như chết trên đó!
- Kìa, anh...
Sờ thấy anh ta bất động, anh chàng hốt hoảng:
- Là người nhà của thầy kia đây mà, sao thầy ấy đi đâu vậy cà!
Anh ta định đứng đợi, nhưng nhớ lại lời dặn của Nhơn lúc nãy, anh ta lên xe đạp thẳng tới bệnh viện cấp cứu. Tới nơi, anh ta nhìn trước sau chẳng thấy Nhơn đâu thì hơi lo, nên sau cùng phải để khách trên xe, anh ta chạy thẳng vào trong để tìm.
Tìm hoài chẳng thấy Nhơn đâu, anh ta đành phải quay ra, tính sẽ dìu đại bệnh nhân vào và gửi ở chỗ cấp cứu. Tuy nhiên, khi trở ra anh ta ngơ ngác, bởi trên xe không hề có bệnh nhân! Mà thay vào đó là một con mèo mun nằm yên như chết trên nệm xe.
- Sao... sao thế này?
Anh ta còn đang thừ người ra thì vừa lúc con mèo phóng nhanh xuống xe và biến mất giữa dòng người qua lại trên đường...
Đúng ra việc đến đó là xong, bởi tiền công đã lấy rồi, cũng không phải tốn chút sức nào về người bệnh. Nhưng chẳng hiểu sao, anh chàng đạp xích lô cũng đứng đó chẳng muốn rời, như còn muốn chờ đợi điều gì đó...
Mãi đến khi có một người khách gọi xe, anh ta mới giật mình quay lại và lúng túng đáp:
- Dạ, xe đang đợi người...
Anh ta đợi đến trưa và cuối cùng đạp xe không về mà trong lòng cứ hoang mang không thôi.
***
Nghe con hỏi, bà Bích Thủy ngơ ngác:
- Mẹ có biết gì đâu, bởi khi mẹ tỉnh lại thì thấy đang nằm trong phòng mẹ rồi.
Nhơn kể lại:
- Người ta bắt gặp mẹ nằm trong một ngôi nhà bỏ hoang gần với nghĩa địa. Chính con khi tới đưa mẹ về cũng ngạc nhiên hết sức tại sao mẹ lại ở đó. Đâu, mẹ nhớ lại coi mẹ đã làm gì trước đó?
Bà Bích Thủy lúc ấy đã tỉnh táo hơn, bà lờ mờ nhớ lại chuyện ông pháp sư mà bà nhờ một người bạn rước về giùm, bà kêu lên khẽ:
- Ông pháp sư!
Nhơn ngạc nhiên:
- Ông pháp sư nào? Mẹ gặp ông ta ở đâu?
Bà Bích Thủy định giấu con, nhưng sau cùng bà nói rằng:
- Mẹ nằm mơ thấy một thằng nào đó cứ nằm nhìn mẹ hoài, làm mẹ sợ quá mấy đêm liền ngủ không được, nên phải nhờ người bạn rước ông thầy về coi giùm.
Nhơn giật mình:
- Thằng nào là... thằng nào?
- Một thằng con trai cỡ tuổi con!
- Có phải anh ta mặc chiếc áo sơ mi màu xanh và đi đôi giày vải không?
Bà Bích Thủy kinh hãi:
- Sao... sao con biết? Con cũng gặp hay sao?
Nhơn kể lại:
- Khi con trở lại ngôi nhà hoang thì gặp anh ta nằm ở đó!
Bà Bích Thủy thất thần:
- Rồi sao?
- Anh ta... biến mất khi con gọi xích lô chở đi bệnh viện giùm!
- Sao... sao con dính tới anh ta làm gì! Trời ơi, không xong rồi Nhơn ơi...
Bà run lẩy bẩy, khiến Nhơn phải trấn an:
- Bây giờ mọi việc qua rồi mẹ. Con nghĩ chắc anh chàng đó cũng là người đi lạc đường rồi vào ngôi nhà đó tá túc...
- Nhưng nó chính là đứa đã hiện ra trong giấc mơ của mẹ! Nó mặc cái áo đó, mang đôi giày vải đó. Nó...
Bà không biết dùng từ gì để nói về người con trai kia, nên chỉ run và sợ hãi. Nhơn phải nói:
- Có lẽ do mẹ yếu trong người rồi mất ngủ và sinh ra như vậy. Thôi, để lát nữa con đưa mẹ đi bác sĩ khám bệnh, uống thuốc là hết. Nhất là mẹ đừng để những hình ảnh như vậy trong đầu nữa.
Bà Bích Thủy nhẹ lắc đầu:
- Mẹ nào có dám nhớ đâu, nhưng trong đầu cứ luôn luôn bị ám. Mẹ nghĩ có lẽ phải nhờ ông thầy khác quá, chứ lão pháp sư họ Hoàng kia đã không đủ sức rồi.
Nhơn không tin những chuyện nhảm nhí, nên anh gạt ngang:
- Mẹ đừng bao giờ tin những ông gọi là pháp sư kiểu đó! Mẹ mà rước ông ta về nhà lần nữa là con đuổi ra đó!
Bà Bích Thủy sợ hãi:
- Con đừng có nói bậy! Pháp sư Hoàng Vệ nổi tiếng từ Hồng Kông, chính mẹ thấy hôm qua ông ấy bị cái vong của ai đó làm cho suýt mất mạng. Đây không phải là chuyện chơi, con không nên...
Nhơn sợ cãi thêm làm mẹ buồn, nên anh tìm cách đi vào phòng mình. Nhưng bà Thủy vẫn chưa yên tâm khi thấy con có thái độ như vậy, nên bà bước theo và dặn thêm:
- Con đừng có ý kiến gì, để mẹ lo...
Nhơn biết nếu mình vào phòng thì thế nào mẹ cũng theo vào và cứ nói mãi vụ đó, nên anh quyết định đi luôn ra ngoài cửa và định tìm quán cà phê nào đó ngồi cho hết buổi trưa. Nhưng vừa bước ra tới cổng thì đã giật mình khi nhìn thấy một con mèo mun nằm như chết ngay dưới chân.
- Ủa...
Nhơn tưởng con mèo nhà ai đi lạc, nên anh vội lấy chân đá nhẹ vào nó, nhằm làm cho nó đứng dậy và đi chỗ khác. Nhưng con mèo vẫn nằm im, khiến Nhơn phải gọi vào trong:
- Chị Tám ơi, ra coi con mèo nhà ai chết nằm ở cổng nhà mình nè!
Tám Thể là người giúp việc lâu năm trong nhà, chị chạy ra ngay và tỏ ra ngạc nhiên lẫn sợ hãi:
- Mèo mà tới nhà là không hay đó cậu! Mà lại là mèo mun và còn... chết nữa!
Nhơn biết chị ta nói lôi thôi đủ thứ mọi chuyện, nên giục:
- Chị hốt xác nó đem bỏ thùng rác đi, còn nói lôi thôi gì nữa!
Nhơn vừa bước ra cửa thì bỗng nghe tiếng mẹ mình la to:
- Không được bỏ thùng rác!
Bà đã chạy ra và như tỏ ra thành kính:
- Thầy bị sao vậy nè?
Nhơn nghe tiếng mẹ thì chưa quay lại, nhưng khi bà nói dứt câu ấy anh phải quay ngoắt lại và lên tiếng:
- Mẹ lại nữa rồi!
Anh nghĩ mẹ mình sắp nói linh tinh nên cau mày. Tuy nhiên bà Thủy hầu như bất chấp, bà giục Tám Thể:
- Mày đưa ông thầy vào nhà ngay đi, chắc là ông tới gặp tao mà gặp chuyện gì đó...
Chính Tám Thể cũng quá đỗi ngạc nhiên trước thái độ kỳ cục của bà chủ mình, nhưng chị ta cũng phải làm theo. Chị bế con mèo lên thì phát hiện thân thể nó còn nóng:
- Bà chủ, nó còn sống!
Nhơn ngán ngẩm vừa quay đi vừa lắc đầu...
Khi bế xác con mèo vào nhà rồi, Tám Thể lúng túng nói:
- Để nó ở đâu bà chủ?
- Thì mày đặt lên chiếc ghế nệm kia kìa. Ổng cao lớn, coi chừng nằm không vừa chiếc ghế đó!
Tám Thể không nhịn được, chị ta phải nói:
- Đây là con mèo mà bà!
Bà Bích Thủy gắt lên:
- Đây là ông pháp sư chứ mèo chuột gì, bộ mắt mày đui sao chứ?
Bị mắng, đáng lẽ như mọi khi Tám Thể không dám cãi, nhưng trước sự việc rành rành trước mắt như vậy, chị ta không thể im được nên nói đại:
- Bà nhìn sao, chứ chính cậu Hai vừa rồi cũng thấy đây là một con mèo đã nằm chết mà.
Chị ta đặt con vật xuống ghế rồi bỏ đi ngay vào trong, mặc dù biết làm như thế là vô phép với chủ. Đi vào vừa tới bếp thì chị ta đã nghe bà chủ gọi giật ngược:
- Tám, mày ra đây ngay, tiếp tao với!
Tám Thể miễn cưỡng đi trở ra phòng khách và chị ta sửng sốt khi nhìn thấy lão pháp sư Hoàng Vệ đang nằm trên ghế!
- Hả? Tại sao...
Thấy chị ta còn lừng khừng, bà Bích Thủy phải la lớn:
- Mày làm gì vậy Tám? Tiếp tao đỡ thầy vào phòng coi.
Tám Thể đành phải ghé vai một bên để cho ông pháp sư vịn, nhưng vừa đi chị ta vừa tự hỏi:
- Mình đâu có đui! Cũng không tâm thần... Chẳng lẽ một con mèo mà thành ông pháp sư sao?
Lạ một điều là khi chạm vào thân thể lão ta, Tám Thể có cảm giác giống như cơ thể của con mèo mà chị ta bế trên tay lúc nãy!
- Phòng nào bà?
- Mày đưa vào phòng khách.
Nhà có hai phòng để trống dành cho khách tới đột xuất, Tám Thể chưa biết đưa vào phòng nào thì bà chủ đã chỉ sang trái:
- Phòng này nè!
Gian phòng này thường dành riêng cho khách nữ, với những tiện nghi cho nữ, nghĩ bà chủ lộn, nên Tám Thể nhắc:
- Phòng này có bàn phấn, có những thứ không dành cho đàn ông.
Lúc này bà Thủy mới chợt nhớ ra, nhưng do đã đến sát cửa rồi, nên bà ta quyết đại:
- Kệ, cứ đưa vào đi. Coi bộ ông thầy mệt lắm rồi.
Đưa ông ta vào xong, bà dặn cô người Iàm:
- Lát nữa cậu Nhơn có về mày đừng nói là ông thầy ở trong này. Chờ ông ấy tỉnh lại là đi ngay, nó sẽ không hay biết...
Tám Thể nghi bà chủ có tình ý gì đó với người đàn ông này, nhưng sau đó chính bà đã nói khẽ với chị ta:
- Tao giao mày canh chừng ông ta, khi nào thấy ông ta tỉnh lại thì bảo ông ấy đi liền. Ông ấy có hỏi tao thì nói tao đi vắng nghe chưa!
- Thưa bà, con hổng dám!
Bà Thủy nạt:
- Tao bảo mày canh là ở ngoài canh, chứ có vào phòng đâu mà sợ. Vả lại ông ấy là người bình thường chứ có phải là gì đâu?
Tám Thể nhớ lại chuyện con mèo mun lúc nãy, nên cảm thấy ớn lạnh. Chị ta buộc lòng phải nghe theo, chứ trong lòng không yên. Bởi thế khi thấy Nhơn đi uống cà phê trở về, chị liền kín đáo nói:
- Cậu Hai vào phòng khách mà coi có ai ở trong đó không.
Nhơn nghe vậy thì quá đỗi ngạc nhiên:
- Ai trong đó?
- Dạ nghe nói là ông pháp sư gì đó...
Nhơn phát điên lên, anh không hỏi gì thêm, đã xông thẳng vào phòng. Và...
- Chị giỡn mặt với tôi hả chị Tám?
Tám Thể hốt hoảng:
- Cậu nói gì vậy cậu Hai? Tôi đâu có...
- Trong này có ai đâu, sao chị nói...
Tám Thể thất thần:
- Cậu nói gì vậy? Chính tôi đưa ông ta vào mà!
Chị ta lao thẳng vào phòng, bật đèn lên sáng choang và sững sờ:
- Ủa...
Gian phòng trống trơn, trên chiếc giường nệm thẳng thớm, chứng tỏ đâu có ai nằm lên. Chị ta thảng thốt:
- Không thể nào!
Nhơn bực dọc:
- Nhà này riết rồi... điên cái đầu mất thôi!
Anh gọi lên lầu:
- Mẹ ơi, mẹ xuống coi chị Tám Thể này bữa nay sao vậy nè!
Bà Bích Thủy cứ ngỡ con trai mình đã phát hiện được vị khách không mời, nên bà quýnh lên, chạy ngay xuống, giọng ấp úng:
- Mẹ... mẹ chỉ...
Tám Thể nói một câu không đầu không đuôi:
- Đi mất rồi, bà khỏi phải lo.
Không hiểu, nên bà Bích Thủy vẫn còn lo:
- Ông ta chỉ...
Lúc này Tám Thể mới nói thẳng:
- Đâu có ai trong phòng!
Bà Bích Thủy không thể nào tin, bà chạy ngay vào phòng, ngơ ngác hỏi:
- Đâu rồi?
Nhơn hỏi mẹ:
- Mẹ tìm con mèo để làm gì?
Bà Thủy nhìn sang Tám Thể:
- Chuyện gì vậy Tám?
Tám Thể là người lanh lợi, chị ta biết cách gỡ khó cho chủ mình:
- Con mèo... đã chạy mất rồi!
Nhơn bỏ lên phòng riêng rồi, bà Bích Thủy hỏi:
- Ông ta đâu rồi? Bộ mày đưa sang phòng khác hả?
Tám lắc đầu:
- Con đâu có làm gì. Tự ông ta làm...
Bà Thủy ngạc nhiên:
- Vậy là sao?
Tám Thể rùng mình:
- Con nghĩ trong chuyện này chắc là có gì đó... không bình thường. Bà có nghĩ đây là hồn ma không?
Bà Bích Thủy hơi lúng túng:
- Tao cũng không biết. Nhưng ông ta không thể nào biến mất lạ lùng như vậy được.
- Bà nói ông nào?
- Thì ông pháp sư!
- Nhưng con không hiểu bà rước ông thầy đó tới đây làm gì vậy? Hôm bữa đầu tiên ông ấy tới đây thì thái độ coi bộ tự tin lắm, vậy mà bữa nay ỉu xìu như gà mắc tóc vậy?
Không tiện nói ra hết, bà Thủy chỉ ậm ừ cho qua:
- Có lẽ ông ấy bị sao đó...
Bà không muốn cho Tám Thể hỏi thêm nhiều, nên bước ra khỏi phòng và dặn:
- Mày khóa cửa lại ngay đi.
Bà trở lên lầu ngay với tâm trạng bất an, định bụng sẽ uống mấy viên thuốc ngủ để tìm một giấc ngủ yên, bởi bà biết chắc là đêm nay sẽ lại bị một đêm mất ngủ nữa...
Nhưng, khi vừa mở cửa phòng ra bà đã phải một phen đứng tim, bởi ngay trước mắt bà, ông pháp sư Hoàng Vệ đang ngồi xếp bằng giữa phòng.
- Ông... sao ông lại ở đây?
Lão pháp sư ra dấu cho bà khóa cửa lại rồi đáp:
- Nếu tôi không kịp ra khỏi phòng thì làm sao yên được với thằng con của bà! Thằng đó coi bộ khó chịu dữ a!
Bà Bích Thủy hạ thấp giọng, sợ bên ngoài nghe:
- Thằng đó giống cha nó khi còn sinh tiền, nó gan dạ và ghét chuyện dị đoan mê tín lắm. Mà tại sao thầy lại tới đây vào giờ này và tại sao lại bị ngã ở cửa? Còn con mèo nữa?
Ông thầy làm ra vẻ ngơ ngác:
- Con mèo nào?
- Thì con trai tôi và con nhỏ người làm cũng đều thấy một con mèo mun nằm ở cổng nhà, chứ đâu phải là ông?
- Và bà tin lời họ?
- Không, nếu tin thì tôi đâu có đưa ông vào phòng.
Lão ta có cử chỉ và lời nói không giống lần trước, khi lão bất thần chụp lấy tay của bà Bích Thủy và nói nhanh:
- Đi theo tôi!
Bà Thủy bị bất ngờ nhưng cũng kịp phản ứng, bà ghì lại, vừa hỏi nhanh:
- Đi đâu? Mà sao ông dám...
Bà đã nhìn thấy ánh mắt khác thường của người đàn ông này nên cố vùng thoát ra. Tuy nhiên do bị lão ta nắm chặt quá nên nhất thời bà phải chịu để tay cho lão ta kéo.
- Đi theo tôi rồi bà sẽ biết!
Lão ta vừa định mở cửa thì bà Thủy đã lanh trí hô lớn:
- Thằng con tôi!
Lão ta phải bỏ tay ra và quay lại nhìn. Nhân cơ hội đó, bà Thủy xô mạnh vào lưng lão ta một cái khiến lão bị mất thăng bằng và ngã sấp vào tường.
Bà Thủy phóng chạy ra cửa vừa la lên:
- Bớ... Nhơn ơi, Tám ơi!
Nhơn đang ở trong phòng vội tuôn chạy qua phòng mẹ, còn Tám Thể cũng kịp có mặt. Họ hỏi lớn:
- Có chuyện gì vậy?
Nhơn chụp mẹ lại, hỏi nhanh:
- Gì vậy mẹ?
Bà Thủy nói tiếng được tiếng mất:
- Ông... ông ta...
Tám Thể hiểu ra:
- Lão pháp sư phải không?
Bà Bích Thủy không đáp được, Nhơn buông mẹ ra và chạy về phòng bà, mở cửa ra và ngạc nhiên:
- Sao lại là con mèo mun?
Tám Thể cũng chạy tới và hỏi còn to hơn:
- Sao bây giờ nó ở đây vậy bà?
Bà Bích Thủy như người mất hồn, đứng thừ người ra...
***
Vừa thoáng thấy bóng lão ta thì bà Bích Thủy đã vội quay mặt đi, nhưng không còn kịp nữa, bà đã bị lão ta phát hiện và gọi to:
- Bà đi đâu mấy hôm nay mà tôi tới nhà tìm hoài không gặp?
Pháp sư Hoàng Vệ vẫn trong bộ đồ lụa xá xẩu quen thuộc, từ trên xích lô bước xuống, đến trước mặt bà Thủy, thái độ đúng mực:
- Tôi bị bệnh mấy hôm, vừa mới đi được là đi tìm thăm bà ngay. Vậy mà hai lần ghé qua nhà đều gặp cậu gì đó, cậu ấy nói bà đi vắng. Vậy sức khỏe bà ra sao, có còn...
Bà Thủy vẫn còn sợ và giận chuyện sàm sỡ của lão ta bữa trước, nên nói nhát gừng:
- Ông còn hỏi nữa sao, tốt hơn hết là ông đừng tới đây nữa!
Ông Hoàng Vệ quá đỗi ngạc nhiên:
- Bà nói gì vậy, bà Thủy?
- Nói gì thì ông nhớ lại đi ắt biết! Thôi, chào ông!
Bà quay ngoắt đi, nhưng câu nói của ông ta đã khiến bà phải khựng lại:
- Bà giận tôi chuyện gì đó cũng được, nhưng tôi không thể không báo cho bà biết chuyện về con mèo mun!
Vừa nghe nhắc tới con mèo, bà Thủy đã hết vía:
- Lại chuyện gì nữa đây?
- Chuyện liên quan tới bà chứ không phải tôi. Đây, bà xem vết mèo cào tôi còn nguyên đây, cả mấy tuần nay tôi chữa trị cật lực mà vẫn chưa lành hẳn, nếu không muốn nói là sẽ chẳng bao giờ lành được, nếu không có bà.
Tưởng lão ta nham nhở nữa, bà Thủy xẵng giọng:
- Chuyện của tôi, tôi tự lo, không cần đến ông!
- Bộ bà không nhớ những dấu vết này tôi bị là hôm ở trong phòng bà, khi bà nhờ tôi tới để trừ khử cái vong của chàng trai. Ngay lúc đó, tôi đã phát hiện ra là bà mắc phải một mối duyên nợ rắc rối sâu sắc với một oan hồn, nhưng chưa kịp ra tay thì đã bị nó hành động trước rồi, khiến tôi trở tay không kịp! Đúng ra khi gặp phải một oan hồn cao tay ấn như thế thì tôi phải tránh xa, nếu không muốn mất mạng. Tuy nhiên, tôi không thể thấy bà nguy mà không cứu, như vậy còn đâu là lương tâm con người...
Giọng ông có vẻ chân thành, khiến bà Thủy hơi ngập ngừng:
- Nhưng, hôm sau... tại sao ông lại làm vậy?
Hoàng Vệ ngạc nhiên:
- Tôi làm gì?
- Thì.. ông chụp tôi, ôm tôi trong phòng, định làm bậy chứ còn gì nữa!
Hoàng Vệ điếng hồn:
- Có chuyện đó sao? Phải chăng... phải chăng...
Rồi ông ta la lên:
- Không xong rồi!
Bà Bích Thủy cau mày:
- Ông nói cái gì không xong?
- Thì vụ tôi sàm sỡ với bà! Bà biết tôi mà, hoặc nếu không tin thì bà hỏi bà bạn của bà coi, tôi có bao giờ làm điều gì bậy bạ không. Tôi có thờ tổ nghiệp với lời thề, nếu tôi mà lợi dụng hành nghề để giở trò gì thì sẽ hộc máu mà chết tức khắc! Vậy làm sao tôi có thể làm chuyện gì đó như bà nói...
Bà Bích Thủy gay gắt:
- Vậy chẳng lẽ là... ma làm?
- Bà nói không sai đâu. Chính cái vong mà bà nhìn thấy đêm nào cũng hiện ra nhìn bà say đắm đó! Nó muốn hại tôi nên làm cách đó khiến bà tẩy chay tôi, và như thế là... nó tiếp cận bà được dễ dàng, đâu còn ai ngăn cản nữa!
Những lời phân tích của lão ta đủ để bà Thủy ngộ ra, bà sợ hãi:
- Vậy ra... trời ơi, vậy mà tôi cứ ngỡ...
Rồi bà run run giọng:
- Không phải ông nắm tay tôi, lôi tôi đi sao?
Ông Hoàng Vệ ôm lấy đầu, rêи ɾỉ:
- Hoàng Vệ này mà làm chuyện đó sao!
Ông ta móc túi đưa cho bà Thủy xem một tờ giấy mà trên đó vẽ ngoằn ngoèo những gì đó mà thoạt nhìn bà không hiểu gì hết:
- Cái này là cái gì?
Ông hạ thấp giọng:
- Nếu tôi không tới kịp thì vật này đã hại chết con trai bà rồi! Hôm tôi tới tìm bà mà không gặp được, tôi nhìn lên xe hơi của cậu Nhơn gì đó và phát hiện ra miếng giấy kỳ quặc này gắn ở bên hông xe. Chỉ cần cậu con trai bà chạy xe đi một đoạn thì xảy ra tai nạn hoặc án mạng ngay. Nếu tôi không lầm thì cậu nhà đã từng bị cái vong đó phá, suýt mang tội gϊếŧ người, khi cậu ấy gặp cái xác ở nhà hoang...
Bà Thủy kêu lên:
- Đúng rồi. Cũng may là sau đó xác biến mất...
Ông Hoàng Vệ thở phào:
- Số cậu ấy còn lớn, nên hôm đó mới gặp được người đạp xích lô có mạng khắc chế được cái vong rắc rối kia!
Nhớ lại những chi tiết do Nhơn kể lại, bà Bích Thủy rùng mình:
- Trời ơi, suýt nữa con tôi...
Bà sợ sệt:
- Bây giờ phải Iàm sao đây thầy? Vừa rồi nó đã lẻn vào nhà nữa.
Hoàng Vệ nghiêm giọng:
- Nó không phải lẻn vào đâu, mà muốn vào lúc nào cũng được. Bà đã vướng phải nó rồi thì khó mà...
Ông không nói hết câu càng làm cho bà Bích Thủy lo sợ hơn:
- Làm sao đây thầy?
Hoàng Vệ đưa cho bà tờ giấy nhỏ:
- Tôi có người bạn, ông ta tay nghề cao hơn tôi lại có nhiều kinh nghiệm hơn, vậy bà nên thử tới nhờ ông ta xem sao. Đây là địa chỉ nhà ông ấy.
Cầm tờ giấy trong tay, nhưng bà Thủy vẫn còn lưỡng lự:
- Tôi chỉ ngại những rắc rối khác thôi. Hay là...
Bà hạ thấp giọng:
- Nếu thầy có giận về thái độ của tôi lúc nãy thì cho tôi xin Iỗi. Chẳng qua vì tôi quá hoang mang nên như vậy. Hay là thầy vẫn tiếp tục giúp tôi, tôi...
Hoàng Vệ nhẹ lắc đầu:
- Không phải tôi ngại khó, nhưng xét khả năng có hạn nên tốt hơn bà nên tới chỗ đó. Tuy nhiên, trước khi tới đó bà nên trở lại ngôi nhà hoang bữa trước một lần nữa.
Vừa nghe tới đó bà Thủy đã lè lưỡi, xua tay lia lịa:
- Không, không đâu! Có gϊếŧ chết tôi thì tôi cũng không trở lại nơi mà tôi đã suýt chết một lần!
Hoàng Vệ vẫn khuyên:
- Tôi e là trước sau gì bà cũng phải trở lại đó mà thôi. Bà chủ động trở lại tốt hơn là bị bắt buộc.
Bà Bích Thủy nhìn sững ông, hỏi lại:
- Sao bắt buộc tôi phải trở lại nơi ấy? Mà nó ở chỗ nào cho tới giờ tôi cũng không nhớ? Lúc người ta cứu tôi thì chở thẳng về đây, tôi không nhìn thấy gì cả.
- Tôi tin khi trở lại đó rồi bà sẽ nhớ nó là đâu. Tôi sẽ giúp đưa bà tới đó.
Ngập ngừng một lúc rồi bà Thủy mới gật đầu:
- Thôi cũng được. Nhưng thầy phải ở đó với tôi chờ tôi về, tôi mới dám.
Hoàng Vệ gật đầu có vẻ cho qua chuyện:
- Thôi cũng được. Vậy gọi một chiếc taxi ta cùng đi.
Xe chạy khoảng gần hai mươi phút thì tới một đầu ngõ vắng, mà vừa nhìn thấy tức thời bà Bích Thủy kêu lên:
- Nơi này... Sao lại tới đây?
- Bà biết?
- Tôi... tôi...
Tuy đã gần hai chục năm rồi bà mới trở lại, nhưng làm sao quên được khi nơi đây là chốn mà bà đã trải qua thời con gái mới lớn. Nơi này...
Bà thừ người ra một lúc và cảm giác là lúc ấy ông Hoàng Vệ đã mở cửa xe bước xuống. Đến khi bà tỉnh người lại nhìn quanh thì chẳng còn thấy ông thầy đâu. Bà quýnh lên, sau khi trả tiền xe và bước hẳn xuống liền quay tìm ông ta.
- Thầy ơi!
Hình như Hoàng Vệ đã đi ngay từ lúc bước xuống xe rồi. Đáng lý bà Bích Thủy phải chùn bước khi không có người đi cùng, nhưng chẳng hiểu sao lúc ấy bà vẫn một mình đi thẳng vào khu đất vắng, chỉ có vài nóc nhà ở cách xa nhau. Nơi này người ta quen gọi là Đồng Ông Cộ.
Dừng lại trước ngôi nhà hoang, nhìn trước sau mấy lượt rồi mới bước vào, nhưng bà Bích Thủy vẫn sợ có người nhìn thấy. Và dẫu ngôi nhà trống trơn do bị bỏ hoang lâu ngày, có thể nhìn thấu suốt ra vách phía sau, nhưng bà vẫn lên tiếng hỏi:
- Có ai trong nhà không?
Dĩ nhiên là chẳng có ai trả lời, nhưng bà Thủy vẫn lặp lại câu hỏi:
- Có ai ở đây không, kể cả người không phải là chủ ngôi nhà?
Sau khi yên chí là không có người, bà mới bước tới phía tận cùng chiều dài ngôi nhà và đưa tay lay nhẹ vào chỗ vách ván đã cũ, chứng tỏ bà đã khá quen thuộc với ngôi nhà.
Sau mấy lần lay, bỗng dưng một miếng ván long ra để lộ một khe hở lớn. Bà Bích Thủy reo lên:
- Nó vẫn còn đây!
Bà kéo ra một chiếc hộp gỗ đã phủ đầy rêu mốc, nhưng vẫn ôm nó vào lòng bằng cử chỉ trìu mến lạ thường.
- Vậy mà mình cứ tưởng nhà đã bị phá và người ta đã đốt nó đi rồi!
Ôm chiếc hộp đến chỗ có ánh sáng trời rọi vào, bà Thủy nhắm mắt lại, vừa nhẹ nhàng mở nó ra.
Trong đầu bà mường tượng lọn tóc dài óng mượt mà chính bà đã cắt mái tóc thề của mình và đặt vào đó trước ngày đi lấy chồng và hầu như quên hẳn kỷ vật đó.
Nhưng khi bà mở mắt ra thì thay vì thấy lọn tóc, trong hộp lại là một bộ xương khô của... một con vật nhỏ nhắn giống như xương mèo!
- Trời ơi!
Bà Bích Thủy rụng rời tay chân, nhưng chẳng hiểu sao cái hộp trên tay bà vẫn không rớt xuống sàn. Rồi bỗng dưng bà nghe như bên tai có tiếng kêu khẽ "meo meo". Cho đến lúc đó thì bà ngã phịch xuống và ngất đi...
***
Việc mẹ mình đột nhiên mất tích khiến cho Nhơn lo lắng vô cùng. Anh hỏi mãi thì Tám Thể mới tiết lộ:
- Bữa đó bà nhốt ông pháp sư trong phòng chứ không phải con mèo. Nhưng chẳng hiểu sao khi cậu mở cửa ra lại thấy con mèo ở trong đó, còn ông kia thì biến mất? Cậu có thấy lạ không?
Nhơn nhớ lại con mèo đen, anh ngờ ngợ:
- Hình như con mèo này nó sao đó. Nhà mình có con nào như vậy không?
- Dạ không, bà và cậu đều không thích mèo, chó, nên tụi này cũng đâu dám nuôi. Mà cũng lạ, sau bữa đó rồi không thấy con mèo ấy đâu nữa?
Nhơn còn đang hoang mang thì chợt nghe có tiếng gọi cửa. Anh bảo Tám Thể:
- Chị ra coi ai. Nếu người lạ thì đừng cho vào, nói nhà đi vắng hết.
Tám Thể bước ra một lát trở vào báo:
- Dạ, đúng là người lạ, nhưng anh ta nói biết cậu và cần gặp để gửi trả lại cái gì đó.
Nhơn cau mày:
- Ai vậy?
- Một anh chàng đạp xích lô, nói tên là... là gì đó tôi quên rồi. Anh ra trông có vẻ lương thiện.
Nhơn chợt nhớ, anh kêu lên:
- Anh chàng chở nạn nhân đi bệnh viện!
Tám Thể quá đỗi ngạc nhiên:
- Chở ai đi bệnh viện hả cậu?
Nhơn nói nhanh:
- Ra mở cửa mời anh ta vào!
Nhơn nhớ lại chuyện hôm đó mà hơi lo. Chẳng biết nạn nhân nhờ anh ta chở đi bệnh viện ra sao rồi, mà tại sao anh ta lại biết nhà mình?
- Dạ, khách vào rồi cậu Hai.
Nhơn quay lại và nhận ra anh chàng đạp xích lô. Anh chàng kia cũng reo lên:
- Tôi cứ tưởng là không thể gặp lại cậu được! Tìm cầu may mà gặp...
- Sao, anh tìm tôi chắc không liên quan tới chuyện bữa đó chứ? Thật ra người mà tôi nhờ anh chở chỉ là...
Anh chàng mau miệng:
- Cậu cứ gọi tôi là Ba Gà tôi chạy xích lô này đã gần chục năm, chưa thấy ai trả một cuốc xe đạp non cây số mà bằng chạy đoạn đường chục cây số như cậu! Tôi tới để trả lại cậu tiền dư.
Nhơn xua tay:
- Không, đó là công của anh, bởi anh xứng đáng được nhận như vậy.
Anh chàng nói một câu quá bất ngờ với Nhơn:
- Thật ra bữa đó tôi có chở nạn nhân nào đâu. Đó chỉ là... một con mèo!
Nhơn trố mắt kinh ngạc:
- Anh nói gì? Chính là một anh chàng tôi tình cờ bắt gặp trong ngôi nhà hoang mà?
Ba Gà thật thà:
- Chở anh ta tới bệnh viện thật, nhưng vừa tới nơi thì anh ta biến mất, chỉ còn lại trên xe là một con mèo mun! Nhưng con mèo sau đó cũng biến mất. Tôi hoang mang hết sức, đứng chờ cậu một lúc lâu mới đạp xe về nhà. Chiều lại, trong lúc dọn nệm xe tôi mới phát hiện có vật này rơi trên nệm. Ban đầu tôi không nghĩ là của anh chàng bị ngất kia, vì vật này là của nữ. Nhưng sau đó suy nghĩ kỹ tôi dám chắc là của anh ta hay là của... con mèo gì đó, bởi suốt buổi sáng trước khi gặp cậu nhờ chở thì tôi đâu có chở ai.
Nhơn tiếp nhận một cây trâm cài tóc của phụ nữ làm bằng xương hay ngà gì đó, anh nói ngay:
- Vật này không phải của tôi, cũng chẳng biết của ai, nhưng do anh nhặt được thì anh cứ giữ lại mà xài, đưa tôi làm gì.
Anh chàng xua tay:
- Tôi không xài được cái này! Vả lại hồi tối qua tôi nằm chiêm bao thấy có ai đó kêu tên tôi, bảo tôi đem cây trâm này đến trả cho chủ của nó, lại chỉ đúng địa chỉ nhà này. Họ còn nói cứ tới hỏi bà Bích Thủy thì ắt có người nhận!
Nhơn giật mình:
- Bà Bích Thủy? Sao biết tên mẹ tôi?
Ba Gà mừng rơn:
- Vậy ra bà Bích Thủy là mẹ của cậu sao? Hèn chi trên cây trâm có khắc mấy chữ tên đó...
Nhơn nhìn lên cán cây trâm và quả nhiên ở đó có khắc hai chữ Bích Thủy còn rất rõ nét.
- Trời ơi, sao lại...
Nhơn cứ thừ người ra, trong lúc Ba Gà nói huyên thuyên:
- Không ngờ chiêm bao mà y như thật! Lúc đầu tôi chưa tính đi tìm, nhưng sáng nay khi leo lên xe, thay vì đạp đi kiếm ăn trước rồi mới tìm sau, nhưng chẳng hiểu thế nào, tôi cứ cắm đầu đạp và xe... tự nhiên tới đúng nhà này, y như có người dẫn đường.
Nhơn mân mê chiếc trâm mãi, anh nói thầm:
- Sao lại có chuyện này?
Anh đột nhiên hỏi:
- Từ mấy ngày trước đó anh có chở người nào là phụ nữ tuổi trung niên không?
Ba Gà cười:
- Phụ nữ đi xe thì ngày nào không có. Nhưng chiều nào về nhà tôi cũng giũ nệm xe rất kỹ, đâu để sót vật gì trên xe. Tôi chắc chắn vật này thuộc một là cái xác biết chạy mà cậu nhờ tôi chở, hai là của... con mèo mun!
Nói xong anh ta chào Nhơn:
- Xin kiếu cậu Hai, tôi đi kiếm ăn. Dẫu sao thì tôi cũng nhẹ cả người khi trả lại chiếc trâm này. Thú thật với cậu mấy bữa nay tôi cứ bồn chồn, ray rứt hoài trong người. Không biết có phải do giữ vật này hay không nữa.
Nhơn giữ anh ta lại:
- Anh đã tới đây rồi, tôi muốn cám ơn anh và xin gửi anh chút chi phí.
Nhơn móc tiền định đưa cho anh ta, nhưng Ba Gà xua tay:
- Tôi tới là để giao lại vật không phải của mình, chứ đâu dám nhận tiền công.
Anh ta đi nhanh ra cổng, mặc cho Nhơn gọi theo mấy lần. Còn lại một mình, Nhơn cứ nhìn cây trâm. Thật ra do lời anh chàng đạp xích lô kể và qua cái tên khắc trên thân trâm, chứ thật ra từ nào đến giờ Nhơn có thấy mẹ mình cài trâm trên đầu bao giờ đâu? Hay là của bà thời con gái? Mà như thế thì tại sao lại rơi trên xích lô?
Bao nhiêu câu hỏi cứ vang lên trong đầu khiến Nhơn vô cùng bối rối. Trong lúc anh còn chưa biết làm sao, bởi điều quan trọng nhất lúc này là sự có mặt của mẹ mình thì bà vẫn bặt vô âm tín.
Tám Thể thập thò muốn nói gì đó, nhưng thấy Nhơn cứ đăm chiêu nhìn đi đâu đâu, nên phải một lúc chị mới dám lên tiếng:
- Thưa cậu Hai, có ông pháp sư...
Đang rối lại bực mình, nên Nhơn quát lớn:
- Đuổi ông ta đi!
- Nhưng thưa cậu, ông ấy...
Hoàng Vệ bước vào phòng khách, ông từ tốn nói:
- Cậu có đuổi thì cũng để tôi nói hết đã, rồi tôi sẽ đi. Bởi giờ đây chuyện cứu người với tôi còn quan trọng hơn...
Nhơn hỏi nhát gừng:
- Ông cần gì?
- Cậu cần tôi thì đúng hơn!
Ông ta tự nhiên ngồi xuống ghế, đồng thời đặt chiếc hộp gỗ lên bàn, vừa chỉ tay, bảo:
- Đích thân cậu mở vật này ra đi, như thế sẽ có lợi cho mẹ cậu và cả bản thân cậu nữa.
Nhơn chưa hiểu chuyện gì nên tỏ vẻ khó chịu:
- Tư cách gì ông sai bảo tôi làm chuyện này chuyện nọ vậy?
Ông Hoàng Vệ vẫn không phật lòng:
- Tôi hỏi lại, cậu có muốn muốn cứu mẹ cậu không?
Bấy giờ Nhơn mới giật mình:
- Mẹ tôi làm sao?
- Cậu cứ đặt tay lên hộp, rồi chờ cậu kia nữa. Cả hai cùng giở nắp hộp ra một lượt.
Nhơn chưa hiểu "cậu kia" là ai thì đã thấy Ba Gà từ từ bước vào. Ông Hoàng Vệ giục anh ta:
- Cậu mau tới cạnh cậu Hai và làm đúng theo lời tôi đã dặn hồi nãy ngoài cổng.
Chờ cho Nhơn và Ba Gà cùng đặt tay lên nắp hộp xong, ông Hoàng Vệ hô một tiếng lớn:
- Lên!
Lúc ấy cả Nhơn và Ba Cà chưa ai kịp làm động tác gì thì nắp hộp đã bật ra, vừa lúc từ trong đó một con mèo mun nhảy ra, nhắm thẳng chỗ ông pháp sư mà lao tới. Thuận tay, ông Hoàng Vệ dễ dàng chụp nó trong tay và thở phào:
- Xong rồi!
Ông quay sang Nhơn, ông nói giọng thân tình:
- Cậu không biết nên gay gắt với tôi thôi, chứ thật ra tôi chỉ muốn giúp cậu và bà Bích Thủy thôi. Mà cậu có biết tại sao tôi làm vậy không?
- Ông với mẹ tôi...?
Hoàng Vệ lắc đầu:
- Ý cậu muốn nói tôi và mẹ cậu có quan hệ tình cảm chứ gì? Hoàn toàn sai! Tôi là người theo một thứ tôn giáo riêng, không thể quan hệ nam nữ được. Kể cả tiền tài tôi cũng không cần, bởi tôi không phải người lệ thuộc vào đồng tiền. Nói tóm lại, tôi đang sống sung túc. Tôi giúp mẹ con cậu chỉ vì... con mèo này đây!
Ông ta nắm con mèo mun đưa lên cao và bất thần ném mạnh nó xuống đất. Con mèo chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi nằm im. Lúc này ông Hoàng Vệ mới cúi xuống nhặt nó lên trong tình trạng con mèo đã chết hoàn toàn. Ông nhẹ nhàng đặt nó vào trong chiếc hộp và bảo với Nhơn:
- Bây giờ cậu có thể nhờ cậu đạp xích lô này chở cậu tới chỗ bà mẹ cậu và đưa bà ấy về. Nhanh lên kẻo bà bị lạnh.
- Còn ông? - Nhơn ngập ngừng hỏi.
Ông Hoàng Vệ nói thêm trước khi bước ra ngoài:
- Tôi và ba cậu trước đây là bạn với nhau. Nhiều năm tôi sống ở Hồng Kông không về đây nên cậu chưa từng gặp. Tôi biết mẹ cậu gặp phải một việc mà người ta gọi là linh miêu ám, nên tôi về đây giúp.
Nhơn ngạc nhiên:
- Linh miêu là gì?
- Là con mèo bị vong hồn người cõi âm nhập. Con mèo này vốn trước đây vô tình nhảy qua thi thể một chàng trai mới vừa chết nên chàng trai ấy nhập vào nó. Mà chàng trai ấy lại chính là... người yêu cũ của mẹ cậu!
Nhơn sững sờ:
- Ông nói vậy là sao?
- Chuyện này rồi mẹ cậu sẽ kể cho mà nghe. Đây là mối tình thời con gái của mẹ cậu, tức trước ngày bà lấy ba cậu. Nhưng do chàng trai ấy khi hay tin mẹ cậu đi lấy chồng thì tự tử chết, hồn phách nhập vào con mèo mun và cứ đeo đẳng theo mẹ cậu hoài, nhất là từ khi ba cậu qua đời thì nó lại càng ám dữ, như muốn bắt mẹ cậu đi theo nó! Cũng may, trong nhà này có cậu là người có cái vong khắc với linh miêu, cộng thêm anh chàng đạp xe này một cách tình cờ lại giúp thêm một tay, nên cuối cùng con linh miêu đã phải chịu phép.
Ông quay sang anh chàng đạp xích lô Ba Gà:
- Thay mặt vợ người bạn tôi, bà Bích Thủy và cậu chủ nhỏ đây, tôi xin cám ơn cậu nhiều. Từ nay có lẽ bà Bích Thủy mỗi khi đi đâu chỉ nên nhờ cậu chở đi là an toàn...
Ông siết chặt tay Nhơn:
- Cậu thoát nạn rồi. Từ nay cố lo cho sức khỏe mẹ cậu hơn.
Lão ta bước ra ngoài và không quên nhắc:
- Cậu Nhơn nên đi ngay đi, ngôi nhà đó không an toàn đâu!
Đợi ông ta đi rồi, Nhơn giục:
- Anh để xích lô ở đó, tôi chở anh bằng xe hơi, để anh tiếp tôi đỡ mẹ tôi về đây.
Hai người đi nhanh tới chỗ ngôi nhà hoang. Vừa mở cửa ra đã thấy bà Bích Thủy ngồi co ro trong góc nhà. Bà mừng rú lên khi nhìn thấy con:
- Mẹ chết mất, con ơi!
Nhơn nhanh chóng đưa mẹ ra xe. Anh phải giải thích về sự có mặt của Ba Gà:
- Đấy là người góp công lớn trong việc giải cứu cho mẹ con mình. Từ nay con muốn nhờ anh ấy mỗi sáng tới đưa mẹ đi chợ và đi đây đó.
Bà Bích Thủy chờ cho Tám Thể bước ra ngoài rồi mới kể lại những gì bà biết và Nhơn đang rất muốn biết:
- Ngày mẹ còn đang học trường áo Tím thì mẹ có yêu người con trai tên Thái, ở cùng xóm. Mối tình của bọn mẹ trong sáng và thánh thiện lắm, nhưng cũng như tất cả những mối tình đầu, tình học trò đều không thành, cho nên khi mẹ vừa nghỉ học thì ông bà ngoại con bắt mẹ đi lấy chồng, tức lấy ba con sau này đó.
Nhơn e dè hỏi:
- Rồi người ấy của mẹ sao lại chết?
Giọng bà Bích Thủy trong nước mắt:
- Tội nghiệp lắm. Anh ấy con nhà nghèo, có cha cũng đạp xích lô như cậu Ba Gà đó, nên đâu có điều kiện để cưới xin mẹ. Mẹ cũng muốn cưỡng lại lệnh của ông bà ngoại con, nhưng là con gái mới lớn, tính tình lại yếu đuối, nên mẹ đâu còn cách nào khác hơn. Không ngờ ngay buổi chiều hay tin mẹ sắp làm lễ hỏi thì Thái đã chạy tới chỗ ngôi nhà mà lúc sáng con tới cứu mẹ đó, hồi ấy đó là ngôi nhà khang trang của ông bà ngoại con, anh ấy vừa nhìn thấy mặt mẹ thì ngã lăn ra và tắt thở! Thì ra Thái đã uống thuốc độc từ trước đó và chỉ chịu chết khi nhìn được mặt mẹ!
Bà Bích Thủy siết chặt tay con, tiếp lời:
- Mẹ vội đưa Thái vào nhà mình, chính ba con lúc ấy cũng có mặt và giúp mọi việc cho Thái. Mẹ nhớ ra rồi, lúc còn đang khăm liệm cho Thái thì có một con mèo mun bất thần nhảy ngang qua xác, nhiều người hoảng hốt, lo lắng về chuyện đó... Mẹ vì quá đau buồn nên cũng không để ý. Mãi cho đến những năm gần đây, bỗng dưng mẹ cứ nằm chiêm bao toàn thấy ác mộng, và rồi thấy một anh chàng trẻ tuổi nào đó cứ hiện ra và nhìn mẹ đắm đuối, khiến cho mẹ bị ám ảnh và mất ngủ...
Rồi chợt bà kêu lên:
- Mẹ nhớ ra rồi! Khuôn mặt xanh xám của chàng trai hiện ra trong giấc mơ của mẹ chính là Thái. Mặt Thái đã biến sắc do khi chết Thái bị thuốc độc hành hạ làm cho mặt không còn giữ được sắc thái tự nhiên nữa. Trời ơi! Vậy mà mẹ cứ tưởng...
Bà ôm mặt khóc ngất. Rồi trong suốt một tuần lễ, bà cứ gào gọi tên Thái...
Cũng may, sau đó ít lâu thì bà cũng nguôi ngoai và sống bình thản bên con. Một hôm bà nói với Nhơn:
- Con sớm có vợ đi, để mẹ vui với cháu nội trước khi nhắm mắt...
Nhiều năm sau đó không hề có một hiện tượng nào nữa như chuyện con linh miêu. Có lẽ cái vong của anh chàng Thái cũng đã cảm thông, để yên cho người yêu mình sống trọn cái tuổi già.