Nhiều biến cố dồn dập khiến cho Phước choáng váng. Muốn đến thăm người yêu mà không dám. Trong lúc đó lại nghe tin về Ái Mỹ làm cho Phước càng thêm lo. Cuối cùng, anh đành thu hết can đảm tới nhà Mỹ. Trái với sự lo lắng của anh, vừa bước vào nhà, anh đã được bà Châu săn đón:
- Cháu ơi, giúp bác với!
Phước ngạc nhiên:
- Thưa bác, chẳng hay có chuyện gì?
- Con Ái Mỹ...
Bà nói tới đó thì òa lên khóc.
- Thưa bác.
Phước nhìn vào trong, cố ý đợi Ái Mỹ xuất hiện. Nhưng câu nói của bà Châu đã làm cho anh chới với:
- Con Mỹ đã bỏ nhà đi rồi!
- Mỹ đi đâu?
Bà Châu nhìn thẳng vào Phước:
- Bác đang muốn hỏi cháu. Bác nói thật bác chỉ có mình nó, xưa nay nó luôn nghe lời bác, ngoan ngoãn chưa bao giờ làm trái ý. Vậy mà lần này nó lại cãi, nó chỉ nói một câu rồi bỏ nhà đi liền. Bác nghĩ nó đi với cháu.
Phước xua tay lia lịa:
- Dạ, con xin thề với bác, con không hề biết gì chuyện Mỹ bỏ nhà đi! Chính con đang sốt ruột muốn gặp được Mỹ nên mới mạo muội tới đây thăm.
Bà Châu thất vọng:
- Vậy mà bác cứ nghi. Bây giờ bác phải làm sao đây? Nếu nó làm chuyện dại dột gì thì chắc là bác không sống nổi.
Bà lại khóc sướt mướt. Phước tìm cách an ủi và hỏi rõ hơn:
- Thưa bác, tại sao Mỹ làm chuyện dại dột đó?
Đúng ra bà Châu không nói với Phước chuyện riêng tư của con, nhưng trong tình thế này, bà quên cả giữ gìn:
- Chỉ vì bác ép nó lấy thằng Toàn. Mà con cái nó dại dột quá, nếu không chịu thì để bác còn tính lại, chứ đâu phải bác không thương con cái...
Lâu nay Phước không có thiện cảm với người đàn bà này, nhưng giờ đây nhìn thấy bà đau khổ, anh đâm ra áy náy:
- Thưa bác, cháu có thể làm được gì, xin bác cứ dạy, cháu nguyện làm hết sức mình.
Bà Châu cầm tay Phước, giọng thành khẩn:
- Cháu làm cách nào tìm giùm nó về cho bác. Nói với nó là bác tha thứ hết kể cả việc bác không ép nó nữa. Nó muốn làm theo ý gì bác cũng chịu!
Phước sốt sắng:
- Dạ, cháu sẽ làm theo lời bác. Nhưng có điều này, cháu muốn hỏi: bác có một người con tên Yến Lan phải không? Cô ấy và Ái Mỹ có điều gì...
Tuy Phước không nói hết ý, nhưng bà Châu đã hiểu, bà đáp ngay:
- Chị em nó không thuận thảo nhau. Nhưng con Yến Lan đã chết từ lâu rồi...
Phước thấy không cần phải giấu:
- Vừa rồi cháu đã vào nghĩa địa và gặp ngôi mộ của Yến Lan. Cháu thấy có những điều khác thường nhưng chưa thể lý giải được...
Bà Châu đăm chiêu một lúc rồi nói:
- Con Yến Lan đã chết lâu rồi, chẳng hiểu sao mấy bữa nay con Ái Mỹ lại nhắc nó hoài, bác lo quá!
- Bác có nghĩ giữa họ đang có việc gì đó không bình thường hay không?
Bà Châu lắc đầu:
- Bác không biết nữa. Chỉ thấy lo lo thôi...
Hai người đang nói chuyện ở phòng khách thì chợt có tiếng động khác thường phòng trong. Bà Châu giật mình nói:
- Ủa có chuyện gì trong phòng con Ái Mỹ?
Bà chạy vào và ngay sau đó là tiếng la thất thanh:
- Trời ơi!
Phước chạy vào theo và anh khựng lại khi nhìn thấy trong phòng có ba con mèo đang nằm trên giường như đang ngủ say! Bà Châu lắp bắp:
- Nhà đâu có nuôi mèo mà sao chúng nó lại ở đây?
Đã nghe Lan Hương báo tin vụ ba con mèo này nên giờ đây nhìn thấy nó, Phước lo lắng:
- Những con mèo nhị thể... Những con mèo đen trắng này phải chăng là...
Phước không dám nói hết ý, nhưng trong thâm tâm anh đang nghĩ tới điều không hay. Mà điều này nếu nói ra lúc này e sẽ khiến bà Châu lo lắng thêm nên anh im lặng, chỉ đưa mắt chăm chú nhìn ba con mèo.
- Cháu... đuổi nó đi giùm bác.
Phước ngần ngại, nhưng không từ chối được nên phải bước hẳn vào phòng, vỗ mạnh tay và xua:
- Đi! Đi ra!
Ba con mèo không động đậy, Phước phải bước tới gần hơn và vỗ tay mạnh hơn. Lần này có tác dụng, bởi một trong ba con mèo nhúc nhích và bất ngờ phóng thẳng lên, gần đυ.ng trần nhà!
Bà Châu hốt hoảng:
- Coi chừng!
Bà vừa kịp lùi lại thì một vật gì đó rơi xuống ngay trước mặt. Phước vừa kịp nhìn thấy, anh kêu lên:
- Con mèo!
Vẫn là con mèo trắng đen, nhưng lúc này nó cụt mất cái đầu mà thân mình thì đầy những máu.
Thấy máu, bà Châu run lẩy bẩy, vừa lảo đảo. Phước phải chạy tới đỡ bà và dìu lại ngồi xuống chỗ bàn phấn. Nhưng bà Châu đã không còn có thể ngồi được, người bà đổ về một bên khiến Phước hốt hoảng, phải dìu bà ra phòng ngoài.
Phải gần nửa giờ sau, bà Châu mới hồi tỉnh. Vừa mở mắt ra bà kêu lên:
- Con Yến Lan!
Phước ngạc nhiên:
- Bác nói Yến Lan ở đâu?
Chỉ vào khoảng không, bà run run giọng:
- Nó... nó ở chỗ kia!
Nói xong, bà ôm lấy mặt sợ hãi. Phước ngước nhìn theo hướng tay bà chỉ vừa rồi, và anh điếng hồn khi thấy trên cánh quạt trần có hai con mèo treo lơ lửng. Máu từ miệng chúng đang tuôn chảy, rơi xuống đỏ cả một khoảng sàn nhà!
- Bác!
Phước cảm thấy luồng khí lạnh đang chạy theo sống lưng của mình...
***
Phải mất hơn một tuần sau, Phước mới lấy lại cân bằng, anh trình diện nhiệm sở mới. Người ta chuyển anh về một bệnh viện khá nổi tiếng và ngay buổi làm việc đầu tiên, Phước đã gặp một ca bệnh khó. Người trợ lý khoa cho biết:
- Có một bệnh nhân tuy đã chết lâm sàng rồi, nhưng người vẫn ấm, đồng tử chưa giãn nở, do đó ta chưa thể chuyển xuống nhà xác được, ý anh thế nào?
Tuy được phân công trưởng khoa, nhưng là người mới, nên Phước dè dặt:
- Các anh em, nếu cần thì ta cứ để xem lại. Tôi sẽ trực tiếp xem.
Anh vào phòng cấp cứu, chỉ có một bệnh nhân duy nhất còn lại đó.
- Nam hay nữ?
Cô y tá hướng dẫn Phước đến bên giường bệnh nhân vừa bảo:
- Cô gái còn khá trẻ, người ta chuyển vào đây lúc chiều trong tình trạng hôn mê sâu. Ai cũng ngỡ cô bị chấn thương gì đó, nhưng sau khi xem kỹ thì không thấy thương tích gì, cũng không có dấu hiệu gì là tự tử. Chẳng hiểu sao lại như thế này.
Phước vừa nhìn vào người bệnh đã thất thần khi nhận ra đó là Ái Mỹ!
- Trời ơi!
Cô y tá ngạc nhiên:
- Người quen của bác sĩ?
Phước giục:
- Chị lấy ống nghe giúp tôi!
Anh mất bình tĩnh đến đỗi đặt ống nghe trật vuột mấy lượt. Phát hiện có dấu hiệu còn mạch, Phước phấn khích:
- Còn sống!
Cô y tá Sương cũng phấn khởi:
- Còn có thể cứu được phải không bác sĩ? Từ chiều đến giờ tụi em cứ sợ lại phải thêm một lần chuyển người bệnh xuống nhà xác!
Phước kề sát tai Mỹ gọi khẽ:
- Anh đây, Phước đây, Mỹ!
Cô nàng vẫn không có phản ứng gì. Phước vẫn gọi:
- Ái Mỹ!
Anh cầm bàn tay nàng và lạ sao bàn tay xanh tái kia từ từ nắm chặt lại và giữ tay Phước như không muốn rời ra.
- Em không sao rồi, Mỹ ơi.
Phước lúc này là một người thân chứ không phải là anh quên sự có mặt của cô y tá bên cạnh, vội áp mặt mình vào mặt bệnh nhân.
- Thưa bác sĩ, có cần làm cấp cứu không?
Phước giật mình, vội bảo:
- Chị lấy ống thuốc trợ tim, chích cho cô ấy.
Nhưng cô y tá chưa lấy được ống thuốc thì đã nghe Phước hốt hoảng:
- Mỹ! Ái Mỹ!
Ái Mỹ l*иg lên dữ dội, xô ngã Phước ra và hai tay bứt tung cả nút áo ngực, để lộ ra ngực trần. Phước lại kêu:
- Mỹ, em đừng...
Nhưng tiếng kêu của Phước chưa dứt thì Ái Mỹ đã bất động trở lại, như một xác chết. Mà là xác chết thật sự khi Phước đưa tay đặt lên mũi cô:
- Ái Mỹ!
Phước đang chụp lấy vai cô vừa lắc mạnh thì đã phải ngừng lại, sửng sốt khi nhìn lên bộ ngực trần. Từ đầu nhũ bên này kéo dài sang đầu nhũ bên kia có ba nốt ruồi đen, tròn, giống như ba hạt đậu nằm rải đều nhau!
Đây không phải lần đầu Phước nhìn thấy ngực người yêu, nên anh vừa sững sờ vừa sợ hãi. Mãi một lúc anh mới cất tiếng được:
- Chị gọi thêm...
Anh định bảo cô y tá gọi thêm bác sĩ tăng cường, nhưng kịp nghĩ lại, anh ngăn lại:
- Thôi, không cần!
Rồi tự tay anh kéo áo nàng lại một cách cẩn thận. Dù không cố ý, nhưng tay Phước cũng chạm vào một trong ba nốt ruồi ấy, và như có luồng điện cực mạnh truyền sang, khiến Phước bị bắn bật ra, ngã hẳn xuống sàn!
- Ái Mỹ!
Khi một số bác sĩ khác chạy vào tiếp cứu thì đều nhận xét:
- Bệnh nhân đã chết hẳn rồi!
Phước tuy không dám chạm vào thân xác của người yêu, nhưng anh vẫn chưa muốn rời nàng, do vậy anh chưa cho chuyển Ái Mỹ xuống nhà xác. Anh ngồi rất lâu, thỉnh thoảng cứ muốn nhìn lại ba cái nốt ruồi kỳ lạ ấy, nhưng lại cũng không dám...
Chính Phước là người nhận xác người yêu về ngay đêm hôm đó mà không để bệnh viện chuyển xuống nhà xác. Bà Châu đau buồn vì mất con bao nhiêu thì Phước đau cũng không kém, ngoài ra anh còn nỗi ray rứt không yên là không cứu được nàng, dù phút cuối anh cận kề bên cạnh.
Khi tang lễ chấm dứt, đưa quan tài Ái Mỹ ra nghĩa địa, anh quyết liệt chống đối việc thiêu xác. Anh cố thuyết phục bà Châu:
- Con xin bác đừng thiêu xác Mỹ, con muốn cô ấy được nguyên vẹn.
Bà Châu phải nghe theo, dù mọi thủ tục thiêu xác đã được chuẩn bị. Phước còn đề nghị và được chấp thuận:
- Ở phần vườn nhà con nhiều khoảng trống, con xin bác hãy cho chôn Ái Mỹ ngay trong đó.
Bà Châu lại nghe theo và còn bảo Phước:
- Bác muốn con qua bên này lo giúp bác một thời gian. Nhà hiện nay không còn ai. Bác thì có bệnh tim.
Phước nhận lời ngay. Trước mắt, gần như suốt ngày anh ở ngoài phần mộ. Cứ đốt hết đợt nhang này đến đợt nhang khác hầu như không bao giờ dứt khói hương. Hằng ngày cho mãi đến khi trời tối mịt Phước mới vào nhà. Anh xin phép được ngủ ở phòng của Ái Mỹ và được bà Châu chấp thuận, bà còn bảo:
- Con coi trước khi chết nó có để lại di bút gì không?
Phước cố tìm, nhưng không thấy gì. Cả hai đêm liền Phước đều khó ngủ và lại tìm khắp các phòng trong, mong thấy được một cái gì đó chứng tỏ Ái Mỹ chán chường và tuyệt vọng, mà vẫn không có. Qua đêm thứ ba, tức tròn một tuần từ ngày Mỹ chết, Phước quá kiệt sức nên đi ngủ sớm. Ngay khi từ ngoài mộ Ái Mỹ về, chưa kịp thay quần áo Phước đã ngả lưng ngủ ngay. Không biết giấc ngủ kéo dài bao lâu, cho đến khi Phước nghe có một tiếng ho khan của ai đó ngay trong phòng mình, đồng thời anh ngửi được mùi thuốc lá rất lạ.
- Ai vậy?
Phước vừa bật dậy thì đã nghe có người lên tiếng, giọng đàn ông:
- Ngày nào cũng ăn ngủ chập chờn như vậy thì liệu sống được bao lâu nữa?
Trong phòng lúc ấy không có ánh sáng, nhưng qua giọng nói Phước biết người ấy đang ngồi bàn cạnh cửa sổ. Ông ta lại tiếp:
- Cậu cứ ở đó không cần phải mở đèn lên, ta sợ ánh sáng.
Lúc này Phước mới hỏi:
- Ông là ai? Tôi nhớ lúc đi ngủ đã chốt cửa phòng lại rồi mà!
Một tiếng cười khẽ cất lên:
- Cửa chốt lại là để ngăn người trần, chứ người trong thế giới vô hình thì cửa khóa có nghĩa gì với họ!
Phước hốt hoảng:
- Ông là...
- Cậu có sợ cũng chẳng có ý nghĩa gì nữa, bởi ta đã ở đây, cận kề bên cậu rồi. Cậu sợ thì cũng không thể thoát được, nếu ta muốn ra tay...
Câu nói có tính hăm dọa thật sự không làm cho Phước sợ, tự dưng anh cảm thấy tự tin hơn, nên nói liền ý nghĩ của mình:
- Giờ phút này tôi còn đang muốn được chết, bởi người yêu tôi không còn hiện hữu trên cõi đời này nữa thì sự sống cũng đâu còn nghĩa lý gì với tôi nữa!
Người đàn ông im lặng một lúc mới lên tiếng trở lại, giọng có hơi khác:
- Cậu yêu người con gái ấy đến thế sao? Đó là lòng thành hay chỉ là...
- Tôi không việc gì phải dối lòng. Vả lại ông không là gì để tôi phải bày tỏ...
- Khá khen cho cậu. Nhưng có một điều tôi thấy tiếc...
Ông ta ngừng nói một lúc nữa, rồi đột ngột hỏi:
- Cậu có chắc là đã chôn người yêu của mình?
- Kìa ông, chuyện ấy là của tôi. Chính tôi đã...
- Đã chôn nàng ngoài sau vườn nhà này chứ gì? Tôi nghiệp cho một con người si tình nhưng thiếu sáng suốt! Cậu có nghĩ là mình chỉ chôn xác ba con mèo không?
Câu hỏi khiến cho Phước giật mình:
- Ông nói sao? Làm gì có chuyện ấy! Chính tôi...
Có tiếng xô ghế đứng lên của người kia, kèm theo lời nói:
- Tin hay không thì cậu ra mà xem. Tôi chỉ muốn giúp cậu thôi.
Im lặng hoàn toàn sau đó. Phước hỏi to:
- Ông còn đó không?
Chẳng nghe tiếng trả lời. Phước chạy tới công tắc đèn, bậc lên thì chẳng thấy ai trong phòng mình nữa. Cửa vẫn chốt chặt từ bên trong.
Nhớ lại câu nói của ông ta, Phước lặp lại một mình:
- Không có xác của Ái Mỹ...
Anh tốc cửa chạy ra ngoài. Lúc này Phước mới biết trời vừa sáng. Việc đầu tiên của Phước là chạy ra phần mộ của Ái Mỹ và sau đó tìm mấy vật dụng để đào đất.
Phước hành động một mình, bởi sợ kinh động đến bà Châu thì sẽ bị phản đối. Đào mộ mới chôn nên cũng không khó để Phước đào tới nắp quan tài chỉ sau mười lăm phút. Không chần chừ, Phước tìm cách nạy nắp quan tài lên. Cũng không khó. Khi nắp quan lộ ra, Phước đã sửng sốt kêu lên:
- Trời ơi!
Trong quan tài rõ ràng có ba con mèo nhị thể nằm rải đều ra từ đầu đến cuối. Ngoài ra không có xác của Ái Mỹ! Điều này không thể nào xảy ra, bởi khi liệm xác Mỹ thì chính tay Phước đã làm. Vậy thì tại sao?
Không thể nào lý giải được, nên Phước chỉ còn biết đứng thừ người ra, chưa biết phải làm sao, thì bỗng có một cơn lốc xoáy thổi lên khiến Phước phải lảo đảo lùi ra mấy bước. Đến khi cơn lốc qua rồi, Phước nhìn lại thì trong quan tài không còn xác ba con mèo nữa, mà đất của phần mộ cũng được lấp lại nguyên vẹn như lúc chưa đào!
Vẫn còn chưa hết bàng hoàng, nên Phước cứ lầm bầm:
- Không thể nào, không thể là như thế này được!
Phải hơn một giờ sau anh mới trở vào nhà, gặp bà Châu ngay cửa ra vào, bà reo lên khi thấy Phước:
- Bác đợi cháu nãy giờ. Có chuyện này...
Bà hạ thấp giọng như sợ có người nghe:
- Ba con Ái Mỹ về báo mộng cho bác biết con Ái Mỹ chưa chết sao bữa mình đem chôn nó?
Phước không thể giấu chuyện vừa rồi, liền thú thật:
- Cháu cũng được biết chuyện đó nên mới đây cháu đã đào mộ lên.
Bà Châu hỏi dồn:
- Vậy có cứu được nó không?
- Không có xác của Mỹ dưới mộ.
Câu nói của Phước làm cho bà Châu tròn xoe mắt:
- Vậy nó ở đâu? Không lẽ chỗ ba nó nói?
- Bác trai bảo thế nào?
- Ở chỗ mộ con Yến Lan.
Phước giật mình:
- Sao lại ở chỗ ấy?
Tuy nói vậy, nhưng Phước lại vừa bước ra cửa, bà Châu hỏi:
- Con đi đâu vậy?
Không trả lời, Phước gọi xích lô đi thẳng tới chỗ nghĩa địa vắng hôm trước. Đến trước ngôi mộ Yến Lan, nhìn trước sau không thấy gì khác lạ, Phước vừa định bước trở ra thì chợt nghe văng vẳng trong gió giọng người đàn ông quen quen:
- Phải tìm thì mới gặp chứ cớ sao chỉ đứng đó mà nhìn!
Chẳng hiểu có động lực nào thúc đẩy mà Phước lại bước về hướng bên trái. Có lẽ anh theo giọng nói vừa phát ra. Năm phút sau, Phước đã đứng trước một ngôi nhà xiêu vẹo, cửa đóng nhưng không khóa. Nghĩ là có người bên trong nên Phước cất tiếng gọi:
- Có ai trong nhà cho tôi hỏi thăm...
Chẳng có ai lên tiếng, nên gọi đến lần thứ hai thì Phước mạnh dạn đẩy cửa vào. Bên trong có ánh sáng từ chiếc đèn dầu hắt ra, chiếc giường tre ọp ẹp có một người nằm.
- Ái Mỹ!
Vừa trông thấy người trên giường, Phước đã nhận ra ngay là người yêu. Anh chạy tới thật nhanh và quả đúng là Ái Mỹ đang nằm im. Chạm tay vào nàng, Phước mừng rú:
- Còn sống.
Thân thể còn ấm. Chỉ có điều là bất động như xác chết. Là một bác sĩ, Phước hiểu điều đó có nghĩa là nàng còn sống. Anh nắm chặt bàn tay nàng, gọi khẽ:
- Mỹ, anh đây. Phước đây.
Nàng vẫn bất động. Chợt giọng nói lúc nãy vang lên:
- Áp thân cậu vào thân nó, Mỹ sẽ tỉnh lại!
Như một mệnh lệnh, Phước làm theo mà không chút e dè. Và anh cảm thấy máu trong người mình chuyển động mạnh. Hơi nóng từ thân thể Mỹ từng lúc ấm thêm lên...
Đến một lúc, Phước bị hất tung ra, suýt văng xuống sàn. Nhưng khi nhìn lại anh mừng quá, reo lên:
- Mỹ! Em tỉnh lại rồi!
Ái Mỹ bật dậy rất nhanh và lên tiếng ngay:
- Tôi đang ở đâu?
- Anh đây!
Nhìn thấy Phước, nàng òa lên khóc! Chợt giọng nói lúc nãy thúc giục:
- Đưa nó rời khỏi đây ngay.
Không biết Ái Mỹ có thể đi được hay không, Phước bế xốc nàng lên và chạy như bị ma đuổi ra khỏi nơi đó!
Mãi khi lên taxi rồi, Phước mới để ý mình đang ở một khu ngoại ô vắng vẻ...
Khi về đến nhà rồi, Phước vẫn chưa tin là sự thật. Anh quay sang định hỏi thì thấy Ái Mỹ đang dựa vào vai mình ngủ thϊếp đi. Có lẽ quá mệt chứ không phải ngất. Hơi thở của nàng đều đều...
Khỏi nói thì cũng biết, khi nhìn thấy cả hai bước xuống xe ngoài cổng, bà Châu đã gần như muốn đứng tim. Mãi đến khi Phước dìu Ái Mỹ vào đến bậc thềm bước vào nhà, bà mới lắp bắp:
- Có phải... có phải...
Phước nói ngay để bà an tâm:
- Ái Mỹ còn sống bác ạ!
Ái Mỹ ôm chầm lấy mẹ, chỉ có khóc chứ không nói được lời nào! Bà Châu cũng thế.
Phước bước về phòng định dọn dẹp để Ái Mỹ vào được thoải mái. Tuy nhiên vừa khi ấy anh khựng lại, bởi mùi thuốc lá bay phả vào mũi đến khó chịu. Mùi này đã một lần Phước ngửi được, anh vừa định lên tiếng hỏi thì đã nghe giọng nói quen thuộc của người đàn ông:
- Cậu vừa cứu nó khỏi cái chết cầm chắc mười mươi! Bây giờ còn một việc cuối cùng nữa, cậu làm được thì vĩnh viễn nó là của cậu. Cậu phải trở lại nghĩa địa, đem xác ba con mèo và chôn bên cạnh mộ con Yến Lan. Chỉ có cậu làm được việc đó, và cậu làm thì mới có hiệu quả. Hãy làm ngay đi, xác ba con mèo đã được đem lên khỏi mộ trống của Ái Mỹ, cậu cứ mạnh dạn mang đi, không việc gì phải ngại.
Không chờ Ái Mỹ vào phòng, Phước vội ra sau vườn và quả nhiên anh nhìn thấy cái thùng giấy đặt sẵn ở đó. Ba con mèo nằm im trong thùng như đang ngủ say. Đã từng chứng kến điều kỳ lạ từ ba con mèo này, nên Phước cẩn thận nhặt sợi dây gai gần đó cột chặt nắp thùng lại rồi mới nhanh chóng mang đi. Đến nghĩa địa, Phước chưa biết phải làm sao đào đất thì đã nhìn thấy một chiếc xẻng ai đã đặt sẵn ở đó. Anh đào một lỗ rất vừa, chôn cái thùng giấy xuống và lấp đất lại, có nấm nhô lên chẳng khác một ngôi mộ nhỏ. Làm vừa xong thì Phước có cảm giác như đất dưới chân mình rung chuyển nhẹ, và hình như có tiếng khóc từ dưới mộ của Yến Lan vọng lên. Anh hơi hoảng, tuy nhiên nhớ đến lời dặn của người đàn ông, anh bình tĩnh bước nhanh ra khỏi nơi ấy.
Phước nghe văng vẳng phía sau mình tiếng khóc rất lạ...
***
Việc Ái Mỹ sống lại sau hơn một tuần chết, chính Phước cũng không hiểu tại sao. Anh chỉ ngầm hiểu rằng có điều thần bí gì đó. Đến khi nghe bà Châu kể chuyện bà gặp chồng trong giấc mộng đêm qua thì Phước mới tin là thật sự có chuyện cõi âm trong việc này. Bà Châu bảo:
- Ông nhà tôi thương con Yến Lan, bởi mẹ nó mất là do ông gây ra, nên kể từ khi ông ấy chết sau khi con Yến Lan tự tử thì chưa lúc nào ông ấy về báo mộng cho bác hay Ái Mỹ. Vậy mà vừa rồi hết về gặp cậu, rồi gặp bác, khi nào ông ấy cũng lo lắng chuyện con Yến Lan định bắt hồn Ái Mỹ! Nhà tôi bảo rằng nếu không có cậu thì ông ấy không ngăn con Yến Lan ra tay.
- Cháu không quan tâm lắm chuyện oan hồn cô Yến Lan, chỉ thắc mắc chẳng hiểu sao Ái Mỹ chết đã hơn một lần mà tim vẫn còn hoạt động, và tại sao ra khỏi mộ được?
Bà Châu kể tiếp:
- Ông nhà tôi nói rằng, do không muốn thêm một đứa con của mình chết nữa, nên ông đã kịp thời ra tay cứu Ái Mỹ khi mình vừa hạ huyệt xong. Ái Mỹ chưa kịp chết hẳn, đã được ông cứu và đưa tới ngôi nhà hoang. Yến Lan thì nhất quyết phải đòi cho được mạng của Mỹ, bởi có như thế nó mới trả được mối hận. Nó là một hồn ma thật sự, nó có thể ra tay hại người rửa hận, còn ông nhà tôi chỉ là một vong hồn. Vong hồn khác với hồn ma. Vong không hại người, chỉ hiện về báo điều lành dữ cho người sống mà thôi. Chính ông ấy đã gặp cháu mấy lần đó.
Phước nhớ lại giọng nói đầy thiện cảm của người đàn ông, anh lặng người một lúc rồi nhẹ giọng nói:
- Bây giờ cháu đã hiểu. Cháu xin cảm ơn vong hồn của bác trai.
Anh tỏ ý muốn trở về nhà mình thì bà Châu chân tình nói:
- Bây giờ bác đã hiểu điều tệ hại của việc ép duyên con. Bác muốn cháu giúp con Ái Mỹ trở lại tình trạng cân bằng. Vậy tốt nhất là cháu nên ở đây thêm một thời gian nữa. Rồi sau đó về thưa chuyện với bà thân, mời bà sang đây nói vài lời, bác sẽ đồng ý cho hai đứa hết hợp với nhau. Ý cháu thế nào?
Phước chưa kịp đáp thì Ái Mỹ đã từ nhà trong chạy ra ôm lấy mẹ, ríu rít:
- Con cám ơn mẹ! Anh Phước cũng vậy, anh ấy cũng như con.
Bà Châu mắng yêu con gái:
- Sao lại nói thay cậu ấy được, con khỉ này chỉ tài lanh!
Phước nói nhanh:
- Đây là điều con mong đợi từ lâu rồi!
Một tháng sau. Đám cưới của Ái Mỹ và Phước diễn ra trong sự lo lắng của bà Châu và cả Lan Hương nữa. Những người biết chuyện báo thù của hồn ma Yến Lan đều nơm nớp lo sợ điều chẳng lành sẽ xảy ra trong lễ cưới. Nhưng may mắn, lễ cưới đã diễn ra êm thấm. Cả ba, bà Châu, Ái Mỹ và Phước ngầm hiểu là có sự che chở của ông Châu. Họ khấn vái ông ngay trong lễ cưới. Và cũng không quên khấn hương hồn Yến Lan. Ái Mỹ đã nắm chặt tay chồng, nói vọng vào khoảng không:
- Em cám ơn chị Yến Lan. Tụi em sẽ sống hạnh phúc và mong được chị mãi mãi phù hộ...
Và họ đã có những ngày hạnh phúc sau đó.