Chuyện ông bá hộ Tung hơn bảy mươi tuổi mà còn đòi lấy vợ trẻ chẳng những làm cho cả nhà sững sờ, mà ngay như người làng cũng ngơ ngác bảo nhau:
- Ông ta có hồi xuân không mà đòi lấy gái mười tám?
Có người lại nói:
- Mà có đứa ưng thuận mới là chuyện lạ! Chắc là ham tiền, chứ con gái mà đi lấy một ông già như thế?
Nói gì thì nói, việc đã thành sự thật. Hôm đó trong buổi họp mặt gia tộc, bá hộ Tung đã long trọng tuyên bố:
- Nhà này từ nay sẽ có chủ mới. Con gái của chủ nhà máy xay lúa Đồng Xanh ở cồn Cái Thia đã nhận lời và làm... má mấy đứa trong nhà này.
Người đầu tiên lên tiếng phản đối là con gái út của ông, cô Út Liên:
- Nghe nói con đó mới mười tám tuổi, như vậy còn nhỏ hơn tuổi con, sao làm... mẹ tụi này được.
Bá hộ Tung trợn mắt:
- Mày kêu ai bằng con này con nọ, con kia?
Út Liên không vừa:
- Ba mà cưới nó về thì đừng trách tụi con bỏ nhà đi hết cho ba ở với nó!
Người em gái thứ sáu của ông cũng ca:
- Bộ hết chỗ lấy sao anh lấy con này về làm vợ? Mà nghe đâu bên cánh đó cũng đâu có ưng, chỉ bởi anh ép họ...
Bá hộ Tung đập bàn quát tháo vang cả nhà:
- Đừng có bàn ra. Tao cưới vợ là cưới cho tao, chứ có cưới cho mấy người đâu. Nhà cửa này là của tao, sản nghiệp này cũng do tao tạo dựng, như vậy tao là chủ, tao có quyền quyết định chuyện riêng của tao!
Thấy ông anh của mình nói đến nước đó, nên cô Sáu quay sang nói với mấy đứa cháu:
- Ba bay đã nói như vậy rồi thì tốt hơn hết là tụi con qua nhà cô mà ở. Để nhà này cho ông ấy sống với vợ "nhí" đi!
Cả ba đứa con gái đều đồng tình. Trước khi đi chúng còn nói như trối:
- Chỉ khi nào ba chết tụi con mới về để tang, chứ không bao giờ tụi con đặt chân về nhà này!
Không ngờ con cái phản ứng dữ quá lão bá hộ đành xuống nước:
- Tụi con thương ba tuổi đã già, sống cô đơn buồn quá chắc là ba mau chết!
Em gái ông nói:
- Nếu vậy tôi làm mai cho anh con Tư Gấm năm nay nhỏ hơn tôi ba bốn tuổi. Nó là người đàng hoàng, từ nào đến giờ chưa lấy chồng, lại con nhà gia giáo nữa.
Ông bá hộ rùn vai, lè lưỡi:
- Cô cho tôi lạy, con vợ già mới chết, bây giờ cô lại bảo tôi đi kiếm một con... chằn cái khác về hả? Còn lâu!
Cô Sáu Nết nhún vai, lắc đầu:
- Anh hết thuốc chữa rồi!
Mấy cô cháu dắt tay nhau ra khỏi nhà. Lão bá hộ nhìn theo dửng dưng. Tuy nhiên, khi họ đi hết rồi thì ông chợt cảm thấy trống vắng. Kể từ ngày vợ chết cách ba năm trước, bề ngoài thì lão có vẻ là người chung tình, nhưng thật ra lão là người trăng hoa khó ai bì! Cho đến khi một sự tình cờ, lão được người mách cho cô gái tân tên là Tiểu Quyên. Đúng hơn là có người mai mối.
Một bà mai có cỡ. Chính bà ta tìm tới gặp riêng lão và tiếc lộ:
- Ông bá hộ bộ tính chết già trong cô độc hay sao vậy?
Bá hộ Tung ngao ngán lắc đầu:
- Nghe tới vợ con là phát ngán rồi! Sống một mình thấy khỏe hơn.
- Nhưng vợ là vợ già chứ còn... nàng hầu, đào "nhí" thì phải khác chứ!
Và ngay lập tức, mụ ta mách:
- Bá hộ biết chủ nhà máy xay lúa Đồng Xanh ở bên cồn Cái Thia không?
- Biết. Nhà máy xay lúa thuộc loại lớn nhất vùng này?
Mụ ta cười phá lên:
- Ai hỏi về sự lớn nhỏ của nó làm gì. Bởi có lớn, có giàu gì thì cũng chỉ bằng cái móng tay của ông mà thôi. Tôi hỏi là hỏi đứa con gái hoa nhường nguyệt thẹn của nhà đó kìa!
Bá hộ Tung ngạc nhiên:
- Thì cũng mắc mớ gì tôi? Hình như là nhà đó có đứa con gái năm rồi tính đưa đi dự thi sắc đẹp ở Tây đô thì phải.
Mụ mai vỗ tay:
- Đó đó. Cái đáng nói là ở đó đó!
Rồi mụ ta kề tai nói nhỏ:
- Ông có muốn có con nhỏ đó để hết cô đơn không?
Đúng là đưa mỡ đúng vào miệng mèo! Lão bá hộ có sụm chân đi nữa mà nghe giới thiệu món ngon như thế cũng phải ứa nước dãi:
- Nó chịu tôi sao?
Mụ ta nheo mắt:
- Chịu ngang xương thì đời nào nó chịu. Nhưng... phải có những cái khác thường thì mới gọi là bá hộ Tung chớ!
Vẫn thầm phục cái tài xúi người này, giục người kia của mụ ta, nên ông bá hộ hỏi khẽ:
- Có cách nào?
Lúc này mụ mới nói thẳng ra:
- Số là thằng cha chủ nhà máy xay lúa đó vừa bị vỡ nợ, thiếu nhà băng số tiền khá lớn, sắp bị xiết nợ mất cái nhà máy xay. Cho nên nó mới... bán đứa con gái mà trả nợ.
- Bán con gái? Có phải cái cô đi thi sắc đẹp không?
Mụ mai lại vỗ đùi:
- Còn ai vào đó nữa! Và chỉ có ông thôi...
Trong lúc bá hộ Tung còn chưa rõ thì mụ ta đã giải thích rành rọt như người trọng cuộc:
- Chỉ cần ngài bỏ ra nửa vạn bạc là xong. Đó là số tiền cha cô nàng thiếu nợ nhà băng!
Nghe tới số tiền quá lớn, lão bá hộ phát hoảng:
- Số tiền trị giá ba bốn trăm lượng vàng đâu phải chuyện chơi!
Mụ mai hạ thấp giọng ra vẻ quan trọng:
- Bởi vậy tôi mới nói chỉ có mình ông là tính được! Nhiều thì có nhiều, nhưng để có được người đẹp như tiên giáng trần đó thì... cũng đâu có quá mắc.
Lão bá hộ đã bắt đầu nao núng:
- Sao bà biết họ chịu đổi con?
Mụ mai đánh đòn quyết định:
- Được hay không là do tài của con Tư Thắm này mà, ông bá hộ!
Rồi mụ ta nói chi tiết hơn:
- Vừa rồi chính thằng chủ nhà máy chạy qua cậy nhờ tôi nói giùm ông bá hộ. Nếu ông đồng ý giải nguy cho ông ta bằng cách trả cho nhà băng số tiền nợ đó, thì đổi lại ông ta sẽ cho con gái về làm thứ thϊếp cho ông. Nói thứ thϊếp cho có vẻ, chứ đó là làm bà bá hộ nhí cho ông đó!
Mắt lão bá hộ sáng lên nhưng vẫn còn e dè:
- Biết cô ấy có thuận không?
- Miễn là ông chịu thì giá nào cũng xong!
- Nhưng mà...
Lão ta nhẩm tính và im lặng hồi lâu. Cuối cùng đã gật đầu. Thế là mụ mai Tư Thắm phấn khởi nói:
- Ông chờ đó, chỉ trong vòng hai mươi bốn giờ là xong.
Mụ ta nói đúng. Bởi qua chiều hôm sau thì có tin tốt:
- Ông chuẩn bị tiền đi, xong rồi!
Một cuộc gặp mặt giữa bá hộ Tung và chủ nhà máy xay Mười Lực, với lời giao ước:
- Giải nợ nhà băng xong thì lập tức tổ chức đám cưới!
Bá hộ Tung muốn chắc ăn hơn, đã ra điều kiện:
- Phải cho tôi gặp mặt cô Tiểu Quyên trước, chỉ cần một lời hứa của cô ấy thôi thì bao nhiêu tôi cũng chi!
Dĩ nhiên Tiểu Quyên không chịu! Cô khóc òa lên khi nghe cha nói thẳng ra ý định và cương quyết nói:
- Nếu cha bắt ép con lấy lão ấy thì con sẽ cắn lưỡi chết ngay lập tức!
Biết con mình nói là làm, nên Mười Lực phải cầu viện tới bà mụ Tư Thắm, mụ này bày mưu:
- Tôi đã lường trước rồi. Phải như thế này thì mới xong...
Mụ ta bày trò như thế nào đó mà ngay ngày hôm sau, Mười Lực đã ngã bệnh nặng, đồng thời có một lũ đầu trâu mặt ngựa kéo tới đòi đốt nhà máy xay, nếu không trả nợ kịp thời.
Lúc đầu Tiểu Quyên không quan tâm chuyện gì đang xảy ra. Tuy nhiên, khi gia nhân báo tin cha bệnh nặng, rồi nhà máy bị hăm đốt, côn đồ kéo tới đông như kiến thì cô gái đáng thương phải rung động. Cô chạy đi tìm cha thì thấy ông nằm thoi thóp trong phòng, ông ra dấu cho con tới bên cạnh rồi nói như trối trăng:
- Nếu cùng lắm thì con hãy châm lửa trước, đốt nhà này, đốt luôn cả nhà máy, không để cho chúng nó chiếm lấy. Còn phần con thì hãy đi về quê nội tạm lánh thân, sau sẽ tính...
Ông nói trong hơi thở dồn dập khiến cho Tiểu Quyên hoảng sợ:
- Cha! Vậy cha hãy đi đi, con sẽ cho người mang cha ra khỏi nhà, phần con thì...
Cô muốn nói là sẽ ở lại tử thủ, dẫu cho có tự thiêu trong biển lửa cũng cam đành nhưng lời cô chưa dứt thì ông Mười Lực đã quát lớn:
- Hãy mau đi đi, tụi nó kéo tới đây bây giờ!
Vừa nói ông vừa tung mền ngồi dậy và lao thẳng vào tường như hành động tự sát!
Tiểu Quyên lao theo cha, gào lên:
- Đừng cha ơi! Con, con.. nghe theo cha. Con...
Rồi nàng ta ngất đi. Mọi việc trở lại bình thường ngay sau đó. Kể cả bọn đầu gấu hung hăng cũng tự động rút đi...
Thì ra đó là màn dàn cảnh của mụ Tư Thắm. Mười Lực cũng là con rối của mụ. Vậy mà kết quả lại vô cùng mỹ mãn.
Khi Tiểu Quyên tỉnh lại, chính cô đã nói với cha:
- Cha hãy gọi lão bá hộ tới đây. Con muốn nói chuyện với lão ta trước khi cử hành hôn lễ!
Không biết Tiểu Quyên đã nói gì, mà sau đó bá hộ Tung đã xuất ngay số tiền lớn để giải nợ nhà băng cho cha cô. Mọi việc xong xuôi rồi, cô mới bảo mọi người:
- Hãy chuẩn bị đám cưới!
***
Nguyên cái đám cưới giữa một ông bá hộ 75 tuổi với một cô hoa khôi 18 tuổi đã là một tin hấp dẫn, còn cộng thêm tin đồn là sẽ có biến cố ngay trong ngày cưới bởi một chàng trai, người yêu của cô dâu, sẽ xuất hiện phá đám cưới, nên trên quãng đường vài cây số, đã có hàng ngàn người đứng chật hai bên đường để chờ xe hoa đi qua.
Nhưng họ phải thất vọng, bởi xe đưa dâu được đưa từ Sài Gòn về, là loại xe mui kiếng bít bùng, cô dâu ngồi trong xe thì như tọa trong thành trì kiên cố, người ngoài nhìn vào không thấy. Và có lẽ đoán trước tình hình bất ổn, nên lão bá hộ đã mướn trên hai chục võ sĩ của các lò võ Thiếu lâm từ Chợ Lớn về hộ tống hai bên đoàn xe hoa. Bởi vậy đoàn xe đưa dâu đi qua yên lành chẳng hề có chuyện gì xảy ra.
Trên chiếc xe rước dâu, lão bá hộ diện nguyên bộ âu phục màu mỡ gà nên trông trẻ ra... vài tuổi. Ngồi bên cạnh là cô dâu, đầu trùm kín trong một vuông lụa màu đỏ giống như phong tục của người xưa.
Suốt quãng đường đi, cô dâu chú rể không hề nói với nhau lời nào. Khi đến nơi, trước khi bước xuống xe cô dâu mới lên tiếng, đủ cho bá hộ Tung nghe:
- Ông đã hứa với tôi rồi, phải ba tháng sau ngày cưới ông mới được phép bước vào phòng tôi. Có nghĩa là phải qua ba tháng tôi mới chính thức trở thành vợ ông! Vậy lát nữa đây, tôi sẽ vào luôn phòng riêng, không xuất hiện chào hai họ và cũng không dự tiệc cưới. Ông cứ nói là tôi bị bệnh bất ngờ cần nghỉ ngơi. Nhớ đó!
Nhìn thấy mọi người chờ đợi ở sân nhà quá đông, hình như họ muốn nhìn mặt cô dâu, khiến bá hộ Tung bối rối:
- Người ta đón đông quá như vậy làm sao? Hay là em cứ lên tiếng phía bên trong cái mạng che cũng được, cho họ một tiếng?
Nàng đáp cụt ngủn:
- Không!
Cũng may, vừa khi ấy thì có bà mai Tư Thắm xuất hiện. Bà ta rất nhanh trí, đã cho hai người đi kè bên cô dâu, vừa đi vừa hô lên:
- Cô dâu bị mệt, mau đi vào phòng trong nghỉ ngơi!
Nhờ vậy mà thoát được cảnh bẽ mặt trước đám đông. Và cũng nhờ vậy mà sau đó có cớ nói với bà con hai họ:
- Cô dâu bị bệnh bất ngờ, bây giờ phải nằm trong phòng chờ hồi phục sức khỏe!
Đích thân mụ Tư Thắm phải trổ tài miệng lưỡi thì mới qua được chuyện cô dâu làm thủ tục lạy gia tiên và chào hai họ. Thiên hạ bàn tán xôn xao nhưng cuối cùng cũng có người nói:
- Mấy đứa dâu trẻ nó làm bộ làm tịch như vậy đó, phải chịu thôi!
Lão bá hộ tức lắm, nhưng vì đã trót hứa rồi, nên cũng đành ráng chịu đựng. Lão ta dặn mấy tên gia đinh:
- Tụi bay canh kỹ bên ngoài, đừng để ai làm phiền giấc nghỉ ngơi của... bà!
Đám gia nhân đưa mắt nhìn nhau cười lén. Lão bá hộ biết thế nhưng có lẽ lúc này trong đầu lão chỉ nôn nao có một chuyện là làm thế nào được sớm gần người đẹp, cho nên lão không bắt lỗi bọn kia. Lão cũng quên cả việc uống rượu mừng mà khách khứa, bạn bè đang chờ ngoài nhà khách.
Đến khuya hôm đó, đích thân lão bưng cơm vào gõ cửa người đẹp:
- Mình ơi, dậy ăn chút rồi ngủ!
Tiếng xưng mình của lão khiến những gia nhân đứng chung quanh không thể nhịn được cười. Và hậu quả là lão ta nổi điên lên, đuổi cổ mấy tên đi khỏi chỗ đó. Còn lại một mình, lão ra sức kêu nhiều lần nữa mà bên trong vẫn không có tiếng đáp, cũng chẳng có động tĩnh gì, như là không có người trong đó!
Quá lo sợ, lão đập mạnh cửa! Vẫn im phăng phắc. Lão nói to, cố ý để cho bên trong nghe:
- Tụi bay lấy búa để tao phá cửa coi nàng có việc gì trong đó không!
Quả nhiên có tác dụng. Cửa nhẹ hé mở và một giọng nói yếu ớt phát ra:
- Có gì đưa vào đây.
Lão bá hộ mừng quá vừa đưa mâm cơm vào vừa nói:
- Mình có mệt không để ta đấm bóp cho!
Lão nhận ngay một tiếng xì dài rồi cửa phòng đóng sầm lại ngay! Vẫn không thất vọng lão nói với vào:
- Tôi ở ngoài này, có gì thì gọi!
Và đêm đó, lão bắc ghế dựa nằm ngay ngoài cửa phòng, mặc dù đã mệt nhừ sau một ngày tất bật. Do đám con cái đã tẩy chay bỏ nhà đi, nên sau khi khách khứa ra về hết, cả đám gia nhân cũng bị lão cho tạm về nhà mấy bữa. Chỉ còn lại trơ trọi một mình trong nhà, lúc ấy lão mới thấm thía nỗi cô đơn.
Đêm đầu tiên, lão biết thế nào là cảnh chú rể nằm chèo queo ngay trong đêm tân hôn!
Và qua đêm thứ hai...
Suốt ngày qua, dù lão nói cách gì người đẹp cũng không ra ngoài. Mâm cơm lão đưa vào hôm qua được đưa ra y nguyên, nàng không đυ.ng đến miếng nào!
Lão bá hộ thật sự lo:
- Mình làm gì cũng phải ăn uống, chứ nhịn như thế này làm sao chịu nổi?
Nàng vẫn im lặng. Trưa hôm đó, lại một mâm cơm nữa được đưa vào rồi đẩy ra mà không hề đυ.ng tới chút nào.
Qua ngày thứ ba...
Lúc này lão bá hộ phải xuống nước:
- Nàng muốn gì cũng được, kể cả việc ta để nhà này cho nàng ở một mình ta đi chỗ khác. Chỉ yêu cầu nàng ăn uống để mà sống!
Nàng vẫn im lặng. Lão không còn nhẫn nại được nữa, phải dùng sức tung cửa ra. Phải tung đến lần thứ ba thì cánh cửa mới bật mở, và... lão há hốc mồm kinh hãi! Bởi đang nằm trên giường không phải là Tiểu Quyên, mà lại là... Út Tiên, con gái của lão!
- Trời ơi, sao vậy nè?
Lão hô lên, nhưng do đám gia nhân tạm nghỉ việc hết, nên cuối cùng lão phải đích thân bế xốc con gái mình dậy trong tình trạng hầu như chỉ còn thở rất yếu.
Nửa giờ sau, nhờ sự tận tình cứu chữa của mấy người hàng xóm, Út Liên mới tỉnh lại. Cô nàng ngơ ngác khi nghe cha mình hỏi:
- Sao con lại ở trong phòng đó, còn... nàng đâu?
Liên chỉ biết cô đang ngủ nhà bà cô, không hề hay biết tại sao lại ở đây?
Còn lão bá hộ thì gần như điên tiết lên khi hỏi mà chẳng ai biết Tiểu Quyên ở đâu. Lão gầm lên:
- Nó trốn về nhà rồi!
Mặc dù lão biết trong căn phòng đó không làm cách nào nàng ta trốn đi đâu được, bởi không có cửa sổ cũng không có bất cứ lối đi nào khác, ngoài cửa phòng ra vào duy nhất. Lão nhất quyết chạy trở qua nhà cha mẹ Tiểu Quyên để tìm.
Nhưng vừa bước ra tới sân thì lão thấy một thanh niên lạ bước vào. Anh ta hất hàm hỏi trịch thượng:
- Tiểu Quyên đâu?
Đang căng thẳng vì lo, lão bực dọc quát:
- Mày là ai?
Chàng trai vẫn bình tĩnh bước thẳng vào nhà mà không đếm xỉa tới lão.
- Nè, thằng kia...
Lão vừa nói thì bỗng cảm giác như bị ai đó tát mạnh vào má mình hai cái liền! Lão ngơ ngác:
- Ai... ai vậy?
Quay một vòng không thấy ai, lúc đó thì chàng trai đã bước hẳn vào phòng khác. Lão phải chạy theo vừa lặp lại câu hỏi:
- Mày kiếm ai?
Anh chàng đáp cộc lốc:
- Tiểu Quyên.
- Mày là ai mà... mà...
Câu nói vừa phát ra thì cũng là lúc anh ta xông thẳng vào căn phòng đang mở toang cửa. Nhìn chẳng thấy ai, anh ta quắc mắt hỏi lớn khiến lão Tung phải giật mình:
- Cô ấy đâu? Tiểu Quyên đâu?
Lão Tung chưa kịp đáp thì đúng lúc ấy ngoài cổng có nhiều tiếng chân ngựa chạy rầm rập vào, cùng với tiếng hỏi lớn:
- Có nhà không ông bá hộ?
Người chạy vào đầu tiên là Mười Lực. Không để ý gì khác, ông hỏi dồn:
- Con gái tôi đâu?
Lão bá hộ quay sang chàng trai lúc nãy định chỉ anh ta thì vô cùng ngạc nhiên, bởi anh chàng đã... biến đi đâu từ lúc nào rồi!
Thấy lão có vẻ lúng túng, Mười Lực nghi hoặc:
- Ông đã làm gì con Tiểu Quyên nhà tôi rồi?
Không còn còn cách nào hơn, lão ta đành phải nói thật:
- Cô ấy ở trong phòng suốt hai hôm nay, rồi lúc nãy tôi mở cửa phòng ra thì chẳng thấy đâu mà thay vào đó là con gái tôi!
Mười Lực có linh tính điều chẳng lành nên run lên:
- Chết con tôi rồi!
Rồi ông ôm đầu rêи ɾỉ:
- Phải biết như vậy thì tôi đâu có ép gả con mình! Tiểu Quyên ơi, vì ba mà con bây giờ chẳng biết ra sao, còn thằng Quân thì đã chết sau khi con lên xe hoa. Trời ơi!
Đang rối trí mà nghe Mười Lực nói. Lão bá hộ phải hỏi lại:
- Quân nào? Ông nói Quân nào?
Mười Lực không giấu giếm:
- Quân là người yêu của con gái tôi. Đáng lẽ tụi nó sẽ cưới nhau vào Tết này, nhưng do tôi ép Tiểu Quyên, nên chúng nó phải chia lìa nhau. Vừa rồi khi hay tin con Quyên đi lấy chồng, thằng ấy đã đập đầu vào vách nhà máy xay lúa mà chết rồi!
Lão bá hộ không tin vào tai mình:
- Quân! Nó... nó mới vừa ờ đây!
Mười Lực như bị điện giật:
- Cái gì? Ông nói sao? Thằng Quân...
- Nó mới vừa ở đây. Nó cũng nói là đi tìm Tiểu Quyên. Ông bước vào nó mới... biến mất!
Mười Lực nói như người bị tâm thần:
- Lạy trời... lạy trời xin đừng làm gì con gái tôi. Lạy trời...
Rồi ông lạng choạng bước ra cửa, vừa đi vừa cất tiếng gọi:
- Quyên ơi! Quyên!
Tiếng của ông chìm vào không gian đang lặng gió...
Bá hộ Tung gục xuống ôm đầu rêи ɾỉ:
- Tôi đã làm gì thế này? Tôi gây ra chuyện gì đây?
Ông chợt nhớ tới con gái mình và bàng hoàng bật dậy lao đi:
- Liên ơi! Con ơi...
***
Những gì hiện ra trước mắt đã khiến cho bá hộ Tung càng bàng hoàng hơn. Xác của Quân vẫn còn nằm đó với cái đầu đầy máu. Điều này có nghĩa là...
Giọng của bà mẹ Quân như xé nát con tim lão bá hộ:
- Nó thương con Tiểu Quyên, nó muốn sống đời với con nhỏ, mà con nhỏ cũng thương nó, bất kể giàu nghèo. Vậy mà người ta đành đoạn chia lìa tụi nó ra, để bây giờ xảy ra thảm cảnh này. Trời ơi, Quân ơi!
Bà không biết mặt bá hộ Tung, nên đứng bên lão ta mà vẫn nói như lời kết tội của một quan tòa:
- Họ ỷ mình giàu nên làm những chuyện thường luân bại lý mà cũng làm được! Một thằng già đáng tuổi ông nội ông ngoại mà ép duyên một đứa con gái mới lớn, mà sao trời không có mắt, cứ để cho nó xảy ra, hả trời...
Một người đứng cạnh đó, lên tiếng:
- Thằng cha ruột của con Quyên còn đáng trách hơn. Lão Mười Lực này mắc nợ quá rồi hóa điên, không còn lý trí gì hết nỡ đem con mình đưa vào chỗ chết! Giờ đây chẳng biết đã sáng mắt chưa.
Trong khi đó, người ta phát hiện có một xác chết treo lơ lửng ở gốc cây đa ngoài đầu làng. Một người chạy về báo cho Mười Lực:
- Con Tiểu Quyên tự tử chết ngoài kia kìa.
Không có Mười Lực ở đó, lão bá hộ nghe vậy vội vã chạy đi, vừa hớt hải kêu lên.
- Tiểu Quyên. Tiểu Quyên ơi...
Nhưng lão ta đúng là không có duyên trùng phùng với Tiểu Quyên, nên khi lão vừa chạy tới thì hai người hàng xóm khiêng xác Quyên về tới. Cô gái đáng thương đã chết thật rồi, thi thể lạnh ngắt.
Đặt hai thi thể nằm sóng đôi nhau giữa nhà, khiến mọi người chứng kiến đều bất nhẫn, không cầm lòng được phải bật khóc. Nhất là bà mẹ của Quân, bà gào lên từng hồi:
- Con ơi, thương nhau mà khi sống người ta đã chia lìa tụi bay, phải đến khi chết mới được bên nhau như vậy, thê thảm quá trời ơi!
Có một người vừa ở bên nhà bá hộ Tung chạy về, họ báo tin:
- Con gái út của lão bá hộ cũng bị trời hại chết rồi!
Bá hộ Tung lúc ấy vừa trở lại, đang đứng ở ngoài, nghe tin đó đã rụng rời, phải cố lắm mới lê bước vào nhà được.
Út Liên không còn nằm ở đó nữa, lão bá hộ thẫn thờ một lúc rồi lại rời khỏi nhà, lão đã đoán nơi con mình được đưa đến.
Khi lão qua tới nhà của cô em gái thì quả thấy mọi người đang xôn xao trong nhà. Vừa trông thấy lão cô Sáu Nết đã kêu lên:
- Con gái anh nó ra nông nỗi này mà anh còn không biết sao?
Lão Tung nhào tới ôm xác con, gào lên:
- Con ơi!
Bất ngờ Út Liên mở mắt ra nhìn lên ngơ ngác. Cô Sáu đứng bên vừa mừng vừa sợ, la lên:
- Con Liên sống lại rồi!
Ngồi bật dậy như người sau một giấc ngủ say. Liên nhìn cha mình và bỗng sợ hãi lùi lại, hai tay ôm lấy ngực như một người thủ thế, sợ bị tấn công! Lão Tung phải lên tiếng trấn an:
- Ba đây con! Ba xin lỗi con, ba biết mình sai rồi, ba xin hứa...
Thái độ của ông có tác dụng phần nào giúp cho Liên lấy lại bình tĩnh, cô quay sang cô mình rồi ôm chầm lấy.
Cô Sáu lên tiếng:
- Có cô đây con. Ba con cũng biết lỗi rồi. Vả lại giờ đây thì con nhỏ đó cũng đã chết rồi. Mình không trách nó, chỉ tội nghiệp thôi. Để rồi cô sẽ qua tận nhà nó lo tang lễ cho đàng hoàng, như chuộc lỗi với người ta.
Lão bá hộ cũng nói:
- Tiền tôi bỏ ra trả nợ cho cha cô ấy coi như là món quà để chuộc tội. Tôi sẽ xin cô ấy...
Ông nghẹn lời không nói tiếp được. Liên chừng như hài lòng với cử chỉ đó, cô siết chặt tay cô Sáu và rồi quay sang nhẹ giọng với cha:
- Con hiểu, con không giận ba.
Thế là từ bi kịch đã chuyển thành niềm vui lớn của nhà bá hộ. Trong niềm vui tột cùng đó, không ai để ý thấy cái nhìn của Liên về phía cha mình có cái gì đó khang khác.
Lão Tung đề nghị:
- Bây giờ không còn gì để con và mấy chị con giận ba nữa, thôi ta về nhà chớ!
Út Liên nói khéo:
- Ba về trước, để con ở chơi với cô Sáu, chiều chúng con về.
Lão bá hộ ra về một mình trang tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Trong trái tim thầm kín, lão vẫn nhớ và tiếc Tiểu Quyên.
***
Chỉ mới được giới thiệu qua một lần mà tự dưng lão Tung có cảm tình ngay với chàng trai lạ mà người bạn dẫn tới. Lão nhìn anh ta một lúc nữa rồi hỏi:
- Cháu nói là người ở đâu?
Tân, tên chàng trai lễ phép thưa:
- Dạ thưa bác, cháu ở Ô Môn, Cần Thơ.
- Cháu có bà con với ai ở xứ này?
Ba Kiệm, người bạn lâu năm của lão Tung phải trả lời thay:
- Nó là cháu ruột, kêu vợ tôi bằng cô. Nó vừa thi đậu bằng Diplomma chuẩn bị vào học trường Thông ngôn ở Sài Gòn.
Họ đang nói chuyện thì Út Liên từ nhà sau bước lên, chợt kêu lớn:
- Anh Tân! Sao anh biết đây mà tìm?
Hai người lớn còn đang ngơ ngác thì Liên đã giải thích:
- Lúc con học ở Cần Thơ đã quen với Tân.
Người mừng nhất có lẽ là lão Tung, lão nói thẳng ý của mình:
- Ngẫu nhiên mà hai đứa nó quen nhau vậy nếu cháu Tân đây chưa có mối nào thì...
Liên ngượng, nên chạy vào nhà, vừa nói:
- Ba này!
Ba Kiệm nhẹ giọng:
- Hôm nay tôi dẫn nó qua đây có ý để ra mắt cho anh biết mặt. Không ngờ tụi nó lại quen biết trước, thật đúng là duyên nợ.
Thế là chỉ một lời hứa, hai bên đã đồng ý với nhau sẽ tiến hành hợp tác cho Liên và Tân. Dĩ nhiên anh chàng Tân không thể nào từ chối chuyện này...
Một tháng sau...
Đám cưới của Liên và Tân được tổ chức trọng thể. Nhà bá hộ lo hết mọi việc. Do Tân mồ côi cha mẹ nên Ba Kiệm đứng ra lo bên họ đằng trai.
Nhưng có một biến cố thật bất ngờ, không ai nghĩ tới.
Ngay trong ngày cử hành hôn lễ thì lão bá hộ Tung bỗng lăn đùng ra chết mà không hề có bệnh tật gì.
Đám cưới cử hành được ba ngày thì hai người con gái lớn của ông bá hộ bỗng khăn gói chuẩn bị ra khỏi nhà.
Mỹ Dung cô chị cả vừa lo sợ vừa hấp tấp nói với cô em kế Kim Lan:
- Tối qua lại thấy nữa, không thể ở lại được đâu!
Kim Lan cũng nói:
- Vong hồn hai đứa nó cứ đòi mình phải bỏ nhà này, nếu ở lại thì nó gϊếŧ chết! Mà nghĩ lại thì mình cũng nên qua bên cô Sáu mà ở cho rồi, bây giờ ba chết, đâu còn ai! Con Liên thì... sao kỳ kỳ... nó cứ phớt lờ mình đi!
Mỹ Dung giục em:
- Đi nhanh lên, cái nhà này bây giờ tao có cảm giác toàn là hồn ma không hà!
Họ ra đi mà không màng gì tới chuyện quyền lợi, tài sản. Và đó là một quyết định đúng. Bởi chỉ một buổi sau khi họ rời khỏi nhà thì Út Liên đột ngột phá bỏ bàn thờ bá hộ Tung đi. Cô ta nói với chồng:
- Mình không ác, nhưng dẫu sao dẹp hết chướng ngại vật này cũng là phải đạo. Thờ một kẻ đã hại đời mình trong nhà thì làm sao mình có thể an tâm mà sống.
Cô ta cho người gói tất cả lư hương, ảnh thờ của lão Tung, gửi sang nhà cô Sáu Nết với lời nhắn:
- Đừng bao giờ đem trở lại!
Từ hôm đó, cuộc sống của Liên và chồng trở nên cô lập với mọi người. Không bao giờ người ta thấy đôi vợ chồng trẻ này bước ra khỏi nhà. Họ cũng không thuê mướn người giúp việc. Bởi vậy có người tự hỏi, họ sống bằng gì hằng ngày khi không chợ búa, mua sắm.
Ba tháng sau...
Tình cờ, chị người làm cũ của nhà bá hộ, một hôm lẻn vào nhà để lấy một món đồ mà hồi trước khi thôi làm chị ta bỏ quên, nên đã mục kích một chuyện mà chị ta sững sờ: Anh chồng đã gọi Út Liên bằng Tiểu Quyên và cô này cũng gọi lại anh ta là Quân.
Chị này đem chuyện sang nhà cô Sáu Nết kể lại cho mọi người nghe thì ai nấy đều sửng sốt. Tuy nhiên, chị vừa kể xong thì hộc máu tại chỗ và trở thành người điên loạn từ đó!
Tìm hiểu cặn kẽ hơn người ta phát hiện một sự thật:
- Út Liên và chồng thật ra là vong hồn của Quân và Tiểu Quyên nhập vào. Họ đã trả thù và được toại nguyện...
Tuy biết vậy, nhưng do sợ họa lây, nên từ đó mọi người không ai dám hé răng kể lại với người khác...