Dò theo địa chỉ ghi trong khăn tay, Phước lái xe vòng mấy lượt mà vẫn chưa tìm ra. Sau cùng anh phải dừng xe lại hỏi một bác đánh xe ngựa:
- Bác làm ơn chỉ giúp cháu đường Đợi Chờ là ở đâu?
Nghe Phước hỏi, ông lão đánh xe phá lên cười:
- Ai cho cậu cái địa chỉ này đúng là muốn thử trí thông minh của cậu rồi. Bởi ở thành phố này làm gì có tên đường đó!
Trâm buột miệng:
- Vậy chẳng lẽ địa chỉ ma sao?
Ông lão đáp:
- Địa chỉ không ma, nhưng đó là nơi ở... của ma!
Ông lão lại phá lên cười rồi mới nói tiếp:
- Địa chỉ thì đúng, nhưng cái tên đường thì người ta muốn đánh đố cô cậu. Vậy cô cậu có muốn tới đó không?
Trâm mau miệng:
- Dạ muốn, cháu phải tới!
Ông già nghiêm giọng:
- Đó là nghĩa địa thành phố. Nơi đó còn được người ta gọi vui là "Thành phố đợi chờ", cô cậu hiểu rồi chứ!
Đáp xong, ông ra roi cho ngựa chạy nhanh, Phước nhìn Trâm vừa lẩm bẩm:
- Anh đã tới đó rồi. Nơi đó có mộ cô Dã Lan...
Lát sau, Phước dừng xe trước cổng vào nghĩa địa, anh nhìn địa chỉ ghi ở cổng thì quả đúng như ông đánh xe ngựa vừa rồi nói. Lưỡng lự một lát, chính Trâm đã giục:
- Mình vào trong coi!
Phước miễn cưỡng bước theo với đầu óc hoang mang. Trâm hình như có người dẫn đường, cô đi thật nhanh và thỉnh thoảng còn quay lại giục:
- Anh đi nhanh lên!
Đã mấy lượt đi vòng nghĩa trang này nên Phước không khó để đi theo, nhưng việc Trâm đi sâu vào tận cùng khu vực có những dãy mộ làm cho anh phải lên tiếng:
- Em đi chi sâu quá vào đây vậy?
- Tìm chỗ của cô Hồng Hạnh!
Lúc này từ phía sau nhìn tới, thấy Trâm trong bộ đồ lụa của Hồng Hạnh tự dưng Phước có cảm giác đó chính là Hạnh chứ không phải Trâm! Cho đến khi Trâm đứng lại trước một ngôi mộ thì Phước mới giật mình:
- Mộ này là...
Anh chưa hỏi hết câu thì Trâm đã tránh sang một bên để Phước nhìn rõ được chữ trên mộ bia: Nguyễn Thị Hồng Hạnh, tử ngày...
Phước kêu lên:
- Cô ấy được chôn ở đây!
Trâm vẫn thản nhiên như đã biết rồi:
- Chỉ có anh là tin cô ấy còn sống thôi. Bây giờ anh giúp em đi.
Phước ngạc nhiên:
- Làm gì?
Trâm đột ngột quỳ xuống trước mộ. Thấy Phước còn đứng, cô giục:
- Nhanh lên!
Phước ngạc nhiên:
- Sao phải quỳ?
Bỗng như có ai cầm cây đánh mạnh vào khủy chân, khiến cho Phước không muốn cũng phải quỳ xuống thật nhanh! Trâm nhìn sang anh rồi gật đầu:
- Như vậy là được đó!
Giọng của cô nàng bỗng dưng rất lạ, Phước phải lên tiếng hỏi:
- Sao giọng em không như... em vậy?
- Là sao? Vậy em giống ai?
Phước cố nhớ xem mình đã từng nghe giọng này của ai? Cuối cùng anh nhớ ra:
- Hồng Hạnh!
- Người nằm dưới mộ bây giờ là... Ngọc Trâm của anh đó! Hãy khấn cô ấy vài tiếng, xin phép để chúng ta được thành thân từ hôm nay. Nhanh lên đi kẻo không kịp!
Phước còn chưa biết tính sao thì như có ai xúi giục, anh lên tiếng như con vẹt:
- Chúng tôi xin thề là ăn đời ở kiếp với nhau, có chết cũng không chia lìa!
Nàng quay sang mỉm cười:
- Vậy là được rồi!
Nàng cũng nói:
- Cám ơn. Trâm đã giúp tôi thoát được nạn tai này. Từ bây giờ tôi mượn xác của cô để hoàn dương và sẽ thay cô để chăm sóc cho anh chàng người yêu của cô chu đáo. Bảo đảm là ngày trước anh ta mê cô bao nhiêu thì với tôi, anh ta sẽ có mê hơn chứ không kém.
Nói xong, nàng ta ngả đầu sang Phước, rồi như cái xác không hồn, cô ta nằm luôn trên tay Phước. Hốt hoảng, Phước kêu lên:
- Trâm! Em sao vậy?
Nàng vẫn bất động, sờ vào da thì lạnh như băng! Phước quýnh lên, bế xốc nàng lên tay chạy thẳng ra ngoài cổng. Nhưng khi ngang qua ngôi nhà quản trang thì anh nghe có tiếng gọi của ai đó:
- Cậu đưa cô ấy vào trong này, chậm một chút là nguy!
Phước đành phải đưa Trâm vào trong. Ngôi nhà của ông quản trang nhỏ, nhưng cũng có một chiếc giường nằm ở bên trong. Khi Phước đặt Trâm nằm xong rồi, ông già quản trang mới gọi anh ra ngoài, ông nói:
- Sao cậu dám đưa người yêu vào đó. Cậu không biết đó là mộ của ai sao?
Phước vờ như không biết:
- Dạ, tụi cháu chỉ tình cờ đi thăm mộ người quen, rồi đi ngang qua...
- Mộ đó là của cô gái từng dính vào một vụ thảm sát trên đồi thông cách đây chưa lâu, cậu không nghe?
Phước lắc đầu:
- Dạ, cháu ở xa tới nên không biết gì.
- Đó là cô Hồng Hạnh, một trong hai cô do hiềm khích riêng nên đã dẫn nhau lên đồi thông ở gần hồ Tuyền Lâm rồi quần thảo, cho đến khi say máu, ôm cứng lấy nhau và cùng lăn xuống vực sâu, cùng chết!
Ngừng kể một lúc, rồi ông lại tiếp:
- Khi ấy tôi đi đốn cây ở đó, tình cờ tôi phát hiện ra vụ việc, tôi cố leo xuống vực để cứu họ, nhưng khi xuống tới nơi thì đã muộn, cả hai đã chết! Sau đó tôi theo giấy tờ tùy thân của cả hai, tìm cách đi báo cho gia đình họ biết để đến lấy xác. Nhưng chỉ có mỗi cô kia, tức cô Dã Lan, thì có người nhà ở Trại Hầm là tới nhận xác con rồi đưa về làm lễ an táng. Cô còn lại tuy có giấy tờ tên Hồng Hạnh, nhưng khi tôi tới địa chỉ ghi trong giấy thì người ta nói cả nhà cô ấy đã dọn đi từ lâu rồi! Bí quá nên sau đó tôi đưa về nghĩa trang và chôn bên cạnh ngôi mộ của cô Dã Lan vừa mới chôn, nghĩ là làm như vậy sẽ ổn, bởi đã chết cùng nhau thì nằm cạnh nhau là phải. Nào ngờ đó lại là một rắc rối lớn, khiến tôi phải mất ăn mất ngủ nhiều ngày!
Ông ta kể mà cứ rùng mình hoài, Phước phải hỏi:
- Có chuyện gì sao?
- Nửa đêm khi tôi đang ngủ thì nghe tiếng quần thảo nhau tưng bừng bên ngoài! Tôi mở cửa nhìn ra thì thấy hai cô gái đang nắm tóc nhau đánh đấm không nương tay! Nhìn kỹ tôi ngạc nhiên quá đỗi, bởi họ chính là hai cái xác chết mà tôi thấy bữa trước! Có nghĩa là họ đã đội mồ dậy đánh nhau tiếp.
Ông ta lại phải ngừng kể để thở, bởi hình như kể chuyện ấy làm cho ông căng thẳng, phát mệt. Phải một lúc sau ông mới tiếp được:
- Mà không phải chỉ một lần đó. Cứ vài đêm thì lại diễn ra một trận như vậy. Hình như giữa họ đã có sự hiềm thù gì đó dữ dội lắm, cho nên khi đã chết rồi mà vong hồn vẫn không từ bỏ chuyện hằn thù! Không để chuyện ấy cứ tiếp diễn, cho nên tôi mới quyết định theo cảm tính, bằng cách bốc một trong hai ngôi mộ đó, đem chôn ở một lô khác. Tôi nghĩ, không cho họ gần nhau nữa thì họ sẽ thôi, không gặp nhau, có nghĩa là thôi không còn đánh nhau! Không ngờ ý nghĩ chủ quan của tôi mà lại đúng. Bởi từ hôm dời mộ cô tên Dã Lan đi thì không còn cuộc đánh nhau nào nữa. Tuy nhiên, vong hồn cô tên Hồng Hạnh ấy dữ lắm, cô ta không chịu yên, cứ đêm đêm thì hiện ra rú vang cả nghĩa địa này như còn ấm ức, uất hận lắm! Bởi vậy cả mấy năm nay rồi, tối nào tôi cũng đặt trước mộ cô ta một bó hoa tươi để cúng! Nhờ vậy mà cô ấy đỡ quậy phá hơn. Nhưng được cô này thì lại chọc giận cô kia! Vong của cô Dã Lan lại hiện về đòi tôi phải cho cô ta một bó hoa lay-ơn màu vàng, tôi đành phải làm theo...
Phước buột miệng:
- Thảo nào trên mộ cô ấy ngày nào cũng có một bó lay-ơn vàng tươi thắm!
- Trên mộ cô Hồng Hạnh cũng có một bó hoa hồng vàng, nhưng chẳng hiểu sao bó hoa trên đầu mộ cô tên Hạnh thì vừa để là bị mất! Tới nay tôi còn thắc mắc...
Ông quản trang vừa nói tới đây thì bỗng Trâm trở người, kêu ú ớ gì đó trong miệng, khiến Phước phải kề tai sát lại, vừa hỏi:
- Em tỉnh rồi phải không?
Giọng không phải của Trâm rót vào tai Phước:
- Tìm cách giữ chân ông ta ở đây, còn anh chạy nhanh ra chỗ mộ của Dã Lan, lấy bó hoa ở đó qua đặt trên đầu mộ của em. Làm ngay đi thì mới hy vọng em còn được ở bên anh, bằng không...
Cô nói tới đó thì có vẻ gấp gáp và sợ hãi lắm, khiến cho Phước phải hành động ngay. Anh giả vờ bảo với ông già:
- Cháu bỏ quên món đồ ngoài mộ, bác làm ơn giữ cô ấy giùm, đừng để cô ấy tỉnh lại và chạy đi.
Anh không đợi ông quản trang đồng ý đã vụt chạy đi. Anh đã biết mộ của Dã Lan, nên chạy ngay tới đó một cách dễ dàng. Trên mộ quả có một bó lay-ơn như thường lệ. Anh cầm lấy ngay và vòng qua phần mộ của Hồng Hạnh lúc nãy. Vừa đặt bó hoa xuống, bỗng Phước nghe về phía ngôi mộ của Dã Lan có một tiếng rú nghe thê lương lắm!
Không dám chần chừ, Phước chạy trở về liền chỗ nhà của người quản trang. Vừa thấy anh, ông ta đã nói liền:
- Cô bạn của cậu tỉnh lại rồi, cô ấy đòi đi mà tôi chưa cho!
Phước bước vào và đứng khựng lại! Bởi trước mặt anh lúc đó không phải là Trâm nữa, mà là... Hồng Hạnh!
- Em... Cô...
Cô nàng lấy tay che mặt rồi ra dấu cho Phước đi ngay.
Phước phải tìm cách nói:
- Tụi cháu cám ơn bác giúp đỡ và xin phép bác.
Anh dìu một bên nàng đi nhanh ra cổng nghĩa trang. Họ lên xe chạy đi một quãng khá xa rồi Phước mới thở phào nhẹ nhõm. Anh quay sang nàng, lo lắng hỏi:
- Như vậy tôi biết phải nói với bà chủ nhà sao đây?
Cô nàng vẫn bình thản:
- Có sao đâu! Anh không nhớ là trước đây tôi đã ở trọ đó nhiều tháng mà! Bà chủ đâu có biết tôi là một hồn ma mà lo...
- Nhưng... còn người yêu của tôi? Làm sao tôi giải thích với bà ta, cũng như với mọi người...
Nàng bỗng phá lên cười:
- Khéo lo xa quá! Như thế này được chưa?
Nàng nói xong thì Phước đã một phen nữa há hốc mồm:
- Cô là...
Nàng lại cười:
- Vẫn gọi bằng cô sao?
Trước mặt Phước lúc này lại là... Ngọc Trâm! Chỉ có giọng là khác. Cô ta dặn:
- Em thoát được tai kiếp rồi, nên từ nay có thể sống với anh, lúc thì em là Hồng Hạnh, còn khi cần thì em vẫn là Ngọc Trâm của anh!
Phước chỉ len lén nhìn, nhưng anh thấy cô nàng không chút gì khác với Ngọc Trâm. Anh yên tâm nên nói:
- Mình về nhà đi. Rồi mai tìm cách dọn đi nơi khác.
Nàng ta vẫn giữ ý ban đầu:
- Em vẫn thích ở chỗ đó. Chính nơi ấy em đã cải trang ở đó chờ anh và đã quen rồi.
Phước trố mắt:
- Cô chờ tôi là sao?
- Thì em đoán thế nào anh cũng tới, nên mai phục để chờ. Người cõi âm biết trước hết mọi sự việc tương lai. Em còn biết số cô gái tên Ngọc Trâm đã tận, nên mới khiến cô ấy đi tìm anh, để rồi nhờ vậy mà em mới có cơ hội dùng hồn cô ấy mà qua mặt được kẻ thù của em!
- Dã Lan phải không? Cô và cô ấy sao lại hận thù sâu nặng như vậy?
Cô nàng không đáp mà chỉ tay về bên trái, bảo:
- Anh chạy về hướng này đi, mọi việc sẽ rõ thôi.
Phước còn đang lưỡng lự thì nàng đã cầm tay lái bẻ ngoặt sang hướng vừa chỉ. Chiếc xe rẽ đột ngột suýt đâm vào lề, nhưng cũng chính cô nàng đã nhẹ nhàng điều chỉnh lại một cách dễ dàng, và cuối cùng chiếc xe đi về hướng đường mòn đến hồ Tuyền Lâm.
Tới trước một ngôi nhà nằm khuất sâu trong một vườn cây trĩu quả, nàng nói như ra lệnh:
- Anh cho xe vào trong rồi đậu lại.
Phước làm theo và sau khi tắt máy xe, anh lại nghe nàng bảo:
- Anh vào nhà đi.
Nàng đi trước và biến vào nhà thật nhanh Phước lững thững theo sau. Khi vào tới trong thì không thấy cô nàng đâu, chỉ thấy một phòng khách nhỏ, bày biện đơn sơ nhưng tươm tất. Và ngay hình ảnh đầu tiên đã làm cho Phước sửng sốt:
- Hồng Hạnh!
Một ảnh chân dung của Hồng Hạnh đặt trên bàn thờ ở giữa nhà khiến Phước sững sờ, anh quay lại tìm Hồng Hạnh thì chẳng thấy đâu, mà gọi thì cũng chẳng nghe cô ta trả lời.
Trong lúc còn đang hoang mang thì từ phía sau lưng Phước đã có người lên tiếng:
- Nó đi rồi, đâu còn mà tìm!
Phước quay lại và ngỡ ngàng khi thấy một người đàn bà lớn tuổi, bà ta chỉ lên bàn thờ, nói tiếp:
- Cậu biết rồi, nó đã chết và người đi với cậu vừa rồi chỉ là cái vong của nó trong thân xác một người khác. Mà điều đó thì chỉ xảy ra bên ngoài, chứ ở đây là nhà của nó thì làm sao thân xác ấy hiện hữu được.
Bà cụ tuy lớn tuổi, có vẻ lụ khụ, nhưng nói năng lưu loát và sắc sảo. Phước hơi lúng túng:
- Dạ, cháu mới cùng cô ấy tới đây. Cô ấy vừa bước vào nhà...
- Nó đi ngay rồi. Bây giờ cậu ngồi xuống đi. Điều nó muốn cậu biết là ở đây, tôi sẽ giúp cậu.
- Thưa bác, bác là...
- Tôi là mẹ nó. Nó là con gái út của tôi.
- Dạ, cháu xin chào bác, cháu là Phước. Thật ra cháu không phải là bạn trai của cô Hạnh, mà là...
Bà cụ chặn lời:
- Cậu không nói thì tôi cũng đã biết. Con gái tôi tuy chết rồi, nhưng vẫn như sống, nó sống để báo thù!
Phước đã nghe Hồng Hạnh nói, nên anh chen vào:
- Nếu vậy thì mọi việc đã xong rồi! Cô ấy đã làm được việc mà lâu nay vẫn chưa làm. Cô Dã Lan đã bị...
Bà cụ giật mình:
- Cậu biết cả chuyện đó? Vậy mà lúc nãy nó không nói gì với tôi cả đã bỏ đi.
Rồi bà như được dịp trút nỗi niềm bấy lâu nay giữ trong lòng:
- Nó đang tuổi thanh xuân, lại còn đang yêu nữa, vậy mà bị chết tức tưởi, chết oan ức bởi giành nhau một người tình! Mà đứa giành với nó lại là chị em cùng cha khác mẹ của nó mới oái oăm chứ!
Lần đầu được nghe chuyện này, và mặc dù không muốn can dự vào mối thâm thù giữa họ, nhưng anh cũng tò mò:
- Bác nói vậy thì ra Hồng Hạnh và Dã Lan là hai chị em ruột?
Bà già giọng vẫn gay gắt:
- Tuy mang tiếng là chị em, nhưng tụi nó chỉ mới biết nhau chưa đầy một tháng thì xảy ra chuyện, mà là chuyện động trời nữa! Tội cho con Hạnh nhà tôi, nó từ nào chưa từng yêu ai, chỉ mới gặp và yêu thằng ấy là lần đầu, vậy mà lại gặp bất hạnh ngay!
Thấy bà có vẻ cởi mở muốn trút nỗi niềm, nên Phước khơi gợi:
- Người yêu cô Hạnh ở đâu, làm nghề gì thưa bác? Anh ta là ai?
Bà cụ nhẹ lắc đầu:
- Tôi cũng chưa gặp mặt lần nào, mới chỉ nghe nó nói lại. Nhưng tôi biết nó yêu thằng ấy say đắm. Thằng ấy là kiến trúc sư, nghe nói đẹp trai lắm, có lẽ cỡ như cậu đây. Người ở Sài Gòn lên đây... Nó tên là... Đức. Tên đầy đủ là Phước Đức!
Bà vừa nói tới đây thì Phước như giẫm phải lửa:
- Bà nói gì? Phước Đức ư!
Bà già đột nhiên đứng dậy và bước vào phòng trong, lát sau trở ra trên tay cầm một tấm ảnh bán thân, đưa cho Phước:
- Hình này là người yêu con Hồng Hạnh. Mà sao... giống cậu quá!
Phước cầm lấy bức ảnh, vừa nhìn anh đã bàng hoàng kêu lên:
- Anh Đức!
Rồi cả người Phước run lên như bị trúng gió! Khiến bà già cũng phải sửng sốt:
- Cậu làm sao vậy?
Phước nói như mê sảng:
- Sao lại là anh? Sao anh có trong chuyện này?
Lúc này bà già mới nhìn kỹ Phước hơn, bà cũng giật mình kêu lên:
- Đúng là thằng này rồi!
Bà giật lại tấm ảnh trên tay Phước, bước tới đặt nó lên bàn thờ Hồng Hạnh, vừa khấn:
- Con sống khôn thác thiêng về đây chứng kiến, hôm nay đứa gây ra tội đã tới nhà ta để đền mạng! Con hãy nói cho mẹ biết, mẹ phải làm gì đây?
Phước cũng nhào tới chỗ bàn thờ, anh sụp xuống lạy liền mấy lượt vừa tha thiết:
- Cả nhà khổ sở vì mất anh. Đi tìm anh khắp nơi cúng vái đủ thầy mà không có hiệu quả gì, nào ngờ anh lại ở đây! Sao anh không về anh Hai?
Phước vừa dập đầu lần thứ nhất thì đã nghe văng vẳng bên tai một giọng nói thật quen thuộc cất lên:
- Họ tưởng anh là người tên Đức nên mới kéo anh vào vụ này. Họ giành người yêu là anh Đức của anh đó. Bây giờ và mãi mãi về sau, anh sẽ ở đây, làm rể nhà này và đâu còn nhớ gì tới em nữa, hả Phước!
Giọng nói đó là của Ngọc Trâm! Ngỡ nàng đứng bên cạnh mình, Phước quay lại nhìn, nhưng không hề thấy ai. Mà hình như những lời nói vừa rồi cũng chỉ đủ mình anh nghe thôi. Bà cụ vẫn bình thản đứng im, không có phản ứng gì.
- Trâm!
Bất giác Phước kêu to lên! Và điều đó khiến cho anh bị bật ngửa ra sau, cùng lúc có một tiếng khóc thét lên và câu nói trong tuyệt vọng của Trâm:
- Hãy cưới em đi! Chỉ có vậy chúng ta mới được bên nhau. Anh sống mà em cũng được sống! Hãy làm ngay đi...
Rồi im bặt. Hình như trong cõi vô hình Ngọc Trâm đang bị ai đó lôi tuột đi. Tiếng nấc của nàng xa dần... xa dần...
***
Người đánh xe ngựa dừng lại trước nhà bà Ánh Hồng, ông gọi vào trong:
- Bà chủ ơi, ra mà nhận người đây!
Bà Ánh Hồng đang tưới cây ở sân, vội bước ra cổng, và giật mình khi thấy trên xe có một người nằm, mà người đó lại là Phước!
- Kìa, cậu Phước!
Ông lão đánh xe nói:
- Tôi đi ngang qua khu nghĩa địa cũ phía tây thành phố bỗng gặp cậu này nằm bên vệ đường. Tôi dừng xe lại thì chỉ nghe cậu ta thều thào mấy tiếng, nói địa chỉ nhà bà, rồi sau đó anh ta ngất lịm luôn. Tôi chở thẳng về đây xem bà có nhận anh ta không?
Bà Ánh Hồng hốt hoảng:
- Nhận chứ. Cậu ấy ngụ ở đây mà. Anh tiếp đưa giùm cậu ta vào nhà đi. Trời ơi, sao ra nông nỗi này!
Ông lão đánh xe ngựa vừa tiếp đưa Phước vào nhà, vừa nói:
- Cái nghĩa địa này bây giờ không chôn người mới chết nữa, toàn là những mồ mả cũ nhưng nhiều ma lắm, cứ ra nhát thiên hạ hoài. Chẳng hiểu sao cậu này lại tới đó làm gì cho đến nông nổi này!
Bà Ánh Hồng hoảng sợ:
- Cậu ta tới nghĩa địa đó sao?
Ông lão lắc đầu tiếp lời:
- Tôi không tận mắt thấy cậu ấy vào nghĩa địa, nhưng vùng đó đâu có nhà ai, mà nằm trước cổng nghĩa địa thì không vào đó chứ đi đâu?
Rồi ông kể lể:
- Mà sao lúc này mấy người trẻ sao thích vào nghĩa địa quá. Mới mấy bữa trước đây có một cô gái cũng kêu tôi chở tới nghĩa địa mới bên phía đông, nơi người ta gọi là Thành phố Đợi Chờ, chẳng biết để làm gì mà tới thật sớm rồi vào đó mãi chẳng trở ra!
Bà Ánh Hồng than thở:
- Cậu này mướn nhà ở đây cùng với người yêu, sáng nay hai người đi ra ngoài và đi biệt. Tôi chờ hoài không thấy về. Bây giờ ra nông nỗi này, rồi cô người yêu ở đâu, ra sao chẳng biết?
Thấy để Phước nằm giữa phòng khách hơi kỳ, bà nhờ ông đánh xe:
- Đã giúp thì anh giúp cho trót rồi tôi trả tiền công cho luôn, anh làm ơn đỡ cậu ấy lên phòng riêng giùm.
Họ đưa Phước lên phòng trên lầu. Vừa mở cửa phòng ra thì bà Ánh Hồng đã hoảng hốt kêu lên:
- Kìa, cô Trâm!
Thì ra Ngọc Trâm đang nằm yên trên giường như đang ngủ. Vừa nghe kêu lớn, cô bật dậy ngơ ngác:
- Ủa, chuyện gì vậy bà chủ?
Chợt nhìn thấy Phước, cô thảng thốt:
- Kìa, anh!
Đang mê man, bỗng Phước choàng tỉnh, anh mở mắt ra và không nói năng gì, chỉ ôm chầm lấy Trâm, không muốn rời ra. Bà Ánh Hồng lên tiếng:
- Cô cậu đi đâu mà mỗi người một nơi! Trong lúc cậu đang lạc ở nghĩa địa, còn cô thì về đây lúc nào tôi không hay?
Nỗi bàng hoàng vẫn còn nơi nét mặt của Trâm, nhưng được hơi ấm từ vòng tay của người yêu, cô dần trấn tỉnh lại, lẩm bẩm:
- Qua rồi... qua cơn ác mộng rồi...
Bà Ánh Hồng nghe không rõ nên hỏi lại:
- Cô nói gì?
Trâm siết chặt Phước vào lòng, như sợ anh biến mất:
- Con cứ ngỡ anh ấy mất luôn rồi! Trời Phật còn thương chúng con...
Lúc này Phước mới lên tiếng:
- Có phải là... em đây không, Ngọc Trâm?
- Là em. Chính em đây!
Đúng là giọng nói của Trâm, chứ không phải xác nàng mà hồn Hồng Hạnh như trước. Phước mừng quá:
- Đúng là em rồi! Thôi, chúng ta mau rời khỏi chỗ này đi em!
Trâm nói rất khẽ đủ cho anh nghe:
- Chưa đi được. Bởi hiện nay tuy thoát được về cùng anh, nhưng em vẫn còn bị nhốt ở cõi âm. Em chưa tới số chết, nên dẫu có bị bắt hồn, em vẫn còn cơ hội đoàn tụ cùng anh, nếu anh cưới em ngay bây giờ! Hãy làm lễ cưới em đi, như vậy họ sẽ không bắt hồn em đi luôn. Hãy thực hiện đi anh!
- Nhưng họ là ai?
Nàng đáp nhanh như sợ có người nghe:
- Hai cô gái đó, anh không nhớ sao?
- Dã Lan và Hồng Hạnh.
- Đúng là họ rồi. Họ là hai chị em cùng cha khác mẹ, tình cờ yêu chung một người con trai mà người đó lại là người anh ruột lưu lạc của anh. Sau khi sát hại lẫn nhau, họ vẫn tiếp tục tranh giành người yêu. Họ gặp anh tưởng anh là người con trai ấy nên họ muốn thủ tiêu để độc quyền chiếm đoạt anh. Một trong hai người họ sắp thực hiện được tham vọng của mình, nhưng cũng may anh nhìn được bức ảnh của người anh, anh nói ra sự thật, lúc đó cô Hồng Hạnh mới hoang mang, điên tiết lên, cô ấy đánh đập vong hồn em, đuổi em đi, nhờ vậy mà em mới thoát ra được! Hãy cưới em ngay đi, có như thế họ mới để cho chúng ta yên bên nhau. Em biết chắc như vậy...
Phước quay sang năn nỉ bà chủ nhà:
- Bác giúp tụi cháu với! Bác đứng ra làm chủ hôn cho đám cưới tụi cháu, bác nhé!
Bà Ánh Hồng nhẹ gật đầu:
- Được rồi! Gì chứ chuyện này thì tôi sẵn sàng.
***
Phước và Trâm cứ nghĩ là đám cưới vội của mình chỉ là hình thức để che mắt người cõi âm và tổ chức đơn sơ thôi, nào ngờ bà Ánh Hồng đã làm thật rình rang! Ngoài một số khách riêng của bà chủ nhà lại còn có nhiều người từ Sài Gòn lên!
Hỏi họ làm sao biết chuyện mà có mặt thì hầu hết đều đáp như nhau:
- Có người điện thoại báo tin là bọn này kéo lên ngay!
Giữa buổi lễ bỗng xuất hiện hai người phụ nữ lớn tuổi mà vừa trông thấy họ, Trâm và Phước đã hốt hoảng:
- Sao... sao họ cũng có mặt!
Hai người đó là bà mẹ của Dã Lan và bà mẹ Hồng Hạnh! Họ chẳng những xuất hiện một lượt mà còn tay nắm tay, cùng bước tới trước mặt cô dâu chú rể để cùng lên tiếng:
- Chúc mừng cho hai cháu!
Phước lắp bắp:
- Sao... sao hai bác...
Bà mẹ Hồng Hạnh lên tiếng trước:
- Tụi tôi tới để đem con mình về. Bởi hai đứa nó đã hiểu, mà chúng tôi cũng hiểu: Hạnh phúc chỉ tới đúng người đáng được hưởng nó. Con chúng tôi đã yêu lầm và đưa tới một kết cục bi thảm thì phải gánh chịu. Việc lôi kéo cô cậu vào vụ này là xằng bậy, không thể được! Bởi vậy chúng nó đã quyết định từ nay trả lại những gì cô cậu vốn có. Chúng nó sẽ đi tìm người con trai kia, anh của cậu...
Phước buột miệng:
- Anh cháu đã mất tích từ lâu. Có thể cũng đã chết. Như vậy các cô ấy tìm trong thế giới cõi âm của mình ắt gặp!
Hai bà mẹ nói một câu mà cả bà chủ nhà và cô dâu chú rể đều giật mình:
- Cho chúng tôi lên đưa xác con chúng tôi về!
Họ nói xong thì đi thẳng lên lầu, vào phòng riêng của Phước và Trâm. Cả hai hốt hoảng chạy theo, cả bà chủ nhà nữa. Khi mở cửa phòng ra thì họ đều sửng sốt, bởi có hai xác chết nằm sóng đôi giữa phòng. Cả Trâm và Phước đồng kêu lên:
- Hồng Hạnh! Dã Lan!
Hai xác chết là của hai người con gái mà suốt mấy ngày qua đã gây bao phiền phức cho họ, nên giờ đây nhìn thấy sự hiện diện của họ trong phòng mình, cả hai đã hốt hoảng và quýnh lên:
- Làm sao bây giờ bà chủ?
Nhưng hai bà mẹ đã rất bình tĩnh lên tiếng:
- Không sao cả. Chúng tôi tới đây là để mang chúng về. Chúng cùng xuất hiện như vậy là chứng tỏ chúng thôi thù hận nữa rồi. Bởi dẫu sao chúng cũng là chị em ruột thịt với nhau...
Họ nói xong thì đưa tay chạm vào hai thi thể. Bỗng dưng hai cái xác vụt tan biến và chỉ còn lại trên tay mỗi bà mẹ một đóa hồng vàng và một đóa lay-ơn màu hoàng anh!
Lẳng lặng rời lễ cưới, hai bà quay lại chúc:
- Chúc cô cậu trăm năm hạnh phúc!
Rồi như sương khói, họ tan biến vào không trung...