Gánh hát Trăng Non vừa dọn đến rạp thì trời đổ cơn mưa lớn chưa từng thấy ở xứ Ngã Năm này. Ông bầu Ngọc là người rầu thúi ruột, nhìn mưa rơi như trút nước bên ngoài, lòng ông tê tái, thở dài:
- Cái kiểu này thì... húp cháo nữa rồi!
Những nhân viên trong đoàn cũng cùng tâm trạng, họ bồn chồn hỏi nhau:
- Chiều nay lấy gì nấu ăn đây?
Nghe họ nhắc, bầu Ngọc chợt nhớ là gạo nấu ăn tập thể đã hết. Tiền chợ cũng đã cạn từ chiều hôm qua, theo dự tính thì ngay sáng nay khi gánh dọn đến thì sẽ cho bán vé ngay, lấy tiền đó để đi chợ. Mà như thế này thì...
Tuy nhiên, với kinh nghiệm hơn mười năm đi hát, ông bầu vẫn lên tiếng an ủi anh em:
- Mưa lớn thế này thì sẽ mau tạnh. Chúng ta cứ chuẩn bị dượt lại tuồng, còn bộ phận quảng cáo thì chuẩn bị để khi trời ngớt mưa thì đánh trống, phát loa ngay, để khán giả biết. Nhớ nhấn mạnh là đợt này chúng ta có tuồng mới, lại có thêm đào kép ở gánh lớn chuyển về. Tôi biết khán giả xứ này nhiệt tình lắm, mà mùa vụ này họ lại mới vừa trúng lớn nữa.
Anh em trong đoàn ai cũng hy vọng lời động viên đó là sự thật, nên cùng lao vào công việc chuẩn bị. Một nhạc công lớn tuổi bảo cô đào mới Phi Phụng:
- Người ta nói tổ thường đãi người mới, vậy Phi Phụng hãy thắp nhang vái tổ và cầu thổ địa, thổ thần ở đây, xin được phù hộ.
Phi Phụng nghe lời, thành kính cúng vái. Đến mười một giờ thì mưa đột ngột ngừng, trong lúc mây đen còn đen bốn phía. Bầu Ngọc mừng quá:
- Trời còn thương chúng ta mà!
Thế là các bộ phận trong đoàn phấn khởi lao vào công việc. Loa lập tức phát vang, quảng cáo cho đoàn hát Trăng Non. Sắc mặt mọi người trong đoàn đều rạng rỡ. Cô đào Phi Phụng nghĩ là tổ đãi mình thật, nên chấp tay thầm khấn và cám ơn người khuất mày khuất mặt và sau đó cô tìm bầu gánh nói lời cám ơn ông đã ưu ái dành cho cô vai diễn lần này, để cô có dịp ra mắt bà con nơi chôn nhau cắt rốn. Bởi quê hương của Phi Phụng chính là vùng Ngã Năm này.
Ngay lúc ấy, chợt từ phòng thay quần áo của các nữ diễn viên có tiếng ngã đổ rất lớn. Ai nấy hoảng hốt chạy vào thì trong phòng không có ai, cũng chẳng có gì ngã đổ, mà chỉ có một dòng chữ bằng sơn đỏ của ai đó mới viết trên nắp rương quần áo của Phi Phụng. Người ta đọc được dòng chữ một cách dễ dàng: CẢNH CÁO CON PHI PHỤNG, NẾU MÀY LÉNG PHÉNG VỚI THẰNG BẦU GÁNH THÌ COI CHỪNG HỘC MÁU NGAY!
Mọi người nghi ngờ, đưa mắt nhìn nhau. Còn bầu Ngọc thì lên tiếng như vừa đính chánh, vừa dò xem ai là người viết:
- Chuyện bậy bạ như vầy mà cũng nói được hả? Ai là người mới viết những chữ này?
Cô đào già Ngọc Nga là người lớn tuổi nhất trong giàn đào, cũng là người được nể trọng trong đoàn quả quyết:
- Trong đoàn không ai có ý nghĩ bậy bạ này. Mà nhìn tuồng chữ cũng như màu son để viết, thì dứt khoát trong gánh mình không ai là tác giả. Mấy người xem, chữ viết rất đẹp, lại viết bằng thứ sơn mà trong đoàn mình làm gì có!
Có ai đó nói khẽ:
- Coi mấy ông thợ vẽ quảng cáo coi...
Nhưng cô đào Ngọc Nga cũng bác ngay:
- Mấy ông thợ vẽ trong đoàn vẽ bằng màu bột pha nước đã bôi xóa, còn đây là sơn dầu, mà chữ con gái, còn đám thợ vẽ của mình toàn là nam...
Phi Phụng vì mắc cỡ nên ôm mặt khóc nức nở, làm cho bầu Ngọc cũng áy náy:
- Ai mà ác nhơn như vậy có phải là gϊếŧ con nhỏ không. Tui coi Phi Phụng như em cháu, ai đi làm chuyện bất nhơn đó...
Thật ra mọi người trong đoàn đều có chung ý nghĩ là bầu gánh và Phi Phụng chưa hề có gì với nhau. Nhưng chuyện đời mà...
Buổi hát may mắn được diễn ra suôn sẻ. Nhờ trời hết mưa sớm và cũng nhờ khán giả tò mò kéo tới ủng hộ giàn đào kép mới, cho nên mới sáu giờ chiều thì vé đã bán được trên phân nửa rạp. Như vậy là thành công rồi!
Bầu Ngọc phấn khởi quá tuyên bố:
- Nếu đêm mai cũng được như vầy tui sẽ thưởng cho mỗi người một ngày lương!
Buổi diễn còn nửa giờ nữa sẽ bắt đầu. Bộ phận lo kê ghế trong rạp khi bật đèn để chuẩn bị thì tá hỏa lên khi thấy tất cả các dãy ghế đều lật nghiêng, ngã ngửa, nhiều cái chồng lên nhau như sau một trận động đất!
Chỉ có ba người trong bộ phận này, nên nhìn cảnh tượng đó họ chỉ biết dậm chân kêu trời:
- Chết rồi, làm sao dọn cho kịp giờ diễn.
Bầu Ngọc nghe báo cũng bước ra xem, ông tái mặt:
- Ai làm chuyện này vậy? Chắc chắn có kẻ muốn phá chúng ta.
Nhưng soát qua một lượt, chẳng có ai khả nghi, nên ông bầu chỉ còn biết hô hào mọi người trong đoàn, chỉ trừ đào kép đang hóa trang chuẩn bị ra diễn, còn tất cả đều phải tiếp tay nhau, cùng xếp lại băng, ghế. Cho đến sát giờ diễn thì công việc cũng tạm xong. Tuy nhiên, khi xướng ngôn viên vừa giới thiệu xong nội dung buổi diễn và cám ơn khán giả, thì một tin sét đánh lại tới: Đào chánh Phi Phụng tự dưng lăn đùng ra, miệng trào máu tươi trông thật khủng khϊếp!
Cũng may màn đầu chỉ là hoạt cảnh của các vai phụ và hài, nên buổi hát cũng phải mở màn cho đúng giờ. Bầu Ngọc sốt vó, giục mọi người:
- Mau tìm cách cứu tỉnh cô ta đi!
Nhưng thầy tuồng lắc đầu ngao ngán:
- Cổ ngất rồi thì còn cứu cái gì nữa phải đưa đi nhà thương ngay thôi!
Trong khi vài người cõng Phi Phụng ra ngoài đưa đi bệnh viện thì bầu Ngọc như ngồi trên lửa:
- Chết rồi, đâu có ai đóng thay Phi Phụng!
Chợt có cô đào phụ, tuổi cỡ Phi Phụng, lên tiếng:
- Để tui đóng thế cho!
Chính ông thầy tuồng cũng lắc đầu:
- Đây là vai chánh, mày thì chưa tập tuồng ngày nào thì diễn làm sao được mà đòi thay với thế! Kiểu này phải ra cáo lỗi với khán giả thôi ông bầu ơi!
Nhưng cô đào phụ Yến Oanh vẫn cương quyết:
- Tui nói đóng được thì cứ tin tui đi. Hãy lấy trang phục của đào chánh ra đây!
Nhìn sắc vóc của cô ta cũng không thua gì Phi Phụng, mà lại thấy cô ta nói cứng, nên bầu gánh đành phải gật đầu:
- Biết sao bây giờ...
Trong lúc ông thầy tuồng đứng ngồi không yên thì cô đào phụ Yến Oanh chừng như không hề lo lắng, cô còn nhắc ông:
- Tới đoạn người con gái trao quạt tặng người yêu ông nhớ lấy cây quạt thờ trên bàn thờ tổ đưa cho tôi nghe chưa!
Cái giọng ra lệnh đó ngay như ông bầu gánh còn không dám, chớ đừng nói là cô ta, vậy mà xem ra ông thầy tuồng không có phản ứng gì, lại còn giục mọi người đi lấy cây quạt. Đến lúc này thì ông bầu Ngọc mới ngăn lại:
- Đó là vật thờ tổ, sao lấy được?
Vừa nghe vậy cô Yến Oanh đã quay lại cự liền:
- Tui nói được, ai dám cãi!
Lạ thường thay, sau câu nói đó thì cả bầu gánh cũng im re, thậm chí không dám lắc đầu. Vừa lúc đó tới màn của vai chánh.
Yến Oanh tự tin bước ra sân khấu. Và trước sự ngạc nhiên của cả đoàn đang núp trong cánh gà, cô ta bắt đầu bằng một lớp đối đáp với nam chánh thật sôi nổi và trơn tru. Trơn tru đến nỗi ai nấy đều kinh ngạc, tưởng chừng như đó là... đào chánh Phi Phụng!
Trong rạp từng tràng pháo tay nổi lên khi Yến Oanh bắt đầu vô vọng cổ. Có thể nói về giọng ca thì cô này còn hay hơn cả Phi Phụng. Bên cánh gà chính thầy tuồng cũng phải thốt lên:
- Trời đất ơi, nó ca còn ngọt hơn Phi Phụng và giống y như... Phượng Thúy ngày nào!
Vài người khác cũng thốt như vậy:
- Phượng Thúy!
Dưới hàng ghế khán giả, ngoài vỗ tay cuồng nhiệt, nhiều người còn la lớn:
- Cô Phượng Thúy tái sinh!
Tất nhiên là bầu gánh nghe rõ hơn ai hết, nhưng lúc đó quai hàm ông ta đang bị cứng lại, người lạnh toát mồ hôi!
- Kìa ông bầu, ông có được viên ngọc quý rồi đó!
Nhưng khi nhìn lại bầu Ngọc thì họ hoảng hốt, bởi lúc ấy ông bầu đã quỵ ngã xuống chân cánh gà, hơi thở gấp như đang bị ai đó bóp cổ!
- Ông bầu! Ông bầu!
Mấy người cùng xúm lại cứu chữa, nhưng không hiệu quả gì, cuối cùng lại phải đưa ra bệnh viện.
Còn ở rạp thì khỏi phải nói, khán giả được một bữa đầy ngạc nhiên, hứng thú trước giọng ca mà họ cho là giọng ca vàng. Theo họ thì từ khi cô đào Phượng Thúy chết đi đến nay đã hơn sáu năm, thì chưa có ai ca diễn hay như cô đào nhỏ tuổi này.
Tan buổi hát, thiên hạ còn tụm năm tụm ba trước cửa rạp để bàn tán. Vài người nhìn lên bảng quảng cáo tên tuổi diễn viên đã không khỏi ngạc nhiên khi không thấy tên tuổi của Yến Oanh, chỉ có tên Phi Phụng.
Trước khi ra về họ còn hẹn nhau:
- Ngày mai ra coi nữa!
Nửa đêm hôm đó, tại bệnh viện...
Lúc bầu Ngọc vừa tỉnh lại thì vô cùng ngạc nhiên khi người nằm giường gần đó nói:
- Có cô nào đó đẹp lắm vừa tới đây gởi cho ông cái này.
Bầu Ngọc cầm xem thì thấy đó là chiếc quạt trên bàn thờ tổ! Có dòng chữ ghi trên cán quạt: Cây quạt này là của ai, nhớ không? Nếu nhớ thì từ nay chỉ để yên trên bàn thờ, không ai được đυ.ng tới, ngoại trừ Phượng Thúy!
Mới vừa hồi tỉnh sau cả giờ mê man, mà vừa đọc dòng chữ đó, bầu Ngọc phát mệt trở lại, tinh thần như bị hoảng loạn. Lát sau ông mới hỏi người bên cạnh:
- Cô ta... vô đây có nói gì nữa không?
Người kia lắc đầu:
- Chỉ nói đúng một câu lúc nãy, còn thì đứng nhìn ông một lúc và nhếch miệng cười rồi bước ra. Ở bên phòng bệnh của Phi Phụng thì chính bà lao công đang chăm sóc cho cô đào, sau lúc nửa đêm một chút, đã sững sờ khi thấy có một người mặc áo dài đen, đầu choàng chiếc khăn giống như khăn diễn trên sân khấu, bước vô phòng rồi đứng nhìn. Sau đó người ấy đưa tay lột chiếc khăn choàng ra...
- Cô... cô Phượng Thúy.
Phượng Thúy vốn là đào chánh của gánh Trăng Non từ hơn chục năm trước, do đó không một ai trong đoàn là không quen mặt. Thậm chí còn biết rõ cả dáng đi, giọng nói, tiếng cười của cô. Cho nên nhìn người trước mặt, dù đã cách xa ngót bảy năm kể từ ngày cô chết đi do một tai nạn, nhưng chị lao công cũng không thể nhìn lầm. Chị lặp lại lần nữa:
- Cô Phượng Thúy còn nhớ tui không? Tui là Năm Lài nè!
Nhưng trước sau gì người đứng kia vẫn im lặng, mắt thì nhìn chòng chọc vào chỗ Phi Phụng nằm. Chị Năm Lài chợt hiểu, bắt rùng mình:
- Cô... cô Phụng đang còn mê man... xin cô...
Phượng Thúy chợt phá lên cười, giọng cười nghe lạnh cả người, làm cho những người ở phòng bên cạnh cũng giựt mình. Chị lao công hơi run vì sợ, nhưng dường như hai chân đã mềm nhũn, không nhúc nhích được, đành ngồi im.
Phượng Thúy bước tới gần bên giường bệnh nhân, rồi bất thần vung tay lên, chụp xuống ngay giữa ngực Phi Phụng. Không nghe tiếng kêu la nào hết, cùng lúc Phượng Thúy quay bước ra cửa, mất dạng...
Đến lúc này Năm Lài mới hoàn hồn, chạy lại chỗ Phi Phụng, cứ sợ cô ta bị nguy sau cú chụp vừa rồi. Tuy nhiên, trước sự ngạc nhiên của chị, Phi Phụng bật ngồi dậy, người tỉnh táo như lúc chưa bệnh, lại cất tiếng hỏi:
- Chị ấy đi rồi hả?
- Cô nói ai?
- Chị Phượng Thúy!
- Lúc nãy cô biết?
Phi Phụng thuật chuyện:
- Tui thấy rõ chị ấy đến bên tôi và nói rằng đáng lẽ chị ấy đã gϊếŧ tôi, bởi tôi dan díu với ông bầu, nhưng nghĩ lại thấy tôi chỉ là nạn nhân, nên tha cho. Chị nói chỉ trị tội ông bầu thôi...
Năm Lài nhẹ thở dài, nói chỉ mình Phi Phụng nghe:
- Chị đã theo gánh này từ hồi ông bầu Ngọc còn là kép phụ của đoàn. Khi ấy cô Phượng Thúy là đào chánh, được mọi người ái mộ theo đuổi, trong đó có anh kép Thế Ngọc mà bây giờ là bầu Ngọc, nhưng cô Thúy chỉ thương có mỗi anh kép chánh Trọng Tài. Ỷ mình có gia đình giàu có hơn, nên Thế Ngọc bắt ép Phượng Thúy phải yêu mình, nếu không sẽ nói với cha mình, lúc đó là bầu gánh, sẽ sa thải ngay! Dĩ nhiên là cô Thúy cự tuyệt và vì vậy...
Chị ta kể tới đó thì ngừng lại, tỏ vẻ ái ngại, không dám nói nữa... Phi Phụng phải năn nỉ:
- Chị làm ơn nói cho em nghe đi, em muốn biết để còn tránh những sai lầm...
Năm Lài ngập ngừng một lúc rồi tiếp:
- Một đêm mưa gió lớn, khi vừa dứt buổi hát, cô Phượng Thúy vội vã che dù đi ra ngoài, mà ai cũng biết là cô đi hẹn với kép Trọng Tài, mà chỗ hẹn của họ là ở bên kia sông. Khoảng vài giờ sau đó, có người chạy về đoàn báo tin rằng chiếc xuồng mà cô Phượng Thúy đi qua sông đã chìm ở giữa dòng! Người ta tức tốc bơi xuồng ra, rọi đèn tìm kiếm, nhưng không thấy Phượng Thúy đâu. Qua ngày hôm sau thì mới vớt được xác cô Thúy lên và người ta phát hiện chiếc xuồng Phượng Thúy thường dùng đã bị thủng một lỗ lớn ở phía sau lái. Đã có nhiều nghi vấn về chuyện chiếc xuồng lủng, nhưng rồi mọi việc cũng trôi qua, do ông bầu gánh không muốn làm lùm xùm sẽ có ảnh hưởng đến đoàn hát.
- Vậy sao từ lúc em vô đoàn đến nay không hề nghe ai nhắc tới tên cô Phượng Thúy?
Năm Lài nói khẽ hơn:
- Ông bầu cấm, nên đâu ai dám nhắc.
Phi Phụng ngạc nhiên:
- Sao lại cấm? Hay là giữa họ đã có...
Năm Lài đưa tay bụm miệng Phụng mà không kịp, nên lo lắng:
- Em còn muốn yên thân thì đừng có nói lôi thôi nữa. Mình còn theo nghề này thì chỉ muốn sao có được miếng cơm...
- Nhưng...
- Chị đã nói rồi mà! Theo chị, em được hồn cô Phượng Thúy nói như vậy là em không sao rồi. Nè, em biết không nghe nói mấy người sống chết oan thường linh lắm, họ mà trả thù thì...
Chị ta ngừng lại, suy nghĩ gì đó một chút rồi mới tiếp, vẻ nghiêm trọng hơn:
- Chị nhớ ra rồi, lâu nay, có đến sáu bảy năm rồi, kể từ ngày kép Thế Ngọc lên thay cha làm bầu gánh thì chưa bao giờ đưa đoàn về diễn ở đây, không hiểu sao lần này ổng lại...
Phi Phụng thắc mắc:
- Sao vậy? Xứ này thích coi hát lắm mà?
Năm Lài chứng tỏ mình rành nhiều chuyện, nên lại không giữ miệng được:
- Chị không giấu em, chính nơi đây, ở con sông này là nơi Phượng Thúy đã bị chìm ghe chết. Từ nào đến giờ đoàn không về đây thì không có chuyện. Nay vừa mới về đã xảy ra rắc rối thế này. Đúng hồn ma cô Phượng Thúy đã kiên nhẫn chờ bao lâu nay để trả thù đây mà!
Rạng sáng hôm sau thì người trong bệnh viện phát hiện bầu Ngọc trốn đi đâu mất. Ông ta không trở về đoàn sau khi tỉnh lại, mà lại một mình bơi xuồng ra giữa dòng sông và... gieo mình xuống đó! Dẫu là người biết bơi, nhưng chẳng hiểu sao ông bầu lại chìm sâu rồi không trồi lên... Cho đến hai ngày sau người ta vớt được xác ông ngay tại nơi Phượng Thúy được vớt ngày trước. Oan oan tương báo chăng? Cả đoàn hát rúng động, tính nghỉ hát sau cái chết của ông bầu, tuy nhiên chính cô đào đóng thế vai Yến Oanh lại quyết định:
- Ta phải tự cứu mình bằng cách tiếp tục diễn sẽ có vong hồn cô Phượng Thúy giúp đỡ, lo gì...
Nghe kỹ ra thì giọng nói của Yến Oanh lúc ấy không phải là chính giọng của cô, mà là của... Phượng Thúy! Cô đào Chánh đã nhập vào Yến Oanh để gián tiếp lèo lái đoàn hát. Và cũng chính cô mấy đêm trước đã ứng vào để Yến Oanh diễn xuất thần vai chính bất đắc dĩ!
Gánh hát Trăng Non vẫn tiếp tục sống với hình thức tập thể. Người nhà của bầu Ngọc được chia phần sòng phẳng, số còn lại anh chị em trong đoàn chia nhau. Nhờ vậy cuộc sống của họ được khấm khá hơn, không khí trong đoàn hòa đồng, vui vẻ hơn trước rất nhiều. Ở hậu trường đoàn hát lúc nào cũng có bàn thờ cô đào Phượng Thúy với khói hương không lúc nào ngưng...