Tại thôn An Lý có một ngôi nhà hoang, đã vắng người hàng chục năm rồi mà chẳng thấy ai là chủ tới viếng thăm. Người trong vùng đồn ngôi nhà đó có ma, nên càng cho thiên hạ thêm sợ và lánh xa.
Vậy mà vào một đêm đầu mùa đông, lại có một anh chàng xách chiếc túi cũ, đi bộ vào ngôi nhà tối đen như mực. Anh ta dò từng bước, đi tới đâu, lũ dơi hoang đang bám trên trần nhà bay ra ào ào. Nếu Ià người khác thì sợ hết vía, nhưng anh chàng này thì lại bật cười và lẩm bẩm:
- Chắc ai cũng tưởng tao sợ chúng mày, hóa ra tụi bay lại sợ tao phải bỏ chạy!
Anh ta có vẻ thích thú chuyện những con dơi vỗ cánh bay đi. Nhưng thích nhất là khi anh ta bật diêm quẹt lên soi sáng cả một vùng, thì Ioài côn trùng, rắn rết thi nhau chạy thục mạng!
- Tao lại chiến thắng!
Tìm được một số que nhỏ, anh ta gom lại thành một bó, như cách người ta làm đuốc, rồi châm lửa to lên. Lát sau, ánh sáng từ cây đuốc tự tạo đó đã giúp cho căn phòng rộng đầy bụi và mạng nhện đã có vẻ ấm cúng hơn. Anh chàng lại tự nói:
- Có thế chứ!
Dùng mấy tấm bìa cũ rơi vãi dưới đất Iàm chổi, anh ta quét nhanh một vùng to hơn chiếc giường. Cả lớp bụi dày, nhờ bóng đêm nên không thấy bụi bay lên, nhưng hít vào khiến anh ta phải hắt hơi liền mấy cái. Tiếng hắt hơi mạnh lại một lần nữa khiến lũ dơi còn lại bay ra loạn xạ, có con bay vèo qua mặt, suýt nữa đã đập vào mắt anh ta.
- Bay hết đi, ông mày nghỉ ngơi cho yên tĩnh!
Lát sau, không khí trong phòng trở lại yên ắng đến lạ thường. Để nguyên cả quần áo, giày và chiếc mũ lụp xụp trên đầu, anh chàng ngã lưng đại xuống nền nhà, lấy chiếc túi cũ làm gối. Thế là anh ta có một chỗ nghỉ ngơi tuyệt vời!
Cây đuốc tự tạo chỉ cháy được khoảng mười lăm phút thì tàn. Ánh sáng yếu dần đi và đến lúc nó tắt phụt, trả căn phòng về với bóng tối cố hữu của nó. Nhưng đâu hề gì, bởi anh chàng ta đã thở đều đi sâu vào giấc nồng. Có thể do anh ta đi đường xa quá quá mệt, hoặc cũng có thể do có chút hơi men trong người.
Lúc gần sáng, bỗng nghe có tiếng cự cãi giữa hai người, một nam một nữ. Đầu tiên là tiếng của anh ta.
- Yêu cầu cô đi chỗ khác, nơi đây là của tôi.
Giọng nữ không vừa:
- Ai nói nơi đây là của anh? Anh có biết ngôi nhà này đã bỏ hoang từ bao giờ không? Nó hoang tàn lúc nào thì tôi có mặt từ lúc ấy. Nó là chỗ của tôi!
- Không đúng. Nhà hoang là nhà vắng chủ, vậy ai xí được chỗ nào thì là của người ấy! Cô cần chỗ ngủ thì hãy đi tìm phòng khác, tôi đang ngon giấc tại đây, không chuyển đi đâu cả!
- Anh biết đang nói chuyện với ai không? Anh còn muốn sống nữa không?
Một tràng cười phát ra, cùng với câu nói dứt khoát của anh chàng ngông cuồng:
- Sống cũng được, mà chết cũng đâu có sao.
- Anh...
Giọng người nữ chợt dừng lại. Rồi một lúc sau, không còn nghe tiếng cãi vã nữa. Chỉ có những tiếng động đậy và thì thầm rất lạ tai. Việc này kéo dài cho đến khi gà gáy rộ.
Sáng, trong lúc anh chàng lãng tử còn đang ngủ say như chết thì có một người bước vào phòng. Đó là một lão nông. Ông ta ngước nhìn lên trần nhà rồi buộc miệng:
- Trúng to rồi.
Thì ra ngay trên đầu ông ta có giăng một tấm lưới to và trong lưới có nhiều con dơi mắc kẹt, đang cất tiếng kêu chí chóe.
- Sao bữa nay lũ dơi này lọt bẫy nhiều dữ vậy cà?
Thì ra lão ta là người giăng tấm lưới thưa kia, nhầm bắt đàn dơi khi chúng vô tình bay ra bay vào ngôi nhà này. Bữa nay tha hồ cung cấp tiệm bán cháo dơi. Lũ dơi toàn con mập. Lão ta đặt chiếc giỏ mang theo xuống đất, chuẩn bị gỡ tấm lưới xuống. Vừa lúc ấy, lão ta phát hiện có anh:
- Ai vậy?
Tiếng hỏi của lão khá lớn khiến anh chàng đang ngủ giật mình. Anh ta nheo mắt nhìn lên, phần thì bị ánh sáng chiếu vào, phần mới vừa tỉnh ngủ, nên phải mất hơn chục giây anh ta mới cất tiếng hỏi:
- Ông là ai vậy?
- Tôi hỏi cậu là ai mà dám vào đây ngủ?
- Có gì mà không dám!
Anh ta vừa trả lời vừa bật ngồi dậy. Bỗng anh ta ngơ ngác hỏi:
- Người của tôi đâu rồi?
Ông già bắt dơi hỏi lại:
- Còn có người khác nữa sao?
- Có chứ. Nàng ngủ với tôi suốt đêm rồi. Mới đây mà...
Lão già xẵng giọng:
- Thì ra tụi bay là thứ mèo mả gà đồng, dẫn nhau vào đây làm bậy phải không?
Gã kia trợn tròn mắt:
- Ông chửi ai vậy?
- Cậu đó. Cậu dẫn gái vào đây phải không?
Anh chàng phát cáu:
- Dẫn gái thì sao? Nhà này của lão chắc?
Thấy thái độ trịch thượng của anh ta, ông lão cũng nổi nóng:
- Nhà của tao, được chưa!
Chẳng ngờ anh ta lại tưng tửng:
- Có nhà sao không ngủ giữ, lại để cho lũ dơi và rắn rết làm ổ?
- Tại vì... tại...
Thấy lão ta ấp úng, anh chàng lại cố tình trêu chọc:
- Nếu muốn tìm chỗ nghỉ chân thì tôi nhường cho căn phòng bên trái đó, vào dọn dẹp đi, tránh chỗ để quan anh ngủ thêm chút nữa, rồi sáng mai dậy ta sẽ mời đi ăn cưới!
Nghĩ mình gặp một tên tâm thần, nên lão già nạt ngang:
- Im đi, để người ta làm việc!
Lo bắc chiếc ghế cũ đứng lên và gỡ từng con dơi cho vào giỏ. Anh chàng kia có ý theo dõi, cuối cùng phát hiện ra việc bắt dơi ngộ nghĩnh của ông ta, anh không còn nói ngang nữa:
- Thì ra bác giăng bẫy. Vậy mà nãy giờ không nói. Cháu xin lỗi.
Anh ta thích thú với công việc nên vội đứng lên phụ một tay. Lão già cũng không còn gay gắt nữa, lại hỏi:
- Cậu là người đâu tới đây, sao lại dám ngủ chỗ này?
- Cháu ở xa, đi bộ hàng chục cây số, vào tới đây thì trời tối, tiện thấy chỗ này vắng nên ngã lưng đại.
- Thì ra là vậy. Nhưng Iúc nãy cậu nói còn có ai nữa?
Anh chàng tính kể thật, nhưng kịp nghĩ lại nên nói khác đi:
- Cháu chỉ đùa..
Ông lão chợt cười:
- Hỏi chơi vậy chứ tôi thừa biết con gái nào dám theo trai vào chốn này.
Khi bắt hết số dơi dính bẫy, lão hỏi:
- Cậu có muốn lấy ít dơi làm thịt nấu cháo không?
Anh chàng cười ngất:
- Cháu trên răng dưới... quần đùi thế này lấy gì nấu nướng.
- Rồi đây cậu đi đâu?
Anh ta lại phá lên cười:
- Có lẽ cháu sẽ ở lại đây một thời gian.
Lão già lắc đầu liền:
- Đâu có được! Cậu chưa biết, chứ nơi này...
Lão ngại nên không nói tiếp. Nhưng anh chàng thì hầu như đoán được, anh ta tiếp liền:
- Bác muốn nói tới ma chứ gì? Vậy thì cháu gặp rồi. Gặp ma nữ nữa kìa!
- Cậu đừng có đùa. Người vùng này chưa một ai ngoài tôi dám vào đây, chứ đừng nói là ăn nói bạt mạng như cậu. Không nên đâu...
Trước khi ra về, lão còn dặn với lại:
- Tốt hơn hết là cậu nên tìm một chỗ nào đó mà ở. Nơi này không phải dành cho người .
Anh chàng không đáp, chờ lão đi khuất rồi lại nằm xuống ngủ tiếp. Cả anh ta và lão già lúc nãy cũng không để ý, ngay bên cạnh chỗ anh chàng nằm có một tấm khăn lụa màu lục, còn rất mới, đang nằm vắt vẻo ở đó. Chiếc khăn chắc chắn là của một nữ nhân, mà phải là người sang trọng!
Chuyện ngôi nhà hoang có người lạ đến cũng chẳng mấy chốc đã loan truyền ra khắp xóm. Cho đến trưa hôm đó thì từ ngoài vòng rào đã có rất đông người tụ tập xem kẻ to gan.
Trong khi đó, anh chàng kia vẫn không hay biết gì, cứ ngủ li bì. Nhiều người bàn nhau:
- Chuyện này phải đi trình báo mới được, biết đâu là...
Người khác lại nói:
- Nếu là kẻ gian thì không vào đó mà nằm ngủ! Ắt là kẻ tâm thần.
Người ta đứng đợi mãi mà không thấy gì thì cũng chán, nên lần lượt ra về. Người còn lại sau cùng chính là ông lão bẫy dơi đêm qua. Ông ta đợi cho mọi người đi hết mới lẻn vào bên trong. Đó cũng là cách vào nhà thường khi của ông ta.
Đi vòng ra phía cửa hông, thay vì đi cửa trước như lệ thường, ông lão nhấc một cánh cửa gỗ ngụy trang ra, rồi chui tọt vào bên trong. Đã rành đường đi, nên lão đi trong bóng tối không có gì khó khăn. Lát sau thì vòng ra tới căn phòng lớn mà ông ta đã gặp chàng trai. Không bật đèn, lão ta chỉ nhẹ đẩy một cánh cửa sổ ra, ánh sáng lọt vào khiến căn phòng sáng lên soi rõ mọi vật.
- Cậu...
Ông ta kêu lên kinh ngạc, khi thấy trước mặt mình là anh chàng kia đang nằm ngủ, nhưng trong vòng tay lại đang ôm một con chó. Đúng hơn đó là một con chó rừng...
- Cậu...
Ông ta chưa kêu hết tiếng thứ hai thì đã ngã lăn ra.
Trong lúc mọi người còn đang xôn xao bên ngoài với đèn đuốc sáng choang, thì ở bên trong có người nói:
- Tôi đây này, mọi người kêu gào gì dữ vậy?
Đám người tụ tập kia với mục đích đi tìm ông lão bắt dơi. Sau khi ông ta vào đó cả ngày không thấy ra! Vừa nghe tiếng người thì mọi người mừng rỡ:
- Ông Năm Lành kìa!
Ông ta bước thẳng ra cổng ngôi nhà hoang trước sự ngạc nhiên của mọi người. Họ hỏi dồn:
- Sao ông ở cả ngày trong đó vậy, làm cả nhà ông chạy tìm nháo nhác.
Ông già chỉ tay vào trong:
- Để cho người ta nghỉ ngơi!
Mấy người kia quá đỗi ngạc nhiên:
- Ai trong đó?
Ông ta đáp tỉnh bơ:
- Thì khách lạ!
- Nhưng mà...
Ra dấu cho mọi người đừng gây ồn, Năm Lành leo rào ra ngoài rồi mới nói:
- Đó là người tốt, tôi phải giúp cậu ta làm một chuyện trọng đại cái đã...
Trước những câu nói kỳ lạ của ông ta, nhiều người không thể tin được, đã phải cầm tay lão lay mạnh, như sợ lão bị mê sảng. Nhưng Năm Lành rất tỉnh táo:
- Tôi không bị gì đâu! Chỉ có điều ta phải giúp con người đó. Anh ta sắp lấy vợ!
Câu nói đó càng làm cho mọi người ngơ ngác thêm.
- Ông Năm nói rõ đầu đuôi coi!
- Thì nói rồi, người này mời chúng ta ăn đám cưới vào tối mai. Vậy bà con về đi, không có chuyện gì đâu.
Đời nào mọi người chịu nghe, họ cứ hỏi mãi:
- Ông gặp ai trong đó? Sao lúc nãy ông nói có người tâm thần, rồi bây giờ lại nói đám cưới là sao?
Lão Năm Lành vẫn bình tĩnh:
- Có gì đâu, biết được đó là người đang hoàng nhưng nghèo, họ cần mình giúp thì cứ giúp thôi!
Phải mất gần nửa giờ sau, ông ta mới kể được rành mạch.
- Đó là một anh chàng ta xa tới, anh ta gặp được một người phụ nữ cùng cảnh ngộ nên thương, và họ ngỏ ý sống cùng nhau, cho nên vừa rồi khi tôi vào gặp họ thì họ chính thức nhờ tôi đứng chủ hôn cho họ. Đám cưới tổ chức ngày mai.
Có người cười to:
- Làm đám cưới trong ngôi nhà hoang, chắc là cưới ma!
Năm Lành lừ mắt nhìn anh ta:
- Đừng nói bậy mà mang tội và... và...
Lời Năm Lành chưa dứt thì tự nhiên gã kia trợn trừng đôi mắt rồi há hốc mồm như hình nộm. Mặt người lay gọi nhưng anh ta đã chết đứng, không cử động được.
- Ông Năm, coi thằng Tình sao kìa.
Năm Lành thở dài:
- Tôi đã nói rồi, chuyện này đâu phải chuyện đùa.
Ông vỗ lên vai anh chàng kia một cái, tự dưng anh ta cử động được, rồi tự nhiên vùng bỏ chạy như ma đuổi. Ông Năm lắc đầu bảo mọi người:
- Mọi người cứ nghe tôi, chuyện gì giúp được ta cứ giúp.
Rồi ông căn dặn từng người, ông ta nói:
- Mọi người về đi, rồi tối mai đúng tám giờ tới đây để dự lễ cưới. Nhớ có quà gì mang theo quà nấy, giống như trong đám cưới bình thường.
Chẳng hiểu sao mọi người lại răm rắp nghe theo. Không mấy người tin đó là chuyện thật, nhưng cũng theo lời Năm Lành, tối hôm sau họ tề tựu về ngôi nhà hoang dự đám cưới.
Tối hôm ấy mọi việc diễn ra là thật! Ngôi nhà hoang đang tối sầm, bỗng đèn đuốc nổi lên sáng choang, tiếng nhạc vang lừng!
Mọi người lũ lượt kéo vào cổng ngôi nhà hoang, chẳng biết do ai mở cổng mà sự đi lại được dễ dàng như có gia nhân. Khi vào nhà, họ ngạc nhiên vô cùng khi nhìn thấy gian đại sảnh của ngôi nhà lộng lẫy như một tư thất của đại phú hào! Có người chưa tin lắm, hỏi người bên cạnh:
- Thật không vậy?
Anh ta vừa mở miệng thì đã bị ngay một cái tát nảy lửa vào một bên má! Anh ta kêu lên:
- Sao đánh tôi?
Lại một cái tát nữa má bên kia. Lần này, những người đứng gần đều không một ai có hành động nhấc tay lên, nên chắc chắn không phải là họ đánh. Anh chàng bị đánh có lẽ hiểu mình bị trừng phạt vì câu hỏi ngớ ngẩn vừa rồi, nên sợ thất thần, lặng im như thóc!
Vừa lúc đó, người ta nhìn thấy một thanh niên trẻ, quần áo chỉnh tề, đi bên cạnh một mỹ nữ, bước ra đứng giữa nhà. Tất cả đều buột miệng khen:
- Đẹp đôi quá!
Lời khen thì không sao, nên mọi người không ngớt tán tụng nhan sắc cô dâu. Năm Lành trở thành người chủ hôn, ông ta khăn đóng áo dài nghiêm chỉnh, dõng dạc tuyên bố.
- Hôm nay là ngày trọng đại của chú rể Bá Thông và cô dâu Thùy Hương. Nào, chúng ta cùng nâng ly chúc mừng.
Lạ một điều là trên tay mọi người đều cầm một ly đầy rượu. Họ cùng cụng ly mà không dám chần chờ.
Có cả một toán nữ vũ công vừa xuất hiện. Họ nhảy múa thật vui. Trong phút chốc đã vây quanh cô dâu chú rể, kéo họ cùng xoay tròn theo tiếng nhạc chẳng biết vọng ra từ đâu, nhưng nghe rất gần và rất lạ tai.
Đám cưới kỳ lạ kéo dài đến canh hai mới chấm dứt. Đèn trong nhà tắt dần.
Mọi người lần lượt kéo nhau ra về. Tuy nhiên, vẫn còn vài người do quá tò mò đã lén nán lại, nấp vào cửa tiếp tục nhìn xem.
Họ vừa nhìn thấy cô dâu chú rể kéo nhau vào phòng riêng thì bỗng tất cả bọn họ đều ngã lăn ra hôn mê...
Ngày hôm sau, khi lý trưởng và một số dân làng vào ngôi nhà hoang thì chỉ còn thấy một cảnh hoang tàn như nó vẫn có. Giữa gian phòng chỉ còn lại duy nhất một bộ hài cốt!
Cùng đi theo đoàn người còn có một vị đạo sĩ. Ông được thỉnh tới từ một ngôi chùa nổi tiếng cách đó không xa. Hòa thượng Chơn Thiện.
Ông nhìn kỹ bộ hài cốt một lúc rồi thở dài:
- Ta chậm quá rồi. Người đàn ông đó đã chết!
Có người hỏi:
- Thầy nói ai?
Nhà sư lại thở dài:
- Tội nghiệp anh chàng lang thang nào đó, do số đã tận nên lọt vào đây mà không may gặp phải lũ yêu tinh này. Chúng đã hại chết cậu ta.
Năm Lành lúc đó đã tỉnh táo, nói như người đồng lõa:
- Biết cậu ta bị oan hồn sai khiến mà tôi không làm được gì cứu, trái lại còn bị sai khiến...
Vị đạo sĩ nhân từ:
- Không trách ông đâu. Ông không bị hại đã là may rồi.
Nhà sư Chơn Thiện nói tiếp:
- Mọi người hãy theo tôi ra ngoài này sẽ rõ.
Ông tới bên bức tường vòng rào ngoài của ngôi nhà, dùng gậy cày xới lớp đất, lát sau nơi đó ló ra một bộ xương trắng. Vừa trông thấy, mọi người đã kêu lên:
- Xương người!
Nhưng nhà sư đã lắc đầu:
- Không phải xương người đâu, xương chó đó. Và đây chính là nguyên nhân của sự việc...
Ông còn chỉ tay ra ngoài:
- Ngày xưa nơi đây là một nghĩa địa. Người chủ ngôi nhà này không xem kỹ đã xây ngôi nhà trên nền nghĩa trang hoang phế đó, nên từ lúc xây xong đã không ở được, nên đành phải bỏ hoang. Chỉ vì cái bộ xương này.
Ông dừng lại như nén xúc động, sau đó mới tiếp:
- Ngày xưa, có lẽ cách đây đã hơn ba mươi năm, một hôm có một đám đưa dâu đi ngang qua đây về nhà chồng bên kia thôn xóm, khi đấy vùng này còn hoang vu lắm, nên hùm beo thú dữ rất nhiều. Và bi kịch đã xảy ra, kiệu hoa cô dâu bị một đàn linh cẩu tấn công. Chúng xé xác cô dâu ra rồi chia nhau ăn thịt. Cô gái đó chết oan, nên hồn phách cứ lang thang đâu đó... Và có lẽ vì còn vương vấn người chồng còn lại chốn trần gian, nên vong hồn cô gái cứ lẩn quất quanh đây, đêm đêm đi tìm đàn ông, mà cô nghĩ đó là chồng của mình! Ngôi nhà hoang này là nơi chốn cô ta nương thân và chờ đợi. Chẳng may cho anh chàng xấu số này, khi anh ta vào đây và ngủ lại...
Nhà sư ngừng kể, đứng lên và bảo mọi người:
- Sau khi bắt được hồn anh chàng tội nghiệp kia đi, thì coi như mọi chuyện kết thúc. Từ nay oan hồn cô gái kia sẽ chẳng còn quấy phá ai nữa đâu. Thôi, mọi người hãy về đi...
Ông đi trước, mọi người cũng ùn ùn đi theo, bởi chẳng một ai can đảm nán lại. Họ rùng mình khi nhớ lại hình dáng bộ xương nằm chỏng chơ giữa nhà của chàng trai tội nghiệp! !
Giữa trưa hôm đó, chẳng hiểu sao tự dưng ngôi nhà hoang bốc cháy dữ dội. Chẳng một ai dám tới cứu chữa. Mà thật ra họ cũng muốn thiêu hủy những gì còn lại của một bi kịch...